Hồi sinh trên hàng rào điện tử McNamara năm xưa

Thứ Năm, 30/04/2020, 17:10
Sau chiến tranh, với sự thông minh, lòng dũng cảm, ý chí, những người dân làng An Mỹ (Gio Linh , Quảng Trị) đã biến hàng chục nghìn cây số vuông của hàng rào điện tử McNamara thành những vườn cây trái.

Khi tôi hỏi về hàng rào điện tử McNamara, một tuyến phòng thủ chết chóc khét tiếng năm xưa của quân đội Mỹ, cựu chiến binh Dương Bá Quy ở làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh liền chỉ tay vào vườn cây trái xanh mướt, trĩu quả, bảo: “Hàng rào đó! 

Sau chiến tranh,với sự thông minh, lòng dũng cảm, ý chí không khuất phục trước mọi khó khăn, chính những người dân nơi đây đã cùng với chính quyền, ban ngành chức năng biến hàng chục nghìn cây số vuông của tuyến phòng thủ ấy thành những vườn cây trái như hôm nay”…

Năm nay tuổi đã ngoài 77, nhưng ông Quy vẫn còn khỏe mạnh, bước đi vững chãi, chất giọng sang sảng. Ông Quy không chỉ là người nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ, mà còn được nhiều người ở Gio Mỹ biết đến trong thời bình, do bởi kiên trì bám trụ trên vùng đất “chết chóc”, thông minh sáng tạo trong cải tạo đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp và tấm lòng nhân ái giúp đỡ, sẻ chia với nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Người dân huyện Vĩnh Linh thu hoạch vụ mùa ở cánh đồng thuộc tuyến phòng thủ McNamara năm xưa.

Ông Quy kể rằng, năm 13 tuổi, ông đã là đội viên du kích mật ở địa phương. Đến 1966, do bị chỉ điểm, ông chuyển sang hoạt động bí mật trong lòng địch. Ban ngày, ông nằm hầm bí mật để chờ khi đêm xuống mới bắt đầu lên khỏi hầm liên lạc với các cơ sở cách mạng, dẫn đường cho bộ đội vượt sông Bến Hải, vượt phòng tuyến McNamara. 

Bằng sự mưu trí, cộng với thông thuộc địa hình, ông đã cùng đồng đội mỗi tháng hàng chục lượt dẫn đường an toàn cho bộ đội từ miền Bắc vượt sông Bến Hải, hệ thống trạm canh phòng, hàng rào điện tử McNamara chết chóc để vào chi viện cho chiến trường miền Nam. 

“Trước khi bắt đầu dẫn đường, chúng tôi đã mất nhiều tháng lần mò trinh sát, bò vào cắt dây kẽm gai để mang về nghiên cứu và gửi lên cấp trên để các chuyên gia nghiên cứu cách phá hủy chúng. 

Tuy nhiên, khó khăn nhất không phải là hàng rào gai kẽm bùng nhùng với hàng chục lớp, mà các thiết bị điện tử phát hiện thâm nhập, như ra đa, máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn…, được bố trí liên hoàn trong khu vực có chiều rộng từ 10 đến 20 cây số, dài khoảng 100 cây số từ cảng Cửa Việt lên Đường 9, qua Làng Vây - Khe Sanh, Hướng Hóa, cắt đường mòn Hồ Chí Minh qua biên giới Việt Nam – Lào. 

Sau khi nắm rõ phương thức hoạt động của hàng rào, anh em dân quân du kích, Bộ đội địa phương chúng tôi đã nghĩ ra cách bắt cóc, nhái, chuột… bỏ vào các ống tre, treo lên hàng rào, cây cối cạnh các máy móc trên để đánh lừa địch. Bằng phương pháp đơn giản này, không ngờ tuyến hàng rào được địch công phu đầu tư, xây dựng hiện đại bấy giờ đã bị vô hiệu hóa”, ông Quy tự hào kể lại.

Sau giải phóng, trên vùng đất lửa Quảng Trị và đặc biệt làng An Mỹ, xã Gio Mỹ của ông Quy, nơi có tuyến hàng rào điện tử McNamara chạy qua, trong lòng đất  vẫn còn dày đặc bom đạn chưa nổ của địch sót lại; việc khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích phát triển sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. 

Ông Quy đành dắt vợ con khăn gói vào Tây Nguyên kiếm kế mưu sinh. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, ông lại đưa vợ con quay ra. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thủy (70 tuổi) bảo, sau này bà mới biết lý do là ông Quy tự ái khi nghĩ rằng, một chiến sĩ Cộng sản từng rất mưu trí, dũng cảm, 17 lần được tặng Danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, lại đầu hàng với những khó khăn sau hòa bình. 

