Không bay được lên Giời thì “bay” dưới… đất?

Thứ Ba, 01/09/2009, 20:59
Trong những cuộc triển lãm máy bay trực thăng tự chế tại nhiều nước, một số nhà khoa học đã đặt vấn đề, đề nghị “nông dân - kỹ sư cơ khí” Trần Quốc Hải xin định cư với tư cách một kỹ sư cơ khí. Anh nói: "Làm khoa học thì ở đâu cũng làm khoa học. Hơn nữa, Việt Nam là nơi tôi sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành nên tôi từ chối vì tôi muốn đóng góp một chút gì đó cho đất nước, quê hương".
>> “Hai Lúa” làm trực thăng: Gian nan đường… lên trời

Sau 4 tiếng đồng hồ từ TP HCM lên thị trấn Đồng Pan, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, và khi vừa đến vòng xoay trung tâm thị trấn, tôi hỏi một người chạy xe ôm bên đường: "Chú  biết nhà anh Hải chế tạo máy bay trực thăng không?".

Người lái xe ôm mau mắn gật đầu rồi đưa tay chỉ thẳng con đường trước mặt: "Ông đó ai mà không biết. Cứ theo lối này chừng 8km, tới hồi thấy nhà thờ thì ngó qua bên trái là nhà ổng. Trước sân nhà ổng lúc nào cũng máy móc tùm lum...".

Cũng dễ hiểu vì sao ở Tân Châu, hầu hết mọi người đều biết Trần Quốc Hải - nhân vật một thời làm xôn xao dư luận vì đã cùng hai người bạn - tất cả đều là nông dân, chế tạo hai chiếc máy bay trực thăng mà động cơ lấy ra từ một ôtô tải và một... xe tăng. Chiếc trực thăng ấy đã được các ông chủ của nó cho bay thử vài lần - mà là bay "lén" để xác định xem nó có "bay" được hay không trước khi xin giấy phép của các ngành chức năng, cho bay thử nghiệm chính thức. Và mặc dù những lần bay "lén", Trần Quốc Hải đem máy bay vào tuốt trong rẫy, cách nhà hơn 20km, đồng thời chỉ dám để máy bay lên cao 2 mét, ở chế độ "bay treo" trong hơn 5 phút đồng hồ vì sợ bị phát hiện nhưng bởi nhiều lý do, nó chưa bao giờ được cất cánh chính thức.

Đúng như lời anh xe ôm nói, nhà Trần Quốc Hải nằm ngay cạnh mặt đường, có treo tấm bảng "Xưởng cơ khí Quốc Hải", nước sơn đã mờ nhạt. Đó là một căn nhà cấp 4, đời... áp chót. Lúc tôi vào, thì Trần Quốc Hải đang loay hoay trước một đống các bộ phận - máy không ra máy, mà phế liệu cũng không ra phế liệu.

Anh cười: "Tôi đang nghiên cứu làm ra chiếc máy hái cà phê. Nếu như xưa nay, công nhân hái cà phê thì trái chín, trái xanh đều tuốt hết, dẫn đến khi chế biến, chất lượng cà phê không đồng đều trong lúc Việt Nam đứng hàng thứ hai thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Còn máy của tôi, chỉ hái trái đã chín thôi. Bước đầu, công suất máy tạm tính bằng 50 người làm trong một ngày".

Tôi ngạc nhiên: "Để biết trái chín, trái xanh, máy của anh sử dụng hệ thống cảm biến hay quét định dạng?". Hải cười: "Không, làm gì mà ghê gớm thế. Nếu sử dụng những thứ ấy, bà con nông dân tiền đâu mua nổi. Chỉ riêng thiết bị quét định dạng lắp trong những máy thu hoạch cà chua ở Mỹ, đã có giá 7, 8 nghìn USD...".

Tôi theo Trần Quốc Hải vào nhà. Gọi là nhà ở cũng đúng, mà là xưởng sản xuất cũng chẳng sai. Gian trước, hai chiếc máy tiện - một do con trai anh tên Trần Quốc Thanh, 21 tuổi, vận hành còn chiếc kia, là người thợ cũng trạc tuổi con anh, đang chăm chú theo dõi từng mảnh phôi thoát ra từ một mẩu kim loại. Dọc theo lối đi xuống nhà sau, sắt thép ngổn ngang còn bên hông nhà, 3 chiếc máy cày, chiếc nào phía sau cũng gắn thêm những bộ phận hình thù kỳ dị. Ở một góc, là hàng đống "xi lanh", "pít tông" của động cơ xe vận tải Zil130.

