Kiếm sống trên hè phố

Chủ Nhật, 10/06/2007, 15:59
Anh Mãi bị bại liệt từ khi mới sinh, để không làm gánh nặng cho người thân, anh lên TP Hồ Chí Minh mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Cứ 3h chiều mỗi ngày, anh Mãi lại lấy 300 tờ vé số. Mỗi tờ lời 700đ nhưng anh chỉ được 500đ, còn 200đ là tiền dành cho việc trả tiền nhà.

Lâu nay, TP Hồ Chí Minh được xem là "miền đất hứa" cho những người vô nghề nghiệp ngoại tỉnh. Trong số đó, ngoài những lao động bình thường, còn có cả những mảnh đời bất hạnh. Và có biết bao mảnh đời phải sống dựa vào hè phố…

Chắt chiu từng đồng huê hồng

Ở các con đường Thất Sơn, Cửu Long, Đồng Nai... cư xá Bắc Hải (quận 10) cũng như tại các phố cà phê khác như: Miếu Nổi (quận Bình Thạnh), Bàu Cát (quận Tân Bình)… nhiều người đã quá quen thuộc với hình ảnh một anh chàng có khuôn mặt hiền lành, bị tật từ nhỏ bán vé số suốt ngày ở các khu vực này.

Đó là anh Phạm Mãi, 28 tuổi, quê ở xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát (Bình Định). Bằng một giọng "xứ Nẫu" đặc trưng, anh Mãi tâm sự: "Mình bị bại liệt từ khi mới sinh ra cho đến tận bây giờ". Trước kia, anh ở Ban Từ thiện - Xã hội của tỉnh Bình Định nhưng 4 năm nay, anh đã vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.

3h chiều mỗi ngày, anh Mãi lại lấy 300 tờ vé số. Mỗi tờ lời 700đ nhưng anh chỉ được 500đ, còn 200đ là tiền dành cho việc trả tiền nhà. Anh bảo: "Ông chủ tốt lắm, không lấy tiền nhà mà tính vào việc giao vé số cho chúng tôi đi bán và trừ 200đ mỗi tờ".

Không chỉ bán ở quận 10 mà với chiếc xe lăn tay, anh Mãi có thể một mình đi tận quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp... để bán.

Theo lời anh Mãi giới thiệu về "tập đoàn" vé số gồm những người tàn tật như anh, tôi tìm đến số nhà trong một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1). Người chủ tốt bụng đã cưu mang, lấy vé số về giao cho các anh, chị bán là anh Nguyễn Hữu Ẩn, dân Phú Yên. Tại đây, tôi còn bắt gặp nhiều mảnh đời không may như anh Mãi là anh Phước, anh Phụng...

Chị Vân, anh Mãi, chị Huyền và chị Lan mưu sinh nơi đất khách.

Anh Đoàn Minh Phụng, 39 tuổi, ở khối 1A, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định). Sinh ra anh một thời gian thì mẹ mất, anh nghe người ta kể lại rằng lúc ấy 2 chân của anh đồng đều, song sau đó teo nhỏ dần. Anh đi lại rất khó khăn bằng đôi bàn tay làm thay cho đôi chân. Trong khi đó, ba anh theo vợ nhỏ ở đâu anh cũng không hay biết, Phụng lớn lên bằng tình yêu thương của ông bà nội và các chú.

Trước đây, anh cùng anh Mãi ở Ban Từ thiện - Xã hội chuyên làm nghề may, dán ghế... Sau anh Mãi vào TP Hồ Chí Minh quen nước quen cái nên về dẫn anh Phụng đi luôn. Mơ ước của Phụng đã thành hiện thực khi chiếc xe lăn cũ kĩ đã mòn của anh Hùng, một người dân tộc Ba Na đồng hương ở huyện Vân Canh (Bình Định), cũng làm nghề như anh để lại trước khi rời TP Hồ Chí Minh với giá 500 nghìn đồng.

Anh Phụng bộc bạch: "Tôi cứ lấy xe trước đã, chưa giao tiền, có tiền thì góp trả sau, không thì đem xe về giao cho nó ở quê nhà". Ấy mới chính tình đồng nghiệp, đồng hương!

Căn phòng dành cho "tập đoàn" vé số này ngăn bằng vách đất, nam nằm theo nam, nữ theo nữ. Một ngày 2 bữa, trưa và xế lại có người nấu cơm cho cánh vé số dạo ăn thêm nếu họ về đây. Ngoài dân Bình Định, còn dân Phú Yên như chị Mai, chị Bé...

May mắn hơn những đồng nghiệp tàn tật của mình, chị Phạm Ngọc Lan, 48 tuổi, ở đội 8, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) rời xa quê nhà vào TP Hồ Chí Minh bán vé số kiếm tiền nuôi con ăn học.

