"Kho thóc dân nuôi" và chuyện "gieo chữ" ở Thào Chư Phìn

Thứ Bảy, 27/01/2007, 14:40
Tuổi đôi mươi, lên "xứ lạnh hoang vu", thầy Trung, thầy Thanh… đã chia nhau đêm ngày đến gõ cửa từng nhà, gặp từng dân bản để phân tích cho họ hiểu tác dụng lâu dài của cái chữ. Các thầy cô cũng đã khôi phục lại phong trào "kho thóc nghĩa tình" để giữ được học sinh ở lại với trường, với lớp.

Mùa này Si Ma Cai (Lào Cai) lạnh buốt. Sương mù trắng xóa suốt ngày. Sống trong sự khắc nghiệt tột cùng ấy, dân Si Ma Cai còn nhiều chật vật. Chính thế, cái chữ từ lâu lắm rồi vẫn là thứ đồ trang sức xa xỉ và càng xa lạ hơn với Thào Chư Phìn, một xã xa xôi và khó khăn nhất huyện. Tuy thế, trái ngược hẳn với thực tế, sự học ở xã đang có những bước tiến vượt bậc. "Kỳ tích" ấy có được chính là nhờ những "kho thóc dân nuôi", một cách làm mới mà các thầy cô giáo ở đây "nghĩ ra" để thu hút học sinh đến lớp…

Hoài niệm rơi nước mắt về mèn mén chan nước lã

Thầy giáo Hoàng Quốc Trung còn trẻ lắm. Anh sinh năm 1981, vậy mà đã giữ chức Hiệu trưởng Trường THCS Thào Chư Phìn được 3 năm có lẻ. Sở dĩ thế là trước đây, theo lời thầy Trung, rất hiếm những thầy cô giáo đến đây rồi mà lại chẳng… "chạy mất dép" về xuôi.

Mùa nào cũng thế, đất trời Thào Chư Phìn cứ quá mù ra mưa, ướt nhoèn nhoẹt. Khủng khiếp nhất là mùa đông, chẳng ai muốn rời xa bếp lửa. Khí hậu khắc nghiệt vậy nên hạt ngô trên kẽ đá dù được chăm bẵm như người thành phố nâng niu con trẻ của mình cũng chẳng chịu rũ sương cựa mình nảy mầm. Bởi thế, dân Thào Chư Phìn đói.

Cái đói đã phong tỏa mọi thứ, và ghì luôn bước chân của trẻ thơ nơi đây, không cho những ánh mắt trong leo lẻo được thấy phấn trắng, bảng đen. Thào Chư Phìn có những bản cách trường học đến cả chục cây số, nên quá nửa số học sinh của trường phải ở tạm trú. Những khi giáp hạt, nhà hết lương thực để tiếp tế, nhiều học sinh đã phải bỏ học.

Một kỷ niệm mà đến giờ thầy Trung vẫn không thể nào quên được. Chính kỷ niệm ấy đã khiến các thầy cô ở đây quyết tâm bám trụ với sự nghiệp trồng người tại nơi này. Một sáng cách đây 2 mùa sương trắng, khi trống trường đã điểm mấy hồi mà đám học sinh còn lại dưới khu nội trú vẫn chưa chịu lên lớp. Sốt ruột, thầy và mấy giáo viên nữa liền chạy xuống xem các em có chuyện gì.

Đến nơi, vẫn thấy các em đang vật vờ trong phòng, đứa đứng đứa ngồi, trên tay là bát mèn mén rời rạc, khô khốc. Bực mình, thầy đã quát làm bọn trẻ sợ vội vàng chạy nháo nhào đi tìm cặp sách. Một em học sinh lớp 6 người bé như cái kẹo không chạy được đã bị thầy… túm lại.

