Khẩn trương giúp dân đối phó với bão, lũ

Thứ Ba, 04/10/2011, 14:43
Trước nguy cơ bão số 6 (Nalgae) là trận bão thứ 3 đổ bộ vào các tỉnh Bắc miền Trung, Công an các tỉnh trên địa bàn đang tập trung cao độ góp phần cùng nhân dân, bộ đội phòng, chống bão, lũ để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản...

Ngày 3/10, Thiếu tướng Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, Phó trưởng Ban Thường trực chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an đã ký Công điện khẩn số 07, gửi  Công an các đơn vị, địa phương  theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão để chủ động đối phó kịp thời, không để bất ngờ, bị động...

Tại Quảng Bình:

Nhiều tổ công tác Công an tỉnh được cử về phối hợp cùng Công an các địa phương vùng ven biển chuẩn bị di dời dân ở những khu vực xung yếu đến nơi trú ẩn an toàn. Bên cạnh, các lực lượng khác như: CSGT, Hậu cần, Cảnh sát Cơ động, PCCC, CS113… túc trực sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra. Không chỉ vậy, do ảnh hưởng bão số 5, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa to, dẫn đến lũ lụt chia cắt, cô lập nhiều xã ở huyện Minh Hóa.

Ngày 30/9, nước lũ sông Dinh lên nhanh, làm ngập hàng trăm hộ dân xã Minh Hóa. Công an huyện nhanh chóng huy động lực lượng và ca nô đến hiện trường ứng cứu dân. Với kinh nghiệm chống lũ, Trung tá Nguyễn Xuân Toàn và đồng đội đã khéo léo điều khiển hơn 30 lượt ca nô, chở gần 300 người dân trong vùng ngập lũ đến nơi an toàn. Tại địa bàn huyện Tuyên Hóa, một số xã bị ngập như Văn Hóa, Hóa Tiến, Phong Hóa, Mai Hóa, Dân Hóa, trong đó xã Thanh Thạch là ngập nặng nhất; Công an huyện đã huy động 3 ca nô tham gia công tác cứu nạn, di dời 414 hộ, với 10.081 khẩu ở các xã bị ngập sâu đến nơi an toàn.

“Hiện nay, lượng mưa có giảm và nước lũ cũng đã rút bớt, tuy nhiên trước diễn biến thời tiết phức tạp, Công an huyện vẫn bám địa bàn, tăng cường lực lượng và phương tiện để phối hợp với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn khác đến những vùng bị nước lũ ngập sâu, vừa cứu người, cứu đói, và hướng dẫn nhân dân bảo quản tài sản không để ngập ướt, đưa trâu bò đến nơi cao hơn; đồng thời tổ chức tuần tra giữ gìn ANTT, bảo vệ tài sản của dân không để kẻ xấu lợi dụng lấy cắp. Chúng tôi cũng sẵn sàng phương án cùng nhân dân trên địa bàn đối phó bão số 6 khi nó vào đất liền...” - Thượng tá Lê Thanh Hòa, Phó trưởng Công an huyện Minh Hóa cho biết.

Công an tỉnh Quảng Bình triển khai lực lượng ứng cứu dân các vùng bị ngập lụt do ảnh hưởng bão số 5.

Tại Quảng Trị:

Trong đêm 2/10 và sáng 3/10, đã có mưa to gây ngập lụt ở một số địa phương trên địa bàn. Trong đó, các xóm Kiệt, Đào, Chợ của xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng đã bị nước lụt chia cắt hoàn toàn. Ông Lê Vĩnh Hùng, Trưởng Công an xã Hải Thọ cho biết, lực lượng Công an thôn, xã vừa trực lũ, vừa giúp đỡ bà con ở 3 xóm trên đi lại tiếp xúc với bên ngoài bằng các phương tiện ghe, thuyền một cách an toàn. Công an Quảng Trị phối hợp với bộ đội tiếp tục giúp đỡ người dân xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh lợp lại nhà cửa bị lốc xoáy làm tốc mái, giúp dân gặt lúa ngập lụt ở các huyện Cam Lộ, Triệu Phong và Vĩnh Linh.

Ứng phó với bão số 6, các lực lượng Công an, Quân đội đã giúp đỡ bà con ngư dân ở các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong và Hải Lăng đưa 2.482 thuyền đánh cá vào bờ trú, tránh bão; giúp đỡ ngư dân tỉnh bạn đang đánh cá trên vùng biển Quảng Trị đưa 17 thuyền đánh cá với 111 thuyền viên vào trú tránh bão ở Bắc sông Bến Hải thuộc thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh và sông Bến Hải thuộc thôn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh...

