Hôm nay, xét xử phúc thẩm vụ án tại 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung

Thứ Sáu, 27/03/2009, 09:09
Theo kế hoạch, hôm nay ngày 27/3, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại 178 Nguyễn Lương Bằng và số 42 Nhà Chung. Về vụ án này, trước đó, ngày 8/12/2008, TAND quận Đống Đa, TP Hà Nội đã xử sơ thẩm tại trụ sở UBND phường Ô Chợ Dừa, tuyên phạt 8 bị cáo mức án từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hình phạt tù cho hưởng án treo.
TAND TP Hà Nội cho biết, sau khi xét xử sơ thẩm, cả 8 bị cáo đều có kháng cáo. Theo quy định pháp luật, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Để chuẩn bị phiên xét xử này, TAND TP Hà Nội đã thông báo ngày mở phiên tòa cho các bị cáo và từ ngày 16/3, tòa cũng đã làm thủ tục thông báo cho luật sư bào chữa cho bị cáo, triệu tập những người tham gia tố tụng, đại diện cơ quan, tổ chức liên quan đến tham dự. Các thủ tục khác liên quan cũng đã được chuẩn bị theo đúng quy định pháp luật về trình tự xét xử phúc thẩm.

Vụ án này từng được dư luận báo chí đưa tin, phản ánh trong năm 2008 và trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, chúng tôi đã có các bài viết phản ánh sự thật khách quan nêu rõ hành vi sai phạm của các bị can, bị cáo và tính chất, mức độ các sai phạm này.

8 bị cáo trong vụ án đã xử ở phiên sơ thẩm, gồm có: Nguyễn Thị Nhi, Ngô Thị Dung, Nguyễn Thị Việt, Lê Quang Kiện, Lê Thị Hợi, Phạm Chí Năng, Nguyễn Đắc Hùng, Thái Thanh Hải. Nguyên đơn dân sự: Công ty cổ phần May Chiến Thắng do bà Ninh Thị Ty là Giám đốc đại diện hợp pháp, ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Nga, Chánh Văn phòng và bà Nguyễn Thị Tý, Phó Tổng Giám đốc Công ty. Phía luật sư dự phiên tòa sơ thẩm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bị cáo, gồm 2 luật sư.

Viện KSND quận Đống Đa truy tố Nguyễn Thị Nhi về tội "Gây rối trật tự công cộng", theo điểm a, khoản 2, Điều 245, BLHS; truy tố Ngô Thị Dung, Nguyễn Thị Việt, Lê Quang Kiện, Lê Thị Hợi, Phạm Chí Năng, Nguyễn Đắc Hùng, Thái Thanh Hải về tội "Hủy hoại tài sản" theo khoản 1, Điều 143, BLHS và tội "Gây rối trật tự công cộng" theo khoản 1, Điều 245, BLHS.

Khu vực 178 - Nguyễn Lương Bằng được xây dựng thành vườn hoa 1-6, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong khu vực.

Tại phiên tòa sơ thẩm, căn cứ lời khai của các bị cáo trước cơ quan điều tra cũng như trước tòa, căn cứ đơn trình báo của Công ty cổ phần May Chiến Thắng, đơn tố cáo của quần chúng, biên bản họp tổ dân cư số 1, tổ dân phố số 2, phường Quang Trung và cụm dân cư số 1B, tổ dân phố 84, phường Ô Chợ Dừa; căn cứ kết luận định giá tài sản của cấp có thẩm quyền, lời khai các bên liên quan, căn cứ các quyết định, công văn trả lời của cơ quan chức năng đối với khiếu kiện đòi đất ở nhà thờ Thái Hà, căn cứ chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập được, tòa sơ thẩm xác định tính chất, mức độ của vụ án và đối với từng bị cáo.

Cụ thể, về hành vi "Hủy hoại tài sản", các bị cáo nhằm vào khối tài sản của Công ty May Chiến Thắng, tài sản bị cáo hủy hoại có trị giá hơn 3,4 triệu đồng. Khi linh mục giáo xứ Thái Hà có đơn đòi đất, giáo dân có hành vi chiếm đất trái phép, UBND quận Đống Đa đã có công văn yêu cầu chấm dứt hành vi này, đồng thời UBND TP Hà Nội lập đoàn thanh tra liên ngành và có kết luận khẳng định việc linh mục giáo xứ Thái Hà và một số giáo dân đòi đất ở khu đất mà Công ty May Chiến Thắng đang sử dụng là không có cơ sở để giải quyết.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền đã giao đất hợp pháp cho Công ty May Chiến Thắng sử dụng qua một quá trình, từ năm 1961 tới nay và công ty này là đơn vị có quyền sử dụng đất hợp pháp chứ không phải bất hợp như quan điểm của luật sư đưa ra. Do đó, tòa sơ thẩm xác định, hành vi của các bị cáo Ngô Thị Dung, Nguyễn Thị Việt, Lê Quang Kiện, Lê Thị Hợi, Phạm Chí Năng, Nguyễn Đắc Hùng, Thái Thanh Hải đã phạm tội "Hủy hoại tài sản" theo Điều 143 - BLHS.

