Hiệu quả từ mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự" tại Thanh Hoá:

Khi lòng người rộng mở, cái ác bị loại trừ

Thứ Tư, 02/12/2009, 08:47
Không gì tả xiết niềm vui của anh Công - người có quá khứ lầm lỗi lại được bảo lãnh vay 1,4 tỷ đồng để thành lập doanh nghiệp vận tải, tạo công ăn việc làm bền vững cho cả gia đình; không có điều kiện như thế nhưng anh Cường, anh Hưng… cũng có cơ hội cải thiện đời sống bằng đồng vốn xuất phát từ lòng nhân ái của các doanh nhân trong huyện Nga Sơn gom lại mà thành.

Rất nhiều sự giúp đỡ như thế đã hồi sinh cuộc sống của không ít người lầm lỗi, những cảnh ngộ éo le ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá mà trước đó không lâu, bóng tối của sự mặc cảm còn đè nặng lên cuộc đời của họ…

Gặp khách đến, anh Cường ngưng tay dệt như muốn trút bỏ mọi phiền muộn của những năm tháng truân chuyên do chính mình tạo nên. Anh chưa thể quên cái nhìn đầy mặc cảm của người đời cho đến khi được nhận vào làm việc tại phân xưởng dệt chiếu xuất khẩu của doanh nghiệp Chiến Nga.

Mức lương từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng/tháng dù chưa thật cao nhưng bù lại, việc làm ổn định cũng đủ chi tiêu tằn tiện trong gia đình. Nghĩ lại, không khó khăn sao được trong bối cảnh hiện nay khi mà người bình thường còn khó kiếm việc làm huống là người đã có nhiều khúc mắc. Nhận thức thấy từ chỗ thiếu việc làm, hoàn cảnh kinh tế éo le quẫn bách là một trong những lý do khiến người lầm lỗi dễ phát sinh hành vi phạm tội, Công an huyện Nga Sơn đã xây dựng mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự".

Thượng tá Nguyễn Cao Sơn - Trưởng Công an huyện khúc triết lý giải: Thực tế ở địa phương nào cũng có người lầm lỗi gặp khó khăn và họ luôn cần sự giúp đỡ của xã hội để mưu sinh. Nhà nước và các tổ chức xã hội dù dày công chăm lo cũng chưa thể đáp ứng yêu cầu, trong khi đội ngũ doanh nhân lại có điều kiện kinh tế, có tư liệu sản xuất và cả khả năng dạy nghề nên chúng tôi nảy ý tưởng liên kết ba nhà phục vụ yêu cầu phòng ngừa tội phạm.

Xuyên suốt mô hình này là mối quan hệ giữa Công an huyện- Doanh nhân và Ngân hàng chính sách xã hội. Các doanh nhân góp sức người sức của vào công tác bảo vệ an ninh trật tự bằng cách xây dựng quỹ "Doanh nhân phòng chống tội phạm", qua đó cho người lầm lỗi vay vốn, tạo việc làm và bao tiêu sản phẩm do họ làm ra; cơ quan Công an là đầu mối tư vấn pháp lý giúp cho các doanh nghiệp làm ăn thuận lợi trên cơ sở quy định của pháp luật. Nguồn tiền các doanh nhân đóng góp được quản lý theo quy định tài chính kế toán tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện và chỉ được trao cho người lầm lỗi sử dụng sau khi đã được xét duyệt đúng tiêu chuẩn ban hành.

Bài học từ nhiều địa phương đã hỗ trợ người lầm lỗi bằng tiền mặt hay dạy nghề nhưng rốt cuộc người nghèo vẫn tái nghèo. Các cán bộ, chiến sĩ Công an nơi đây gây dựng nên quỹ "Doanh nhân phòng chống tội phạm" với niềm tin chắc chắn thành công bởi phương cách quản lý thuận theo quy định của Nhà nước.

Người vay vốn hiểu được rằng, nếu không có sự bảo lãnh của cơ quan Công an thì không dễ gì họ vay được nguồn vốn ưu đãi để sinh nhai, đồng thời thấy được trách nhiệm phải hoàn vốn trước các cơ quan chức trách của địa phương. Thấy đề xuất có ý nghĩa xã hội lớn, 350 doanh nghiệp và các chủ cơ sở sản xuất trong huyện Nga Sơn đã đồng tình hưởng ứng.

Chỉ sau thời gian ngắn Công an huyện đã huy động được gần 400 triệu đồng vào quỹ. Ngoài việc chi ủng hộ 12 triệu đồng cho 28 gia đình những người mới chấp hành hình phạt trở về, Hội đồng xét duyệt đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện giải ngân ba đợt cho 40 trường hợp vay tổng số tiền 320 triệu đồng đầu tư cho sản xuất. Theo đề nghị của cơ quan Công an, ngân hàng cũng cho trên 30 trường hợp vay số vốn 1,5 tỷ đồng để triển khai các phương án kinh doanh cá thể.

Việc cho người lầm lỗi vay vốn để sản xuất hay học nghề chính là biểu hiện sự tin tưởng của các cơ quan và tổ chức xã hội đối với khả năng hoà nhập xã hội, vượt lên khó khăn của họ. Nó cũng xoá đi những mặc cảm đã từng cản trở người lỗi lầm trong quá trình hoà nhập cuộc sống bình thường chứ chưa nói gì đến vay được nguồn tiền lớn để làm ăn.

Từ niềm tin chắc chắn về khả năng làm ăn của những người đã gặp nhiều vấp váp đó mà hàng trăm triệu đồng đã được cho vay không hề do dự. Không ít doanh nghiệp đã tự nguyện đóng vào quỹ từ mươi đến vài chục triệu đồng, như: Doanh nghiệp chiếu Chiến Nga, doanh nghiệp Phú Sơn, Huy Hoàng… Nhiều doanh nghiệp đã sẵn lòng nhận người lầm lỗi, nhất là những người đã có thời vương vào ma tuý đến làm việc mà không mấy đắn đo như doanh nghiệp Hoàng Long, doanh nghiệp Huy Hoàng...

Những người như ông Lâm, ông Nam giờ chỉ biết nói lời cảm ơn vì được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi có xuất xứ từ lòng nhân ái của các doanh nhân. Không xa lạ với nghề truyền thống của họ, nhưng vì thiếu đồng vốn nên mọi dự định làm ăn đều bỏ dở cho đến khi được vay vốn từ quỹ doanh nhân.

Ông Dương Đình Dịu-Trưởng ban liên lạc mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự", chủ doanh nghiệp Huy Hoàng nói: "Doanh nghiệp luôn cần lao động. Chúng tôi tin rằng người lầm lỗi nếu được giúp đỡ tạo việc làm, có lương đảm bảo đời sống thì tâm tính họ sẽ dần được cảm hoá. Đây là cách tốt nhất thu phục nhân tâm con người".

Còn nhiều việc cần phải làm để giúp đỡ người lầm lỗi sớm trở về với đời sống cộng đồng. Nhưng qua cách làm của Công an huyện Nga Sơn hẳn đã là kinh nghiệm quý cho nhiều địa phương trong công tác giúp người lầm lỗi trở về với cộng đồng hiệu quả

Thanh Phong -Phu Sý (PV Báo An ninh Lào)
.
.
.