"Khoanh vùng" hai dạng chống đối CSGT

Thứ Năm, 02/07/2009, 10:55
Lao thẳng xe ôtô vào CSGT, lạng lách nhằm hất Cảnh sát xuống đường là hành vi rất nguy hiểm, xác suất gây chết người cao. Trong khi đó, một số vụ "quậy" CSGT là đối tượng cậy gia đình có quyền thế, thách thức Cảnh sát. Đây là hai dạng chống CSGT cần "khoanh vùng".

Phạm luật, tại sao nhiều đối tượng không chấp hành, ngang nhiên chống CSGT? Xử loại hành vi này có gì đặc biệt, liệu chế tài hình sự và hành chính đã đủ? Về phía CSGT, có điều gì cần rút kinh nghiệm? Loạt bài điều tra này, chúng tôi phân tích góc nhìn đa chiều nhằm lý giải nguyên nhân, tính chất loại hành vi phạm pháp đang có xu hướng gia tăng.

Lao thẳng xe ôtô vào CSGT, lạng lách nhằm hất Cảnh sát xuống đường là hành vi rất nguy hiểm, xác suất gây chết người cao. Trong khi đó, một số vụ "quậy" CSGT là đối tượng cậy gia đình có quyền thế, thách thức Cảnh sát. Đây là hai dạng chống CSGT cần "khoanh vùng".

Lao xe ôtô vào CSGT: Không chỉ chống người thi hành công vụ

Việc đối tượng ngang nhiên đạp ga, đâm thẳng xe vào CSGT khi người thừa hành nhiệm vụ đang đứng trước mũi xe lâu nay vẫn được các cơ quan chức năng coi là hành vi chống người thi hành công vụ.

Thực tế, đây là hành vi rất nguy hiểm, không thuần tuý như hành vi trong mặt khách quan cấu thành loại tội phạm này. Cần phân biệt hai nhóm: người điều khiển xe máy và người điều khiển xe ôtô. Trong trường hợp người điều khiển xe máy lao vào CSGT, thường không xảy ra nhiều nguy hiểm và tính chất, mức độ của hành vi cũng ít nghiêm trọng hơn.

Nhưng việc lao thẳng ôtô vào CSGT khi người thừa hành nhiệm vụ đang đứng trước mũi xe, cần phải nhìn nhận đây là hành vi rất nguy hiểm. Thời gian qua, xảy ra hai dạng lao ôtô vào CSGT.

Dù vi phạm giao thông như thế nào, Cảnh sát cũng phải giữ thái độ đúng mực.

Một, lao xe hất CSGT ngã, sau đó dừng lại hoặc bỏ chạy và dạng thứ hai nguy hiểm hơn nhiều: lao xe, kéo lê CSGT trên ca pô hoặc thành xe rồi phóng chạy với tốc độ kinh hoàng, lạng lách cố tình hất CSGT xuống mặt đường.

Trong cả hai trường hợp, việc đạp ga, lao xe vào CSGT, hậu quả chết người hoặc trọng thương đều có khả năng xảy ra. Người lái xe biết rõ tính nguy hiểm khi thực hiện hành vi này nhưng vẫn cố tình thực hiện. Tuy nhiên, nếu sau khi lao xe vào CSGT, lái xe nhận thấy hành vi nguy hiểm và không thực hiện tội phạm đến cùng thì tính chất hành vi có yếu tố giảm nhẹ.

Điển hình vụ Thượng sỹ Trịnh Hùng Thắng (Đội CSGT số 4, Công an Hà Nội) bị Lê Minh Tuấn lao thẳng xe ôtô BMW khi anh đang làm nhiệm vụ tại đường Lê Duẩn. Thấy Thượng sỹ Thắng chặn đầu xe, Tuấn đạp ga lao thẳng vào CSGT buộc anh Thắng nhảy lên nóc capô trước khi ngã sang hè đường. Vụ Thiếu úy Lê Duy Phương, CSGT Đội I, Công an Hà Nội bị Đào Văn Quang lao thẳng xe taxi nhưng anh kịp nhảy lên ca pô và thoát xuống.

Trong trường hợp sau khi đâm xe vào CSGT, hất Cảnh sát lên thành hoặc ca pô mà lái xe cố tình phóng nhanh, lạng lách thì tính chất hành vi rất nguy hiểm. Hậu quả chết người hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí với xác suất cao khi xe chạy nhanh, lái xe cố tình hất Cảnh sát khỏi thành, ca pô xe. Lái xe phải biết được hậu quả này khi thực hiện hành vi lao xe, phóng xe bỏ chạy.

Vụ lái xe Phạm Hữu Kiên cố tình phóng xe, lạng lách nhằm hất Thượng sỹ Nguyễn Việt Anh khỏi xe (năm 2007) và vụ lái xe Nguyễn Khắc Cương hất Thượng sỹ Trương Tuấn Anh lên ca pô, lạng lách, đánh võng suốt quãng đường 5km với tốc độ cực nhanh trước khi bị chặn lại (ngày 21/6/2009) là ví dụ. Việc Thượng sỹ Trương Tuấn Anh không bị hất văng xuống đường là nằm ngoài ý thức chủ quan của lái xe.

