Khắc phục hậu quả cơn bão số 1:

Hôm nay (23/5), tàu cứu nạn sẽ cập cảng Sông Hàn

Thứ Ba, 23/05/2006, 08:57

Trưa 22/5, tàu SAR 411 và 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 đã tiếp cận được các tàu đánh cá đang trên đường trở về tại tọa độ 18 độ 21' Bắc, 112 độ 50' Đông, cách Đà Nẵng chừng 320 hải lý (gần 593km). Tàu cứu nạn được thiết kế chạy với vận tốc tối đa 26 hải lý, như vậy trong ngày hôm nay (23/5) mới cập cảng Sông Hàn.

Sáng 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã phát lời kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước hãy vì tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia, giúp đỡ để làm vơi bớt nỗi đau mất mát lớn lao của những gia đình ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng đã gặp đại nạn trong cơn bão Chanchu.

Tại các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, chính quyền địa phương cùng các ngành và đoàn thể xã hội cũng đang khẩn trương tổ chức quyên góp giúp đỡ những gia đình ngư dân gặp nạn. Ông Lê Minh Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tâm sự: Quảng Nam có đến 113 ngư dân đi làm việc trên các tàu đánh cá của Đà Nẵng bị mất tích, trong số đó có gia đình bị chết đến 10 người gồm cả cha, con, rể… Với tinh thần tương thân, tương ái, Quảng Nam kêu gọi sự giúp đỡ của đồng bào cả nước đến với các ngư dân để cùng xoa dịu nỗi đau này.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống đê điều - phòng chống lụt bão sáng 22/5, bên cạnh việc biểu dương khen ngợi những cố gắng của các ban, ngành trong công tác phòng chống lụt bão, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các ban, ngành khẩn trương rút kinh nghiệm về cơn bão số 1 vừa qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Tôi đề nghị các đồng chí nghiêm túc rút kinh nghiệm qua cơn bão số 1 vừa rồi. Chúng ta phải nghiêm túc rút kinh nghiệm cả về dự báo lẫn thông tin bão. Chúng ta dự báo là bão xa, dự báo trước một ngày nhưng một ngày thì làm sao bà con chuẩn bị kịp".

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra các yếu tố bất cập trong công tác dự báo, chủ động phòng tránh và tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân. Cụ thể, triển khai đánh bắt xa bờ phải đi liền với tổ chức công tác phòng chống bão như thông tin liên lạc như thế nào, thông tin dự báo của các địa phương ra sao… Dù cơn bão số 1 đã đi qua nhưng chúng ta chưa nắm được có bao nhiêu tàu biển, bao nhiêu ngư dân trên biển. Địa phương, biên phòng, thủy sản cũng không nắm được. Con số đến giờ vẫn là tiếp tục cập nhật.

"Chúng ta phải rút kinh nghiệm về thông tin liên lạc giữa bờ và các tàu thuyền đánh cá. Chúng ta đã liên lạc và gọi được 30.000 tàu thuyền đánh gần bờ vào đất liền, nhưng những tàu thuyền đánh cá xa bờ thì chúng ta chưa có cách thức thông báo thường xuyên. Công tác tổ chức tìm kiếm cứu nạn và quản lý tàu thuyền đánh cá ra khơi của từng địa phương cũng cần chỉnh đốn lại" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời phỏng vấn Báo CAND, ông Lê Huy Ngọ, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho rằng: "Khi cơn bão thay đổi đột ngột về hướng Bắc, tôi phải nói rất thẳng thắn là rất nhiều người nghĩ bão không vào bờ biển và công tác triển khai thế là đã ổn. Chúng ta không phán đoán được là nếu bão đi về hướng Bắc thì sẽ có điều gì xảy ra. Thực sự chúng tôi bị bất ngờ và không nghĩ tàu thuyền của ta đi đánh cá xa như vậy. Trước hết tôi muốn nói rằng, diễn biến của cơn bão này có bước di chuyển rất đột ngột và bất thường.

Trước đó, do chúng ta cho rằng bão đổ bộ vào hướng Tây nên toàn bộ công tác đã triển khai như tổ chức cho Bộ đội Biên phòng, lực lượng không quân, tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ và cảnh báo đồng bào ở ven biển đề phòng cảnh giác. Tuy nhiên, các tàu thuyền đi quá xa với khả năng kiểm soát của các địa phương. Do sự bất ngờ đó, chúng ta cũng không định hướng rõ cho dân trên cơ sở dự báo đã có.

