Vì sao nhiều người dân TP HCM không đồng tình với xe buýt:

Không đổ lỗi cho thiếu quỹ đất

Thứ Tư, 29/04/2009, 11:24
Hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt ở TP HCM được khôi phục từ ngày 21/1/2002, với 8 tuyến xe buýt có trợ giá. Đến giữa tháng 4/2009, TP HCM có 29 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động VTHKCC bằng xe buýt với 3.258 đầu xe, khai thác trên 151 tuyến, trong đó có 115 tuyến có trợ giá và 36 tuyến không trợ giá.

>> Xe buýt thành "hung thần"

Tổng khối lượng hành khách vận chuyển trong năm 2008 đạt 342,5 triệu lượt hành khách (trung bình 936.000 lượt hành khách/ngày), chỉ mới đáp ứng được 5,4% nhu cầu đi lại của người dân. Vì sao phần lớn người dân chưa muốn sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại hằng ngày?

Qua kiểm tra thực tế, đa số các tuyến xe buýt hiện nay được xây dựng nối kết với trung tâm TP HCM hoặc nối kết trực tiếp giữa 2 điểm có nhu cầu đi lại, như vậy mạng lưới này chỉ thuận lợi cho những hành khách đi trực tiếp nhưng hạn chế đi lại trên toàn mạng. Về luồng tuyến, từng trục tuyến cụ thể có trùng lắp, mạng lưới tuyến hiện nay còn hạn chế là chưa có sự phân cấp giữa các tuyến (tuyến trục chính, tuyến nhánh, tuyến nhanh, tuyến thu gom…).

Mặt khác, với một số lượng lớn xe buýt như thế, nhưng chỉ mới có 2 nhà ga hành khách đi xe buýt là Trạm điều hành Sài Gòn và Nhà ga hành khách Chợ Lớn. Ngoài các tuyến có đầu cuối bến là các bến xe, đa số còn lại dùng lòng đường, lề đường làm nơi đậu đỗ do không có diện tích đất dành riêng cho hoạt động VTHKCC, đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây nên ùn tắc giao thông cục bộ ở một số điểm có sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường làm đầu bến xe buýt.   

"Lô cốt" và xe buýt làm cho Xa lộ Hà Nội bị ùn tắc liên tục.

Theo lý giải của Sở GTVT TP HCM, khó khăn lớn nhất hiện nay của hoạt động xe buýt tại TP HCM do thiếu quỹ đất để hình thành các trạm trung chuyển, nơi đậu xe ở điểm đầu và điểm cuối tuyến; không ít nhà chờ, trạm dừng chưa bố trí hợp lý. Từ việc thiếu quỹ đất dẫn đến nhiều hệ quả: Không có sự liên kết giữa các tuyến và toàn mạng, khiến cho các tuyến hoạt động gần như độc lập và điều không thể tránh khỏi là người dân "không mặn mà với xe buýt".

Số lượng tuyến tăng ở một số khu vực, nhưng trên một tuyến dài có sự trùng lặp làm cho hiệu quả khai thác thấp. Chúng tôi xin nêu ví dụ cụ thể, tháng 8/2007, Sở GTVT chia tách 2 tuyến xe buýt: Sài Gòn - Củ Chi và bến xe Chợ Lớn - Củ Chi thành 5 tuyến là Bến Thành - An Sương, Bến xe Chợ Lớn - An Sương, Bến Thành - Củ Chi, Bến xe Chợ Lớn - Củ Chi và An Sương - Củ Chi. Tình trạng xảy ra là trên đường Trường Chinh (đoạn từ ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình) đến An Sương dài khoảng 6km cùng một lúc 4 tuyến xe buýt hoạt động. Tiếp đó từ An Sương đến Củ Chi có 3 tuyến xe buýt hoạt động trùng lặp trên một đoạn đường dài gần 20km và tình trạng tranh giành khách luôn xảy ra.