Thấy tôi có vẻ tò mò, vợ anh Hải, nói: "Hồi đó, lúc làm chiếc trực thăng thứ nhất, ảnh dùng loại máy này. Cứ hễ hư hỏng, ảnh lại kêu tôi chạy ra thị trấn, thậm chí xuống tuốt thị xã Tây Ninh mua cho ảnh cái khác. Riết rồi bây giờ nó như vậy đó". Trần Quốc Hải nói thêm: "Phải mất 7 năm mày mò, tìm hiểu,  thí nghiệm, tôi mới làm ra chiếc trực thăng đầu tiên. Để có tiền làm trực thăng, tôi nghiên cứu chế tạo một số máy phục vụ nông nghiệp, bán cho bà con nông dân. Bây giờ, 90% xe rơmoóc tự hành đang hoạt động ở Tây Ninh, Bình Phước là sản phẩm của tôi, chưa kể giàn cày, giàn bừa cải tiến, máy giặt mủ cao su, máy thổi lá cao su, máy bón phân cao su, máy phun thuốc trừ sâu, máy bơm xác củ khoai mì...".

Khi tin tức về chiếc trực thăng của Trần Quốc Hải được các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước loan tải, và nhất là sau khi nhà quay phim Lê Quang Đỉnh thực hiện bộ phim tài liệu mang tên "Người nông dân và chiếc máy bay", rồi đem đi trình chiếu ở Úc trong một dịp triển lãm về nghệ thuật đương đại, thì lập tức nó gây ra sự chú ý của một số các tổ chức nước ngoài.

Gần cuối năm 2006, một nhóm chuyên gia thuộc Hội đồng nghệ thuật quốc gia Úc bay sang Việt Nam, rồi về xã Suối Dây gặp Trần Quốc Hải với lời mời anh đưa chiếc trực thăng qua Australia dự triển lãm trong 3 tháng. Tôi ngạc nhiên: "Nghệ thuật thì... mắc mớ chi đến máy bay trực thăng?". Hải cười, rồi đưa tôi xem cuốn kỷ yếu bằng tiếng Anh nói về cuộc triển lãm. Hóa ra tiêu chí của hai chữ "nghệ thuật" ở đây bao gồm tất cả những gì do bàn tay con người sáng tạo ra, hoạt động được và được xã hội cũng như những cơ quan chuyên môn thẩm định, nhìn nhận là nó đem lại lợi ích cho con người cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, chứ nếu cứ hiểu theo cách chân phương của tôi, thì chỉ cần làm một chiếc máy bay bằng giấy bồi, miễn sao nó giống y như thật, là sẽ được xếp vào hàng "nghệ thuật", là được đem đi "triển lãm" như kiểu... đầu Lân, ông Địa!

Chả thế mà trong cuốn kỷ yếu "nghệ thuật" ấy, có cả hình ảnh, thông tin về một nông dân Thổ Nhĩ Kỳ, đã sáng chế ra chiếc máy dùng để khắc họa những hoa văn, họa tiết lên những chiếc bình gốm bằng đất nung!

Trần Quốc Hải (giữa) cùng hai kỹ sư hàng không Áo khi trưng bày chiếc trực thăng đầu tiên ở Vienna, Áo.

Câu chuyện miên man trong tiếng rì rì của hai cỗ máy tiện và thỉnh thoảng, lại bị ngắt quãng bởi tiếng nổ ầm ĩ của động cơ máy cày mà con trai anh Hải đang chỉnh sửa. Trần Quốc Hải kể tiếp: "Nhóm người đến gặp tôi đều là những chuyên gia lão luyện trong ngành hàng không. Thoạt tiên, họ xem xét rất kỹ từng chi tiết trên bản vẽ thiết kế rồi đặt ra hàng loạt các câu hỏi về kỹ thuật...". Lúc biết Trần Quốc Hải không thể cho bay thử vì chưa có giấy phép, họ xúm vào chiếc trực thăng, quan sát, đo đạc, tính toán. Cuối cùng, người kỹ sư trưởng đoàn quay sang Trần Quốc Hải: "Ông có thể tháo rời chiếc máy bay này và đóng thùng, chuyển nó sang Australia được không?".

