Dự án tái định cư thuỷ điện Sơn La tại thị xã Mường Lay (Điện Biên):

Khó hoàn thành tiến độ

Thứ Sáu, 24/07/2009, 14:29

Chỉ còn chưa đầy một năm, khoảng thời gian rất ngắn để tỉnh Điện Biên, các Bộ, ngành hữu quan thực hiện lời hứa trước Quốc hội, là vào tháng 6-2010, hoàn thành và ổn định cuộc sống của người dân tái định cư thuỷ điện Sơn La trên địa bàn thị xã Mường Lay. Nhưng đến thời điểm hiện tại (7-2009), công việc này vẫn ngổn ngang, bộn bề bao nỗi khó khăn, nhọc nhằn…

Nhọc nhằn cuộc sống tái định cư

Tháng 7, mới xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, nhưng dòng Nậm Lay - từng gây nên trận đại hồng thủy kinh hoàng năm 1990 làm hơn 300 người chết và bị thương, đã đục ngầu réo sôi ùng ục. Cả thị xã Mường Lay là một đại công trường nhộn nhịp, với hàng chục dự án đang đồng thời được triển khai. Chúng tôi tìm vào khu tái định cư bản Hốc nằm ven sông Nậm Lay, đây chỉ là nơi ở tạm thời cho bà con sau khi di dời, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Đường vào khu tái định cư lầy lội khủng khiếp, đầy những ổ voi sống trâu được tạo bởi hàng trăm chiếc xe tải ngày đêm rầm rập chạy qua…

Trưởng bản Hốc là anh Tòng Văn Lơ. Lúc chúng tôi đến, anh cũng đang xoay trần gia cố lại cái bếp bé hơn cả túp lều coi nương của đồng bào vùng cao. Từ giữa năm 2006, hơn 100 hộ, 450 nhân khẩu của bản Hốc đã tình nguyện dỡ bỏ nhà cửa di chuyển xuống ven bờ sông Nậm Lay, nhường đất cho việc xây dựng dự án. Nhưng đến nay, sau ba năm, mấy trăm người vẫn đang phải trú ngụ trong những căn nhà tre phên sập sệ, thấp tè, đêm đêm phải rùng mình lo lắng vì tai họa từ trên trời có thể đến bất cứ lúc nào.

Khu tái định cư Nậm Cản đã hoàn thành được 90% kế hoạch, nhưng nguy cơ sạt lở từ các đỉnh cao vẫn đang hiện hữu.

Tháng trước, UBND thị xã Mường Lay đã khẩn trương di chuyển gần 200 hộ dân của bản Hốc, bản Na Nát nằm trong vùng nguy cơ lũ quét và hơn 300 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng sạt lở đất dọc theo quốc lộ 12 thuộc phường Sông Đà lên vị trí cao hơn. Nhưng theo Trưởng bản Lơ, các gia đình chỉ đưa người già và trẻ con lên ở trên cao, còn đàn ông, thanh niên trai tráng thì kiên quyết bám trụ vì còn tài sản, gia súc, lợn gà(!).

Chính sách chung cho các hộ gia đình khi tự nguyện di dời được hỗ trợ tiền đất thổ cư, thổ canh, cây trồng, ao cá, các chính sách hỗ trợ khác như: điện, nước, thuốc men, đặc biệt là mỗi khẩu không kể lớn bé được hỗ trợ 20 kg gạo/tháng (qui ra tiền theo giá thị trường). Qua thống kê, trung bình mỗi hộ gia đình ở các bản phải di dời được nhận từ 250 đến 400 triệu đồng. Nhưng trong thực tế, số tiền này đến nay vẫn chưa được giải ngân hết, ngay cả tiền hỗ trợ sinh hoạt, theo phản ánh của người dân, có nơi phải đợi 6 tháng họ mới được lĩnh. Các bản thuần nông như: bản Hốc, bản Na Nát… cả trăm năm nay bám đồng ruộng mưu sinh, bây giờ mất đất, tuy được đền bù, hỗ trợ nhưng bà con cũng chưa biết mình về lâu dài có thể làm gì để sinh sống?

