Huyền thoại “én bạc” không số Tết Mậu Thân

Thứ Sáu, 08/02/2013, 14:14
Không có ra đa dẫn đường, 6 chiếc phi cơ đã “bay mò” lao vào màn đêm mịt mùng trong mưa gió. Hàng chục tấn vũ khí thả xuống điểm tiếp tế, bom giội phá hủy nhiều căn cứ của địch. 4 chiếc vĩnh viễn không quay trở về, trong đó 3 chiếc không tìm được tung tích. Ký ức về “cầu hàng không” chi viện cho chiến trường miền Nam Tết Mậu Thân 1968 và những người làm nên huyền thoại bi hùng ấy vẫn còn in sâu trong trí nhớ Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.
>> Rưng rưng hồi ức sau những hiện vật bảo tàng

“Có lẽ trên thế giới, chưa có nước nào lại biến máy bay vận tải thành chiến đấu cơ đa năng, vừa thả bom, phóng đạn cối, chở quân nhảy dù và hàng chi viện như không quân ta” - Thiếu tướng Phan Khắc Hy nhận định. Để chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, một nhiệm vụ tuyệt mật được Bộ Tư lệnh Không quân giao cho Ban Kỹ thuật, Trung đoàn 919: Cải tiến một số máy bay hiện có thành máy bay chiến đấu và tiếp viện.

Trực tiếp chịu trách nhiệm nghiên cứu và cải tiến là kỹ thuật viên Nguyễn Tường Long. Khi việc tìm kiếm tài liệu kỹ thuật về máy bay IL-14 chở khách của Liên Xô tưởng như vô vọng thì tình cờ Nguyễn Tường Long và cộng sự phát hiện một tài liệu của Đức. Một phương án cải tiến táo bạo được gấp rút tiến hành. Các ghế ngồi trong khoang hành khách bị tháo dỡ. Căn cứ vào số ghế ngồi và trọng tải máy bay, Nguyễn Tường Long lắp 50 quả đạn cối 120mm. Thân và cánh máy bay được lắp giá đeo 4 quả bom loại 100kg. Sau đó, “mổ bụng” chiếc IL-14 để lắp ống phóng đạn cối. Vừa cải tiến, vừa bay thử nghiệm. Nhìn những chiến đấu cơ kiêu hãnh bay trên bầu trời, anh em vui mừng khi nhiệm vụ mà nhiều người cho là khó khả thi đã thành công mỹ mãn.

“Ngày 26/1/1968 (tức 27 Tết), tôi cùng Thượng tá Nguyễn Văn Tiên, Phó Tư lệnh quân chủng đặc trách không quân tức tốc vượt cầu phao sông Hồng giữa ban ngày xuống thẳng Sở chỉ huy Trung đoàn 919 để phổ biến nhiệm vụ tuyệt mật: “Thả dù tiếp tế bộ binh và tấn công một số mục tiêu mặt đất ở phía nam vĩ tuyến 17!”.

Những chiếc IL-14 cải tiến sẽ sử dụng. Biết rằng nhiệm vụ lần này hết sức nguy hiểm, có thể hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ nhưng không khí đón Tết của anh em vẫn rất náo nhiệt. Các tổ bay sơ tán ở  nhà dân, nhà lắp ghép cơ động có đủ bàn thờ Tổ quốc, mâm quả, cành đào, câu đối Tết… Đêm Giao thừa, tôi đến chúc Tết anh em. Cùng hô “Quyết chiến quyết thắng” và hồi hộp chờ lệnh xuất kích” - Thiếu tướng Phan Khắc Hy nhớ lại.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy và các tư liệu chép tay về sự kiện “cầu hàng không” Mậu Thân 1968.

Khi cuộc tổng tiến công Mậu Thân đang diễn biến thuận lợi thì mặt trận Trị - Thiên - Huế ngày càng phức tạp. Nhu cầu viện trợ thuốc men, lương thực, vũ khí trở nên cấp bách. Chiều tối 7/2/1968 (mồng 10 Tết), 6 chiếc máy bay T14 (tên gọi của IL-14 cải tiến) do phi đội trưởng Nguyễn Văn Bang dẫn đầu thực hiện chuyến đầu tiên với đường bay “Gia Lâm - Sê Pôn (Lào) - Phương Tích - Huế”.

