Khan hiếm nhân công ở các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM

Thứ Sáu, 09/06/2006, 14:27

 Dự báo, từ nay đến năm 2010, TP cần khoảng 30.000 lao động tập trung ở các ngành điện, cơ khí, công nghệ thông tin, dệt, dệt may, gỗ, chế biến thực phẩm… Thế nhưng, trong tình trạng khan hiếm lao động như hiện nay thì con số đó khó có thể đáp ứng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm các khu chế xuất (KCX) và công nghiệp (CN) TP HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, trung tâm cung cấp trên 5.000 lao động  cho các KCX, KCN trên địa bàn TP HCM. Con số trên chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu thực tế và giảm khoảng 2.000 lao động so với năm 2005. Dự báo, từ nay đến cuối năm, tình trạng khan hiếm lao động sẽ còn diễn ra gay gắt hơn nữa.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động dễ dàng nhận thấy là tình hình đầu tư nước ngoài vào TP HCM ngày càng nhiều nên lượng lao động cần cao. TP HCM không còn là điểm "hấp dẫn" thu hút lao động các tỉnh như những năm trước. Hiện nhiều lao động có xu hướng về làm việc ở các tỉnh do chi phí sinh hoạt rẻ hơn nhiều so với thành phố, trong khi chế độ lương bổng không chênh lệch bao nhiêu.

TP HCM hiện có 200.000 lao động làm việc tại 15 khu chế xuất, công nghiệp, trong đó người lao động đến từ các tỉnh, thành chiếm tới 60%.

Các doanh nghiệp lớn, KCX, KCN chưa có giải pháp tích cực về nhà ở cho công nhân cũng như biện pháp để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động… nên không tạo được sức hút với người lao động các tỉnh. Ngoài ra, ở một số ngành như gia công, xuất khẩu… người lao động luôn phải làm việc với cường độ cao nhưng thu nhập lại quá thấp.

Một nguyên nhân dễ dàng nhận thấy nữa là hiện nhiều doanh nghiệp chưa vạch ra kế hoạch dài hạn về tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn. Đó là chưa có giải pháp cải thiện tiền lương và thu nhập cho người lao động đang làm việc hay sức hút cho người chưa có việc làm. Điều kiện làm việc trong các KCN, KCX không tốt hơn các ngành nghề khác, thu nhập lại chênh lệch nhau.

Hiện để "chiêu hiền đãi sĩ" người lao động, nhiều công ty bắt đầu thực hiện nhiều chính sách hợp lý cho công nhân như xây dựng nhà lưu trú cho công nhân bên cạnh nhiều chế độ đãi ngộ như nâng lương, cải thiện môi trường làm việc, thưởng…

Tuy nhiên, bên cạnh tình trạng khan hiếm lao động thì một số lao động hiện nay lại thất nghiệp, không có việc làm. Theo ông Tùng, sở dĩ có nghịch lý trên là một bộ phận lao động có trình độ chuyên môn nhưng không sử dụng được. Hiện chỉ có khoảng 20 - 25% học sinh trung học chuyên nghiệp vào làm việc được ở các KCX, KCN.

Trong số được tuyển dụng, tỉ lệ lao động được đào tạo qua các hệ thống khác nhau rất thấp, hầu hết các doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu. Hay như lao động có trình độ đại học, cao đẳng vẫn không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt là những lao động làm việc trong lĩnh vực quản lý như phòng nhân sự, lao động tiền lương… do chưa đạt yêu cầu về ngoại ngữ, giao tiếp…

Để giải quyết cho bài toán khó này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu liên kết với các trường đưa ra chương trình đào tạo tại chỗ để sau khi ra trường, các sinh viên này sẽ về phục vụ cho các doanh nghiệp. Đây là mô hình liên kết đào tạo rất có triển vọng và hiệu quả.

Hiện tại, Ban quản lý các KCX và CN cũng đang có kế hoạch tổ chức các lớp văn hóa ứng xử, tư vấn kiến thức pháp luật, tay nghề cho người lao động… để giúp cho các doanh nghiệp tuyển lao động dễ dàng hơn. Thực tế cho thấy nhiều lao động bị đuổi việc hay không xin được việc chỉ vì thiếu cách ứng xử cơ bản

Anh Huy
.
.
.