Đổ lỗi cho việc thiếu quỹ đất dẫn đến thiếu bến bãi là không thể chấp nhận được, bởi TP Hồ Chí Minh từ trước đến nay chỉ lo phát triển về số lượng mà không quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở để cho xe buýt hoạt động có hiệu quả hơn.

Công ty Xe khách Sài Gòn, đơn vị có nhiều ưu ái trong việc giao quản lý, sử dụng bến bãi thế mà vẫn cứ kêu là quá thiếu mặt bằng. Công ty này có tuyến Bến xe Miền Tây - Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận (quận 7), cùng lúc đó có một số HTX chạy các tuyến khác đến KCX Tân Thuận, nhưng ở đây chỉ là trạm chờ đón khách nên không có nhà vệ sinh, thế là lái xe, tiếp viên và cả hành khách cứ vô tư "xả" ra xung quanh. Hậu quả là Ban quản lý KCX Tân Thuận yêu cầu Công ty Xe khách Sài Gòn từ ngày 2/5 không được đậu xe buýt để đón khách ở khu vực này.

Đối với các HTX, bài toán về bến bãi còn khó khăn vạn lần. Như Liên hiệp HTX vận tải TP HCM (có 6 HTX với 797 xe hoạt động trên 36 tuyến). Trước đây, Liên hiệp được giao quản lý sử dụng trên 22.000m2, đến nay chỉ còn 2 bến bãi: Ở 1129/18 Lạc Long Quân (quận Tân Bình) và ở huyện Hóc Môn. Bãi 1129/18 Lạc Long Quân, rộng 2.800m2, sử dụng một ít làm văn phòng của Liên hiệp, phần lớn còn lại HTX Quyết Thắng có 155 xe vừa làm văn phòng, vừa làm xưởng sửa chữa và đêm thì đậu được khoảng 50 chiếc, số còn lại thì đậu lòng đường, vỉa hè. Bãi ở huyện Hóc Môn giao cho HTX 19/5 với 298 đầu xe quản lý sử dụng, nhưng cũng chẳng thấm tháp gì.

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Chủ nhiệm HTX Rạng Đông cho biết: HTX có 75 đầu xe, để "tồn tại" từ đầu 2007 đến nay phải đi thuê mặt bằng mỗi tháng hết 28 triệu đồng và một đêm chỉ đậu được 30 chiếc.

Những tháng đầu năm 2009, số vụ TNGT nghiêm trọng do xe buýt gây ra càng làm cho nhiều người "khiếp sợ" khi phải lưu thông gần phương tiện này. Gần đây, (trưa 24/4) anh Bùi Văn Phong, 27 tuổi, băng qua quốc lộ 1A (phường Tân Thới Nhất, quận 12) để về phòng trọ lấy thuốc uống. Khi đến làn đường dành cho người đi bộ, mặc dù anh Phong đã đưa tay xin đường, nhưng chiếc xe buýt BKS 53N-5653 chạy tuyến Bến xe Miền Tây - Bến xe Biên Hòa (Đồng Nai) do Nguyễn Văn Lành điều khiển đã đâm thẳng và kéo anh Phong đi hơn 5m làm anh chết tại chỗ.

Nhưng thảm khốc nhất là vụ tai nạn ngày 26/3 do tài xế Hồ Văn Tây điều khiển chạy tuyến Hưng Long - Cầu Ông Thìn - Bến xe quận 8 - Chợ Lớn, khi đổ dốc cầu Nhị Thiên Đường (tỉnh lộ 5, phường 6, quận 8) về Bến xe quận 8 do chạy ẩu đã cuốn chiếc xe gắn máy do anh Hoàng Bình Dương điều khiển chở hai cháu Phạm Hoàng Sang (17 tuổi) và Hoàng Trúc Phương (13 tuổi) làm cho 3 người tử vong…

Công Trường - Minh Đức
.
.
.