Kể chuyện “Nhốt thánh”

Chủ Nhật, 17/04/2005, 08:20

“Nói phải tội, có đời thuở nhà ai đi đóng gông rồi nhốt thánh bao giờ không” – ông Nguyễn Văn Vân, người tham gia coi đình Quang Húc (Đông Quang, Ba Vì, Hà Tây) nói như thanh minh với thành hoàng. Nhưng vì đạo tặc lấy đi của đình nhiều thứ quá nên các cụ đành đau lòng mua khoá, xích về “nhốt thánh” lại.

Du khách cũng bị nghi là đạo chích

Chúng tôi có mặt ở đình Đông Viên, xã Đông Quang, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Không sao tìm được đường vào đình. Cửa đóng then cài rất kỳ lạ. Từ thượng cổ tới giờ, đình luôn là chốn rất cởi mở cho cộng đồng nông thôn, cũng như cho khách lạ muôn phương đến vãn cảnh, thậm chí coi đó là chốn nghỉ chân rất êm đềm. Bỗng đâu, bốn bề đủ nam phụ lão ấu kéo đến trước mũi xe chúng tôi hỏi như là hạch tội: “Anh đến có việc gì?”. Ai đó nói, “Trông càng nghệ sĩ càng phải đề phòng, ‘chúng nó’ toàn đóng giả nhà nghiên cứu rồi nghiên cứu cửa rả để tối nó mò vào bắt hạc bắt rùa đấy”. Tôi trình đủ thứ giấy tờ, chứng minh thư, thẻ nhà báo rồi mới được “đối thoại” trong... thận trọng.

Phải đến lúc cụ từ Đỗ Văn Thử, cùng cụ Phan Ngọc Sâm, 77 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn, có mặt "thẩm định giấy tờ”, thẩm định sự lương thiện nào đó trong khuôn mặt khách, cửa đình mới được mở. Mà cũng chỉ mở cửa ngách thôi, cửa chính được chặn gỗ lớn, được dùng các loại “bẫy mẹo” mà ngay cả các cụ khi cần mở cũng rất mất công. “Từ nay về sau, chỉ ngày chính tiệc, các cụ chúng tôi mới mở cửa chính của đình thôi” - ông Sâm nói. “Vừa rồi chúng tôi bị kẻ trộm vào lấy mất tấm cửa võng quý nhất đình. Anh có hình dung được không, tấm cửa võng rộng 1,5m; dài 3m – thế mà nó khênh mất. Nó đánh cả ôtô vào cổng đình lúc 1 giờ sáng, rồi nó khênh luôn” - cụ Thử kể.

“Hôm trước, có mấy ‘ông bà họa sĩ’ đến xin phép vẽ, rồi ngắm nghía, khen đồ thờ của đình Đông Viên quá đẹp. Y như rằng hôm sau nó cuỗm mất báu vật của làng. Chúng tôi mất cảnh giác quá. Hôm ấy xã đưa mấy ông bà kia đến, thì chúng tôi cứ tin tưởng là cán bộ tử tế được chính quyền đưa đến hẳn hoi, nên chả xem giấy tờ gì cả, thế là vài hôm sau mất trộm (!?)” - ông Thử phân bua.

Các cụ còn sợ "các vị này" hơn là bọn kẻ cắp bình thường, bởi chúng đã liều lĩnh phá cửa đình, vào chùa gạt đổ hạc thờ, leo lên bệ thờ, gạt đổ khay chén, ban thờ, trèo tiếp qua bát nhang, phá cửa bức bàn (sơn màu nâu, kín mít như một bức vách ván thưng), chui vào trong, khênh tấm cửa võng ra ngoài ôtô.

Các cụ họp nhau lại bàn tính. Có người bảo, mua xích sắt về xích chân các "cụ" hạc lại. Gần chục chiếc khóa Việt Tiệp loại to được mua về. Xích chân hạc vào đâu? Xích vào chân bệ thờ. Không được, xích sắt loẻng xoẻng thế này sứt sẹo hết cặp giò của hai "cụ" hạc, phải tội chết. Các cụ bỏ xích rồi tiến hành dùng những tấm gỗ lớn đóng ngạnh đóng ngoàm to ôm lấy đôi chân hạc, đầu gỗ bên kia được buộc bằng dây thừng, đóng bằng đinh, chèn bằng vật liệu nặng ở dưới gậm bệ thờ. Đúng là một hệ thống nêm, giằng được thiết kế hết sức công phu ở đình Đông Viên. Nhưng các cụ vẫn không tài nào yên tâm được với cách bảo vệ thô sơ ấy. Đêm, cứ chó sủa nhấm nhẳng là các cụ mò dậy ra đình; ngày, cứ xe máy, xe ôtô lạ đến làng là bị theo dõi. Riêng những người đòi vào trong đình ngắm nghía thì phải xem giấy tờ kỹ càng, nhớ nét mặt, nhớ biển số xe đề phòng có gì còn đối phó.

