Kiên cường “Căn cứ lõm K20”

Thứ Tư, 15/04/2015, 10:30
“Căn cứ lõm K20” được hình thành từ trong kháng chiến chống Pháp, có tên gọi là căn cứ lõm chính trị K2.

Từ năm 1964, Ban An ninh Đà Nẵng phối hợp với các đội công tác chọn ấp Nước Mặn, thuộc khu vực Đa Phước, xã Hòa Long, huyện Hòa Vang (có khoảng 300 dân) tiếp tục xây dựng căn cứ lõm (lấy mật danh K20). Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, K20 là vùng đệm để các lực lượng vũ trang làm bàn đạp tấn công vào nội thành và các căn cứ của Mỹ - ngụy.

Năm 1965, đổ quân vào Đà Nẵng, Mỹ - ngụy đầu tư xây dựng hệ thống đồn bốt, các chốt điểm rải khắp từ chân đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, Non Nước tạo thành đường vành đai quân sự khép kín, bọc gọn thành phố Đà Nẵng.

“Căn cứ lõm K20” nằm lọt vào hệ thống phòng tuyến vành đai của địch. Đặc biệt ở đây, tại khu vực thôn Đa Mặn, phía giáp biển, Mỹ - ngụy xây dựng sân bay quân sự chiến thuật với mục đích giảm tải cho sân bay Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu chiến tranh.

Đồng chí Đặng Văn Khá, nguyên Trưởng ban An ninh quận III, Đà Nẵng (thứ ba hàng đầu từ phải sang).

Để kịp thời đối phó địch, cuối năm 1964, đầu năm 1965, đồng chí Năm Thông (Nguyễn Hữu Nì), Thành ủy viên phụ trách cánh sông Đà đồng khởi, Trưởng ban An ninh Đà Nẵng, trực tiếp chỉ đạo đồng chí Văn Công Thành, tổ trưởng điệp báo nội thành Đà Nẵng phát động quần chúng đấu tranh giành chính quyền, làm chủ từng phần để làm bàn đạp tiến vào thành phố. Để tiến hành xây dựng căn cứ, Ban An ninh Đà Nẵng phối hợp với các tổ công tác điều tra phân loại, từng bước thuần khiết nội bộ nhân dân, điều chuyển các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái, phản động ra khỏi ấp.

 Từ năm 1965, cán bộ Đảng, các cấp, các ngành và các lực lượng vũ trang vào nội thành Đà Nẵng để chỉ đạo phong trào cách mạng đều đi qua và trú lại căn cứ Nước Mặn. Đến cuối năm 1967, Ban An ninh Đà Nẵng phối hợp với các đội công tác đào được hàng chục hầm bí mật có sức chứa bảo vệ nhiều người và vũ khí.

Năm 1967, Ban An ninh quận III -  Đà Nẵng chính thức được thành lập, đồng chí Văn Công Thành được chỉ định làm Trưởng ban.

Ban An ninh quận III -  Đà Nẵng hoạt động ngay trong lòng địch, để tiếp tục xây dựng cơ sở, diệt ác phá kìm, hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ trong thành phố, bảo vệ an toàn cho căn cứ Nước Mặn, làm chủ từng phần các vùng phụ cận như Mà Đa, Đa Phước, Mỹ Thị.

Năm 1968, sau Tết Mậu Thân, địch điên cuồng mở nhiều đợt càn quét nhằm tìm và diệt các cơ sở cách mạng, trong đó “căn cứ lõm K20” được chúng xác định là địa bàn trọng điểm, bởi đây là nơi hoạt động của các đồng chí lãnh đạo quận III cũng như thị xã Đà Nẵng. Một số cơ quan đầu não của quận như Quận ủy, Quận đội và Ban An ninh quận phải rút ra vùng căn cứ Hòa Hải, Điện Dương và một số cơ quan khác phải sơ tán lên vùng núi để bảo tồn lực lượng.

