Khi “chất xám” được sử dụng cho mục đích “đen”

Thứ Ba, 21/04/2009, 09:31
Ngày 14/4, Phòng PC15 Công an TP Hà Nội khám phá vụ sản xuất bộ lưu điện cửa cuốn giả nhãn hiệu Hanotech. Chủ mưu trong vụ việc này là Nguyễn Đăng Sang (29 tuổi), quê Bắc Ninh, là một kỹ sư điện tử viễn thông. Từ tháng 12/2008 đến khi bị bắt, Sang đã sản xuất và tung ra thị trường gần 100 bộ lưu điện giả. Vì sao một người có trình độ như vậy lại phạm tội sản xuất hàng giả? Đó là điều khiến chúng tôi tìm gặp Sang tại CQĐT.

>> Hà Nội: Bắt vụ sản xuất bộ lưu điện cửa cuốn giả nhãn hiệu Hanotech

Mới tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy Nguyễn Đăng Sang là một thanh niên khá hiền lành và thông minh. Đôi mắt to, sáng dưới đôi lông mày đen rậm khiến khuôn mặt thêm lanh lợi.

Khi chúng tôi hỏi về gia đình, Sang kể, bố mẹ sinh được 4 anh em, Sang là thứ hai và cũng là con trai duy nhất. Bố mẹ Sang là nông dân, quanh năm vất vả với đồng ruộng nên luôn mong muốn cậu con trai được ăn học nên người. Sang là niềm tự hào của cả gia đình bởi ở thôn Ngô Xá, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, có hơn 200 hộ gia đình thì chỉ có vài ba gia đình có con đỗ đại học như Sang.

Sau 4 năm đèn sách tại Khoa Điện tử viễn thông của Đại học Mở, Sang tốt nghiệp loại ưu và quyết định ở lại Hà Nội lập nghiệp. Thời gian đầu, Sang xin vào làm việc ở các công ty sản xuất, kinh doanh đồ điện tử, sau đó chuyên làm kỹ thuật cho các công ty kinh doanh cửa cuốn.

Sau một thời gian, Sang quyết định nhờ bố mẹ đứng ra vay vốn ngân hàng được 20 triệu để góp vốn cùng một số người mở công ty kinh doanh cửa cuốn. Nhưng việc kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn, các đại lý chậm trả tiền hàng nên ngoài đồng lương thì Sang cũng chưa được hưởng lãi từ việc góp vốn. Món nợ vay ngân hàng còn đó, Sang quyết định ra làm ăn riêng.

Sang nhận thấy với khả năng của bản thân có thể tự chế tạo được bộ lưu điện. Mua 1 sản phẩm mẫu về mày mò nghiên cứu trong vòng 2 tuần, Sang đã nắm được cấu tạo cơ bản và quyết định sản xuất bộ lưu điện cửa cuốn mang nhãn hiệu AC với ý định xây dựng đó là thương hiệu cho sản phẩm của riêng mình. Tuy nhiên, khi mang những sản phẩm đầu tay đi tiêu thụ, các cửa hàng lắp đặt cửa cuốn đều lắc đầu vì sản phẩm quá mới, chưa có chỗ đứng trên thị trường. Họ cho biết khách hàng ưa dùng bộ lưu điện nhãn hiệu Hanotech của Công ty Điện máy Hà Nội. Sản phẩm này hiện chiếm thị phần lớn nhất đối với sản phẩm sản xuất trong nước.

Lúc đó, trong tay Sang chỉ có vài triệu tiền vốn, sản phẩm làm ra lại không tiêu thụ được. Trong đầu Sang liền nảy ra ý đồ sản xuất hàng giả nhãn hiệu Hanotech. Sang đặt sản xuất vỏ kim loại tại một cơ sở ở Bắc Ninh, sau đó trực tiếp đi mua phụ kiện tại "chợ trời" về lắp đặt. Những sản phẩm giả mạo đầu tiên đã nhanh chóng được tiêu thụ, Sang lại dùng tiền đó để đầu tư sản xuất nhiều hơn.