“Thế là, ông ấy quyết định trở về quê làm ăn sinh sống và quyết tâm làm giàu. Những năm bám trụ, sinh sống ở quê, có nhiều lúc cái chết, sự sống cách nhau mong manh như sợi tóc. Mỗi nhát cuốc xuống đất đều luôn phải dè chừng, thót tim, vì bom mìn sót lại ở dưới vẫn còn dày đặc. 

Chúng tôi đã kiên trì ở lại bám trụ vì tình yêu quê hương, vì sự can trường của người chiến sĩ Cộng sản, ngày trước một tấc không đi, một ly không rời, thì nay phải quyết tâm làm cho “đất chết” phải nở hoa. Đó là sự giàu có nhất mà chúng tôi có!”, bà Thủy nhìn sang ông Quy tự hào tâm sự.

Công an huyện Hướng Hóa thăm hỏi, giúp đỡ mẹ Pỉ Thoong.

Trên vùng biên giới Lìa, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, giáp với nước bạn Lào, đồng bào Pa Cô, Vân Kiều nhắc nhiều đến mẹ Pỉ Thoong - một người mẹ đã từng “hiệu triệu” toàn dân nơi đây đoàn kết một lòng giúp sức cho bộ đội kháng chiến; phá vỡ gọng kìm hàng rào phòng thủ McNamara của địch để miền Bắc có thể tiếp sức tối đa cho miền Nam được giải phóng. Lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ đều nhắc đến mẹ Pỉ Thoong với sự cảm phục, lòng biết ơn sâu sắc...

Những người anh hùng như Pả Thông, Pả Mo, Pả Máng, Pả Cùm…, người thì đã mất, người còn nhưng tuổi đã cao, sức yếu, không còn minh mẫn. 

Khi tôi hỏi ông Pả Cùm từng nổi tiếng phá tuyến rào của địch, gùi cõng các thiết bị tháo rời của xe tăng cùng bộ đội xẻ dọc Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam, ông nói tiếng Kinh chậm như nhặt hạt: “Có Hồ Ta Cô con của bố trên xã, bố đã kể cho nó mọi chuyện, nó sẽ kể lại cho con!”. 

Hồ Ta Cô đã ngoài 56 tuổi, là con trai thứ 3 của ông Pả Cùm. Anh được bà con nhân dân xã Thuận tin tưởng, bầu làm Chủ tịch xã nhiều năm nay. Anh không nói nhiều về chiến công của cha mình mà chỉ bảo, trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đồng bào Pa Cô, Vân Kiều trên dãy Trường Sơn một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng, nhường cơm, sẻ áo cho bộ đội đánh giặc. 

Sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình đến nay, bà con luôn tuân thủ, đồng thuận, hưởng ứng mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không ngừng tăng gia sản xuất, vượt khó, vươn lên trong làm ăn kinh tế.

Phấn khởi nhất là 6- 7 năm lại đây, nhiều hộ dân ở xã Thuận đã vươn lên làm giàu nhờ vào việc phát triển cây sắn. Đơn cử, vụ thu hoạch đầu năm nay, với sắn củ được Nhà máy chế biến tinh bột sắn -Tổng Công ty CP Thương mại Quảng Trị, đóng trên địa bàn xã thu mua với giá cao, bình quân mỗi hộ dân trồng 2ha thu lãi ròng 40-50 triệu đồng.

 Trở ra Gio Linh, trên tuyến hàng rào điện tử McNamara khét tiếng năm xưa, tôi được ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện dẫn đi trên con đường thảm nhựa phẳng phiu, xã Linh Thượng, băng qua Khe Mướp, Khe Cau... đến Cồn Tiên- Dốc Miếu. 

Trước mắt hiện rõ một quang cảnh thú vị và nên thơ; những quả đồi trước đây không lâu chìm trong lau lách, cỏ dại thì nay đã được đôi bàn tay con người đánh thức bởi màu xanh của hàng vạn cây cao su, cây bơ giống 034 vừa được đưa vào trồng thử nghiệm. 

Ông Quảng cười vui bảo rằng, chiến tranh đã lùi xa, tuyến hàng rào điện tử McNamara đầy chết chóc cũng chỉ còn trong ký ức của các cựu chiến binh. Quê hương Gio Linh ngày nay ruộng đồng, rừng cây xanh ngát; với bao xí nghiệp, nhà máy, nhà dân khang trang, tạo nên diện mạo của cuộc sống no ấm…

Thanh Bình
.
.
.