Khát vọng lên bờ của cư dân vạn đò ven sông Lô (Tuyên Quang)

Thứ Hai, 24/05/2010, 14:19
"Ước gì một lúc nào đó, cả gia đình của tôi sẽ được lên bờ sinh sống. Chứ cứ mãi lênh đênh trên sông nước như thế này khổ lắm. Những lúc trời đổ mưa, người nào người nấy trong gia đình cũng đều nơm nớp lo sợ…". Lời tâm sự của bác Lê Mạnh Tuấn, một cư dân vạn đò đang sinh sống trên lưu vực con sông Lô - đoạn chảy qua địa phận thị xã Tuyên Quang (Tuyên Quang) khiến chúng tôi vừa cảm thông, vừa day dứt...

Đêm nằm lưng chẳng đến giường

Nơi khu dân cư vạn đò sinh sống trên dòng sông Lô cách thị xã Tuyên Quang không xa. Đứng trên cầu Nông Tiến, có thể dễ dàng chứng kiến hình ảnh hàng chục "ngôi nhà" bè nối đuôi nhau thành hàng dài dọc hai bên bờ sông. Thi thoảng đâu đó từ những "ngôi nhà" này xuất hiện chiếc xuồng thúng đi kèm là chiếc lưới vét. Thấy chúng tôi bỡ ngỡ, Trung tá Lý Văn Cát - Cán bộ Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang) liền giải thích: "Họ đi làm đấy. Vợt tôm, đánh cá chính là nghề kiếm sống chủ yếu của các cư dân vạn đò trên dòng sông Lô này các anh ạ…!".

Mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi ghé vào nhà nổi của vợ chồng bác Lê Mạnh Tuấn, 53 tuổi - một trong những cư dân vạn đò sinh sống lâu năm nhất tại địa phận phường Minh Xuân (thị xã Tuyên Quang). Sau ít phút vượt qua chiếc "cầu khỉ" chòng chành trên sông, chúng tôi đã có mặt trong gian nhà bè rộng chưa đầy 20m2. Chủ nhân ngôi nhà bè này đón khách và hướng dẫn chúng tôi bước tránh những thanh tre đã mục mà khách chỉ cần sơ ý giẫm lên thì có thể sa chân xuống nước.

Loay hoay pha chè mời khách, bác Tuấn tâm sự: "Gia đình chúng tôi đến nay đã 6 đời gắn bó với dòng sông Lô này. Nhiều thế hệ đã sống  trên nhà bè. Không biết bao nhiêu lần phải sửa chữa, do sự xuống cấp của nhà bè. Căn nhà bè với diện tích chưa đầy 20m2 này hiện có tổng cộng 7 nhân khẩu đang sinh sống. Tất tần tật mọi sinh hoạt chỉ gói gọn trong hai gian phòng này".

Kiếm từng con tôm, thả lưới đánh cá trên dòng sông Lô là nghề chính hàng ngày của hai vợ chồng bác Tuấn. Bác Tuấn kể, nghề này, ngày may mắn thì được 30-40 ngàn đồng, còn lúc khan hiếm thì chỉ được 10 - 20 ngàn đồng/ngày, vỏn vẹn một vài kilôgam tôm, cá nhỏ. Cuộc sống theo đó luôn bấp bênh vất vả. "Gia đình chúng tôi không lúc nào là không mong muốn lên bờ cả. Cảnh sống lênh đênh sông nước này vất vả lắm", Bác Nguyễn Thị Tuyên, vợ bác Tuấn vừa giặt đồ vừa nói vọng vào.

Nước sinh hoạt thì múc nước sông lên đánh phèn để dùng, còn điện thì phải đi câu nhờ những gia đình sinh sống trên bờ. Gia đình bác Tuấn câu nhờ được dây điện từ trên bờ xuống với giá 3.000 đồng/kw, nhưng chỉ dám dùng thắp sáng và một chiếc quạt điện cho mấy cháu nhỏ học tập… Chỉ vật lộn với những nhu cầu sinh hoạt bình thường nhất nhưng đối với cư dân vạn đò như vợ chồng bác cũng đã hết sức khó khăn.