Vậy là tháng 12/2006, chiếc trực thăng thứ nhất của Trần Quốc Hải được xếp gọn vào một container, lên đường đi Australia, rồi tháng 4/2007, đi Singapore. Tại hai nơi này, trong suốt thời gian diễn ra triển lãm, ngày nào Hải cũng phải trả lời hàng chục câu hỏi của những đoàn khách tham quan. Anh kể: "Vốn liếng tiếng Anh của tôi chỉ đủ để đọc những tài liệu về hàng không, nhất là về máy bay trực thăng. Còn nói  thì tôi... ấm ớ lắm nên phải thông qua phiên dịch". Những người nêu câu hỏi - có khi chỉ là một du khách tò mò nhưng cũng có khi là một phi công hay một kỹ sư hàng không nên vấn đề mà họ đặt ra, lắm lúc rất hóc búa.

Hải nói tiếp: "Có hai người gây cho tôi ấn tượng nhất, đó là một phi công Việt kiều Mỹ và một kỹ sư thiết kế máy bay người Đức". Sau khi quan sát chiếc trực thăng cả tiếng đồng hồ, tay kỹ sư  người Đức hỏi Trần Quốc Hải một câu gọn lỏn: "Trọng tâm máy bay đặt ở chỗ nào?". Đây là một câu hỏi mang tính chuyên môn bởi lẽ với những nhà thiết kế máy bay, chỉ cần biết trọng tâm máy bay nằm ở đâu, là có thể biết chiếc máy bay ấy có bay được hay không. Hải cười, nói với tôi: "Tôi không trả lời ngay câu hỏi của ông kỹ sư ấy, mà tôi hỏi ngược lại: "Ông muốn hỏi về trọng tâm "tĩnh" hay trọng tâm "động?".

Biết là gặp... thứ thiệt, tay kỹ sư cười xòa. Riêng viên phi công Việt kiều Mỹ, sau khi nêu ra những thắc mắc về công suất động cơ, về tải trọng, về lực nâng, về góc nghiêng cánh quạt trong các tư thế bay, ông ta nói với Trần Quốc Hải: "Chiếc trực thăng anh làm ra, nếu có bay cũng chỉ anh bay và nếu có hỏng, chắc cũng chỉ anh sửa". Nghe xong, Hải hiểu ngay lời nhận xét mang hàm ý mỉa mai vì như thế có nghĩa là sản phẩm của Trần Quốc Hải không mang tính phổ thông như những loại trực thăng khác.

Chẳng một chút tự ái, Trần Quốc Hải nói: "Khi Sikorsky - một người Mỹ gốc Nga, là cha đẻ của máy bay trực thăng - chế ra chiếc trực thăng đầu tiên, rồi khi nó cất cánh, ông ta đã phát biểu với những người chung quanh, rằng đằng sau chiếc máy bay ấy, ngành hàng không sẽ có thêm hai nghề mới. Đó là thợ máy trực thăng và nghề lái máy bay trực thăng". 

Viên kỹ sư người Đức, sau này trở thành bạn thân của Trần Quốc Hải, và cũng là người tích cực vận động Viện Bảo tàng hàng không Áo, mời Trần Quốc Hải đưa chiếc trực thăng qua Vienna triển lãm trong 3 tháng.

Anh kể: "Triển lãm ở Vienna chưa kết thúc, tôi đã nhận được lời đề nghị của Viện Bảo tàng hàng không thành phố New York, Mỹ, đề nghị tôi đem qua trưng bày và bán cho họ chiếc máy bay này". Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh quyết định bán để lấy tiền vừa là trang trải chi phí, vừa có vốn đầu tư, nghiên cứu, sản xuất máy móc nông cụ và quan trọng nhất: Có tiền để làm chiếc trực thăng thế hệ sau.

Rút kinh nghiệm lần trước, chiếc trực thăng thứ hai của Trần Quốc Hải sử dụng động cơ  xe tăng với nhiều bộ phận được cải tiến, hình dáng bên ngoài nhìn cũng chuyên nghiệp hơn. Hải nói: "Tôi xuất thân từ một giáo viên ngành thể dục thể thao. Tôi làm máy bay vì niềm đam mê chứ đâu có được học hành bài bản. Vì thế, khi làm xong, hai kỹ sư hàng không người Mỹ đã từ New York bay sang, giúp tôi thẩm định lại các thông số kỹ thuật".

