Về những người vợ thương binh nặng:

Hơn cả tình yêu

Thứ Ba, 08/03/2005, 14:57

Có một điểm dừng chân trong tua du lịch đến với vùng biển Long Hải, nơi du khách không phải đến để tắm biển hay thưởng thức các danh lam thắng cảnh mà đến với mục đích chia sẻ. Đó là Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng (TTĐDTBN) Long Hải và người có công huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tốt nghiệp trường sư phạm, trong khi nhiều bạn cùng lớp cố gắng "chạy" để được dạy học gần nhà thì cô giáo trẻ Phan Thị Thanh Tâm lại tình nguyện lên nhận công tác tại huyện Định Quán, Đồng Nai, một huyện miền núi hẻo lánh. Nhưng sự kiện này cũng mới chỉ làm các bạn "lắc đầu lè lưỡi", còn khi nghe tin Tâm "tình nguyện" “nâng khăn sửa túi” cho một thương binh nặng bị chấn thương cột sống thì cả gia đình và bạn bè đều sững sờ và lo lắng.

Chồng cô sẽ là một người đàn ông mà cô biết chắc không thể là "trụ cột" gia đình. Anh là một thương binh nặng hạng 1/4. Cuộc sống của anh gắn liền với chiếc xe lăn và đôi nạng. Cô đã quyết định bước vào cuộc sống gia đình mà những khó khăn chồng chất đang chờ đợi ở phía trước. Riêng chuyện "tìm hiểu" của cô cũng tưởng như chỉ có trong văn học...

Buổi phát thanh của Đài Tiếng nói Tp.HCM sáng chủ nhật 22/7/1999 có lẽ không bao giờ cô giáo Tâm quên được. Ở cuối chương trình "Câu chuyện của người chiến sĩ", có một tin nhắn: "Các bạn trẻ từ khắp nơi trong cả nước hãy viết thư về động viên anh thương binh Vũ Văn Hấn tại TTĐDTBN Long Hải để giao lưu, kết bạn". Lời nhắn ấy đã tình cờ đến tai cô giáo Tâm khi cô đang ngồi soạn giáo án. Trong cô như có sự cảm thông và muốn chia sẻ. Và bức thư đầu tiên đã được cô viết ngay trong buổi tối hôm đó.

Không ngờ chỉ sau 7 ngày, cô đã nhận được hồi âm của anh Hấn. Bức thư với những nét chữ run run xúc động: "Tâm à! Anh tự hỏi không hiểu sao mình lại có thư? Em đã mang đến cho anh những điều đầy bất ngờ. Anh chỉ góp được một phần rất ít cho đất nước thôi, còn bao nhiêu liệt sĩ đã hy sinh, đó mới là anh hùng em ạ". Cứ như vậy, họ "thủ thỉ" với nhau qua những lá thư. Việc phải đến đã đến! Cuộc gặp mặt đầu tiên "công bằng không thiên vị bệnh tật". Họ chia đôi quãng đường gần 200km để đến với nhau. Bến xe Trị An là điểm hẹn của họ. Cô đến sớm và trông ngóng một chiếc xe lăn...

Không thể tin được, một cái vỗ vai, bộ quân phục phẳng phiu, nụ cười và ánh mắt tự tin: "Có phải em là Tâm không?". Cô như bừng tỉnh: "Anh là anh Hấn?"... Sau này cô mới biết, bữa đó anh đã phải rất cố gắng để sử dụng đôi nạng trên quãng đường dài. Rồi một đám cưới bình dị được tổ chức ngay tại trung tâm trong niềm vui của anh em thương binh. Chị nói với anh: "Em không sợ khổ. Chỉ sợ phải sống với người không có tình, có nghĩa"...

Cô y tá bỏ phố theo chồng xuống biển

Vào những ngày cuối năm 1979, cả Viện Quân y 175 không mấy ai là không biết tới anh thương binh tên Võ Quốc Chính. Cái anh chàng bị chấn thương cột sống, liệt 3 chi suốt ngày phải ngồi trên xe lăn với một tay còn lại vừa lái, vừa làm cho xe chạy đến tài tình. Không ít người nhìn thấy anh phải quay đi lau nước mắt. Trong số đó có cô y tá Lý Thị Tươi  làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu.

Với Tươi, cô không lạ gì anh cả. Cô là người trực tiếp chăm sóc cho anh hàng ngày. Đằng sau khuôn mặt tươi tỉnh và những câu chuyện khôi hài ấy là cả một sức chịu đựng ghê gớm. Thế rồi cô trở thành người bạn thân của anh lúc nào không biết. Những câu chuyện khi trái nắng trở trời khiến anh đau nhức hay khi cô trực đêm đã dần gắn bó họ với nhau. 8 năm là thời gian thử thách tình yêu của họ. 8 năm cũng là thời gian để họ thuyết phục gia đình.

Nhiều người lo lắng cho cô: "Gái thành phố như mày liệu có chăm sóc người ta suốt đời được không, hay rồi đến khi cuộc sống khó khăn lại bỏ người ta thì tội nghiệp. Còn con cái nữa chứ!". Nhưng tình yêu của họ đã thuyết phục được mọi người. Đám cưới được tổ chức tại TTĐDTBN Long Hải năm 1987.

Những nỗi gian truân vất vả của các anh, các chị đã được đền bù xứng đáng. Điều trùng lặp là cả hai đôi đều có con trai. Tôi đã bắt gặp anh Quốc Chính, nay đã là "thợ cả" vừa ngồi may hàng gia công vừa say sưa huýt sáo bài hát "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây". Con trai của anh chị là cháu Phạm Lý Quốc Đoàn nay đã là học trò lớp 2 Trường Tiểu học Long Hải, cháu học rất giỏi và chăm ngoan. Còn "cục cưng" của anh Hấn vừa tròn 12 tháng. Những phút giây hạnh phúc đầm ấm của gia đình đã giúp các chị vượt qua những khó khăn của cuộc sống.

Do ngồi lâu trên xe lăn, cả hai anh đều bị sỏi thận và viêm đường tiết niệu. Người ít cũng phải qua 1 lần, người nhiều như anh Chính đã phải trải qua 3 lần phẫu thuật lấy sỏi, cùng những vết thương trong cơ thể luôn hành hạ mỗi khi thời tiết thay đổi không những là cực hình đối với các anh mà còn là sự nhọc nhằn không thể kể hết của các chị. Nhưng trong những căn nhà nhỏ này không khi nào thấy vắng tiếng cười

Huyền Nga
.
.
.