Hồi ức của những thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc

Thứ Hai, 29/07/2019, 07:30
500 thương binh nặng được tuyên dương tại cuộc gặp mặt là những tấm gương tiêu biểu trong thương binh, gia đình chính sách và người có công – những người đã vượt qua thương tật, vươn lên trong cuộc sống để tìm hạnh phúc riêng, sống vui, sống khỏe, sống có ích. Họ là những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước, có sức lan tỏa và lay động xã hội...


Bài cuối: Những cựu binh “tàn mà không phế”

1. Là thương binh nặng với tỷ lệ mất sức lao động 99%, ông Nguyễn Văn Hạnh (SN 1948), quê Đồng Tháp gây xúc động cho chúng tôi bởi đôi mắt bị mù và hai bàn tay không còn nữa, song ông vẫn cố cầm gậy để đi lại hay tự bê chai nước uống, không phiền đến những người trong đoàn.

Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, ông kể, tháng 3-1968, ông xung phong đi bộ đội, đầu quân cho đơn vị nha y của Quân khu 9 (bây giờ là Bệnh viện Quân y 120, đóng ở Tiền Giang). “Lúc bấy giờ chiến tranh ác liệt, các bác sỹ, y tá dần dần hy sinh, tôi được điều chuyển qua quân y, phục vụ hậu cần, sáng nấu cơm, tới giờ thay băng, chích thuốc cho các thương binh”, ông nhớ lại.

Hình ảnh hạnh phúc của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hạnh được các cán bộ Trung tâm điều dưỡng thương binh ghi lại.

Theo ông, do hoàn cảnh khó khăn, lực lượng y tá sau khi thay băng ra cho các cán bộ thì không vứt đi, mà giặt lại sạch sẽ, bỏ vào nồi nấu lên để khử trùng, tiếp tục tái sử dụng cho những lần sau. Suốt thời gian như vậy, khi Sư đoàn 7 hay Sư đoàn 9 của ngụy càn quét thì ông Hạnh còn có nhiệm vụ đưa anh em thương binh xuống hầm bí mật, phục vụ các nhiệm vụ y tế, hậu cần.

Đầu năm 1969, địch bình định khu vực Cái Bè (xã Thanh Hưng), ông cùng đồng đội phải hành quân về Vùng 8 Kiến Tường (nay thuộc huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An), hoạt động ở 3 tỉnh Đồng Tháp Mười. “Tôi cùng các đồng chí: Mai, Ba, Cảnh được đưa về Đại đội 3, được phân công làm nhiệm vụ đưa chuyển thương binh về các Đại đội 1, 2.

Mỗi lần đưa mấy chục người đi, chúng tôi dùng xuồng 3 lá chèo theo các kênh rạch, đường sông, khi xuống sông thì phải đẩy cực lắm”, ông nói. Sau khi mọi thứ ổn định, ông về trại thương binh của Đại đội để nuôi dưỡng các thương binh. Gọi là trại nhưng cơ sở vật chất hầu như không có, ông và đồng đội phải nhờ người dân mua giùm mái lá, cây tre để dựng cột, làm trại.

Trong năm đó, thời điểm mùa nước lên, ông cùng hai cán bộ được phân công đi mua lá chất xuồng đem về. Đi một chặng đường dài mới tới kênh Bích, mưa tầm tã, anh em bị chìm xuồng, ướt hết quần áo ngoi ngóp, bụng thì đói.

“Sau khi chất lá lên bờ, tát hết nước ra thì chúng tôi úp cho xuồng khô rồi mới chất lá trở lại đưa về. Cả xuồng và lá đều phải giấu kỹ trong gốc cây, không thì trực thăng của địch bay rè rè bên trên sẽ bắn chết. Bữa đó cũng khoảng 21h, anh em lấy nilon lau nước thật sạch rồi mới trải ra nền, giăng mùng ngủ nghỉ.

Sáng ngày đứa câu cá, đứa chặt tre, lợp mái, rước anh em thương binh về nuôi dưỡng...”, ông Hạnh nói luôn một mạch, khoé mắt rơm rớm nhớ lại những kỷ niệm ấm áp tình đồng đội. Đằng sau cặp kính đen là đôi mắt mờ đục, song ẩn chứa bao hồi ức và vẫn hấp háy những tình cảm buồn vui thời chiến.

“Ngày Bác mất, anh em tôi xúm nhau làm lễ tang. Chúng tôi chỉ được nghe nói về Bác, biết Bác là vị lãnh tụ mình thương mến, coi như cha chứ đã bao giờ được gặp đâu. Mọi người nói Bác mất hôm 3-9 rồi, vậy là có người tự cắt miếng vải đen đeo lên ngực 7 ngày để tang, có người chỉ lẳng lặng với nỗi buồn, tự thề sẽ cố gắng làm tốt công việc chích thuốc, thay băng hằng ngày để tưởng nhớ và không phụ công lao của Bác...”, thương binh Nguyễn Văn Hạnh kể.

Về lần bị thương, ông cho biết, đó là vào Tết năm 1970, Sư đoàn 9 của địch càn quét mạnh, ông thực hiện nhiệm vụ đưa các thương binh ra hầm bí mật: “Mọi người vào hầm đầy đủ, trốn kỹ lưỡng rồi thì tôi quay trở về trại để bố trí các dấu vết, không may pháo của địch bắn tới khiến tôi bị thương, tỉnh dậy đã nằm ở quân y rồi”.

