Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Khâm Thiên vươn lên quật cường từ nỗi đau

Chủ Nhật, 09/12/2012, 19:47
Con phố Khâm Thiên sầm uất là con đường quen thuộc ngày nào tôi cũng đi qua. Nhưng hôm nay, chầm chậm bách bộ, lặng lẽ ngắm nhìn con phố mang một dấu ấn lịch sử thiêng liêng trong trận chiến đấu 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” của 40 năm trước, một cảm giác xót xa, xúc động dâng lên trong lòng tôi.

Tôi dừng lại ở Đài tưởng niệm Khâm Thiên, bức tượng người mẹ bồng con hiên ngang bất khuất nhưng lại bao dung độ lượng đầy tình người biết bao. Nén nhang ai đó thắp còn toả chút khói hương trầm bảng lảng, vương vấn vào không gian như gợi nhắc một ký ức hào hùng mà người dân Khâm Thiên đã nghị lực, anh dũng kiên cường vươn lên từ đau thương biến thành sức mạnh tinh thần để Hà Nội có một con phố Khâm Thiên phát triển như ngày hôm nay…

Chủ tịch UBND phường Khâm Thiên, anh Bạch Văn Dũng xúc động tâm sự với tôi rằng, mỗi lần cung cấp tư liệu cho nhà báo là một lần anh thấy lòng xúc động khôn nguôi. Anh không phải người Khâm Thiên gốc nhưng đã coi Khâm Thiên như quê hương thứ hai của mình, bản thân anh không thể tưởng tượng nổi là con phố nhỏ bé kia lại phải chịu một tổn thất chiến tranh nặng nề đến như vậy.

Vừa cung cấp tư liệu cho tôi, anh vừa khóc. Trong trận chiến đấu ác liệt 12 ngày đêm cuối năm 1972, Khâm Thiên là khu phố đã hứng chịu nhiều bom đạn của giặc Mỹ gây ra. Đêm 26/12/1972, máy bay B52 Mỹ ồ ạt ném bom rải thảm xuống đường phố Khâm Thiên. Nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng lương thực thực phẩm, chợ Khâm Thiên, Đình Tương Thuận, di tích lịch sử văn hoá, trạm y tế và nhiều cơ sở sản xuất thủ công cùng hàng nghìn căn hộ nhà dân bị san bằng trong đổ nát, lửa cháy và khói bom mù mịt.

Vệt bom kéo dài 1.000m với chiều rộng từ 40 – 50m, bỗng chốc biến con phố nhỏ hiền hoà thân thuộc trở thành đống đổ nát đau thương. Có gia đình chỉ trong tích tắc chồng mất vợ, con mất cha, mẹ mất con, đau thương chồng chất. Khu nhà trẻ Hoa Hồng trong ngõ Sân Quần đã bị Mỹ san bằng; ba căn hộ 47, 49 và 51 (nay là Đài tưởng niệm Khâm Thiên) bị bom Mỹ xoá sổ. Có lẽ đây là con phố duy nhất của Hà Nội khuyết ba số nhà.

Có nhà bị bom Mỹ sát hại cả gia đình như gia đình ông Ngô Huy Chinh ở khối 46, chết cả hai vợ chồng và 4 người con. Đồng chí Phạm Văn Đạt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam ngày đó đã hy sinh ngay trong phòng làm việc khi đang chỉ huy đảm bảo dòng máu xăng dầu phục vụ kinh tế đất nước thời chiến tranh.

Bom B52 của giặc Mỹ đã cướp đi cuộc sống của 300 người dân vô tội ở phố Khâm Thiên, làm bị thương 266 người, phá huỷ 534 ngôi nhà và làm hư hỏng 1.200 ngôi nhà…

Khi tôi đi tìm các nhân chứng lịch sử ở phường Khâm Thiên, tôi có một nỗi e ngại sợ câu chuyện của mình chạm vào nỗi đau mà họ cố quên đi, sợ khơi lại những cảm xúc đớn đau của ngày đau thương đó, nhưng bác Nguyễn Đình An, ở số nhà 31 Ngõ Chợ Khâm Thiên – nhân chứng đầu tiên mà tôi tìm gặp đã tiếp tôi bằng sự thân thiện, cởi mở và chân tình. Bác An kể, ngôi nhà mà tôi và bác đang ngồi đây cách đây 40 năm đúng là một đống đổ nát hoang tàn.