Trong các vụ việc nói trên, hậu quả chết người hoặc trọng thương chưa xảy ra do các chiến sỹ Cảnh sát chống chế được chứ không phải do đối tượng "nới tay". Đối với lái xe, mục đích việc phóng xe, hất Cảnh sát lên ca pô rồi lạng lách là nhằm bỏ trốn, thoát khỏi sự kiểm tra của Cảnh sát chứ không phải mục đích để giết người.

Với mục đích trên, hậu quả chết người nếu xảy ra không phải cố ý trực tiếp nhưng lái xe hoàn toàn ý thức được hậu quả này nên lỗi là cố ý gián tiếp (không mong muốn nhưng vẫn cố tình thực hiện).

Cụ thể, lái xe nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của Cảnh sát, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra (khi lao xe, lạng lách), nhưng để đạt được mục đích của mình (bỏ trốn) nên đã có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, chấp nhận hậu quả đó nếu xảy ra.

Việc xử lý hành vi này, khi chưa xảy ra hậu quả chết người hoặc thương tích trên 11%, các đối tượng thường chỉ bị truy tố tội "chống người thi hành công vụ".

Chống CSGT: Khi đối tượng cậy quyền thế

Một khảo sát 5 năm gần đây của Công an Hà Nội cho thấy, trong số hơn 500 vụ chống người thi hành công vụ bị lực lượng Công an xử lý, hầu hết đối tượng rơi vào các nhóm: văn hóa thấp, lối sống buông thả, coi thường pháp luật; đối tượng vị thành niên, dễ bị kích động; đối tượng vi phạm tuy có học vấn, là cán bộ, công chức nhưng khi phạm pháp có sử dụng chất kích thích (bia, rượu) dẫn tới hành động quá khích, không làm chủ bản thân.

Chỉ có 7 trường hợp là người có trình độ đại học, cao học (không tính sinh viên vi phạm khi đang học tại các trường đại học, cao đẳng). Đáng chú ý, một số vụ chống CSGT là con cán bộ lãnh đạo ở địa phương, bản thân hoặc con em gia đình giàu có, được nuông chiều nên dù có học, có nghề nghiệp vẫn sinh tâm lý "coi trời bằng vung", ngang nhiên vi phạm, chống CSGT.

Điển hình, vụ Bùi Đức Hậu, con trai một lãnh đạo huyện Thủ Thừa (Long An) nẹt pô, rú ga khiêu khích tổ tuần tra CSGT và Cảnh sát 113, Công an Long An đang làm nhiệm vụ. Khi bị lực lượng Cảnh sát truy đuổi, Hậu đe dọa và ngang nhiên tấn công hai chiến sĩ CSGT. Trong lúc đánh các Cảnh sát, Hậu còn lớn tiếng: "Có biết ba tao là ông Bùi Đức Sở không?".

Hiện tượng này tồn tại ở không ít địa phương và gây khó dễ cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Không xử lý, đối tượng càng coi thường pháp luật, cậy quyền thế, ngang nhiên vi phạm. Nhưng thụ lý vụ việc, cần phải đạt sự đồng thuận của các cơ quan công tố tại địa phương mới có thể vượt qua các chi phối.

Gần đây, Giám đốc Công an nhiều địa phương khẳng định sự kiên quyết trong vấn đề này, ngay như Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh chỉ đạo các lực lượng CSGT phải xử lý kiên quyết, bất kể người vi phạm là ai, con ai, làm gì. Trao đổi với chúng tôi, người đứng đầu Công an Hà Nội từng nói, việc ông nhận được điện thoại nhờ vả khi xảy ra vụ việc không phải hiếm. "Nhưng phải làm nghiêm theo pháp luật" - Thiếu tướng dứt khoát.

Ngoài hai dạng nói trên, hành vi chống CSGT chủ yếu là: không chấp hành mệnh lệnh, lăng mạ, chửi bới, dùng vũ lực hoặc vũ khí tấn công, ngăn cản không cho CSGT xử lý (như việc tụ tập đông người, gây sức ép).

Ngoài ra, cần thấy hành vi chống CSGT không hoàn toàn là tấn công bằng vũ lực mà có thể biểu hiện dưới dạng người vi phạm không hành động theo yêu cầu của Cảnh sát: không chịu ký vào biên bản, tự ý bỏ đi, không dừng xe khi đã có hiệu lệnh dừng xe của CSGT. Những dạng này, hành vi vi phạm không có gì mới nên chúng tôi không phân tích kỹ trong bài này.

Vấn đề đặt ra: Xử lý đối tượng chống CSGT đã đúng tính chất nguy hiểm của hành vi và đã đủ sức răn đe?

(Còn tiếp) 

Đăng Trường
.
.
.