Cuối năm 2008, Trần Quốc Hải nhận được thư mời của Viện Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Queensland, Úc, đưa chiếc trực thăng sang dự Triển lãm châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 5. Đưa tôi xem tờ giấy chứng nhận của Ban tổ chức, do ông Doug Hall, Giám đốc Viện Bảo tàng Queensland ký, Hải nói: "Tất cả đều gọi tôi là "nông dân - kỹ sư cơ khí" (Farmer - Mechanical Engineer) mặc dù tôi chưa hề bước chân vào đại học cơ khí ngày nào".

Dự triển lãm ở Australia  vừa xong, Trần Quốc Hải lại nhận được thư của Tổ chức Văn hóa - khoa học - xã hội Đức, mời đưa máy bay qua Bonn, trưng bày trong 45 ngày, từ 26/3 đến 3/5/2009. Khi container chứa chiếc máy bay đưa về tới khu triển lãm, và khi Hải cùng cậu con trai tiến hành lắp ráp, có khoảng một chục kỹ sư người Đức vây chung quanh, trên tay mỗi người là một tập giấy.

Cứ hễ Trần Quốc Hải và cậu con trai lắp bộ phận nào, họ lại ghi chép tỉ mỉ về tính năng và cách thức lắp ráp bộ phận ấy, đồng thời hỏi nó có xuất xứ từ đâu. Thoạt đầu, Hải nghĩ họ... ăn cắp nghề của mình nhưng không thể mời họ đi chỗ khác. Tới hồi cho nổ máy, chạy không tải và được các kỹ sư hàng không Đức đánh giá là độ rung thân máy bay, độ cân bằng cánh quạt chính, cánh quạt đuôi, hệ thống lái hoàn toàn ổn định thì Trần Quốc Hải mới nêu ra thắc mắc của mình.

Một kỹ sư Đức giải thích: "Trường hợp cần thiết phải có ngay nhiều trực thăng cỡ nhỏ, thì các ứng dụng của anh sẽ giúp chúng tôi lắp ráp nhanh chóng bằng động cơ của các loại phương tiện khác mà không cần chờ đợi nhà máy cung cấp động cơ chuyên dùng".

Máy thổi lá cao su do Trần Quốc Hải chế tạo .

Trong cuốn kỷ yếu về cuộc triển lãm mà Trần Quốc Hải đưa tôi xem, có tổng cộng 30 nhà sáng chế được mời, trong đó có người ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul, Gwanggju (Hàn Quốc), Liverpool (Anh), Sevilla (Tây Ban Nha), Đài Bắc (Đài Loan), Yokohama (Nhật Bản).

Ngày 1/8/2009, "nông dân - kỹ sư cơ khí" Trần Quốc Hải lại đưa chiếc trực thăng sang thành phố Osaka, Nhật Bản để triển lãm theo lời mời của Viện Bảo tàng nghệ thuật đương đại Osaka, và cuộc triển lãm vừa kết thúc vào ngày 13/8 vừa qua.

Anh Hải kể: "Cũng như ở Đức, cứ hễ tôi lắp bộ phận nào, thì kỹ sư Nhật lại quay phim, chụp hình, ghi chép rất tỉ mỉ". Trong những cuộc triển lãm ấy, nhiều nhà khoa học đã đặt vấn đề, đề nghị Trần Quốc Hải xin định cư với tư cách một kỹ sư cơ khí. Anh nói: "Làm khoa học thì ở đâu cũng làm khoa học. Hơn nữa, Việt Nam là nơi tôi sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành nên tôi từ chối vì tôi muốn đóng góp một chút gì đó cho đất nước, quê hương".

Lục trong xấp giấy tờ, Trần Quốc Hải đưa tôi xem tiếp một thư mời của Viện Bảo tàng Tokyo, Nhật Bản, mời anh đưa trực thăng đến trưng bày trong thời gian 3 tháng, bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8/2010.

Anh cười: "Từ đây tới lúc đó, tôi phải hoàn tất mấy cái máy phục vụ nông nghiệp để kiếm tiền cho vợ con ở nhà sinh sống. Còn bây giờ, nếu nhà báo muốn tận mắt nhìn thấy những gì tôi đã làm cho người nông dân, thì xin mời theo tôi..."

(Còn nữa)
Vũ Cao
.
.
.