Vết thương quá nặng khiến ông mù mắt, nằm 1 tháng mới sáng lại, gãy 3 chiếc răng, 2 tay bị thương, trong đó tay phải bị nặng. Cũng may, khi làm nhiệm vụ, ông mang túi xe đạn trước ngực nên chính chiếc túi đã cứu sống ông. Sau đó, do điều kiện khó khăn, vết thương bị nhiễm trùng, phải mổ đi mổ lại nhiều lần rồi tháo khớp. Hiện bàn tay phải của ông chỉ còn đến khuỷu, tay trái mất hết các ngón...

Tháng 3-1972, ông được đưa tới Đoàn 582, đóng ở Thanh Liêm, Hà Nam, điều trị ở đó đến năm 1978 thì về Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (Bà Rịa – Vũng Tàu). Năm 1974 đi điều trị ở Bệnh viện Quân y 7 ở Ninh Bình, ông gặp và quen bà Trần Thị Mai Cúc, cán bộ Cục Hậu cần Quân khu 5, bệnh binh 1/3.

Duyên số run rủi đã đưa hai con người từ trong cuộc chiến đến với nhau, tình yêu nảy nở, ông đã cưới bà làm vợ, sinh được hai người con, 1 trai, 1 gái. Do di chứng của vết thương, cuối năm 1990, ông bị hỏng một mắt phải cắt bỏ, sau này mắt kia cũng mù luôn. “Được về dự gặp mặt lần này, tôi rất xúc động, cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp”, ông Hạnh tươi cười nói.

“Thương binh tàn mà không phế”, dù đôi mắt và đôi bàn tay đã gửi lại chiến trường nhưng hiện ông vẫn trồng rau, làm vườn, làm việc nhà, thậm chí mấy năm trước còn phụ vợ bán giải khát để tăng thêm thu nhập. “May là ông trời còn gửi bà ấy đến cho tôi”, ông dí dỏm nói về người vợ đảm đang ở quê nhà.

2. Cũng đến từ Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất, ông Nguyễn Đình Chiểu (SN 1962) tỏ ra khá cởi mở khi trò chuyện. Tuy nhiên, nhắc đến cuộc chiến năm xưa với những mất mát mà ông cùng đồng đội đã trải qua, giọng ông chùng xuống.

Ngược thời gian, chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Đình Chiểu rời quê hương Phú Thọ, lên đường nhập ngũ, thuộc biên chế của Sư đoàn 305, Trung đoàn 113. Sau đó, ông được điều động sang chiến đấu tại chiến trường K (Campuchia) vào những năm gian khổ nhất.

Hằng ngày, ông cùng đồng đội đi trinh sát, nắm thông tin về địa hình, lực lượng, vũ khí, khí tài của địch để lên sơ đồ, kế hoạch tác chiến. Đêm đến, mỗi mũi công tác gồm 3 tổ (12 người) tham gia tấn công địch trực diện bằng hoả lực. Chính trong những năm tháng chiến đấu ác liệt ấy, ông vướng mìn và vĩnh viễn mất đi đôi chân...

Ban đầu, khi đến Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất, nhìn thấy đồng đội của mình thương tật còn nặng nề hơn, ông thấy đồng cảm. Nghĩ đến những người không thể trở về, ông nhận ra mình quá may mắn. “Chiến tranh là vậy, có đau thương, mất mát mới có được hòa bình, hạnh phúc cho Tổ quốc, cho dân tộc”, ông nói. Cũng chính tại đây, ông đã tìm được một nửa của cuộc đời mình. Đó là bà Trần Thị Thuý Hồng - vợ ông.

Với đặc thù công việc là nhân viên phục vụ tại Trung tâm, nữ điều dưỡng Thuý Hồng và anh thương binh nặng Nguyễn Đình Chiểu có nhiều điều kiện tiếp xúc, chăm sóc. Rồi tình cảm mến thương ông bà dành cho nhau tự đến lúc nào không hay. Có lẽ ngoài tình yêu, bà đến với ông còn vì tình thương, sự khâm phục, kính trọng, muốn bù đắp lại những mất mát, hy sinh của ông đối với đất nước. Ông bà quyết định tiến đến hôn nhân.

Nghe tin, gia đình ông Chiểu vui mừng khôn xiết, ngược lại là sự phản đối kịch liệt của “nhà vợ”. Sau một thời gian kiên trì thuyết phục, thậm chí bà Hồng còn từng tuyên bố: “Con không lấy ai ngoài anh Chiểu” khiến bố mẹ bà đành chiều lòng con gái.

Sau đám cưới, Trung tâm đã tạo điều kiện cấp cho vợ chồng ông bà một mảnh đất nhỏ để cất nhà ở. Thời gian và quy luật của bệnh tật không chừa một ai. Dù tinh thần vui khỏe, nhưng vết thương trên cơ thể của người thương binh nặng thì ngày càng hành hạ, mỗi khi trái gió trở trời ông phải gồng mình chống đỡ.

Ông bà đến với nhau khi tuổi đời không còn trẻ, nhưng may mắn đã mỉm cười khi bà Hồng hạ sinh 1 nàng công chúa, và 4 năm sau, 1 cậu con trai ra đời. Hiện hai con đã lớn khôn, ông Chiểu đã lên chức ông ngoại. Với ông, hạnh phúc đơn giản là ngày ngày trông cháu, sum vầy cùng gia đình, thi thoảng lại sang thăm hỏi, trò chuyện với đồng chí, đồng đội tại Trung tâm…

Quỳnh Vinh – Vũ Linh
.
.
.