Kho tư liệu độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Chủ Nhật, 15/05/2005, 07:01

Tôi tìm thấy ở đây rất nhiều những thứ mà với mỗi một đời người nó đã trở thành vật vô giá, với mỗi quốc gia nó đã trở thành tài sản quý hiếm không thể tái tạo lại.

Nếu còn sống đến nay, họ (những người "đi B") cũng đã ở tuổi ông, tuổi cụ, đều đã vượt cái ngưỡng "xưa nay hiếm". Với thế hệ chúng tôi, họ đã là những trang lịch sử, những bài ca hào sảng bất khuất của thời "cả nước ra trận". Vậy mà, nếu không một lần tình cờ chui vào góc khuất nhất của cái kho lưu trữ đồ sộ, một trong 3 kho tư liệu lớn nhất Việt Nam hiện nay, 72.000 cuộc đời đó với tôi vẫn là những bí ẩn.

Đchỉ là một góc nhỏ (50m2) khiêm tốn trong 12 tầng của một căn nhà hiện đại, nền gạch soi bóng người và máy lạnh chạy rè rè suốt ngày đêm. “72.000 con người trong một khoảng không chật hẹp như vậy. 72.000 cuộc đời mà mỗi một người có thể là một cuốn sách, một trang trong lịch sử. Ai còn, ai mất, ai thành anh hùng và ai còn sống gian nan giữa đời thực, chúng tôi cũng không thể biết được”. Đó là tâm sự rất thật của ông Nguyễn Tiến Đỉnh, Trưởng phòng Tổ chức sử dụng tài liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, khi nói với tôi về căn phòng đặc biệt này.

Tôi tìm được trong những bộ hồ sơ ố vàng, cũ nát và rời rạc này vô số những kỷ vật đáng trân trọng. Ông Nguyễn Thế Kỷ ở Quảng Trị trước khi ra đi đã gửi lại quyết định đi B, Huy chương Chiến thắng hạng nhất, Huy hiệu Chiến sĩ thi đua và nhiều giấy tờ quan trọng khác. Ông Ngô Quang Hưng ở Mỹ Tho có Kỷ niệm Kháng chiến, rất nhiều giấy khen cùng Bảng gia đình vẻ vang... Có rất nhiều người còn gửi lại cả Huy hiệu Hồ Chủ tịch, giấy mang súng quân dụng, giấy phép lái xe... Có người như ông Huỳnh Văn Phước ở Bình Định, trong hồ sơ của ông có cả một tấm bằng tốt nghiệp Đại học Y khoa cùng các huân, huy chương.

Có những con người mà “gia tài” lưu lại của họ khiến nhiều người trong thế hệ chúng tôi ngỡ ngàng như trường hợp ông Trần Mỹ, sinh năm 1923 tại Mỹ Thành, Phù Mỹ, Bình Định. Ông từng công tác tại Nhà máy gạch, Nhà máy xay, Nhà máy giấy Việt Trì và Hải Phòng, trong vòng 3-4 năm công tác ở miền Bắc, trước khi đi vào Nam, ông gửi lại Ủy ban Thống nhất chính phủ (UBTNCP) được thành lập năm 1960 không chỉ theo dõi tình hình quan hệ 2 miền mà còn quản lý số cán bộ đi lại giữa 2 miền Nam - Bắc gần 30 bằng khen, giấy khen các loại, hàng chục huân chương, huy chương ghi nhận chiến công. Ông Nguyễn Bính ở xã Xuân Long, Đồng Xuân (Phú Yên) thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 2, là giáo viên văn hóa của Trung đoàn 803, Sư đoàn 324. Trước khi đi B, ông mang hồ sơ và kỷ vật đến nộp cho UBTNCP và cũng chính ở đây còn lưu giữ được rất nhiều tư liệu quý như Huân chương Chiến thắng, Huy hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc... còn có cả tấm ảnh Bác Hồ có lưu bút cùng chữ ký của Người: “Tặng chiến sĩ diệt dốt” ghi rõ năm 1958.   

Những cán bộ lưu trữ nhiều kinh nghiệm ở đây cho biết, vào thời gian đó (1959 -1975) bên cạnh những thứ tài sản cá nhân có thể lưu giữ, còn rất nhiều những thứ tài sản bằng hiện vật khác. Với những thứ đó, bản “Quy định các chế độ, chính sách cụ thể đối với cán bộ đi B và từ B ra”, Chính phủ cho phép họ trước khi đi được đem hóa giá hoặc phát mại lấy tiền gửi tiết kiệm cho họ. Riêng sổ tiết kiệm thì thông thường mỗi một cán bộ đi B đều có hóa giá các tư trang thành tiền đem gửi tiết kiệm và những sổ này cũng được gửi lại cho UBTNCP giữ giùm. Sau này, khối lượng kỷ vật quý giá này, kể cả là sổ tiết kiệm, giấy mua công trái của mỗi người cũng như toàn bộ hồ sơ của họ đã được chuyển sang cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III bảo quản và trao trả dần.

Chung quanh khoản tiền tiết kiệm này đã có những câu chuyện hết sức  cảm động. Đó là trường hợp của ông Lương Phú Tường, sinh năm 1934, ở Tây Ninh, hiện là cán bộ hưu trí, thương binh nặng, ngụ tại ấp Khởi Hà, xã Cần Khởi, huyện Dương Minh Long. Là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, năm 1968, ông Tường nằm trong diện cán bộ đi B, trở về Nam hoạt động chuẩn bị cho công tác tiếp quản các vùng giải phóng. Trước khi đi, tất cả tài sản của ông Tường cùng toàn bộ tiền lương, được dồn vào một thẻ tiết kiệm với số tiền 300 đồng gửi vào Quỹ tiết kiệm số 9, Ngân hàng quận Ba Đình. Vào thời điểm đó, 300 đồng của ông có giá trị rất lớn, tương đương với hàng chục chỉ vàng. Sau 30 năm, người nhà ông quay lại Hà Nội xin đến rút tiền tại ngân hàng (nay là Ngân hàng Công thương Ba Đình) thì sau 2 - 3 ngày chờ đợi làm thủ tục với hơn nửa giờ tính toán cả lãi lẫn gốc, cô cán bộ kế toán ngân hàng thông báo: Số tiền của bác hiện nay là... 5.502 đồng?! Và như tôi biết, đó chưa phải trường hợp duy nhất.

Bốn, năm thập niên đã trôi qua, 72.000 cán bộ đi B thuở đó, hiện nay người còn người mất chưa được biết chính xác?! Một số hiện vật chúng tôi trông thấy trong căn nhà kho đặc biệt đầu thế kỷ XXI này có thể đã là “vật vắng chủ”, mà ít có ai (kể cả một số người từng là chủ nhân của nó) biết đến. Xin một lần phủi làn bụi thời gian trên những bộ hồ sơ, những cuộc đời trong căn phòng nhỏ để nhớ thêm một điều rằng: Lịch sử vẫn còn đây - Những kỷ vật vô giá!

Chí Long
.
.
.