Kinh nghiệm trừ ma túy ở một khu phố Sài Gòn

Thứ Tư, 28/04/2010, 11:15
Từ năm 2005 trở về trước, khu phố 4 (phường 6, quận 8, TP HCM) là một trong những điểm nóng về tình trạng hút chích. Nhờ lãnh đạo các cấp làm mạnh mà nạn ma túy được đẩy lùi, 4 năm qua địa phương không phát sinh con nghiện mới nhưng không vì thế mà bóng ma của nàng tiên nâu bị xóa bỏ. Nó vẫn hiện hữu, vẫn làm nhói lòng người với những bi kịch gia đình khôn tả…

Là người từng rất xông xáo trên mặt trận chống nàng tiên nâu tại địa phương, ông Trần Hữu Khanh, Trưởng ban Vận động khu dân cư khu phố 4 cho biết, không chỉ gây mất an ninh trật tự và tự hủy hoại nhân cách, thân xác của chính mình, nhiều "đệ tử" nàng tiên nâu dẫu đã trở thành người thiên cổ vì sốc thuốc, vì căn bệnh thế kỷ chuyển sang giai đoạn cuối nhưng vẫn để lại vô số nỗi đau cho những người thân yêu.

Ông cung cấp cho chúng tôi vài thông số hãi hùng: "Lúc cao điểm nhất địa phương có đến 27 con nghiện có tuổi đời còn rất trẻ và hiện có gần phân nửa số này trở thành hồn ma. Có gia đình chỉ trong 3 năm phải làm đám tang cho 3 đứa con là anh em ruột còn đang tuổi xuân nhưng thân xác tàn tạ, chết do tiêm chích ma túy vì có HIV chuyển sang AIDS".

Số người nghiện ma túy ở khu phố 4 theo ông Khanh gồm nhiều độ tuổi, gồm nam lẫn nữ, thậm chí có người dẫu con cái trưởng thành cũng vướng vào làn khói đê mê chết người. Dừng chân trước nhà số 1795/2 ở tổ 40, trên đường Phan Ngọc Hiển, ông Khanh thở dài: "Nơi này trước đây từng rộn vang tiếng cười nhưng từ năm 2000 lại đây thì đẫm nước mắt vì có đứa con trai là Phạm Ngọc Tùng, 28 tuổi, là đối tượng nghiện nặng". Tùng là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh em, bố mẹ có cơ sở làm ăn khá ổn định, nhân thân tốt. Do bị bạn bè xấu rủ rê mà từ ngoan hiền Tùng trở thành con nghiện vô phương cứu chữa.

"Bực mình vì thằng con hư liên tục thề thốt sẽ cai nhưng sau đó hút chích ngày càng nặng hơn nên bố mẹ Tùng đã ráp cửa sắt nhốt nó trong nhà để cách ly với đám bạn. Sau gần nửa năm áp dụng biện pháp mạnh, tin tưởng con đã thoát khỏi nàng tiên nâu nhưng khi đưa đến trạm y tế test (kiểm tra) thì cha mẹ thằng Tùng suy sụp vì nước tiểu của nó có phản ứng dương tính. Hỏi ra mới biết trong thời gian bị quản thúc tại gia, thằng bé thọc tay qua cửa sắt cho đám bạn tiêm thuốc. Được chúng tôi động viên, bố mẹ Tùng đưa nó đi cai nghiện dạng bắt buộc. Sau 5 năm ở trường cai nghiện, nó trở về tái nghiện và tham gia một vụ cướp để có tiền phê thuốc. Sau đó nó bị bắt, bị kết án tù và chết trong ấy do căn bệnh HIV/AIDS bộc phát. Đau buồn quá nên bố mẹ Tùng bán nhà đi biệt xứ".

Ông Khanh đang kể lại cho PV nghe những trường hợp nghiện hút ở địa phương.