Đầu năm 1969 đến 1970, tại “căn cứ lõm K20” không còn cán bộ cách mạng, cơ sở bí mật, chỉ còn lại một số hộ dân theo cách mạng vẫn kiên trì bám trụ nằm im chờ thời cơ. Giữa tháng 9 năm 1970, Quận ủy quận III có chủ trương khôi phục lại phong trào cách mạng tại vùng lõm K20, đưa các cơ quan đầu não của quận như Quận ủy, Quận đội và Ban An ninh quận trở lại căn cứ để lãnh đạo phong trào cách mạng trong nội thành.

Đồng chí Đặng Văn Khá, Trưởng ban An ninh vũ trang quận III cùng đồng chí Trần Công Dũng, trinh sát Ban An ninh vũ trang từ vòng ngoài bí mật vào lại K20 để móc nối, xây dựng cơ sở cách mạng để nắm tình hình địch, phục vụ cho công tác đánh địch trước mắt cũng như lâu dài.

Sau gần hai năm nằm gai, nếm mật, các đồng chí đã móc nối, mở rộng hầu hết các cơ sở cũ, đồng thời tiếp tục xây dựng, phát triển thêm cơ sở hợp pháp mới, đào hầm bí mật để trú ẩn. Qua quá trình nắm tình hình, Ban An ninh quận III đã phối hợp các cơ sở cách mạng phát hiện, tiêu diệt 2 đối tượng do cảnh sát đặc biệt Ty Gia Long ngụy cài cấy vào K20 để nắm tình hình theo dõi hoạt động của cách mạng; bắt sống 3 đối tượng đưa ra vùng giải phóng khai thác, phục vụ công tác bóc gỡ mạng lưới địch cài cấy trong nhân dân, thuần khiết nội bộ nhân dân, củng cố tổ chức đoàn thể quần chúng, hội mẹ, hội chị, đoàn thanh niên, đoàn thiếu niên cách mạng từng bước khôi phục, vận động quần chúng, cơ sở cách mạng đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ hoạt động tại địa bàn.

Đầu năm 1971, sau khi củng cố, xây dựng hệ thống cơ sở bí mật, phong trào cách mạng tại lõm K20 được khôi phục, các cơ quan đầu não của quận như Quận ủy, Quận đội và Ban An ninh quận lần lượt trở lại “vùng lõm K20” để chỉ đạo phong trào đấu tranh chính trị, binh vận và vũ trang. Ban An ninh vũ trang quận III chọn địa điểm nhà bà Cao Thị Nhung, bà Năm Hương, nhà ông Huỳnh An đều thuộc xóm Đồng, thôn Đa Mạn, nơi gần sân bay chiến thuật của Mỹ - ngụy làm trụ sở đóng quân để thuận tiện cho việc liên lạc, nắm tình hình địch. Ban An ninh quận III đã đề nghị với ba gia đình cho được làm hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ phòng khi địch đi càn.

Từ năm 1967 đến năm 1975, Ban An ninh quận III đã xây dựng 180 cơ sở trong 34 ấp, trong đó có 28 cơ sở vũ trang chiến đấu, nhiều cơ sở chuyên nuôi giấu cán bộ, đánh 77 trận, diệt 332 tên địch, thu hàng trăm súng và phương tiện chiến tranh của địch, rải 5 vạn tờ truyền đơn… Những trận đánh táo bạo, bất ngờ của các chiến sỹ An ninh quận III làm cho kẻ thù hoang mang, khiếp sợ.

Những chiến công của cán bộ chiến sỹ Ban An ninh quận III nói riêng và lực lượng An ninh vũ trang Đà Nẵng nói chung đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và thành tích chung của toàn lực lượng Công an nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ghi nhận thành tích xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cán bộ, chiến sỹ và Ban An ninh quận III, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công, 1 Huy chương Giải phóng; 1 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; 2 đồng chí được thưởng Huân chương Chiến công, 14 đồng chí được tặng thưởng Huy chương Chiến công, 30 lượt đồng chí được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”.

Ngày 6-11-1978, Ban An ninh quận III, thành phố Đà Nẵng đã vinh dự được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND.

Thanh Thủy
.
.
.