An toàn vệ sinh thức ăn đường phố:

Không thể cứ nhân nhượng mãi

Thứ Năm, 23/06/2005, 09:12

Không có cơ sở thức ăn đường phố nào đạt đủ 10 tiêu chuẩn quy định cơ sở đạt vệ sinh an toàn thực phẩm (theo Quyết định số 3199/2000/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 11/9/2000). Đặc biệt với các tiêu chuẩn như: Nước sạch, tập huấn kiến thức cho nhân viên và khám sức khỏe định kỳ, mang tạp dề, khẩu trang, mũ thì 100% các cơ sở đều không đạt.

Ai cũng ít nhất đã có hơn một lần ngồi thưởng thức hương vị của thức ăn đường phố. Đó chỉ là những món ăn thông thường, dân dã nhưng thu hút cả ta lẫn "Tây". Thế nhưng, có thể nói rằng, đến nay, thức ăn đường phố vẫn chưa được sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, nhất là về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Có thể nói, việc kiểm tra, giám sát, để đảm bảo thực hiện ATVSTP đối với thức ăn đường phố thực sự là một cuộc đấu tranh mà hiện nay phần thắng chưa nghiêng về phía cơ quan chức năng. Vừa qua, thanh tra Sở Y tế Tp.HCM đã đi kiểm tra tại quán ăn Hoàng Ty (số 74-76 Hoàng Văn Thụ - quận Phú Nhuận). Bà Huỳnh Mai - Thanh tra viên của Phòng Thanh tra Sở Y tế cho biết: "Không thể ngờ được một quán ăn nổi tiếng mà lại bẩn cỡ đó! Đa số nguyên liệu chế biến và chưa được chế biến đều được để chung ngay trên sàn nhà".

Tuy nhiều sai phạm nhưng áp theo quy định, mức xử phạt cũng chỉ tới 1.850.000 đồng và tạm ngưng kinh doanh. Nhưng ngay ngày hôm sau, người ta đã lại thấy một cửa hàng mới với mặt hàng đúng như vậy mọc lên ở căn nhà bên cạnh. Hỏi đến thì được ông chủ cũ trả lời "thẳng tưng": “Tôi đã trả giấy phép kinh doanh cho Phòng Kinh tế quận. Cửa hàng kia là của người khác. Tôi đã hết trách nhiệm".

Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi được biết, người bán thực phẩm ở các chợ ít khi có hàng ế đến mức phải bỏ đi. Những người buôn bán nhỏ ở vỉa hè, lòng đường thường không có vốn nên hay phải mua thiếu mà dân chợ có một quy luật bất thành văn là đã mua thiếu ở đâu thì đừng hòng đi mua ở hàng khác. Những mối thiếu nợ này chính là nơi để người bán ép phải mua hàng kém chất lượng. Người viết bài đã được tận mắt chứng kiến việc giao mối "thịt xay" cho một "chủ" cơm bình dân với giá 20.000đ/kg, trong khi bình thường giá loại hàng này đã 35.000 - 40.000đ/kg. Loại hàng có giá "mềm oặt" này bao gồm tất cả những thịt thừa, mỡ vụn và cả những cục tật... của con heo... và được không ít bà chủ hàng cơm "nhiệt tình" dùng để chế biến một số món trong thực đơn của quán.

Thách thức cho các nhà quản lý

Hiện, các biện pháp kiểm tra, xử phạt, bắt ngưng kinh doanh xem ra không có tác dụng. Cấm chỗ này họ lại đến chỗ khác. Phải có sự kết hợp của nhiều ngành như việc nhiều tuyến đường của các quận trung tâm đã cấm buôn bán trên vỉa hè, lòng đường. Việc này vừa làm thông thoáng thay đổi bộ mặt đường phố, vừa làm cho những người buôn bán không đủ điều kiện thì phải chuyển nghề khác hoặc phải tập trung ở những địa điểm có đầy đủ điều kiện vệ sinh và dễ kiểm soát.

Cũng đã có ý kiến cho rằng, cần thay đổi quan niệm kiểm tra xử phạt bằng quan niệm kiểm tra khen thưởng. Có nghĩa là, sau khi kiểm tra những cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định có thể cho treo các bảng chứng nhận quán ăn an toàn, quán ăn sạch... Không chỉ tuyên truyền chung chung mà phải nêu đích danh những nơi làm tốt và nơi không đạt. Chỉ vài lần các cơ sở không đạt sẽ tự phải thay đổi nếu không muốn triệt tiêu. Người kinh doanh sẽ vui mừng khi đón đoàn kiểm tra vì nếu đạt chuẩn họ sẽ có thêm thế mạnh kinh doanh.

Hiện nay, các quy định cũng mới chủ yếu đưa ra các yêu cầu để người bán thực hiện chứ ít có biện pháp xử phạt kèm theo và nhất là trách nhiệm quản lý thì lại chưa rõ ràng. Nhiều khi kiểm tra có sai phạm nhưng phạt lại rất khó. Nước ta hiện chưa có bộ phận thanh tra chuyên về VSATTP như ở các nước nên mỗi lần tổ chức thanh tra rất khó khăn. Các quy định hiện nay mới chỉ áp dụng được tới những điểm kinh doanh có địa chỉ, bảng hiệu rõ ràng. Ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố đã được báo chí đăng tải không ít nhưng cũng chỉ là một phần rất nhỏ. Bộ Y tế mới chỉ thống kê được 1.056/1.900 vụ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố gây ra (từ năm 1999 đến 2004), còn khách hàng của thức ăn đường phố số đông là khách qua đường nên khó mà thống kê cho hết.

Trong tháng hưởng ứng ATVSTP 2005, lực lượng QLTT Tp.HCM đã kết hợp với Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện kiểm tra bất ngờ 162 cơ sở "dịch vụ ăn uống công cộng", đoàn đã phát hiện và lập biên bản 55 cơ sở vi phạm VSATTP. Đã đến lúc phải có những quy hoạch và kiểm soát cho được thức ăn đường phố để đảm bảo sức khỏe cho người dân

Huyền Nga
.
.
.