Khát vọng con chữ ở lòng hồ Dầu Tiếng

Thứ Hai, 29/03/2010, 15:36
Ông Nguyễn Văn Thuyền, 69 tuổi, nhìn mấy đứa cháu nội, có đứa xấp xỉ 20 tuổi tối ngày cứ dán đời vào con nước, giọng bùi ngùi: "Bằng này tuổi con người ta có cả bụng chữ, còn hắn một chữ bẻ đôi cũng không biết"...

Nắng như thiêu như đốt ven triền hồ Dầu Tiếng (thị trấn Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) như muốn đốt cháy dãy chòi lá tạm bợ của những thân phận cơ hàn sống bám vào lòng hồ.

Ngồi buông lưới trên chiếc xuồng con rách bương, anh Nguyễn Văn Tùng, 41 tuổi, cha của 5 đứa con nhỏ, trĩu giọng: "Ngày trước tôi sống ở Nam Vang (Phnôm Pênh, Campuchia). Do cuộc sống khốn khó nên theo con nước đi khắp cùng trời cuối đất rồi dừng chân ở đây. Đời thương hồ như lục bình trôi, nay đây mai đó nên sắp nhỏ đâu có cơ hội biết chữ. Sắp nhỏ chỉ biết kéo lưới, giăng câu thôi. Ở đây có bao nhiêu đứa trẻ thì có ngần ấy đứa không biết đọc biết viết".

Đang mùa gió chướng nên lòng hồ Dầu Tiếng liên tục nổi sóng, sóng lớn như muốn đánh chìm những chiếc xuồng con mà những người đàn ông có cảnh ngộ như Tùng đang rong ruổi quẳng, buông.

Trong sóng gió rào rạt, chị Lê Thị Hoài, 34 tuổi, mẹ của 5 đứa con nheo nhóc và đang "mang bụng đứa thứ sáu được 6 tháng tuổi" vừa gỡ mẻ cá do chồng là Nguyễn Ngọc Thương kéo lên, vừa kể chuyện đời buồn: "Tính ra gia đình em có 4 đời không biết chữ. Em sinh ra và lớn lên trên Biển Hồ, rồi lấy chồng và sinh con. Do cuộc sống quá khốn khó mà vợ chồng em dắt díu nhau về đây. Mình tứ cố vô thân, con cái như vầy chạy ăn bở hơi, lấy đâu ra tiền mà cho mấy đứa nhỏ đi học".

Một góc nhỏ vá víu, tạm bợ của những cảnh đời cơ hàn bên hồ Dầu Tiếng.

Rảo dọc lòng hồ, chúng tôi bắt gặp nhiều mái nhà rách nát được che chắn tạm  bên bờ kè. Chủ nhân của những căn nhà không ra nhà ấy là những người đàn ông, những người phụ nữ nghèo kiết xác. Gia sản đáng giá nhất của họ có lẽ chỉ là chiếc xuồng be bé cùng những tay lưới vá chằng đụp như chính cuộc đời bần hàn của chủ nhân.

Ông Nguyễn Văn Thuyền, 69 tuổi, nhìn mấy đứa cháu nội, có đứa xấp xỉ 20 tuổi tối ngày cứ dán đời vào con nước, giọng bùi ngùi: "Bằng này tuổi con người ta có cả bụng chữ, còn hắn một chữ bẻ đôi cũng không biết".

Mới 5h chiều mà khu vực lòng hồ Dầu Tiếng tối om. Trên những cụm rừng tràm cổ thụ, mây đen vần vũ báo hiệu cơn mưa lớn đang đến gần. Lúc này những người đàn ông chèo nhanh về chòi. Đêm ở lòng hồ không điện, tối tù mù. Ông Thuyền có nhã ý mời khách ghé chòi lá "làm vài xị lai rai". Bên ánh đèn dầu hiu hắt, ông ực cạn ly rượu tự nấu, nhắm với miếng cá thát lát phơi khô, rồi cất tiếng não nề: "Con em lòng hồ muốn học được chữ thì phải lên bờ, phải sống định cư chứ với kiểu sống nay đây mai đó thì đâu thể đến trường được."