Sự cố thủ bằng khoá và xích sắt của các cụ ngoài đình Quang Húc

So với đình Đông Viên, thì đình Quang Húc có vẻ như nhỏ hơn về quy mô. Nhưng, với khách thăm quan, thường người ta thích đình Quang Húc hơn, là bởi vì đình nằm ven một cánh đồng rộng, quang cảnh kỳ thú, dưới tán hai cây gạo già với chu vi vòng gốc cỡ 3-4 người ôm không xuể. Một  buổi sáng, cụ Oánh (ông từ giữ đình) lọ mọ ra đình, sửng sốt thấy hai “ông” rùa nằm chổng kềnh ra sàn đất ẩm. Đôi hạc biến mất. Có vết chân người đi ra sau đình, tuốt ra ruộng lúa. Hai hàng lúa xanh bị tõe ra. Cụ Oánh cứ theo bước chân ấy đi mãi, đi độ mấy trăm mét thì ra tới đường quốc lộ 32. Tại đó, có vết ôtô đỗ và có mấy cái tải, mấy sợi dây thừng bọn trộm bỏ lại. Hóa ra lũ chúng cũng biết bọc tải xác rắn vào thân "cụ" hạc - một người nói. Dáng chừng chúng nó sợ "cụ" vỡ, xước khi đem bán... bị mất giá thôi – cụ Oánh chua xót nói.

Các cụ gọi bà con ra, nhiều người đứng giữa đình khấn khứa rồi cứ thế khóc tu tu. Đúng là giời làm sông lở cát bay bao nhiêu lần, rồi cái đận vỡ đê, nước tràn vào ngập gần tới mái ngôi đình cổ kính này vẫn trụ vững. Bao nhiêu giặc giã bom đạn, đình vẫn không hề hấn gì, thế mà giữa lúc thanh bình này, đôi hạc bị chúng nó ăn trộm mất. Bà con đi báo công an, mấy chiến sĩ vào hỏi han kỹ càng rồi... cũng không thấy quay trở lại. Họ bảo, đôi hạc như thế nào, các cụ tả mãi tả mãi, hạc làng tôi cao 4m; mỗi lần lau quét cho “ông hạc” là ông Oánh phải bắc một cái ghế đẩu lên, rồi với tay với chổi cọ mãi lên nền giời mới tới mỏ của hạc...

Đau đớn hơn, khi đôi hạc "vỗ cánh" bay mất khỏi đình, các cụ vần đôi "cụ" rùa vào vị trí cõng hạc cũ và bắt đầu lo. Nó lấy hạc rồi, mai nó vào nó khênh nốt rùa cho đủ bộ thì sao? Thế là, các cụ bảo nhau mở kho của chùa ra khênh đôi rùa cất vào. Mua thêm một cái khóa to, làm lại các chốt sắt, khóa kín. "Cụ" rùa nằm trong kho chưa yên tâm, các cụ còn đưa "cụ" xuống gậm ván gỗ dày rồi chẹn, buộc thật kỹ. Các cụ bảo nhau, thế này mà hội đến, muốn khênh được "cụ" rùa ra, có lẽ huy động trai tráng mất cả ngày giời chưa xong. Các cụ yên tâm về. Hơn chục ngày sau, cụ Oánh lại phát hiện có người dùng vam bẻ gãy khóa loại to, phá chốt, mở toang nhà kho của đình. Đôi rùa biến mất nốt.

Sự hoảng loạn thật sự trong bà con bắt đầu. Trước hôm mất hạc, có con cháu anh em gì đó nhà ông A đến đình xin được đọc tấm bia đá chôn cạnh chân "ông" hạc để “hiểu và giới thiệu về văn hóa quê hương”. Nghi lắm – một người nói. Như thế này thì không có cách gì giữ được đồ thờ cho đình nữa đâu – một người chán nản – cột đình mọt khoét đến mức thò được cả cái đấu đong gạo vào trong, cũng chỉ biết viết lên cột chữ “Nguy hiểm chết người” và “Cấm trẻ con chơi đùa - nguy hiểm”. Mưa đến thì trong đình cũng giột  như ngoài sân. Cột nào cũng sắp sập. Kiếm được 12 cây bạch đàn về chống cột cho đỡ nguy hiểm, thì người ta đang đêm vào lấy hết các cây bạch đàn về... làm củi. Đấy, nếu không có người bảo vệ thì không giữ được đình.