Tại Thừa Thiên – Huế:

Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo huy động lực lượng quân số ứng trực, sẵn sàng giúp dân ứng phó với bão, lũ. Đối với các địa phương nằm ven biển, có khả năng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 6, các tổ công tác đã được cử về giúp dân hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền để đảm bảo an toàn tại các âu thuyền: Tân Lập (thị trấn Thuận An), Khu neo đậu Phú Hải (huyện Phú Vang); âu thuyền Cầu Hai (Phú Lộc)…

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Công an các địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng chống bão. Công an tỉnh cũng điều động 100 cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại các vùng ven sông, ven biển và sườn núi dễ ngập, sạt lở đất đá, giúp dân chằng chống nhà cửa và sẵn sàng đưa bà con ra khỏi vùng nguy hiểm.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN: Đến nay mọi công tác ứng phó với bão số 6 đã sẵn sàng, đã đưa được 1.981 tàu thuyền neo đậu, trú ẩn. Tỉnh cũng đã dự kiến sơ tán 25.130 hộ, với hơn 102.030 khẩu từ vùng ảnh hưởng của bão, thấp trũng, vùng có nguy cơ  bị lũ quét và sạt lở; trong đó, huyện Phong Điền có 3.714 hộ; Quảng Điền: 1.568 hộ; Hương Trà: 767 hộ; Phú Vang: 2.983 hộ; Phú Lộc: 8.014 hộ: TP.Huế: 4.224 hộ…

Sáng 3/10, phóng viên Báo CAND trao tiền hỗ trợ cho bà Nguyễn Thị Thỉ ở thôn Tam Hữu, xã Triệu Trung, Triệu Phong (Quảng Trị).

Tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi:

Mặc dù dự báo đường đi của bão số 6 đã không ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, song lực lượng Công an các địa phương này vẫn túc trực sẵn sàng; quyết không chủ quan, không để bị động bất ngờ. Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Công an các đơn vị ven biển Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Lý Sơn và các huyện miền núi triển khai các biện pháp phòng, chống khi xảy ra bão, lũ.

Tại huyện Bình Sơn, Công an huyện cùng Đồn Công an Khu kinh tế Dung Quất tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát ở các xã có khả năng bị ảnh hưởng bởi các cơn bão; nhắc nhở nhân dân chủ động gia cố lại đê điều, nhà ở có nguy cơ bị lũ quét và lốc xoáy. Ở các xã ven biển huyện Sơn Tịnh, Công an huyện phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh, tổ chức kêu gọi cấm phương tiện ra khơi, các tàu cá đang hành nghề trên biển nhanh chóng quay vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn để tránh thiệt hại về người và tài sản.

Công an tỉnh Quảng Nam và Công an TP Đà Nẵng cũng sẵn sàng phương án di dời dân tránh bão; cứu nạn, cứu hộ dân các vùng bị ngập lụt khi xảy ra bão lũ. Bờ biển Cửa Đại bị sóng đánh sạt lở trên 500m ăn sâu vào đất liền, Công an TP Hội An (Quảng Nam) cùng các lực lượng khác lăn lộn trong mưa để gia cố đê bao, khắc phục tình trạng xâm thực của biển; sẵn sàng di dời hàng trăm hộ dân phường Cửa Đại ra khỏi vùng nguy hiểm khi có lệnh. Công an các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bám địa bàn hướng dẫn tàu, thuyền ngư dân vào nơi neo đậu an toàn...  

Tại Đồng Tháp:

Rạng sáng 3/10, tuyến đê Cà Vàng bảo vệ lúa vụ 3 ở xã Thông Bình (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) đã không chịu nổi áp lực của nước lũ, một đoạn đê bê tông dài gần 50m đã bị nước lũ đánh vỡ. Nước lũ ồ ạt tràn vào cánh đồng lúa hơn 900 héc ta mới được 40 ngày tuổi. Ngay trong đêm, khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương đã huy động tất cả các phương tiện cơ giới cùng lực lượng cứu hộ tại chỗ và hàng trăm người dân khẩn trương đắp bao cát, cừ tràm… chắn đoạn đê bị vỡ. Tuy nhiên, nước lũ tràn vào như thác đổ, đến 8h sáng cùng ngày, hơn 900 héc ta lúa và hoa màu đã bị nhấn chìm trong nước lũ. Uớc tính thiệt hại ban đầu lên đến gần 10 tỷ đồng.