Mong chờ ngày được định cư trên bờ

Đã quá trưa nhưng trong nhiều ngôi nhà bè vẫn vắng ngắt. Bếp lửa vẫn nguội lạnh. Tại một số nhà, lác đác có những người lớn lục tục kéo về sau một buổi làm ăn buôn bán trên bờ. Rời nhà bác Tuấn, ghé sang nhà bè của anh Nguyễn Minh Phúc mạn bên kia sông thuộc phường Nông Tiến. Anh Phúc vừa loay hoay vùi lửa để nấu cơm vừa tiếp chuyện chúng tôi.

Anh Phúc bộc bạch: Gia đình bố mẹ đẻ ở ngay trên bờ cũng thuộc phường Nông Tiến. Nhưng sau khi lập gia đình, do không có đất để xây cất nhà trên bờ, nên năm 2000 anh đã cùng người vợ cất nhà bè trên dòng sông Lô này. Tính đến nay, đôi vợ chồng trẻ này cũng đã lênh đênh sông nước được gần 10 năm. Căn nhà bè của anh chỉ vỏn vẹn 17m2. Nhà cũ mục nát nên vợ chồng anh vừa phải vay mượn tiền để lợp lại toàn bộ phần mái. "Trông thế thôi vợ chồng em cũng phải đầu tư tới 5 triệu đồng mới đủ. Các anh ở trên bờ sướng, chứ dân vạn đò chúng em mỗi khi có mưa to, gió lớn, ai nấy trong gia đình đều nơm nớp lo sợ".

Hỏi đến thu nhập chính, anh Phúc cười xòa: "Vợ em nấu cơm cho những công nhân đang thi công kè bờ sông Lô. Em thì đánh lưới dọc sông". Hai vợ chồng anh cũng vay mượn được mấy triệu đồng để nuôi một lồng cá. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nước sông ô nhiễm nhiều nên cá thường hay bị chết, thu nhập chẳng đáng là bao…

Nhìn cậu con trai đầu lòng mới 12 tuổi của vợ chồng anh Phúc đang vắt vẻo ngay mạn bè, chúng tôi không khỏi ái ngại. "Cháu nó biết bơi đấy các anh ạ. Sống trên sông  nước nên ngay từ nhỏ em đã  dạy cho cháu biết cách làm cho cơ thể mình nổi lên. Mục đích nhằm để khi không may rơi xuống nước, cháu nó còn biết cho người nổi lên để gia đình cứu…". Ấy nhưng còn chuyện học hành của cháu, chuyện giao lưu với bạn bè, với xã hội… Anh Phúc chỉ cười, hoàn cảnh nào theo hoàn cảnh đó, anh ạ!

Nhà bác Tuấn, nhà anh Phúc chỉ là một trong những hộ gia đình trong số hàng chục cư dân vạn đò ven sông Lô. Trò chuyện với chúng tôi những cư dân này tâm sự: "Cách đây khoảng 4 năm chính quyền địa phương cũng đã cử người xuống điều tra khảo sát nhân hộ khẩu và nghe đâu để chuẩn bị tái định cư cho dân vạn đò. Tuy nhiên chờ đợi đến nay vẫn chưa có kết quả".

Theo thống kê chưa đầy đủ của Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT tỉnh Tuyên Quang thì hiện tại số cư dân vạn đò trên dòng sông Lô đoạn qua thị xã Tuyên Quang lên đến gần 50 hộ. Những cư dân lâu năm ở đây bảo rằng, đây cũng là năm dòng sông Lô cạn kiệt nhất trong hàng chục năm qua. Sông cạn, cá tôm ngày càng hiếm. Hơn lúc nào hết, họ khắc khoải mong chờ một quyết định tái định cư để được lên bờ ổn định cuộc sống

Xuân Luận - Trần Huy
.
.
.