Khi những đứa trẻ trở thành trộm cướp

Thứ Bảy, 26/02/2005, 07:56

Hàng loạt vụ trộm cắp, móc túi, cướp giật trên cầu Long Biên, trong chợ Đồng Xuân, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khiến nhiều người lo lắng. Họ không chỉ lo lắng cho sự an toàn tài sản của mình mà còn lo lắng cho xã hội trước những tên tội phạm ngày hôm nay mới chỉ là những đứa trẻ...

Mùng 6 Tết, khi nhiều người vẫn đang rộn ràng trong không khí vui chơi thì có một thằng bé nhỏ quắt, quần áo xộc xệch đứng trên bờ hồ Hoàn Kiếm ngắm người qua lại. Trong cái đầu chim chích của nó đang chứa bao toan tính tội lỗi.


Hai ông khách du lịch to lớn lừng lững vừa rảo bộ vừa nói chuyện rôm rả. Trên cổ một ông lấp lánh sợi dây chuyền vàng. Thoáng chút chần chừ, thằng bé chạy vù đến bên vị khách du lịch, nhanh như cắt nhảy lên giật sợi dây chuyền rồi chạy về phía chợ Hàng Bè định tẩu thoát. Đúng lúc đó, tổ tuần tra của Công an phường Hàng Bạc đi tới và nó bị bắt vào trụ sở. Thằng bé đó là Mai Văn Duy, 15 tuổi quê ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nó là đứa "xông đất" dãy nhà tạm giữ trẻ phạm pháp.

Cũng giống Duy, giáp Tết Ất Dậu, một số thành viên trong "băng đảng người dơi" mới "nghỉ mát" ở trong này. Cầm đầu nhóm là thằng bé có tên Linh "rồng". Chữ "rồng" là thể hiện cho "vương quyền" mà thằng bé sớm lăn lóc ngoài xã hội được đồng đảng "tấn phong". 11 tuổi, nó đã chỉ huy cả nhóm trẻ bụi đời. Linh "rồng", Hiếu "đầu to", Tùng "cướp", Phong... đã gây liên tiếp 7 vụ cướp giữa ban ngày chỉ trong nửa tháng.

 

Khi Linh bị bắt, một cán bộ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã hỏi nó: "Tại sao các cháu lại chọn cầu Long Biên, ở vị trí mấu cầu số 2, 3 phía Hà Nội?", Linh "bật mí": "Nếu ở giữa cầu mà bị đuổi bắt thì chỉ có nước nhảy xuống sông Hồng, còn ở phía Gia Lâm thì có mấy chốt Công an làm nhiệm vụ, họ tóm bọn cháu ngay. Vị trí bọn cháu chọn là thuận lợi nhất, cướp xong nhảy xuống gầm cầu là thoát. Sở dĩ chúng cháu tính toán được là do Hiếu gợi ý và cả bọn cùng thảo luận họp bàn".

Những lời khai tại cơ quan điều tra của Lê Quang Linh cho thấy, tuy nhóm tội phạm là trẻ con nhưng hoạt động có tổ chức, hành vi phạm tội được các đối tượng thực hiện rất có ý thức chứ không đơn thuần là ngẫu hứng kiểu trẻ em. Câu hỏi đặt ra là tại sao những đứa trẻ này lại táo tợn như vậy? Ai là người chịu trách nhiệm cho sự trượt dốc này? 

Câu hỏi lớn phía sau những hành động tội lỗi

Chúng tôi đã tìm được thằng bé Mai Văn Duy tại Trại phân loại Lộc Hà. Nó ngồi thu lu trong góc căn phòng rộng thênh thang để chờ quyết định đưa đi trường giáo dưỡng. Ngồi đối diện với chúng tôi, Duy nói chuyện rất cởi mở, đôi mắt mở to đen láy với hàng mi cong vút như những câu hỏi chờ lời giải cho số phận cuộc đời của nó.

 

Duy kể rằng, với nó hình ảnh của người mẹ chỉ có trong ký ức. Theo như lời bà ngoại, mẹ nó bỏ đi Trung Quốc từ khi nó mới tròn một tuổi. Năm 14 tuổi, bố nó cũng đột ngột ra đi sau một trận cảm. Vậy là cậu bé mồ côi sống cùng bà ngoại hơn 60 tuổi trong một căn nhà nhỏ. Hai bà cháu bán nước chè nuôi nhau.

Ở cái tuổi luôn nhạy cảm với mọi vấn đề xung quanh, nó đã bỏ nhà đi sau một lần bị bà mắng. 100.000đ là số tiền nó dùng làm lộ phí ra Hà Nội và sắm bộ đồ nghề đánh giày. Nhưng cuộc sống lang thang trên vỉa hè đâu có đơn giản như suy nghĩ non nớt của nó. Mới ngày đầu tiên đi làm, nó đã bị một nhóm bắt nộp phí. Cứ 5h chiều, nó phải đến cửa khẩu Phúc Tân nộp cho một thanh niên tên Hùng 20.000đ.

 

Vậy là cậu bé thôn quê ấy bằng mọi cách phải kiếm tiền đủ ăn và "cống nạp". Rồi một ngày đến cái giờ đã định, nó chưa có đủ tiền. Thế là nó đi cướp điện thoại di động và bị bắt đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội 1. 28 Tết, người ta cho nó về quê sum họp với gia đình. Nhưng Duy đã không về với bà. Nó giải thích "vì không có tiền". Kết cục, thằng bé lại dấn sâu vào tội lỗi.

Giọng nói của Duy chùng xuống khi nhắc đến bà. Nó bảo, nó cũng thương và nhớ bà lắm. Lần này khi được trở về, nó sẽ ở lại để chăm sóc bà, nấu cơm cho bà. Chắc bà cũng nhớ nó. Đôi mắt thằng bé ươn ướt... Rồi nó bật dậy với thực tại khi chúng tôi nhắc đến thùng đồ nghề, nó buồn, vẻ mặt già đắng: "Cháu vẫn giấu ở chỗ cũ, mấy hôm mưa chắc ướt hết cả rồi...".

 

Khi chúng tôi chia tay Duy thì cũng là lúc cậu có thêm một người bạn cùng tuổi "đến ở cùng" là Nguyễn Văn Hoàng. Hoàng sinh năm 1990, bị bắt khi đang giật túi tại chợ Đồng Xuân ngày 19/2. Hoàng cũng là một đứa trẻ lang thang, không gia đình, không nơi cư trú. Theo đánh giá của cơ quan Công an, hầu hết trẻ vị thành niên phạm tội đều có vấn đề từ gia đình. Bố mẹ Lê Quang Linh cũng bỏ nhau. Nó sống cùng mẹ và ông bố dượng. Nó bị hắt hủi, cuối cùng phải bỏ đi lang thang kiếm sống và trở thành "người dơi" từ khi mới 11 tuổi.

Hầu hết những đứa trẻ phạm pháp đều khao khát một mái ấm gia đình, được học hành, vui chơi chứ không muốn sống trong sự sợ hãi, trốn chạy cả Công an và những kẻ "đầu gấu" chuyên bắt nạt trẻ con như tên Hùng mà thằng bé Duy nhắc tới

Hồng Hà
.
.
.