Công việc có vẻ phát đạt, Sang kéo 2 cậu em rể ở quê lên phụ giúp việc sản xuất. Mọi việc xem ra đang xuôi chèo mát mái thì hành vi sản xuất hàng giả của Sang đã bị cơ quan Công an phát hiện.

Bị tạm giữ cùng Sang tại cơ quan điều tra còn có bạn gái của Sang - Nguyễn Thị Phương, sinh viên năm thứ 3 một trường đại học. Phương là người giúp Sang đưa hàng giả đi tiêu thụ. Phương kể, cả hai đều ý thức được hành vi sản xuất hàng giả như vậy là phạm pháp, song cả vốn và lãi đã đổ vào đó, không thể dừng việc sản xuất được. Dự định của Sang là khi nào thu về số vốn kha khá từ việc sản xuất hàng giả thì dùng chính đồng vốn đó để xây dựng thương hiệu bộ lưu điện AC do Sang thiết kế.

Nhìn Sang và Phương, tôi thấy tiếc cho họ. Cả hai còn rất trẻ và khá đẹp đôi. Cùng cảnh là những sinh viên tỉnh ngoài lên Hà Nội học tập rồi ở lại lập nghiệp, với hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, hẳn họ đã trải qua những ngày tháng bươn chải để kiếm tiền nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Như Sang, từ ngày đi làm, mỗi tháng Sang cũng tiết kiệm gửi về cho bố mẹ 1-2 triệu đồng. Việc Sang đưa 2 cậu em rể lên phụ giúp mình cũng xuất phát từ mong muốn tạo công ăn việc làm cho các em. Nhưng tiếc rằng mong muốn chính đáng ấy của Sang lại được phục vụ cho mục đích không trong sáng.

Vụ án của Nguyễn Đăng Sang khiến tôi nhớ lại, trước đó, cuối năm 2008, Công an quận Thanh Xuân từng triệt phá đường dây chuyên làm các loại văn bằng, chứng chỉ giả mạo do các cử nhân đại học tham gia gồm Đào Đức Trung, 31 tuổi, cử nhân Trường ĐH Khoa học tự nhiên; Bùi Xuân Tân, 27 tuổi, cử nhân Cao đẳng Bách Khoa; Nguyễn Xuân Thắng, 23 tuổi, cử nhân tại chức ĐH Giao thông vận tải…

Đều có kiến thức, trình độ và am hiểu công nghệ thông tin, nhưng tiếc rằng những cử nhân này không sử dụng những kiến thức ấy để phục vụ đất nước mà lại ứng dụng vào việc sản xuất các loại giấy tờ giả với mục đích kiếm tiền. Không ai khác, chính hành vi "đen" của họ đã tiếp tay cho nạn bằng giả mà cả xã hội lên án.

Các điều tra viên thụ lý vụ án này từng tâm sự, quá trình điều tra, các anh luôn day dứt, trăn trở bởi với hành vi phạm tội trên, những cử nhân này đã tự đánh mất tương lai của mình. Nhưng điều đáng tiếc hơn là gia đình, bạn bè, và cả xã hội đã đặt kỳ vọng vào họ bởi đào tạo được một cử nhân như vậy không phải dễ.

Trước khi vào trại giam, Nguyễn Đăng Sang cay đắng nói với tôi rằng, những gì không phải của mình thì không bền được nên sau này, dù có khó khăn đến mấy cậu ta cũng cố gắng gây dựng cho sản phẩm bộ lưu điện AC, và sẽ nghiên cứu chế tạo những sản phẩm lưu điện dùng cho các thiết bị điện gia dụng khác như đèn, quạt… Thế nên, dù muộn nhưng Sang vẫn gửi lời xin lỗi tới ông Phạm Văn Nghĩa - Giám đốc Công ty Điện máy Hà Nội, chủ sở hữu nhãn hiệu Hanotech. Tôi hi vọng Sang sẽ vượt qua cú vấp ngã đầu đời này để sử dụng chất xám của mình vào những việc có ích

Hương Vũ
.
.
.