Vụ Trung Quốc bắt giữ tàu và 17 ngư dân:

Không thể dùng thủ đoạn để thay đổi lịch sử

Chủ Nhật, 28/06/2015, 12:13
Ngày 27/6, chúng tôi tìm về xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình gặp những ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ trái phép vừa được thả về. Sự mệt mỏi vẫn hằn in trên bước đi, khuôn mặt của mỗi ngư dân, song tất cả đều chung ý chí: “Trường Sa, Hoàng Sa là của nước ta, chúng tôi vẫn tiếp tục ra khơi bám biển”.

Trong lúc các ngư dân đang vật lộn với gió bão trên biển, Trung Quốc đã cho tàu ra bắt giữ 2 tàu cá cùng 17 ngư dân, sau đó ép họ ký vào văn bản sai sự thật về chủ quyền ở biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, đây là một hành động trái đạo và không thể bóp méo được lịch sử.

Tường thuật của người trong cuộc

Anh Võ Văn An (39 tuổi), trú Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình, chủ tàu cá mang số hiệu QB 93694 TS kể lại, vào khoảng 2h chiều 16/6, tàu cá của anh An với 8 ngư dân cùng tàu cá QB 93480 TS của anh Võ Văn Toàn (33 tuổi) với 7 ngư dân đang vật lộn với sóng biển tìm cách tránh bão trên vùng biển cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng hơn 30 hải lý thì bất ngờ xuất hiện 1 tàu hải quân và 3 tàu chụp mực của Trung Quốc áp sát, rồi bắt giữ họ.

“Họ (Trung Quốc) chỉ có 5 người nhưng họ có súng và roi điện, khi áp sát thuyền chúng tôi họ bắt anh em ngư dân dồn lên mui thuyền, rồi lấy hết giấy tờ của tàu cá”, anh An nói vậy.

Sau khi bắt giữ trái phép các ngư dân, nhà chức trách Trung Quốc đưa 17 ngư dân trên 2 tàu cá về giam tại cảng Tam Á, đảo Hải Nam suốt 5 ngày, sau đó các ngư dân được thả về, còn Trung Quốc vẫn giữ tàu cá trái phép của ngư dân. Trong những ngày giam giữ ngư dân Việt Nam ở cảng Tam Á, nhà chức trách Trung Quốc đã buộc mỗi thuyền viên Việt Nam phải ký ít nhất vào 8 tờ đơn, còn 2 chủ tàu là anh Võ Văn An và Võ Văn Toàn thì bị ép ký trên 100 tờ đơn tất cả đều bằng tiếng Trung Quốc. Khi đưa các tờ đơn ra bắt ký, các thuyền viên không chịu ký thì bị nhà chức trách Trung Quốc đe dọa, đòi đánh và hứa với các ngư dân “nếu ký vào đơn sẽ được nhanh chóng thả về Việt Nam”.

“Sau khi ký gần 100 tờ đơn bằng tiếng Trung Quốc, đến cuối cùng có tờ đơn bằng tiếng Việt ghi nội dung “Tôi chứng kiến vùng biển Đông và quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc” thì cả 17 ngư dân nhất quyết không ký” anh Võ Văn An cho biết vậy.

Chủ tàu Võ Văn An và Võ Văn Toàn kể với phóng viên việc bị Trung Quốc bắt giữ tàu và ép ký vào văn bản sai sự thật về chủ quyền ở biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.

Anh Võ Văn Toàn nói thêm: “Họ còn hứa với chúng tôi, nếu chịu ký thì sẽ thả cả tàu và người về, nếu không họ sẽ tịch thu tàu, nhưng chúng tôi nói với nhau, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của mình, dù bị đánh chết cũng không được ký. Vì vậy sau mấy lần ép ký đơn không được, họ dồn tất cả chúng tôi lên một tàu cá rồi thả về, còn tàu cá của anh An họ vẫn giữ lại”.

Bất cứ thủ đoạn nào cũng không thay đổi được lịch sử

Hiện nay, có hàng ngàn tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm, bản đồ, Atlas xuất bản trên thế giới đều khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhiều hội thảo khoa học, nhiều học giả nổi tiếng thế giới khi nghiên cứu về biển Đông đều khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử quan trọng, khách quan thể hiện rõ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa.

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là một thực tế lịch sử. Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng là một thực tế lịch sử. Việc Trung Quốc dùng nhiều thủ đoạn như: đẩy đuổi, bắt giữ trái phép tàu cá của ngư dân Việt Nam; đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đã từng diễn ra nhiều lần, song việc Trung Quốc bắt giữ tàu cá rồi ép ngư dân ký vào các văn bản tự mình soạn thảo cho rằng “vùng biển Đông và quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc” là một thủ đoạn mới, đầy nham hiểm.

Song những thủ đoạn đó không thể thay đổi được những bằng chứng xác thực của lịch sử. Biển Đông lúc bão tố, lúc yên bình nhưng đó là nước, là quê hương thứ hai, là nơi tự nhiên dâng hiến cho hàng triệu ngư dân Việt bao nguồn thủy hải sản để sống. Vì vậy, không một thủ đoạn nào có thể lừa dối được ngư dân Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Yên, Trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết, sau khi các ngư dân vừa trở về, đơn vị đã phối hợp với UBND huyện đến thăm hỏi sức khỏe, động viên và bước đầu trao cho mỗi ngư dân 1 triệu đồng để động viên tinh thần các thuyền viên.

Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong buổi họp báo ngày 25/6 cũng khẳng định: Sau khi 17 ngư dân và 2 tàu cá của ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm việc với các cơ quan sở tại, yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng thả các tàu cá cùng các ngư dân Việt Nam vô điều kiện. Hiện 17 ngư dân cùng tàu cá QB 93480 TS đã về Việt Nam an toàn. Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đang tiếp tục yêu cầu phía Trung Quốc trả vô điều kiện tàu cá QB 93694 TS.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm rõ thông tin việc ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc ép ký vào văn bản công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông để có các phản ứng phù hợp.

Dương Sông Lam
.
.
.