- Sao chú và gia đình không neo bến đậu thuyền ở nơi nào đó cố định, đi mãi vầy bao giờ tụi nhỏ biết đọc biết viết mà đổi đời?

Hỏi rồi tôi mới biết mình lỡ lời. "Đời người có ai muốn mình khổ mãi, cực mãi đâu" - anh con trai ông Thuyền nói như muốn khóc: "Chiến tranh loạn lạc khiến gia đình tôi và nhiều gia đình khác mất hết giấy tờ tùy thân, nên mình sống trên đời như không hề tồn tại. Đã vậy lại nghèo rớt mồng tơi, muốn lên bờ phải có tiền mua đất. Đào đâu ra bây giờ?!".

Hồ Dầu Tiếng cách trung tâm thị xã Tây Ninh khoảng 20km, có diện tích 27.000ha, có sức chứa 1,58 tỷ m3 nước. Quanh hồ có khoảng 40 hộ gia đình với gần 70 trẻ em không biết đọc, biết viết. Các hộ dân này phần lớn trôi dạt từ khu vực Biển Hồ (Campuchia), từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và một số nằm trong diện giải tỏa tại đảo Nhím trên địa bàn huyện. Cả thảy họ đều sống vá víu, tạm bợ trong những chiếc chòi lá dựng ven hồ và sống phụ thuộc vào lượng cá đánh bắt ở lòng hồ.

Đêm hôm ấy có ông Sửu và một số người dân ở thị trấn Dương Minh Châu sang thăm cư dân lòng hồ. Ông Thuyền tâm tình điều an ủi nhất với những cảnh đời thương hồ như ông là tuy có nghèo, có khổ nhưng không vì thế mà bị xã hội xa lánh, thờ ơ. "Chú Sửu và bà con ở thị trấn tốt lắm chú ơi!" - ông chia sẻ: "Những khi sóng to gió lớn hoặc lúc nước giựt không thể đánh bắt hay kéo mẻ lưới chỉ vài con cá cỏn con thì dân xóm chài được bà con ở thị trấn giúp gạo mắm, giúp cả thuốc men lúc ốm đau".

Nói chuyện nghĩa cử, ông Sửu, trải lòng: "Đâu có gì đáng kể! Tôi thì muốn giúp nhiều nhưng sức mình có hạn. Hồi trước bà con ở đây cùng quẫn lắm! Bây giờ ngó vậy nhưng cũng đỡ lắm rồi. Không chỉ được bà con ở thị trấn sẻ chia, khi có đoàn từ thiện về, lãnh đạo địa phương cũng ưu tiên đưa họ xuống giúp đỡ dân lòng hồ đấy".

Mờ sáng hôm sau, chúng tôi giã từ cư dân lòng hồ với lời gửi gắm của ông Thuyền, chị Mại, vợ chồng anh Thương… ước ao có phép màu nào đó giúp con cháu họ biết đọc, biết viết bởi chỉ có như thế thì sắp nhỏ mới biết tính toán mà mạnh dạn lên bờ. Chợt nghĩ mong ước này của cư dân lòng hồ sẽ không quá viễn vông với một lớp học tình thương.

Tôi đã từng biết chuyện có một thầy giáo mù ở TP HCM từng lặn lội ra đồi cát Mũi Né (phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) dạy học cho đám trẻ con nhà nghèo mưu sinh bằng nghề cho thuê ván trượt. Khu đồi cát cách TP HCM đến 250km, trong khi hồ Dầu Tiếng chỉ cách chưa đầy 150km, đoạn đường đâu quá xa!

Mong rằng bài viết sẽ là nhịp cầu nối những tấm lòng thơm thảo với cư dân lòng hồ, để ước mơ con chữ của họ sẽ không mãi là khái niệm xa xỉ!

Thành Dũng
.
.
.