Khát vọng đến trường

Thứ Sáu, 26/09/2008, 08:07
Những đứa trẻ tung tăng nô đùa, được cha mẹ đưa đón lúc đến trường lúc chơi công viên, với biết bao đồ chơi đẹp, quần áo mới... Nhưng cách đó chừng vài trăm mét lại là một thế giới hoàn toàn khác. Làng vạn chài Âu Thuyền (thuộc phường Nam Ngạn - TP Thanh Hoá) lại là những trẻ nhỏ gầy còm, nhem nhuốc đang phải oằn mình đội than mà không được đến trường...

Lênh đênh những phận đời

Lòng vòng qua những phố phường đông đúc, chúng tôi có mặt ở làng vạn chài Âu Thuyền (ảnh) vào buổi sáng đầu năm học này. Loay hoay chưa biết tìm gặp ai thì thấy một đám trẻ lem luốc và nhếch nhác đã vây kín chúng tôi. Liền lúc đó có anh Nguyễn Văn Đa, 40 tuổi theo anh giới thiệu là người phụ trách cửa Âu: "Lại cán bộ dân số xuống đấy à!...  Ở đây chỉ có mỗi việc ăn với đẻ thôi, mà nay đây mai đó ai mà quản lý được...".

Có bốn xóm chài nằm gần nhau được ngăn cách nhau bởi các cửa Âu là các xóm Tân Hà, xóm Tiền Phong, xóm Thành Công và xóm Hạnh Phúc. Khoảng hơn 100 hộ dân, với hơn 500 nhân khẩu thì gần 100% hộ dân chài ở đây không có mảnh đất cắm dùi. Tài sản duy nhất là con thuyền, nơi diễn ra mọi sinh hoạt. Cuộc sống mưu sinh của họ là đánh bắt, những hộ có thuyền lớn thì đi chở thuê và đặc biệt là cái nghề đi đội (khuân, bốc, vác). Trẻ con theo cha mẹ hoặc đi đội than thuê.

Đứa trẻ nào cũng quần áo loang lổ, chắp vá nhưng những cái miệng thật nhanh nhẹn. Một đứa nhỏ trông rất tội nói: "Chú ơi! chú có biết chữ không? Dạy cho con đi. Con biết chữ để đem cá đi bán, biết đếm tiền. Mấy hôm trước bán con cá to 2 cân, vì không biết chữ nên lấy thiếu tiền. Bị cha mẹ đánh!".

Nó tên là Sáu, 11 tuổi, con anh Nguyễn Văn Học. Anh mới "ngoại tứ tuần" mà đã phá kỉ lục về đẻ với 9 đứa con. Anh Học nói với chúng tôi: "Trời sinh voi trời sinh cỏ, tôi đẻ, tôi nuôi, cấm làm sao được". "Thế anh không định cho bọn trẻ đến trường sao?", chúng tôi hỏi. Anh thở dài trong ngao ngán mà tiếp: "Làm đủ ăn là may lắm rồi tiền đâu mà đi học cơ chứ".

Chị Thể vợ anh trông già hơn cái tuổi 45 từ trong thuyền nói với ra: "Các hộ gia đình quanh đây cũng thế cả thôi, cái cảnh gạo chợ nước sông cho qua ngày, nhà có chín đứa mà chả đứa mô được đi học. Cũng muốn chúng đi học lắm nhưng biết làm sao được, gia đình khó khăn, chỗ ở lại không cố định ". Chúng tôi nhói lòng khi nghe anh Học nói rằng, ở cái làng nổi này, trẻ con đang tuổi đến trường đều thất học cả.

Bên cạnh thuyền anh Học, chúng tôi gặp một thằng bé khoảng gần 12 tuổi ló đầu ra cười. Nhìn nó, mặc quần cộc, da đen và có phần xanh xao, tóc thì hoe vàng có lẽ vì tiếp xúc với nắng nhiều, cũng chèo ngược dòng cùng thuyền chúng tôi. Nó tên là Mạnh, nhà có 7 anh em.

Bố Mạnh mất do bị hóc xương cá lại không được chạy chữa nên cứ để nằm thuyền. Sau sinh ra biến chứng rồi qua đời ở tuổi 43. Trước đây em cũng được đến trường tình thương nhưng khi bố mất phải bỏ học giúp mẹ trông em, rồi đi đội cát kiếm tiền nuôi các em. Nhà em còn mấy đứa nhỏ phải vào viện mới về vì "nó bị ghẻ, lở loét khắp người, khóc thét suốt cả đêm chỉ tội cho mẹ em thôi". Mạnh đi đội cát  đã được hai năm. Trông em già dặn hơn nhiều so với tuổi của mình.

