“Kho báu” của một cựu binh Công an

Thứ Hai, 14/07/2014, 09:30
Ngôi nhà 174 Quốc Bảo, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội nằm nép mình bên cạnh đường sắt đoạn Ngọc Hồi có gì đó nhẹ nhàng, tĩnh mịch, khác xa những ồn ào, xô bồ nơi phố thị xung quanh. Tiếp chúng tôi tại căn phòng áp mái trên tầng 3, ông Nguyễn Đình Phòng đang sắp xếp lại kho tư liệu vô giá của mình - “kho báu” mà ông đã cất công sưu tầm, lưu giữ mãi từ năm 1959 đến nay.

Từ sau năm 1958 ông rời chiến trường chuyển về công tác tại Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công an), đến khi về hưu, ông giữ quân hàm Trung tá. Trên phương diện một cán bộ về hưu, ông được giao nhiệm vụ làm Hội thẩm nhân dân Tòa án thành phố Hà Nội. Ông tâm sự rằng: “15 năm làm công việc hội thẩm nhân dân đã cho tôi hiểu rõ hơn về bản chất của con người phạm tội và tính chất khách quan của những điều mà pháp luật quy định". Ông chính là một trong hai hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án Khánh “trắng”, gây chấn động dư luận Hà Nội trong những năm 1990.

Đến giờ, do vấn đề về sức khỏe, ông không còn tham gia các hoạt động xã hội được nhiều, sống cuộc sống nhẹ nhàng bên gia đình, dành thời gian sắp xếp lại từng thời kỳ đã qua của đất nước qua những tài liệu mà ông cất công sưu tập. Xung quanh nhà là những bức ảnh ông chụp cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những bức ảnh chụp tại Điện Biên Phủ sau những năm 1954 cùng đồng đội của ông, rồi những bức ảnh của ông bằng gỗ có in dòng chữ “các em là đội cảm tử, các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh – Hồ Chí Minh”… Đó là những năm tháng ghi dấu trong cuộc đời ông. Đây cũng là 1 trong những lý do ông thực hiện ý định lưu giữ khoảnh khắc lịch sử đất nước.

Ông Nguyễn Đình Phòng bên kho sách, báo quí giá của mình.

Căn gác tầng 3 với những chiếc tủ kính cùng nhiều loại máy ảnh đã theo ông suốt những năm kháng chiến, những cuốn sổ ghi chép của một thời đạn bom, và những chồng báo được xuất bản từ những năm 1950, những trang tài liệu lịch sử, những thước phim về cuộc chiến tranh cứu quốc của nhân dân Việt Nam và những tư liệu về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cả căn phòng tầng 3 rộng rãi là khoảng không gian của những minh chứng lịch sử hiện hữu.

Trong căn phòng ấy, ông còn dành riêng một kệ sách viết về Bác Hồ, một kệ riêng viết về cuộc chiến tranh Việt Nam, một kệ riêng viết về những câu chuyện kháng chiến…và cả một hàng dài vô số những tờ báo, những tạp chí tên tuổi từ những năm 1950 đến nay: Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân… Qua những số báo đó, có thể thấy nhiều sự kiện của đất nước đều được lưu giữ lại cho đến tận bây giờ.

“Năm 1972, Mỹ quay lại bắn phá miền Bắc, nhà tôi trúng một quả bom, nên cháy mất mấy tạ báo và hình ảnh, tiếc lắm”, ông chia sẻ. Ông dừng lại khá lâu ở tập báo Nhân dân, số ra vào tháng 9-1969. Ông bảo, đây là số báo mà ông lưu giữ cẩn thận nhất, ghi lại toàn bộ diễn biến bệnh tình của Bác trong những ngày cuối đời. Nơi đó, lưu giữ niềm vui chiến thắng của nhân dân ta, những bức thư chúc mừng chiến thắng và cũng là nơi in ấn những bức điện chia buồn của các nước khi Bác ra đi. Rồi những tờ báo viết về các chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử những năm 1975, rồi những trận đánh trên vùng biên giới 1979…

Khi được hỏi về những khó khăn trong việc sưu tập hàng nghìn đầu sách, số báo, ông kể: "Lương tôi hồi đầu những năm 50 thì chẳng có, dạo đấy chỉ được trợ cấp về gạo thôi nhưng cũng cố dành dụm sưu tập đủ báo. Mãi đến sau này khi làm ở Bộ Nội vụ thì đỡ hơn nhưng phải cái hay đi xa nên có lúc không mua được sách báo. Có hôm phải nhờ mua, hoặc đến hôm đi công tác về cố mua bổ sung. Đến giờ cũng khá nhiều rồi, tôi dành nhiều thời gian phân loại, đóng quyển và cũng là để đọc lại những kỷ niệm năm xưa. Ngoài ra, thời tiết và điều kiện bảo quản cũng là một trong những  khó khăn lớn. Phần nhiều số báo từ những năm chiến tranh nên giấy không được tốt, đến giờ đã hoen ố nhiều, cơ sở lưu giữ cũng không có nên đưa lên tầng thượng thế này cũng lo lắm".

Mặc dù báo đã ngả màu nhưng hầu hết đều được đóng quyển, xếp ngăn, che đậy, phủi bụi thường xuyên nên còn khá nguyên vẹn. "Cũng muốn thế hệ sau nhìn vào từng giai đoạn của đất nước mà xác định hướng đi cho tương lai. Nước ta cũng đi lên từ những năm tháng đấu tranh, nghèo nàn có, khủng hoảng có, cải cách có và đất nước đang phát triển như bây giờ. Chính vì thế, tôi không chỉ lưu giữ khoảng khắc thời chiến, mà từng kỳ Đại hội Đảng đều được cất giấu trong cái kho này của tôi. Đọc mới biết được" – ông Phòng chia sẻ.

Nhìn những cuốn sách báo này, ông bảo, có nhiều tư liệu quý vậy mà rất ít người tìm đến ông để mượn đọc. “Những cô cậu trẻ không chú ý tới những trang tài liệu này của tôi. Tôi hỏi thì các bạn ấy trả lời rằng, có gì lên mạng tìm kiếm là sẽ biết cả” – ông Phòng tâm sự. Nâng niu từng tập tài liệu trên tay, ông lật từng trang báo, từng trang sách, và ngẫm về văn hóa đọc của thế hệ trẻ hiện nay. Ông cho rằng, hiện nay, do sự phát triển của Internet nói chung và báo mạng nói riêng khiến cho nhiều người đánh mất đi thói quen đọc báo giấy, sách giấy. Điều đó cũng có những ưu việt riêng, song lại có mặt hạn chế của nó, đó là độ tin cậy của thông tin và làm cho người ta lười tư duy, ý thức, thói quen đọc sách cũng dần mất đi…

Với những trải nghiệm của một người bước ra từ chiến trường, có trong tay những tư liệu lịch sử quí giá, ông đang lập kế hoạch viết sách. Ông đang soạn thảo cuốn sách viết về sự thực, tội ác của đế quốc xâm lược đối với nhân dân Việt Nam. Với ông, việc lưu giữ những số báo này không chỉ là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm đối với lịch sử cũng như thế hệ tương lai của đất nước

An Nhiên
.
.
.