Ở khu phố 4, có rất nhiều gia đình vì con em vướng vào ma túy chết thảm, để bảo vệ những đứa con còn lại hay vì quá đau buồn mà nhiều người trong họ phải bán nhà bỏ đi biệt xứ, hoặc chuyển sang nơi khác sinh sống như trường hợp của gia đình Phạm Ngọc Tùng. Nhức nhối nhất là tình cảnh cùng cực của ông Nguyễn Tý, 65 tuổi, ở số nhà 1817/21 tổ 39. Vợ chồng ông sinh được 7 đứa con gồm 4 trai, 3 gái. Con đông nhưng nhờ gia đình có cơ sở kinh doanh gặp thời nên đời sống kinh tế khá vững vàng.

"Khoảng năm 2000, khi cơn bão hút chích tràn về khu phố, đứa con trai đầu của ổng sa đà và sau đó chính nó rủ rê 2 em trai vào vòng đê mê chết người. Cũng từ đó sản nghiệp bao nhiêu năm vợ chồng ky cóp dành dụm tan theo làn khói trắng của 3 đứa con nghiệp ngập. Do chích chung kim tiêm với nhiều đối tượng nghiện nơi đầu đường xó chợ nên cả 3 anh em nó vướng căn bệnh HIV/AIDS".

Khẽ thở dài, ông Khanh giọng xót xa: "Giữa năm 2004, thằng anh phát bệnh chết. Tháng 8 năm ấy đến lượt thằng em kế. Đến đầu năm 2007 thì thêm một đứa nữa thành người thiên cổ. Đau buồn quá, sợ mất đứa con trai cuối cùng vì lưỡi hái tàn bạo của nàng tiên nâu nên vợ chồng ông Tý bán nhà và nay sống ở đâu không rõ".

Xuyên suốt "chảo lửa" ma túy một thời, bên cạnh những bi kịch "con chết - cha mẹ bán nhà", chúng tôi còn ghi nhận những trường hợp chồng nghiện, có HIV rồi lây bệnh cho vợ để rồi cả hai vợ chồng cùng chết vì AIDS, để lại những đứa con thơ cho người mẹ già ở tuổi gần đất xa trời phải vật vã với gánh nặng áo cơm.

"Những đứa nghiện hút chết rồi vẫn chưa hết tội bởi chúng để lại đến vô số nỗi đau không biết khi nào mới nguôi", ông Khanh đưa chúng tôi ra sau nhà, nơi có bà Nguyễn Thị Lời đang sống mỏi mòn, khóc hết nước mắt vì xót thương cho đứa cháu nội tên Nguyễn Văn Hùng, có HIV do "cha hắn hút chích lây bệnh cho vợ, năm 2004 hắn chết, 2 năm sau vợ hắn cũng qua đời". Trước khi chết, người vợ của Hùng bảo bà Lời đưa cháu nội đi xét nghiệm. "Làm đám tang cho nó xong, thím đưa thằng nhỏ đến trạm y tế và rụng rời khi được các anh chị y bác sĩ báo tin cháu bị nhiễm bệnh!".

Ở cách đấy vài mươi bước chân, bà Nguyễn Thị Hồng cũng có con trai và con dâu "chết vì nghiện chuyển ết", nói trong nước mắt: "Con tôi tên Tiến, sinh năm 1968. Vợ chồng nó chết để lại cho tôi 2 đứa cháu nội, cũng may là cả hai không bị nhiễm bệnh". Bà cụ vừa bước qua tuổi 80, thở than: "Tôi sắp gần đất xa trời, sợ mai này mình đi rồi, không biết hai đứa nhỏ sẽ ra sao!".

Trời tối dần, chúng tôi rời khu phố 4 với những nỗi niềm ưu tư của ông Khanh: "Tuy tệ nạn ma túy ở khu phố đã cơ bản được bài trừ nhưng không vì thế mà những nỗi đau và "bóng ma" biệt dạng. Khu phố hiện có 10 em hồi gia và chúng tôi cùng các anh Công an đang giám sát các em này để tránh trường hợp các em bị bạn bè xấu rủ rê tái nghiện. Nhưng muốn thật sự đoạn tuyệt với ma túy, đòi hỏi nhiều ở quyết tâm làm lại cuộc đời của các em. Mà điều đó thì khó nói trước được lắm!"

Thành Dũng
.
.
.