Theo chân những người đồng hương, chị Lan một thân một mình vào TP Hồ Chí Minh và tìm đến dãy nhà trọ trên đường Nhân Đạo, cư xá Bắc Hải (quận 10) với giá... 2.000đ/ngày. Chồng mất khi 37 tuổi với căn bệnh ung thư, một tay chị bán vé số nuôi 4 đứa con nay đau mai yếu.

Từ 3h chiều, chị lại nhận vé số tại đại lý Đạt nằm trên đường Nhân Đạo và bán trung bình mỗi ngày được 160 tờ. Chị tiết kiệm từng đồng gửi về cho con cái ăn học. Trong khi đó, chị không dám nói với mọi người ở quê với lí do: "Sợ con gái ế chồng vì có mẹ... bán vé số". Nhưng đôi mắt chị chợt vui lên khi luôn miệng khoe: "Tôi có đứa con gái út Kim Vi, ở Trường Nguyễn Trãi (huyện Mộ Đức) xinh lắm, 8 năm liền thương má nên là học sinh giỏi đó chú".

Trôi nổi chợ di động

Mới 6h sáng, chị Hoàng Thị Huyền, 32 tuổi, quê ở huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã tất tả đạp xe ra chợ Hòa Hưng (quận 10) lấy nguồn hàng gồm các loại rau, thịt, cá, tôm, mực... theo mối quen để bắt đầu một ngày buôn bán kiểu chợ di động. Địa bàn của chị cùng chiếc xe đạp cút kít là các con đường Sư Vạn Hạnh, Tô Hiến Thành, Cao Thắng... quận 10.

8 năm nay, chị một mình theo đồng hương vào TP Hồ Chí Minh buôn bán để có tiền gửi về nuôi hai con, đứa lớp sáu, đứa mẫu giáo. Bằng một giong xúc động, chị Huyền bảo: "Cứ mỗi ngày lãi được 50- 60 nghìn đồng, tôi dành dụm để 2-3 tháng gửi về nhà một lần cho lợi tiền cước bưu điện đặng nuôi các con ăn học".

Tấp vào lề đường ngôi biệt thự đường Sư Vạn Hạnh nối dài, chị bày biện các mặt hàng từ chiếc xe đạp xuống.

Một bác gái gần đó chạy ra mua giúp lạng thịt, vài lạng tôm, chị Huyền mừng ra mặt vì đã có người mở hàng. Tay chị thoăn thoắt cân đong cho khách. Thình lình, chủ nhà gần đó là một người đàn ông to cao, bụng phệ bước tới nói: "Cô dọn đi chứ hôi thối quá, không chịu được". Bác Châu, một khách hàng thường xuyên đang mua thực phẩm trấn an: "Nó chỉ bán một lúc thôi mà!".

Nhưng không được nữa rồi, trước thái độ kiên quyết của chủ nhà, chị Huyền lúi húi thu dọn thực phẩm lên chiếc xe cà khổ đi nơi khác giữa cái nóng hầm hập.

Chung hoàn cảnh như vậy, chị Nguyễn Phương Vân, 38 tuổi, quê ở thị xã Phủ Lý (Hà Nam) vào TP Hồ Chí Minh cũng được 5 năm bằng nghề buôn bán thực phẩm trên xe đạp. Các con hẻm trên đường Lạc Long Quân, quận 10 và 11 là nơi chị bán được nhất.

Cứ sáng sáng, từ "phố" nhà trọ toàn người làm chợ di động như chị trong hẻm trên đường Cách Mạng Tháng 8, chị Vân đi lấy hàng mỗi thứ vài ký rồi chất cả lên chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ nào rau cải, hành tây, rau muống cùng thịt, cá… đủ loại.

Bác Huệ, một khách hàng ruột của chị nhận xét: "Các cô ấy chịu cực giỏi lắm, bán toàn đồ tươi, đem tận nhà nên chúng tôi thương tình mua giúp. Mình cũng được lợi khi khỏi phải ra chợ nắng nôi rồi gửi xe nữa chứ. Đúng là tiện lợi đôi đường, vừa giúp được cho người ta nữa, cậu ạ!".

Nói đoạn, bác Huệ với theo: "Mai đến nữa nhé" trong khi chị Vân đã mỉm cười quay xe đi vào con hẻm khác. Dáng chị xa dần… Ở quê nhà, các con đang đợi tiền hàng tháng chị gửi về.

Những căn nhà trọ tuốt tận hẻm sâu với giá 150 nghìn đồng/tháng được cánh nữ chợ di động "khoái" nhất vì giá rẻ. Chẳng thế mà chị Huyền, chị Vân đã có nhiều đồng nghiệp hơn từ quê vào, hình thành nên những cụm ở theo quê đông đảo. Một ngày của họ bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi bán được hàng. Tối đến là lúc cơn buồn ngủ trong căn gác trọ ập đến sau một ngày lam lũ

Phạm An Hòa
.
.
.