Về trách nhiệm dân sự, Công ty May Chiến Thắng kê khai thiệt hại kinh tế hơn 1 tỷ đồng nhưng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường nên HĐXX không xem xét.

Về hành vi gây rối trật tự công cộng, căn cứ các chứng cứ thu thập được thì bản thân các bị cáo không chỉ một lần mà đã nhiều lần có mặt tại khu đất này, tham gia cùng rất đông giáo dân, tập trung cầu nguyện không đúng nơi thờ tự, trái quy định của Pháp lệnh về tôn giáo, tín ngưỡng với mục đích gây áp lực với chính quyền, đòi đất trái pháp luật.

Các bị cáo cùng hàng nghìn người tràn vào khu đất của doanh nghiệp, dùng loa phóng thanh cầu kinh, đánh cồng chiêng trong khu vực sản xuất của doanh nghiệp, hành vi này kéo dài, gây mất trật tự xã hội, cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty May Chiến Thắng. Hành vi này cũng gây bất bình trong dư luận nhân dân, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của đồng bào theo tôn giáo nói chung, theo Thiên Chúa giáo nói riêng.

Tòa xác định: Mặc dù các bị cáo trước đó chưa có tiền án, tiền sự về hành vi gây rối trật tự công cộng song với những hành vi, hậu quả trên, có đủ cơ sở để kết luận các bị cáo Ngô Thị Dung, Lê Quang Kiện, Lê Thị Hợi, Nguyễn Thị Việt, Phạm Chí Năng, Thái Thanh Hải, Nguyễn Đắc Hùng phạm tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 245 - BLHS.

Đối với Nguyễn Thị Nhi, ngoài hành vi gây rối trật tự công cộng tại khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng cùng các bị cáo nói trên, còn có hành vi xâm phạm khu vực làm việc của cơ quan nhà nước tại số 42 Nhà Chung. Hành vi đập phá tài sản của Nhi không phải chỉ nhằm vào số tài sản đó mà để gây náo loạn tại khu vực, gây hậu quả nghiêm trọng với tình tiết định khung tăng nặng.

Tòa sơ thẩm khẳng định: Đây là vụ án mà hành vi phạm tội "Hủy hoại tài sản" và "Gây rối trật tự công cộng" của các bị cáo là nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng, lôi kéo đông người, tham gia liên tục trong nhiều ngày, thể hiện sự coi thường pháp luật, gây bất bình trong dư luận xã hội, ảnh hưởng khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, hành vi này cần được xử lý đúng quy định pháp luật nhằm cải tạo, giáo dục, phòng ngừa chung.

Xem xét toàn diện vụ án trên cho thấy, ngay từ đầu, cơ quan chức năng đã quan tâm giải quyết bằng các hình thức như tuyên truyền, giải thích, ra các quyết định trả lời đơn thư, kết luận thanh tra, trả lời khiếu nại, khẳng định việc đòi đất của linh mục và giáo dân ở đây là không có căn cứ.

Sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, một số linh mục giáo xứ Thái Hà không những không khuyên răn giáo dân chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật mà còn kích động giáo dân, gây ảnh hưởng trật tự xã hội. Nhiều bị cáo khai trong các buổi lễ tại nhà thờ Thái Hà, linh mục chủ lễ đều nói với giáo dân phải tập trung cầu nguyện để đòi lại đất cho nhà thờ và họ đã nghe, làm theo.

Ngày 22/9/2008, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 1407/UBND cảnh cáo một số giáo sỹ nhà thờ Thái Hà với nội dung: "Trong quá trình giải quyết, một số giáo sỹ xứ Thái Hà mà đứng đầu là linh mục chính xứ Vũ Khởi Phụng đã không hiểu và cố tình không hiểu luật pháp, bất hợp tác, không tôn trọng chính quyền, liên tục có những hành vi vi phạm như chiếm đất trái pháp luật, xây dựng công trình trái phép trên đất do Công ty Điện lực Hà Nội và Công ty Cung ứng vật tư vận tải xi măng quản lý; kêu gọi giáo sỹ, giáo dân hoạt động tôn giáo ngoài nơi thờ tự, gây áp lực với chính quyền để đòi đất".

Ngoài việc áp dụng các hình thức giải quyết theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng cũng trực tiếp đến cơ sở gặp gỡ, tuyên truyền, giải thích, vận động thuyết phục nhưng một số giáo sỹ, giáo dân ở đây vẫn bất hợp tác, cố tình vi phạm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã cảnh cáo các ông Vũ Khởi Phụng, linh mục chính xứ Thái Hà và các giáo sỹ nhà thờ Thái Hà: Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong.

Việc xét xử theo trình tự phúc thẩm khi bị cáo không chấp nhận bản án sơ thẩm, có kháng cáo là hoạt động bình thường trong tố tụng hình sự. Với tính chất công khai, dân chủ, nhất là nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, TAND TP Hà Nội đã tiến hành những thủ tục cần thiết, đúng quy định pháp luật. Phiên xét xử phúc thẩm tiếp tục bảo đảm tính dân chủ trong hoạt động tranh tụng tại tòa

Phạm Miên - Đăng Trường
.
.
.