Giọng một người xen ngang: “Thế khóa sắt, xích sắt còn không giữ được, phải làm sao bây giờ?". “Hay là dùng khung sắt bảo vệ đồ thờ, cổ vật quý, sơ tán đồ thờ đến nơi an toàn” – một cụ hiến kế. Ai nấy ồ lên, và những nỗ lực giữ đồ thờ của đình trước nạn trộm cắp bắt đầu.

Cụ Oánh và ông Nguyễn Văn Vân, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của thôn đã giữ các bí mật đau lòng về việc cầm cự, sơ tán đồ thờ của đình Quang Húc bằng một quyết tâm sắt đá. Lý luận của cụ rất hay, anh là nhà báo, hay anh là cái gì đi nữa tôi cũng mặc, có thể anh không lấy trộm, nhưng anh biết rồi anh chỉ cho người khác đến lấy, ai biết ma ăn cỗ? Từ sáng sớm đến 13 giờ hôm đó, tôi mới thuyết phục được các cụ cho tham khảo “công nghệ bảo vệ thánh” độc nhất vô nhị của làng Quang Húc.

Cụ Oánh về nhà lấy chìa khóa nhà kho của đình. Ngay cả lúc mở ổ khóa lớn, cụ Oánh cũng vẫn luôn thận trọng đeo dây chìa khóa... ở cổ. Cụ thở dài chỉ vào hộc cửa sắt: “Đấy, sắt to, gỗ dày thế này mà hôm trước nó vẫn bẩy bật ra cõng nốt hai ‘cụ’ rùa đi”. Ông Vân cười cám cảnh. Cửa mở. Bên trong là ngổn ngang đồ sắt, đồ gỗ, cờ quạt, dây xích sắt hoặc mới mua trắng toát, hoặc gỉ hoen. Các loại đầu đao, đầu rồng, cờ tế được bó vào với nhau như... củi. Kiệu sơn son thếp vàng được tính đến như nguyên liệu chủ đạo tạo  nên cái bó hổ lốn bằng dây xích và khóa sắt ấy. Bài của các cụ là: cốt sao bó đồ đạc đó càng lớn càng tốt, để cho kẻ trộm nó có vào thì nó cũng không tài nào khênh được “bó đồ đạc” đó lọt qua khỏi... khung cửa nhỏ bé của nhà kho. Mấy tháng nay, cụ Oánh hầu như không đêm nào ngủ ngon vì lo việc nhà thánh.

Chưa hết, toàn bộ các đồ thờ có giá trị trong cái kho kể trên đều được các cụ dùng khóa và xích sắt khóa vào các khối bêtông lớn có móc neo được đổ ngầm dưới sàn nhà kho! Ngai thờ của thành hoàng làng cũng được các cụ dùng những thanh sắt phi lớn uốn bó xung quanh rồi hàn chết các mối sắt lại. Ngai thờ lúc nào cũng ôm lấy mặt sàn và các khung cột lớn trong đình, không ai nhấc đi được. Hệ thống sườn sắt uốn theo hình ngai thờ, án gian của đình còn được ghim xuống các bệ gỗ, các khối bêtông chôn ngầm dưới đất. Muốn nhấc bất cứ cái gì ra đều phải nhấc cả hệ thống khung sắt bảo vệ kiên cố theo. Sắc phong được gói ghém vào một bọc vải thật giản dị cho kẻ xấu không tài nào ngờ tới. Rồi đem gửi ở một nhà dân an toàn nhất. Bọc sắc phong, theo lời cụ Vân là: “Treo lên sát quá giang căn nhà của một gia đình được bầu chọn là an toàn nhất làng”.

Trước khi tôi về, cụ Oánh, với tất cả lòng yêu kính ngôi đình của mình, còn dặn thêm: "Cháu là người có vẻ tử tế, ông tin, cháu sẽ không ăn cắp của nhà thánh đâu. Nhưng chớ có dại mà dẫn đứa nào vào đây hại các cụ nhé". Tôi không giận cụ, chỉ thấy rưng rưng. Chẳng bảo vệ kiểu nông dân và con trẻ thế mãi được đâu cụ ạ. Phải có cơ chế bảo vệ cổ vật, phải có sự hỗ trợ của chính quyền và các ban ngành có nghiệp vụ thì mới được. Không thể cứ để thánh "mất tự do" hay khấn thánh vật chết thằng ăn trộm  mãi được. Đau lắm!

Doãn Anh
.
.
.