"Lại dậy muộn à các tướng?". "Không, không đâu mà. Tại bọn em ăn sáng lâu quá thôi!" - thằng bé nói rơm rớm nước mắt. "Sao không ăn nhanh lên để còn vào lớp?", "Dạ thưa thầy, ngô cứng quá bọn em không ăn nhanh được mà!". "Thôi được, hôm nay thầy tha cho, nhưng mai phải ăn nhanh để vào lớp kịp giờ đấy nhé!".

Sáng hôm sau, để kiểm tra xem đám học trò của mình thực hiện lời hứa như thế nào, thầy hiệu trưởng đã làm một cuộc "vi hành" bí mật vào khu nội trú. Và, từ trên cao nhìn xuống, thầy đã không cầm được nước mắt. Vẫn là những bát mèn mén nhưng hôm nay, để ăn cho nhanh, các em ra bể nước sau nhà chan nước lã vào và cứ thế hồn nhiên xúc ăn.

Kho thóc nghĩa tình

Theo thầy Hiệu phó Đào Văn Thanh, chúng tôi xuống thăm khu nội trú của trường. Vừa tan học, cả đám học sinh búa xua mỗi đứa một nơi để tự lo bữa trưa cho mình. Chái gian nhà nội trú, gió lùa sương lạnh từng chặp, mấy cậu bé ở tận bản Hồ Sáo Chải phong phanh trong manh áo cộc cũng đang hí hoáy bên những nồi cơm của mình.

Củi ướt khiến cả gian bếp ngùn ngụt khói, đứa nào đứa nấy mắt cứ cay xè. Chừng gần 1 giờ đồng hồ sau, cơm chín. Chẳng cần bát, bọn trẻ cứ thế bốc cơm ăn một cách ngon lành. Hôm nay, thực đơn có thêm ít rau cải mà các thầy cô giáo mới trồng. Có lẽ, với bọn trẻ thì đó là một trong những bữa ăn thịnh soạn. Và, để có một "bữa ăn trong mơ" ấy thì thầy cô giáo trong Ban Giám hiệu nhà trường đã phải đổ nhiều sức lực, tâm huyết.

Theo thầy Thanh, trước vấn nạn học sinh bỏ học mỗi ngày một nhiều do không đủ gạo để ở tạm trú, trước năm 2000, thầy giáo Giàng Sín Chớ (nguyên là Hiệu trưởng Trường Thào Chư Phìn) đã có sáng kiến vận động tất cả các hộ gia đình trong xã đóng góp thóc để nuôi những học sinh của xã mình. Tuy thế, những ngày ấy, bởi dân trong xã còn quá đỗi thiếu đói, thêm nữa, lực lượng vận động thiếu nên sự đóng góp chẳng được là bao.

Tuổi đôi mươi, từ thành phố và các tỉnh miền xuôi lên, thầy Trung, thầy Thanh… muốn khôi  phục lại phong trào "kho thóc nghĩa tình" mà thầy Giàng Sín Chớ đã dấy lên từ trước. Và, theo các thầy thì cũng chỉ còn cách duy nhất ấy mới giữ được học sinh đến lớp. Các thầy cô ở "xứ lạnh hoang vu" ấy đã chia nhau đêm ngày đến gõ cửa từng nhà, gặp từng người để phân tích cho dân bản hiểu tác dụng lâu dài của cái chữ.

Như mưa dầm thấm lâu, sau ba tháng hè lăn lộn, "cái lí" của các thầy cô đã được dân bản hiểu. Và, ngay sau Tết cơm mới năm ấy, không ai bảo ai, dân bản cứ ùn ùn gùi thóc xuống tận nhà trưởng thôn, trưởng bản đóng theo tiêu chuẩn của mình.

Từ khi có kho thóc nghĩa tình trên, học sinh nghỉ học vì thiếu ăn đã là chuyện hiếm. Thầy Trung bảo, tuy bây giờ, bát cơm của học sinh vẫn còn chan nước sôi, ăn cùng muối trắng, nhưng đó cũng đã là một kỳ tích không tưởng ở mảnh đất nhiều truân chuyên, khắc nghiệt này…

Đào Tuy - Ngọc Lâm
.
.
.