Khát vọng sống từ những bức tranh của người khuyết tật

Chủ Nhật, 21/04/2013, 08:17
Mặc dù phải sống cuộc đời khuyết tật nhưng họ - những con người đã từng gánh chịu tận cùng nỗi đau của số phận đã biết vượt qua nghịch cảnh để làm lại cuộc đời mới. Bằng đôi tay tài hoa “kỳ diệu”, họ đã vẽ những bức tranh thể hiện được khát vọng sống cháy bỏng và niềm đam mê nghệ thuật vô tận làm lay động lòng người…

Tôi gặp anh Nguyễn Tấn Hiền (35 tuổi, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) khi anh cùng vợ và cậu con trai nhỏ của mình ra Huế tham dự cuộc triển lãm tranh “Ngày mới” do Tạp chí Sông Hương tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4).

Dáng người nhỏ, đôi mắt sáng, anh ngồi trên xe lăn tâm sự cùng tôi: “Đây là lần thứ hai mình ra Huế để tham dự triển lãm tranh. Năm trước, cũng tại đây, mình và những người bạn khuyết tật đã tham dự cuộc triển lãm tranh với chủ đề “Khát vọng”…”.

Họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền sinh ra tại một ngôi làng nghèo ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Lên 7 tuổi, bố anh qua đời, mẹ anh một mình vất vả mưu sinh để nuôi 6 đứa con ăn học.

Năm 1999, anh nhập ngũ vào Lữ đoàn pháo phòng không 573 ở Bình Định, 3 năm sau, anh xuất ngũ và thi đỗ vào khoa Toán, trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Nhưng rồi, niềm khát khao được cống hiến con chữ cho lũ trẻ ở bản làng xa xôi của anh đã mãi mãi bị dập tắt khi anh bị tai nạn giao thông gãy đốt sống cổ vào năm 2002.

Giọng buồn buồn, anh nhớ lại những ngày tháng đau khổ trong cuộc đời mình: “Sau vụ tai nạn ấy, mình đã khóc rất nhiều khi biết mình đã bị liệt tứ chi mãi mãi. Không đi được, hai tay cũng không cử động được, lúc ấy mình chỉ muốn chết đi cho rồi…”. 

Thế nhưng, khát khao được sống như ngọn lửa bùng cháy trong tâm hồn chàng trai trẻ và anh đã nghị lực vươn lên vượt qua nỗi đau. Năm 2008, Hiền xin vào làm nhân viên đồng đẳng tại Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Lúc này, niềm đam mê tranh nghệ thuật lại trỗi dậy trong anh và anh đã tự học vẽ bằng cách… cột bút chì vào tay.

“Sau hơn 2 năm miệt mài học vẽ, mình đã có thể tự vẽ nên những bức tranh về phong cảnh phố cổ, tĩnh vật, chủ đề gia đình, con người… để bán trang trải viện phí. Có được những bức tranh đẹp, tháng 6/2012, mình đã đem những tác phẩm ấy ra Huế để dự triển lãm “Khát vọng”, một triển lãm tranh đầu tiên mà mình tham gia”, anh Hiền bồi hồi nhớ lại.

Thương chàng trai tật nguyền giàu nghị lực sống, chị Nguyễn Thị Lý, kỹ thuật viên phục hồi chức năng tại Bệnh viện Bình Dân Đà Nẵng đã tình nguyện “kết tóc xe tơ” để giúp đỡ anh vượt qua khó khăn trong niềm hạnh phúc lẫn ngỡ ngàng của nhiều người. Hiện vợ chồng anh đã có được một cháu trai 2 tuổi tên Nguyễn Tấn Hy Hữu.

Từ tình yêu thương dành cho con trai của mình, họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền đã vẽ nên tác phẩm “Con! Niềm hạnh phúc của cha” với chất liệu Accrylic. Đây là một trong những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng và giá trị nghệ thuật tại triển lãm “Ngày mới”. “Tác phẩm ấy là món quà đặc biệt mà tôi vẽ để cảm ơn cuộc sống này khi đã cho tôi một gia đình hạnh phúc như ngày hôm nay”, họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền trải lòng.

Tác phẩm “Con! Niềm hạnh phúc của cha” của họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền.

Ngoài họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền, tham gia cuộc triển lãm “đặc biệt” năm nay còn có 4 họa sĩ khác cũng rất… “đặc biệt”. Đó là họa sĩ Lê Quang Lĩnh (28 tuổi, ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh); họa sĩ Lê Thị Mỹ Bình (Yên Bái) mắc bệnh viêm tủy cắt ngang, liệt 2 chân; họa sĩ Phạm Đình Thái (Huế) bị khiếm thính từ nhỏ và họa sĩ Tạ Quảng (Phú Thọ).

Họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền và họa sĩ Lê Thị Mỹ Bình nhận bằng khen tại cuộc triển lãm tranh “Ngày mới”.

Họa sĩ Lê Quang Lĩnh kể rằng, anh bị tàn tật do di chứng bệnh não từ năm 1 tuổi. Mặc dù tay, chân bị co quắp nhưng anh vẫn cố gắng học hết cấp I và tập học vẽ trong những năm tháng không được đến trường. Anh đã vẽ nên nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó hai tác phẩm “Lễ hội” và “Vui mùa” được trưng bày tại triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung (năm 2006 và 2011) được giới chuyên gia đánh giá cao.

Hoàn cảnh của họa sĩ Lê Thị Mỹ Bình cũng không khác gì mấy so với các “đồng nghiệp”. Bình năm nay 32 tuổi, chị sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Năm 1992, lúc đang học lớp 6 thì chị mắc chứng bệnh viêm tủy cắt ngang, liệt hai chân, không đứng và không đi lại được. Nỗ lực vượt lên số phận, sau một thời gian dài điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương, chị lại tiếp tục học đến hết lớp 9 rồi nghỉ học và tìm cách học vẽ để kiếm sống cho đến nay.

Đứng bên các tác phẩm “Xóm Cũ”, “Tôi” và “Cá”… được thực hiện từ hàng ngàn mảnh giấy vụn phế thải, họa sĩ Mỹ Bình xúc động tâm sự: “Đây là lần đầu tiên mình đem tác phẩm đến Huế để tham gia triển lãm. Mỗi người một cách vẽ, một chất liệu khác nhau nhưng bằng trái tim của người họa sĩ, mình biết rằng, các đồng nghiệp đã phấn đấu và nỗ lực hết mình để có được những tác phẩm “kỳ diệu” như thế”.

Bức tranh “Xóm cũ” của họa sĩ Lê Thị Mỹ Bình được tạo nên từ hàng ngàn mảnh giấy vụn.

Cũng như tôi, tất cả những người đến dự cuộc triển lãm đặc biệt này đều xúc động khi chứng kiến tài năng của các họa sĩ khuyết tật trên mỗi tác phẩm. Không ai khác, chính họ đã cho ta thấy được sự cầu thị, nỗ lực vượt lên số phận và một khát khao sống để cống hiến cho nghệ thật bằng trái tim và… đôi tay kỳ diệu

Lê Anh
.
.
.