Khi nước mắt chảy ngược!

Chủ Nhật, 15/05/2005, 06:52
Chưa có một con số thống kê nào về trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong những năm gần đây, theo những con số mà chúng tôi có được thì chỉ tính riêng tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ mỗi năm “nhặt” được trên dưới hai trăm trẻ sơ sinh. Một con số đủ để chúng tôi phải lên tiếng về một “nạn” không mới: nạn bỏ rơi trẻ sơ sinh đang ngày một gia tăng.

Trong cuốn sổ nhỏ của một bác sĩ Khoa xơ sinh Bệnh viện Từ Dũ(xin giấu tên theo yêu cầu của bác sĩ), người theo dõi thường xuyên về nạn bỏ rơi trẻ sơ sinh tại bệnh viện có những con số: năm 2003 có 158 trẻ bị bỏ rơi; năm 2004 có 180 trẻ, ba tháng đầu năm 2005, có 45 trẻ. Đã có từng ấy đứa trẻ sơ sinh bị mẹ chúng buộc rời hơi ấm của mẹ. Những người mẹ trong những lúc “cạn nghĩ” đã bỏ con mình ở bất cứ nơi đâu có thể, ở giường bệnh, chân cầu thang và cả ở cổng bệnh viện. Chỉ đến khi những đứa trẻ khát sữa mẹ khóc ngặt lên tím tái thì những người xung quanh mới phát hiện ra.

Sau khi gửi giấy  báo về gia đình đứa trẻ, qua 7 ngày không nhận được hồi âm, Bệnh viện Từ Dũ sẽ lập hồ sơ chuyển qua xở Lao động Thương binh và Xã hội Tp. HCM, cuối cùng những đứa trẻ này sẽ được chuyển vào cô nhi viện, các Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi khuyết tật... chung với những trẻ mồ côi khác.

Ngoài Bệnh viện Từ Dũ, các Trung tâm Y tế  quận, huyện thuộc Tp. HCM hàng năm cũng phải xử lý những vụ việc tương tự.

 

Từ đầu năm 2005, Trung tâm Y tế  quận 7 đã xử lý 3 trường hợp bỏ con “lặng lẽ”, bác sĩ Giang - Trưởng khoa Sản, Trung tâm Y tế  quận 7 cho biết con số ấy đã tăng so với 3 tháng đầu năm ngoái. Hồi tháng hai có một sản phụ bỏ con ngay ở cầu thang lên khoa Sản trong đêm, đứa trẻ vẫn chưa được cắt...  rốn. Năm ngoái còn chuyện thương tâm hơn, người ta “nhặt” được một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi bên bờ sông gần Trung tâm Y tế , đứa bé suýt chết sau một đêm nằm màn trời chiếu đất và bị kiến cắn khắp cơ thể.

Còn tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi khuyết tật Tam Bình hiện nay đang nuôi dưỡng 450 trẻ, theo ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Trung tâm thì 70% thuộc trẻ bỏ rơi được chuyển đến từ các bệnh viện, trẻ HIV có, trẻ bệnh nặng có và cũng không thiếu những đứa trẻ bình thường. Ông Trung cho biết một thực trạng đáng buồn là thời gian gần đây trẻ bỏ rơi đang có dấu hiệu gia tăng.

Số phận...

Năm 2002, một đứa bé có cái tên rất đẹp Diễm Quỳnh đã trở về với cát bụi trong đám tang không một tiếng khóc tiễn đưa, bé chưa được tròn 1 tuổi, bệnh não úng thủy. Bé được làm hồ sơ gửi vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi khuyết tật Gò Vấp trong tình trạng vô cảm. Trong hồ sơ ghi rõ mẹ bé Diễm Quỳnh rất nghèo, cha của bé đã bỏ hai mẹ con trong khi mẹ không có việc làm, người mẹ nuôi mình không nổi chứ nói gì tới việc nuôi một đứa con bị bệnh.

Cũng như người mẹ ở Bến Tre, mẹ của bé Diễm Quỳnh, những người mẹ bỏ con cũng đều do hoàn cảnh khó khăn, cùng nhiều lý do khác. Có những lý do thực sự thuyết phục nhưng cũng có những lý do thiếu trách nhiệm, thậm chí là vô trách nhiệm với chính núm ruột của mình. Bệnh viện Từ Dũ từng gặp một người mẹ sau khi bỏ con đã đến “đòi” lại vì nghe đâu người chồng đến bệnh viện tìm xin lại đứa con, thì ra lý do “hoàn cảnh khó khăn” thật sự chỉ là xích mích với nhà chồng.

Trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV tại trung tâm Tam Bình.
Dư luận tỉnh Đồng Nai cách đây hai năm vô cùng xót xa, phẫn nộ khi hay tin một đứa trẻ sơ sinh bị chôn sống trong một rừng tràm thuộc xã Long Phước, huyện Long Thành. Người ta đã mau chóng quên đi câu chuyện thương tâm ấy vì đứa trẻ bị bỏ rơi sau đó đã được người cứu sống nó nhận làm con nuôi. Đứa trẻ sẽ lớn lên bình thường. Nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi đã được những gia đình hiếm muộn nhận làm con nuôi, được tiếp cận với một môi trường sống bình thường và cũng được cha mẹ nuôi yêu thương như con ruột.

Bác sĩ Giang cho biết ở Trung tâm Y tế  quận 7 cũng tiếp nhận những lá đơn xin con nuôi và đã giải quyết được khá nhiều trường hợp trẻ bị bỏ rơi tìm về mái ấm một gia đình. Đấy là những đứa trẻ sinh ra may mắn bình thường, số còn lại được chuyển vào các trung tâm mồ côi khuyết tật, sống một cuộc sống khác hẳn.

