40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”:

Khâm Thiên và ký ức bi hùng chẳng thể nguôi quên

Thứ Bảy, 29/12/2012, 16:25
Bên con phố sầm uất mọc lên trên những hố bom năm xưa, chúng tôi bùi ngùi nhắc về sự hy sinh, mất mát của bao chiến sĩ Công an đã góp phần mang lại bình yên cho đất nước.

Theo lời giới thiệu của Đại tá Nguyễn Văn Đại, Trưởng Công an quận Đống Đa, tôi đã có cuộc gặp mặt với một nhân chứng trong chiến dịch 12 ngày đêm khói lửa của Thủ đô Hà Nội. Cuộc gặp với người chiến sĩ Đồn Công an 42 năm xưa, Trung tá Đào Xuân Áng, tình cờ lại vào chiều 26/12, đúng ngày mà 40 năm trước, Khâm Thiên chìm trong tang tóc sau trận bom rải thảm của B52 Mỹ. Bên con phố sầm uất mọc lên trên những hố bom năm xưa, chúng tôi bùi ngùi nhắc về sự hy sinh, mất mát của bao chiến sĩ Công an đã góp phần mang lại bình yên cho đất nước.

Đêm 26/12/1972, tiếng còi báo động lần 2 vang lên chưa được bao lâu, anh Áng cùng đồng đội còn đang đến từng nhà vận động người dân xuống hầm trú ẩn và bảo vệ tài sản cho các gia đình, thì máy bay Mỹ ầm ầm thả bom xuống Khâm Thiên. Tiếng bom vừa dứt, anh Áng vội cùng lực lượng dân phòng triển khai phương án cứu hộ.

Không có phương tiện, các anh phải đào bới bằng tay ngôi nhà của ông Phương ở 127 Khâm Thiên, nhanh chóng tạo được lỗ thông hơi cho những người còn sống sót, nên đã cứu được 6 người. Rồi lại vội lao về ngõ Sân Quần, trụ sở đóng quân của đồn Công an vừa bị bom đánh trúng, cùng mọi người tìm bới anh em trong các căn hầm. 4 chiến sĩ hy sinh. Những người còn sống ôm nhau khóc. Rồi lại vội vã buông nhau ra để lao xuống địa bàn cứu dân.

Bất chấp bom đạn còn vương trên mặt đất, bất chấp máy bay Mỹ có thể quay lại giội bom, đồng chí Lê Đức Thắng, Phó đồn 42 cầm chiếc loa chạy khắp các khu dân cư, kêu gọi: “Đồng bào còn ai ở đâu, xin cho biết, để chúng tôi đến ứng cứu!”. Nhờ tiếng loa ấy, nhiều người đã được cứu thoát, khi lực lượng Công an biết được chính xác nơi nào còn người dân bị thương, bị kẹt, để đến cứu giúp kịp thời. Suốt đêm đó, các anh thức trắng, đến ở từng ngôi nhà, căn hầm tìm kiếm người bị nạn.

Anh Áng nhớ lại: Lúc đó, không ai trong chúng tôi nghĩ đến cái chết. Chỉ có tình thương nhân dân, đồng đội đè nặng trong lòng, bởi mất mát quá lớn. Chúng tôi phải chứng kiến những tiếng kêu xé lòng vì bom đạn, rồi cả tiếng cười đã hóa dại trong đêm của ai đó do quá đau thương khi nhiều người thân trong gia đình không còn sống. Để tổ chức cứu sập, cứu thương kịp thời, trước đó, lực lượng Công an phải bám chắc và nắm sát di biến động từng gia đình, số người rời khỏi Hà Nội, số người quay về nhà mỗi ngày, cũng như số lượng và sơ đồ hầm trú ẩn của từng nhà, từng khối, để biết được, sau trận bom, nhà nào có người kẹt lại, còn sống hay đã chết.

Lực lượng Công an đưa người già xuống hầm trú ẩn.