Tôi muốn nói nguyên nhân là có cả hai, cả sự di chuyển đột ngột của cơn bão và khả năng với tay, chỉ đạo đến người dân của các cơ quan chức năng còn lúng túng, khó khăn. Chúng tôi đang theo chỉ thị của Thủ tướng là rút kinh nghiệm về công tác dự báo, khả năng kiểm soát của mình và tổ chức cứu hộ, cứu nạn tầm xa phải làm thế nào..."

- Phải chăng công tác hướng dẫn cho ngư dân của chúng ta còn yếu, trách nhiệm chính sẽ thuộc về cơ quan nào?

Ông Lê Huy Ngọ cho biết: Chúng tôi thừa nhận là có sự lúng túng trong công tác chỉ đạo vì cơn bão có những diễn biến bất ngờ ngoài dự đoán. Điều đầu tiên cần rút kinh nghiệm là công tác dự báo, chúng ta phải có dự báo dài hơn. Và phải có hướng dẫn đến bà con. Chúng ta dự báo được bão nhưng đã không hướng dẫn kịp thời đến ngư dân.

* Chiều 22/5, tại Đà Nẵng ông Lê Huy Ngọ, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cùng Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Phó tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã họp với lãnh đạo 3 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng cứu nạn, cứu hộ khẩn trương đề ra biện pháp tiếp nhận, cấp cứu ngư dân bị nạn đang trở về, lo chu tất mai táng những ngư dân xấu số và tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình người bị nạn sớm ổn định cuộc sống.

Tại Quảng Nam: Chiều 22/5, Đại diện Báo CAND đã có mặt tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam để thăm một số gia đình các nạn nhân mất tích trong bão Chanchu. Một cuộc họp của Huyện ủy, UBND và các ban, ngành đã diễn ra ngay tại Đồn Biên phòng 264. Tất cả các thành viên của Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiệt hại do cơn bão số 1 đang tiếp tục triển khai công tác ổn định tâm lý cho các gia đình có người thân mất tích. Chuẩn bị công tác tiếp nhận xác các nạn nhân xấu số vào ngày 23/5.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Ngữ, Phó Chủ tịch huyện Thăng Bình, Trưởng Ban chỉ đạo cứu nạn cho biết: Huyện đã cho lập 4 trạm cấp cứu. Hiện huyện trưng dụng tiếp một nhà mẫu giáo của thôn Bình Tịnh tổ chức thêm một trạm để cấp cứu thân nhân của những người mất tích. Ngoài ra, công tác lo mai táng, khám chữa bệnh cho các nạn nhân vẫn đang được triển khai hết sức khẩn trương và chu đáo.

Ngày 22/5, Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Phó tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, cho PV Báo CAND biết: Hiện nay vẫn còn 6 tàu đánh cá của Đà Nẵng và Quảng Ngãi mất tích, trên đó có 87 ngư dân. Theo số liệu mới nhất đến ngày 22/5, chúng ta bị chìm mất 10 tàu đánh cá, dự kiến sáng sớm 23/5, 3 chiếc tàu đánh cá chở 104 ngư dân, trong đó có 18 thi thể sẽ về đến đất liền. Các cơ quan chức năng đang huy động bà con ngư dân trên 12 tàu của Đà Nẵng và 6 tàu của Quảng Ngãi tiếp tục tìm kiếm những người mất tích. Hai chiếc nữa ở phía Bắc đảo Sinh Tồn cũng bắt đầu chuẩn bị hành quân để đón các tàu ở vùng xa nhất giúp bà con trở về an toàn.

Thông tin từ Đồn Biên phòng 248 (Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng) cho biết thêm: Trong 10 con tàu bị bão đánh chìm, có 26 ngư dân tàu DNa 90190 của ông Trương Văn Minh, trú ở phường Thanh Khê Đông sống sót. Số ngư dân này đã được tàu DNa 90127 của ông Nguyễn Văn Tiền ở Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn cứu vớt và cũng đang trên đường quay về Đà Nẵng. Như vậy, số ngư dân bị chết và mất tích trên 10 chiếc tàu câu mực của Đà Nẵng là 176 người. Đến thời điểm này, 17 con tàu cứu hộ của ngư dân, với trên 400 lao động cũng đã rời địa điểm xảy ra tai nạn để trở về…

Ngọc Yến - Long Vân - Thanh Hải
.
.
.