Ông Mào Văn Sọt, một bậc cao niên trong bản phàn nàn: "Mất ruộng, thanh niên trong bản không biết làm gì, tiền hỗ trợ lĩnh về nếu không khéo tiêu pha cứ như mất cắp vì giá cả đắt đỏ, không ít nhà có tiền sắm sửa nhiều đồ dùng đắt tiền suốt ngày chỉ ăn với chơi…!".

Không riêng gì bản Hốc, người dân bản Na Nát, bản Chi Luông, bản Quan Chiên, bản Bắc, bản Ổ, nhiều khu dân cư thuộc phường Sông Đà, phường Na Lay… đều đang rơi vào tình cảnh khó khăn đủ bề về cuộc sống và phải đối phó với những mối hiểm nguy bởi lũ quét, lở đất khi mùa mưa đang sầm sập đến gần. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thị xã thừa nhận: Tuy đã đưa 1.000 hộ đi các khu tái định cư thuộc một số huyện của Điện Biên, gần 500 hộ đi tỉnh Lai Châu, gần 100 hộ tự nguyện quay về quê hương, đến nay thị xã vẫn phải sắp xếp, bố trí nơi ăn ở tạm cho 1.200 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu, chưa kể nơi làm việc, sinh hoạt của hàng trăm cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức...

Khó khăn để hoàn thành tiến độ

Theo kế hoạch, nửa cuối năm 2010, toàn bộ thị xã Mường Lay hiện nay cùng các khu dân cư dọc quốc lộ 12 từ Điện Biên lên Lai Châu sẽ dần chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện. Điều đó có nghĩa là, chỉ còn chưa đầy một năm, Đảng bộ, chính quyền, các đơn vị ở thị xã Mường Lay phải chạy đua với thời gian, gồng mình trước khối lượng công việc khổng lồ để hoàn thành các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.

Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, thị xã Mường Lay phải thực hiện di dân cho 3.443 hộ, với 12.400 nhân khẩu/14.500 dân TX, chiếm 90% tổng số hộ tái định cư của cả tỉnh. Đến nay, việc bố trí tái định cư mới thực hiện được 40% kế hoạch. 5 điểm tái định cư tại chỗ, mới chỉ có khu Nậm Cản, cơ bản hoàn thành, còn lại 4 khu: Chi Luông, Đồi Cao, Cơ Khí và khu Lay Nưa đều đang ngổn ngang, bề bộn, thậm chí tiến độ có nơi mới chỉ đạt 30% kế hoạch.

Tình hình thời tiết bất thường, công tác giải phóng mặt bằng, phương án đền bù, hỗ trợ gặp khó khăn do tính chất phức tạp về nguồn gốc đất đai; trình độ, năng lực cán bộ làm công tác tái định cư hạn chế; việc bố trí, giải ngân thanh toán tiền đền bù, hỗ trợ chậm, gián đoạn... là những trở ngại lớn đang ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ít ai có thể ngờ rằng, để có tiền trả cho dân để họ chấp nhận di chuyển, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, ông Chủ tịch UBND thị xã đã phải đứng ra vay hàng chục tỷ đồng của các doanh nghiệp!.

Một nỗi lo thường trực của mỗi hộ dân đang sống trên vùng đất mới là nguy cơ sạt lở từ các đỉnh núi bị san ủi. Cách đây hơn một tháng, hơn 10.000m3 đất đá đã bất thình lình ập xuống, vùi lấp nhiều công trình hạ tầng cơ sở, (trong đó có nhà tạm giữ của Công an thị xã), gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Ở một số nơi, người dân khi tiến hành xây dựng nhà trên diện tích được bố trí tái định cư, đã xảy ra tình trạng lún sụt khá nghiêm trọng, kết luận của đơn vị kỹ thuật tham gia thi công đến giờ vẫn chưa được người dân đồng tình. Nếu không nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, bất cập trên, mục tiêu hoàn thành khu tái định cư thuỷ điện Sơn La ở thị xã Mường Lay vào tháng 6 năm sau khó có thể đảm bảo tiến độ và chất lượng

Vũ Mạnh Hà
.
.
.