Và những lo toan

Đang trong câu chuyện với những người của làng chài Âu Thuyền, bỗng một đoàn 4-5 cái thuyền con cũng đang chèo thoăn thoắt ngược dòng về, giữa những cơn gió đang muốn đẩy ngược các em lại. Giữa một nhóm trẻ con mà đã có mấy cái đầu nhuộm xanh đỏ đủ màu, chắc lại mới học đòi được của dân chơi trên bờ.

Tôi nghe có tiếng bọn trẻ đang xì xào nói chuyện với nhau: "Nì, hôm nay mi được mấy nghìn?". Có đứa lại nói: "Tau chả được đồng mô cả!". "Răng rứa? (sao lại thế)". "Vì tau trượt chân làm đổ cả rổ than, nên không được tính công...". Đó là cảnh diễn ra thường ngày của "đội quân" bốc vác thuê trở về giữa buổi. Khi chúng tụ đầu thuyền lại với chúng tôi nói đủ chuyện chim trời cá biển. Tôi hỏi: "Các em có muốn được ở trên bờ và đến trường không?". Cả đám ngơ ngác nhìn tôi từ chân đến đầu. Chợt có đứa rụt rè trả lời lí nhí: "Cháu thèm được đi học như bọn trên bờ lắm, với lại chúng có lắm trò chơi hay". 

Khi được hỏi ngoài thời gian đi làm các em còn làm gì nữa? một đứa oang oang nói cười, hai hàm răng đen lại mọc không đều, miệng còn ngậm điếu thuốc lá chỉ còn xái: "Bọn cháu đá bóng, tắm sông, chơi điện tử, bi-a nữa...". Trông thì rất sành nhưng quần áo thì: cái có cúc cái không, ngực phanh ra, đầu đội chiếc nón rách bươm.

Và rồi nếu số trẻ này không được giáo dục chúng rất dễ trở thành những phần tử xấu, dễ học đòi, bắt chước, là cơ hội cho bọn xấu lợi dụng. Có đứa đã theo chân bọn xấu lên bờ đi trộm cắp của người trên phố. Có đứa mắc nghiện, bỏ đi lang thang không trở về xóm thuyền đói nghèo này nữa. Đây cũng là hệ quả của sự thiếu văn hoá mà ra.

Loay hoay tìm đường đến trường

Theo như anh Đa, đã nhiều năm phụ trách xóm thuyền này cho biết, cũng có một số hộ đã được lên bờ. Thế nhưng, để được lên bờ, mỗi gia đình phải có một số tiền khá lớn. Nhiều lúc các hộ cũng đã tính bán thống bán tháo tất cả để lên bờ… Nhưng vì đất đai ở trên bờ đâu phải chuyện dễ mua so với túi tiền của vạn chài, đó là chưa nói đến chuyện làm nhà, sắm đồ rồi lo công ăn việc làm cho cả nhà. Rồi còn biết bao chuyện phát sinh, về phong tục tập quán các mối quan hệ với dân trên bờ... Đã có gia đình lên rồi lại phải xuống.

Được biết, những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương đã tạo điều kiện mở các lớp học tình thương dạy chữ cho trẻ vạn chài trong nhiều năm gần đây. Nhưng khó khăn lắm mới mở lớp, chiêu sinh đến rát cổ mà số em tham gia học rất ít, làm cho tỉ lệ trẻ mù chữ ở đây vẫn không giảm được là bao nhiêu.

Theo như UBND TP Thanh Hoá đã kiện toàn Ban chỉ đạo, giao Phòng giáo dục đào tạo phối hợp với hội khuyến học các địa phương, phối hợp với các hội ở phường xã bằng nhiều biện pháp vận động cho các cháu đến trường, các đối tượng này sẽ được miễn giảm toàn bộ các khoản đóng góp. Nhưng xem ra, chính sách đó vẫn không ăn thua khi mà cha mẹ chúng vẫn chưa an cư, chưa có mảnh đất cắm dùi và công việc không ổn định.

Theo khảo sát mới nhất khu vực này có tới gần 150 em không được đến trường. Theo thống kê của cơ quan chức năng dọc theo tuyến sông Mã thuộc địa phận thành phố Thanh Hoá có tới 320 hộ với gần 1.600 nhân khẩu vẫn tập trung neo đậu ở địa bàn thuộc các phường xã Đông Thọ, Đông Sơn, Nam Ngạn, Đông Hải và Quảng Hưng… Những mong, chính quyền địa phương sớm có một giải pháp đồng bộ, giúp làng nổi này được di dân lên bờ, có cuộc sống ổn định, để có được một tương lai không xa cho trẻ em làng vạn chài sẽ được đến trường

Thành Nam
.
.
.