Trong phòng sơ sinh của Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, tiếng khóc của trẻ không lúc nào ngớt. Một cháu bé nằm im thiu thiu ngủ trong cái nôi đong đưa, miệng vẫn còn ngậm bình sữa.

Vài đứa ngủ, vài đứa khóc, vài đứa mở những đôi mắt to tròn lóng lánh nhìn những con thú bông trên đầu rồi chúm chím cười. Đứa 3 tuổi, đứa 2 tuổi và có đứa chỉ vài tháng tuổi. Khi đến trung tâm không lý lịch, không tên. Đứa bệnh phổi, bệnh tim và cũng có đứa rất bình thường. Hai chục mảnh đời bé nhỏ trong tay hai chị bảo mẫu, hết lo cho đứa này lại lo cho đứa khác, đứa đòi ẵm, đứa phải thay tã... các chị không bao giờ có thời gian để yêu thương riêng từng đứa để có thể bù đắp chút tình thương thay cho ba mẹ nó. Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi và khuyết tật Tam Bình cũng thế.

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh lúc nào đông đúc với nhịp sống thị thành nhưng có một thế giới khác trầm lắng và tách biệt bên trong một cánh cổng sắt: Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi khuyết tật Thị Nghè. Một thế giới tật nguyền và bất hạnh. Một cháu bé mù lòa xoa bóp, bấm huyệt cho một bé gái bị não úng thủy.  Cháu bé mù nghe tiếng người lạ, nó hướng về phía có tiếng động gật đầu chào rồi tiếp tục công việc của mình, lặng lẽ. Em đã sống ở đây rồi đi học nghề xoa bóp, bấm huyệt để quay về giúp đỡ những đứa bạn bè của nó. Đã có thể thoát khỏi thế giới trầm lặng này ra đời mưu sinh nhưng nó không nỡ,  trong trung tâm này nhiều đứa cần bàn tay của nó.

Cách đây 6 năm, các xơ ở Trung tâm Trẻ mồ côi khuyết tật Tam Bình đã “nhặt” ngay cổng trung tâm một bé gái được quấn cẩn thận trong tã. Đứa bé được các xơ đặt tên là Hạnh Dung, cháu bị nhiễm HIV. Được sự thương yêu và chăm sóc của những người mẹ nuôi trong trung tâm, bé Hạnh Dung cứ lớn, cứ cùng với lưỡi hái tử thần. Một lần tôi đã hỏi cô bé về mẹ, cháu bé hướng ánh mắt đầy yêu thương về những người mẹ nuôi trong trung tâm. Tôi hiểu, đối với cô bé họ mới chính là những người mẹ! Khi những đứa trẻ lọt khỏi vòng tay của mẹ thì xã hội và những người tốt đã giang rộng vòng tay để bao bọc chúng.

Tiến sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy - PGĐ Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết, trẻ bỏ rơi tại Từ Dũ thường bị dị tật, HIV, có gia đình nghèo và hoang thai... những người sản phụ này do thiếu những kiến thức về sức khỏe sinh sản, họ muốn bỏ con từ trong trứng nước nhưng do thai quá lớn, không thể bỏ, họ chỉ có thể bỏ... sau khi đã sinh con ra.

Trong khi đi tìm tư liệu cho bài viết này, tôi đã hỏi các y bác sĩ và người nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi bất hạnh kia: “Phải chăng sự im lặng của chúng ta đồng nghĩa với sự đồng tình đối với những lý do bỏ con của những người mẹ? Con họ rứt ruột sinh ra họ có quyền bỏ hay không?”. Bác sĩ Giang đã trả lời rằng đối với mỗi người mẹ thì những đứa con là tài sản lớn nhất của cuộc đời, đối với mỗi đứa trẻ cũng thế, chúng cần hơi ấm của mẹ. Không một lý do bỏ con nào có thể biện hộ được.

Người viết xin không kết luận về nạn bỏ rơi trẻ sơ sinh và những người mẹ đã bỏ rơi con mình. Tôi chỉ xin kể về một phụ nữ được gần 30 đứa trẻ không phải con mình gọi bằng Mẹ: người mẹ ấy tật nguyền, chị bị mất hai chân trong một tai nạn giao thông, một lần trở về nhà trên chiếc xe lăn chị đã “nhặt” và đem về nuôi một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, rồi ngày ngày chị đun sôi từng lon sữa cho nó bú, tình yêu với đứa con không phải là núm ruột ấy đã làm cho cuộc sống của chị đầy ý nghĩa.

 

Sau đó chị cứ nghe ở đâu có những đứa trẻ bị bỏ rơi chị lại đến nhận về. Hàng ngày người ta thấy chị ngồi xe lăn đến các sạp rau ngoài chợ xin từng cây bắp cải, củ su hào về nuôi những đứa con của mình. Căn nhà nho nhỏ của chị ở quận Tân Bình, Tp. HCM luôn đầy ắp tiếng cười con trẻ. Mỗi lần mệt nhoài vì sự mưu sinh cho cái ăn của gần 30 đứa trẻ trở về, chỉ cần nghe tiếng gọi Mẹ ngọt ngào từ những cái miệng xinh xinh, mọi mệt mỏi trong chị tiêu tan hết.

Nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi đã chết, trong những ngày tháng ít ỏi được hít thở trên cõi đời chúng đã cần biết bao hơi ấm của mẹ. Cũng như những đứa trẻ đang sống trong các trung tâm bảo trợ đã mong biết bao một lần được gặp cha mẹ của chính mình, được cha mẹ chúng đặt lên trán một nụ hôn.

Giá như lúc nào nước mắt cũng đừng chảy ngừng thì đẹp biết bao

Thuận Thiên
.
.
.