Bốn chiếc tấn công đồn Mang Cá, hai chiếc mang hàng chi viện. Mưa nặng hạt, mây dày đặc và trần mây chỉ từ 100- 200 mét. Không có ra đa chỉ đường nên máy bay phải “bay mò” theo tính toán trước. Để tránh ra đa của địch, phi đội buộc phải bay thấp dựa theo dãy Trường Sơn với những cao điểm đột xuất từ 2.000 mét trở lên, máy bay rất dễ đâm vào.

Những cái ôm tiễn biệt rất chặt… Sáu chiếc máy bay lần lượt cất cánh vào tầng mây mịt mùng. Vài tiếng sau, tín hiệu liên lạc gián đoạn. Sau đêm trắng lo âu, Chính ủy Phan Khắc Hy và Sở chỉ huy mừng rỡ khi chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay. Tổ bay của Hoàng Ngọc Trung thả được hàng tiếp vận nhờ phát hiện được đỉnh Sê Pôn ló ra giữa tầng mây. Không xác định được mục tiêu, hai chiếc đành thả vũ khí xuống biển, phá hủy một số cứ điểm của địch.

Chiếc của Nguyễn Văn Bang mang nguyên vũ khí hạ cánh. Riêng chiếc của Hoàng Liên bay chệch ra biển, bị địch bắn thủng thùng xăng nên đành hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Sao Vàng, Thanh Hóa. Rạng sáng, tổ bay của Phan Kế vẫn biệt vô âm tín. Các phi đội tiếp tục xuất kích vào ngày 8/2 và 11/2 dù thời tiết ngày càng xấu.

Đến nay, sự kiện “cầu hàng không” vẫn còn nhiều ẩn sử. Theo lịch sử chiến đấu của Trung đoàn 919 và lời kể của Thiếu tướng Phan Khắc Hy thì chuyến bay cuối cùng vào ngày 12/2 có 3 tổ bay của Nguyễn Văn Bang, Nguyễn Văn Ba và Vũ Minh Trung. Rút kinh nghiệm từ lần bay trước, Bang đề xuất đánh vào chiến hạm Mỹ trên biển vì mục tiêu này dễ xác định. Đề xuất được chấp nhận. Tin báo về các tổ bay đã vượt qua phòng tuyến đường số 9 và bắn hỏng 2 tàu chiến. Nhưng cả ba đều mất tích.

Còn theo Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Tường Long (đã mất năm 2008) thì chuyến bay ngày 12/2 có 3 tổ của Nguyễn Văn Bang, Nguyễn Văn Ba và Hoàng Ngọc Trung chứ không phải Vũ Minh Trung. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tổ của Hoàng Ngọc Trung quay trở về an toàn còn hai tổ kia mất tích. Sự mất tích của các phi đội cũng mang nhiều bí ẩn. Sau này tại vùng núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế, người ta tìm thấy xác máy bay cùng vũ khí nhưng không rõ là một hay hai chiếc.

Trong ngôi nhà trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình, TP HCM, bên cạnh các tư liệu chép tay, Thiếu tướng Phan Khắc Hy còn lưu giữ bài hát “Máy bay không số” do ông Huỳnh Hữu Thưởng phổ nhạc từ thơ Bùi Xuân Thu năm 2008. “Cứ tưởng có tàu không số thôi/ Nào hay én bạc ở trên trời/ (…) Mậu Thân sấm động mưa bom giội/ Tiếng sấm xuân vang dậy đất trời…”. Đó là khúc tráng ca cho huyền thoại bất tử. 20 chiến sĩ thuộc 4 tổ bay vĩnh viễn nằm lại. Và hành trình tìm kiếm các anh - những con người mà Thiếu tướng Phan Khắc Hy cảm phục gọi là những người  hùng -  vẫn đang tiếp tục

Quỳnh Nga
.
.
.