Khi lực lượng Công an vào ngôi nhà 47 Khâm Thiên đào bới, tìm kiếm cứu nạn, không ai kìm được nỗi đau đến uất nghẹn, khi chứng kiến hình ảnh chị Đệ chết, tay vẫn còn ôm chặt đứa con mới 2 ngày tuổi, chưa kịp đặt tên, trong tư thế che chở, nâng niu… Giờ đây, nơi đó đã được dựng lên tấm bia tưởng niệm, để nhắc nhớ nỗi căm thù không bao giờ nguôi quên trước tội ác của giặc Mỹ.

Những ngày sau, các chiến sĩ Công an tiếp tục phối hợp cùng các lực lượng khác đưa những người bị chết ra khỏi những ngôi nhà, rồi tìm kiếm từng giọt nước hiếm hoi ở nơi đã bị bom phá nát, để rửa ráy và khâm liệm, đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều xác chết bị băm nát, văng nhiều chỗ, bốc mùi, các anh lại phải gom nhặt, để an táng.

Suốt 12 ngày đêm rực lửa ấy, anh Áng và các chiến sĩ Công an cơ sở đều vô cùng vất vả. Không có một bữa ăn, một giấc ngủ trọn vẹn. Chỉ có thể tranh thủ sự yên tĩnh hiếm hoi giữa 2 trận bom để và vội bát cơm, hay thiếp đi đôi chút cho đỡ mệt mỏi, rồi lại lăn vào công việc. Trong khi vận động người dân xuống hầm, các chiến sĩ Công an vẫn phải đi lại các nơi, để bảo vệ tài sản cho nhân dân, tránh kẻ xấu tranh thủ hôi của.

Thời chiến, lương thực, thực phẩm, hàng hóa càng quí hơn bao giờ, nên mỗi khi có máy bay đến, Công an lại phải huy động lực lượng chốt chặn để bảo vệ các cửa hàng lương thực, thực phẩm. Ngay trong đêm 26/12, sau loạt bom đầu tiên, các kho của cửa hàng lương thực, thực phẩm, xí nghiệp đầu máy, xí nghiệp may mặc bị bật tung, nhưng nhờ được bảo vệ kịp thời, nên toàn bộ tài sản công đã không bị mất mát. Đây là thành tích quan trọng, vì toàn bộ số thực phẩm, lương thực đó là để dành cho nhân dân Thủ đô ăn Tết năm đó.

Không chỉ lo chuyện tránh bom đạn, cứu thương cho bà con, lực lượng Công an Đồn 42 còn một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong những ngày chiến tranh, là quản lý chặt các đối tượng chính trị và hình sự, không để chúng tranh thủ phá hoại. Giữa bom rơi đạn nổ, các anh phải thường xuyên nắm vững di, biến động của các đối tượng, vận động họ sơ tán để đảm bảo an toàn cho họ và gia đình họ, hoặc phối hợp với các cơ sở lao động để tạo điều kiện về việc làm cho các đối tượng hình sự.

Với tinh thần dũng cảm, vì nhân dân, các CBCS Công an Đồn 42 ngày ấy đã lập nên những chiến công đáng tự hào, cứu được nhiều người khỏi những căn hầm, ngôi nhà bị sập, đưa được nhiều người đến bệnh viện kịp thời, đặc biệt là bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử của Thủ đô Hà Nội tháng 12/1972, Công an Đồn 42 và cá nhân đồng chí Lê Đức Thắng đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba; các đồng chí Lê Thị Khuyên, Trương Công Sâm được tặng Huy hiệu Bác Hồ. Sau đó, đồng chí Đào Xuân Áng được công nhân là Chiến sĩ Thi đua và được phong hàm vượt cấp, từ Hạ sĩ lên Thượng sĩ.

Nhắc gợi quá khứ bi hùng ngày ấy của lực lượng Công an, là để tri ân với những người đã hy sinh vì sự bình yên của nhân dân. Bởi đó là tiếng nói thuyết phục về một truyền thống hào hùng đáng để khơi dậy, nâng niu và gìn giữ của lực lượng Công an

Thanh Hằng
.
.
.