Lực lượng cứu hộ và người dân đang nỗ lực gia cố đê bao bảo vệ lúa.

Được biết, tuyến đê Cà Vàng dài 7km được xây dựng bằng bê tông cao 2m, với kinh phí gần 4 tỷ đồng rất kiên cố. Tuy nhiên, từ nhiều ngày nay, nước lũ lên nhanh, đập mạnh vào thành đê, làm nứt và bẻ cong nhiều đoạn đê bê tông bảo vệ lúa trên tuyến đê này. Nhiều đoạn đê bị rò rỉ, làm hỏng chân đê đánh vỡ bức tường chắn phía trước đê Cà Vàng một đoạn dài gần 10m. Đến 1h30 sáng cùng ngày, nước lũ đánh sập tuyến đê bảo vệ bên trong một đoạn dài gần 50m khiến nước lũ ồ ạt tràn vào đồng.

Theo ông Lê Minh Hoan – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đến nay toàn tỉnh đã có 1.628 căn nhà bị ngập nước, 159 hộ đã di dời, 59 căn nhà bị sập đổ và bị cuốn trôi, 352 căn khác bị hư hại nặng, hàng chục km bờ sông đang bị sạt lở. Khoảng 1.000 héc ta hoa màu, 170 héc ta nuôi trồng thủy sản, hơn 23.000 héc ta lúa Thu Đông chưa kịp thu hoạch, hàng ngàn km tuyến đê bao và đường giao thông đang bị nước lũ đe dọa nghiêm trọng. Mối nguy hiểm lớn vẫn đang tiếp tục diễn ra tại các huyện đầu nguồn và vùng sâu Đồng Tháp Mười. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay mức thiệt hại do nước lũ gây ra đã vượt con số 300 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại An Giang

Ngày 3/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có chuyến kiểm tra tình hình chống lũ tại An Giang. Sau khi trực tiếp khảo sát thực tế tại các khu vực xung yếu thuộc các huyện Châu Phú, An Phú, Tịnh Biên, Châu Thành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, năm nay lũ về nhanh, nhưng diễn biến phức tạp nhất là khu nội đồng Tứ giác Long Xuyên.

Tỉnh An Giang đã chủ động cảnh giác trước lũ và có chỉ đạo kịp thời trong tình huống cấp bách, thể hiện tinh thần, kinh nghiệm chống lũ, kiểm soát lũ hàng năm. Xây dựng hoàn chỉnh các cụm tuyến dân cư vượt lũ tốt. Công tác bảo vệ đê bao, nhất là với sự tham gia, ứng cứu kịp thời của lực lượng Công an, Quân đội, dân quân đã góp phần đáng kể những thiệt hại do lũ gây ra, nhất là việc đảm bảo tính mạng người dân tại các điểm xung yếu. Việc duy trì tinh thần khẩn trương bảo vệ bờ bao và các điểm xung yếu cần thực hiện nghiêm túc, không thể chủ quan trong thời gian tới.

Diện tích sản xuất của nhân dân, như: lúa, hoa màu, thủy sản… cần tập trung giữ vững. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương tinh thần chống lũ của lãnh đạo tỉnh, các lực lượng vũ trang và nhân dân An Giang.

Văn Đức

Miền Bắc tiếp tục có không khí lạnh duy trì trong 2-3 ngày tới

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trong ngày 3/10, bão số 6 di chuyển khá chậm và giảm đi 2-3 cấp so với 1 ngày trước đó. Vào hồi 16 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Sau khi đi qua đảo Hải Nam vào ngày 5/10, bão số 6 có xu hướng lệch xuống phía Nam, đi vào khu vực vùng biển Nghệ An- Quảng Bình. Song  thời điểm này, bão số 6 chỉ còn ở cấp 8, giật cấp 9-10.

Trong khi đó, một bộ phận không khí lạnh cường độ mạnh đã tăng cường xuống khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ làm nền nhiệt độ các khu vực này giảm rõ rệt. Theo đó, ngày 3/10, ở vùng đồng bằng Trung du Bắc bộ, nhiệt độ thấp nhất về đêm xuống còn 19-22 độ C, vùng núi từ 16-19 độ C và núi cao như Sa Pa, Mẫu Sơn, Mù Cang Chải, nhiệt độ về đêm xuống 14-16 độ C. Trời khá rét. Khối không khí lạnh này dự kiến còn kéo dài 2-3 ngày tới

C.L.

L.Vân – T.Bình – Đ.Hưng – T.Tuấn – N.Thùy - V.Vĩnh
.
.
.