Khẩn trương xóa thế “ốc đảo” cho làng Zlao

Thứ Ba, 04/12/2018, 07:30
Làng Zlao thuộc xã Dang, huyện biên giới Tây Giang, Quảng Nam. 18 năm qua ngôi làng này bị cô lập giữa đại ngàn Trường Sơn, bởi thủy điện A Vương tích nước dẫn đến không đường, không điện, không trạm y tế, chỉ có duy nhất một điểm trường học tạm bợ…


Được sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Quảng Nam, chính quyền huyện Tây Giang đang khẩn trương xây dựng khu tái định cư (TĐC) mới, ổn định cuộc sống cho người làng Zlao…

Trong căn nhà Gươl của làng Zlao, già làng Hồi Kíp kể cho chúng tôi nghe về lịch sử làng mình. Theo lời già Kíp, làng Zlao của người Cơ Tu nằm trên sườn núi Coong Dong rất lâu đời, dưới chân núi, trước mặt làng là sông A Vương xanh ngắt, uốn lượn qua đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Trước đây, người dân Zlao thường men theo con đường mòn dọc sông A Vương, để đi thăm các làng khác, về thị trấn Prao mua bán, trao đổi các sản vật của rừng và các nhu phẩm thiết yếu.

Nhưng 18 năm qua, từ khi có dự án thủy điện A Vương, dòng sông A Vương trở thành một vùng hồ mênh mông nên con đường mòn không còn nữa. Làng Zlao rơi vào thế bị cô lập trên sườn núi Coong Dong. Muốn xuống đến trung tâm xã Dang, phải mất gần một ngày đường vượt núi băng rừng…

Nhiều người chọn cách làm bè mảng để chèo qua lòng hồ thủy điện, vượt gần 3km ra bờ đập chính, rồi vòng đường Hồ Chí Minh lên thị trấn Prao, huyện Đông Giang, cách gần 50km. Từ đây, muốn lên đến trung tâm huyện Tây Giang thì tiếp tục đi gần 40km nữa. Rơi vào cái thế “khi đi mắc núi, trở về mắc sông” nên làng Zlao trở thành “ốc đảo” giữa đại ngàn Trường Sơn...

Hai khu tái định cư mới đang được san ủi để di dời người làng Zlao đến ở, ổn định cuộc sống.

Đáng quan tâm, làng Zlao hiện có 45 hộ, gần 200 nhân khẩu, sống bên mép hồ thủy điện A Vương, nhưng không có điện thắp sáng. “Cách đây mấy năm, Chủ tịch huyện Tây Giang lên thăm làng, chứng kiến cảnh sống thiếu điện của người dân nên mua tặng 10 chiếc tua bin phát điện bằng nguồn nước suối.

Người làng chia ra, cứ 5 hộ dùng chung nhau một tua bin. Song tua bin cũng chỉ dùng được vào mùa mưa, như năm nay, sắp hết mùa mưa mà vẫn nắng hạn, tua bin đành bỏ không, đêm đến làng vẫn đốt lửa như trước”, già Kíp trầm ngâm nói. Nói đến điện thoại, nhiều thanh niên trong làng cho biết, vị trí làng ở đã có sóng điện thoại di động, nhưng không có điện thì điện thoại cũng chẳng sạc được pin, thành ra thông tin liên lạc cũng gần như tê liệt…

Già Kíp bảo chúng tôi, ngày xưa làng có hàng chục thửa ruộng màu mỡ ven sông A Vương, nhưng 18 năm qua, ruộng đã nằm dưới đáy hồ thủy điện, dân làng  chỉ còn trông chờ vào những vạt rẫy trên những triền núi cao.

Nhà nước tuyên truyền chủ trương bảo vệ, cấm chặt phá rừng nên canh tác năm này qua năm khác trên đất rẫy bạc màu năng suất lúa, bắp chẳng là bao. Năm nay lại nắng hạn, mỗi hộ trong làng chỉ thu được hơn chục ang lúa, chắc không đủ lương thực giáp hạt. Không đủ lương thực, dân làng cũng không nuôi heo, gà...

“Khổ nhất là không có đường giao thông, mỗi khi làng có người đau ốm, sinh đẻ phải đưa đi Bệnh viện ở Đông Giang rất khó khăn”, ông Briu Bác, Phó trưởng thôn Zlao nói. Theo Briu Bác, khi có người đau ốm, cách duy nhất là đưa họ lên bè mảng, chèo vượt lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên, vào những ngày gió to rất nguy hiểm, đã có mấy lần bè mảng bị lật, may mà không xảy ra chết người.

Mới cách đây một tuần, làng có chị Ta Ngôn Thị Ến đau đẻ mấy ngày không sinh được, nửa đêm phải khênh xuống bè mảng vượt lòng hồ đi cấp cứu. Hàng chục thanh niên, đàn ông trong làng phải bơi kèm bè mảng mới đưa chị Ến đến nơi an toàn.

“Mình thương nhất là lũ trẻ con, ở làng chỉ có một điểm trường tạm bợ, với 3 thầy cô giáo dạy từ mẫu giáo đến đến lớp 4, còn tất cả phải đi học nội trú ở trường trung tâm xã, trung tâm huyện. Cũng may bọn trẻ ham học, mấy tháng mới về làng thăm cha mẹ một lần, nhưng đã có 3 em học lên đến đại học. Gần 20 năm nay, làng sống lắt lay như thế…”, Briu Bác bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi về cảnh sống “ốc đảo” của người làng Zlao, ông Bling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang trăn trở: “Thực ra huyện biết việc này từ lâu rồi, nhưng điều kiện, kinh phí của huyện hạn hẹp quá, muốn di dời, tìm nơi tái định cư mới cho người dân; muốn làm đường giao thông, muốn kéo điện cho dân, nhưng cứ phải lần lữa năm này qua năm khác, vì không tìm được nguồn kinh phí…”. 

Ông Mia giải thích, khi quy hoạch vùng lòng hồ thủy điện A Vương, đã có nhiều làng đồng bào Cơ Tu phải di dời TĐC ở nơi mới; nhưng làng Zlao nằm trên sườn núi nên chủ đầu tư cho rằng không  ảnh hưởng vùng lòng hồ thủy điện nên không có biện pháp hỗ trợ người dân di dời, TĐC nơi ở mới. Đến khi hồ thủy điện tích nước, làng Zlao bị cô lập, UBND huyện Tây Giang đề nghị Ban quản lý dự án thủy điện A Vương hỗ trợ, bồi thường phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm dưới lòng hồ cho dân làng và được hỗ trợ 100 triệu đồng.

Đến đầu năm 2018, bằng nguồn kinh phí Trung ương và địa phương, UBND huyện mở một con đường dài hơn 11km, san ủi hai khu đất làm nơi tái định cư mới cho người dân với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. “Hai khu TĐC mới, nếu thời tiết thuận lợi thì đến đầu năm 2019 sẽ  hoàn thành, cho người dân Zlao nhận đất để di dời nhà cửa đến đây.

Tuy nhiên, đường giao thông hiện nay mới đang san ủi mặt bằng, nhưng kinh phí để thảm nhựa hoặc đổ bê tông mặt đường vẫn chưa có, vì vậy đến mùa mưa việc đi lại của người dân vẫn còn rất khó khăn”, ông Mia bày tỏ.

Hồng Thanh
.
.
.