Người dân và lực lượng tự vệ dân phòng của Khâm Thiên nghị lực khắc phục hậu quả sau trận ném bom B52 năm 1972.

Bác An nghẹn lòng: “Cả gia đình tôi vừa mới đi sơ tán về để sáng mai đi tiếp, thì dính bom. Trong tích tắc, tôi mất mẹ, mất em trai và đứa con gái thứ hai bé bỏng. Nhà tôi không có hầm, khi có báo động tất cả chạy ra hố bom trú ẩn, lúc đó không ai nghe thấy một âm thanh gì vì tiếng bom quá to lại ở khoảng cách gần, chúng tôi chỉ thấy ánh sáng xanh lè kéo thành vệt dài.

Trong hố bom trú ẩn đó chỉ mình tôi là nam giới, tôi đã cứu được 11 người. Mà sao lúc đó tôi có sức khoẻ ghê gớm đến vậy, tôi bẻ gãy thanh xà ngang, trong khi nửa người tôi bị chôn trong đống đổ nát. Tôi bới đất cứu được mọi người lên nhưng không thấy con gái lớn 9 tuổi của tôi ở đâu. Bản năng làm cha mách bảo con tôi vẫn còn sống. Tôi ngậm bật lửa ở miệng để soi và đào bới. Đến khi kiệt sức, tôi áp mặt xuống đống đất gọi “Hương ơi!”, thì như có một phép màu nhiệm, tôi nghe tiếng trả lời khẽ “Bố ơi con đây!”. Tôi lao lên như một người dũng sĩ, đào bới, xé tan cả chiếc màn tuyn trong đống đổ nát và cuối cùng, tôi cứu được con gái bé bỏng. Cả hai bố con đều khóc. Tôi cõng con ra phố Nguyễn Quyền để rửa mặt cho con, lúc quay về nhà thì nhà không còn, tôi như muốn khuỵu xuống khi biết mẹ, em trai và con gái thứ hai của mình đã vĩnh viễn ra đi”.

Bác An lặng im giây lát như để kìm nỗi xúc động vào lòng rồi bác chỉ ra ngôi nhà phía trước: “Trước cửa kia, bố vợ, mẹ vợ, em vợ tôi cũng mất trong trận bom. Tàn khốc, cay đắng quá”. Rồi bác An cho tôi hay, năm ngoái có một nhà sử học Nhật Bản đến đây tìm hiểu, họ rất xúc động khi nghe lại câu chuyện bác kể và bảo với bác An rằng đây là tư liệu lịch sử vô giá của Việt Nam…

Mỗi nhân chứng là một câu chuyện lịch sử. Bác Nguyễn Thị Thoa, ở số 2 ngõ Miếu Chợ, tổ trưởng dân phố tổ 34 kể với tôi rằng, bác được điều động khắc phục hậu quả ở Ngõ Cống Trắng và Khâm Đức. Vừa dọn dẹp san lấp hố bom nước mắt bác không ngừng chảy khi nhìn thấy bà con dân phố kẻ mất người còn, tan hoang hết cả. Có cậu thanh niên sáng mai cưới vợ, tối cậu và vợ chưa cưới còn trò chuyện, nồi cơm nấu dở còn sôi trên bếp thì bom dội xuống. Khi bác Thoa đến dọn hiện trường chỉ còn nồi cơm vương vãi tung toé. Xa xót vô cùng! “Nhưng lúc đó chúng tôi không sợ gì cả, cứ lao vào công việc với tất cả tình cảm yêu thương, căm giận. Tôi chỉ là con dâu của mảnh đất này nhưng cũng tự hào vô cùng” – bác Nguyễn Thị Thoa chia sẻ…

Chủ tịch UBND phường Khâm Thiên Bạch Văn Dũng cho PV Báo CAND biết, phát huy truyền thống cách mạng, năm 2010, nhân dân, cán bộ và lực lượng vũ trang khối phố Khâm Thiên đã vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hiện nay, phường Khâm Thiên vẫn tiếp tục duy trì truyền thống cách mạng, đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân sinh như điện, nước, 100% đường phố, ngõ phố đã được bê tông hoá. Khâm Thiên là phường đi đầu trong phong trào giữ gìn trật tự giao thông, đời sống nhân dân được cải thiện, không còn hộ đói. An ninh quốc phòng trên địa bàn phường được giữ vững, không có điểm nóng, không xảy ra khiếu kiện. Trên 90% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá…

Thu Phương
.
.
.