Khao khát được tạ ơn đời

Thứ Sáu, 27/07/2007, 18:03

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Đại uý Đặng Văn Hải, Đội CSĐT tội phạm về ma tuý, CA quận 8, TP HCM không ngừng phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngay cả khi bản thân bị thương, ngực găm đầy mảnh đạn, mắt phải hỏng hoàn toàn anh vẫn không dừng bước.

Đại úy Đặng Văn Hải, Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an quận 8, TP HCM sinh ra trong một gia đình mà bà nội và mẹ đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Một tuổi đã phải chịu cảnh mồ côi vì bố và mẹ đều là liệt sỹ.

Điều đáng khâm phục nhất ở người chiến sỹ này là từ những năm tháng tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành, điểm tựa tinh thần duy nhất cũng là động lực giúp anh có thể vượt qua những nghịch cảnh của số phận, trở thành một tấm gương về ý chí vươn lên lại chính là truyền thống gia đình và khao khát được tạ ơn đời.

Cả gia đình theo cách mạng

Chúng tôi gặp Đại úy Đặng Văn Hải trong Hội nghị biểu dương thương binh, thân nhân liệt sỹ trong lực lượng CAND toàn quốc năm 2007 tại Hà Nội, anh sinh năm 1968 tại Tuyên Thạnh, Mộc Hóa, Long An. Bà nội có chồng và 4 con trai đều là liệt sỹ.

Bố anh, ông Đặng Văn Vĩnh, từng là Trưởng ban Quân tài của Quân khu III; mẹ anh, bà Trần Thị Bông (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Trụ, Long An) đã hy sinh cùng một ngày trong một trận chống càn sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 khi anh mới tròn 1 tuổi. Anh trai thứ 2 là Đặng Văn Thân, hi sinh năm 1972 tại chợ Gạo, Tiền Giang.

Chị hai và chị ba đi theo cách mạng từ năm lên 18 tuổi, chị tư ở nhà với bà nội đã bị pháo kích của địch bắn trúng, mất khi chưa đầy 10 tuổi. Chị năm và chị sáu theo ông bà ngoại về sống tại Đồng Tháp Mười. Bản thân anh được bố mẹ gửi nuôi tại một gia đình chuyên nuôi giấu cán bộ cách mạng ở Tân Trụ, An Giang, địa bàn mà bố mẹ anh đang hoạt động.

Năm 1975, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, anh được ông bà ngoại đưa về sống Mộc Hóa, An Giang. Năm lên 7 tuổi, ông bà ngoại qua đời, anh được đưa về Trường Nuôi dạy con liệt sỹ mồ côi ở Gò Vấp, TP HCM (dành riêng cho con em các gia đình chính sách từ Bình Trị Thiên đến Cà Mau).

Năm 18 tuổi, chàng trai Đặng Văn Hải chọn vào ngành Công an với mong muốn được tiếp nối con đường phục vụ Tổ quốc và nhân dân mà bố mẹ anh đã chọn. Đó cũng là một cách để anh tạ ơn với cuộc đời, với những người đã nuôi dưỡng, yêu thương và chia sẻ với anh suốt những năm tháng tuổi thơ côi cút, vất vả và thiếu thốn. Tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát, anh về công tác tại Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận 8, TP HCM.

Năm 1990, anh Hải cùng 3 đồng đội được giao nhiệm vụ truy bắt một đối tượng bị truy nã ở kho gạo 291 Bình Đông (phường 11, quận 8). Phát hiện đối tượng đang trốn lẫn trong gạo, Đại úy Hải đã nhảy vào ôm lấy đối tượng, cố gắng giằng lấy lựu đạn mà đối tượng đã mở sẵn chốt để đóng lại. Nhưng trong lúc giằng co, lựu đạn do đối tượng mở sẵn chốt đã nổ khiến Đại úy Hải bị thương nặng, mắt phải hoàn toàn không còn nhìn thấy, trong lồng ngực vẫn còn nhiều mảnh đạn. Anh Hải trở thành thương binh khi vừa cưới vợ đúng 26 ngày.

Không sử dụng được vũ khí thì tham mưu… phá án

Năm mảnh vỏ đạn trong lồng ngực vẫn làm tình làm tội mỗi khi thời tiết thay đổi hay thời gian anh phải ngồi làm việc quá dài. Khổ tâm nhất là việc mắt phải đã bị hỏng hoàn toàn, không thể sử dụng vũ khí nên anh Hải phải dùng tay không đi phá án. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ không được tham gia thường xuyên vào các vụ trọng án.

Những ngày đầu, anh Hải cảm thấy rất buồn nhưng rồi anh lại nghĩ, vũ khí quan trọng nhất đối với người chiến sỹ CAND vẫn là lòng dũng cảm và mưu trí. Anh bắt đầu chuyển sang làm công tác tham mưu cho đơn vị trong những vụ án phức tạp, khó khăn đòi hỏi phải có kinh nghiệm cũng như sự phân tích và tư duy tổng hợp. Có thời gian rảnh, anh hướng dẫn thêm máy tính cho các anh em trong đội.

Từ năm 2005 đến 2007, khi thành phố có chủ trương giúp các đối tượng nghiện hút tái hòa nhập cộng đồng, Đại úy Hải có thêm cơ hội để tham gia công tác này cùng đồng đội. Công việc này thoạt nhìn thì có vẻ nhẹ nhàng nhưng trên thực tế lại rất khó, nó đòi hỏi người chiến sỹ Công an phải kiên trì, trách nhiệm và có phương pháp giáo dục thuyết phục.

Với những thành tích nổi trội cũng như sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân, Đại úy Đặng Văn Hải đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng cho thành tích bắt đối tượng truy nã đặc biệt; Bằng khen của Bộ Công an; Bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh về công tác giúp đỡ các đối tượng sau cai nghiện; Bằng khen của Trung ương Đoàn TP Hồ Chí Minh cho tuổi trẻ dũng cảm…

Từ năm 1992 đến nay, Đại úy Đặng Văn Hải và gia đình (vợ và 2 con gái) vẫn sống trong căn nhà tình nghĩa của Xí nghiệp Cầu 70 tại phường 5, quận 8, TP HCM. Anh Hải nói rằng, anh chẳng mong gì hơn ngoài việc sửa được ngôi nhà cho vợ con đỡ khổ và luôn giữ được sức khỏe để làm việc, để có thể tiếp tục đóng góp cho đơn vị, để tạ ơn cuộc đời đã cưu mang, giúp anh có được ngày hôm nay và nuôi hai cô con gái học xong đại học

Hoàng Mai
.
.
.