Hồi sinh sau trận lũ quét

Thứ Năm, 17/04/2008, 11:17
Xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) nằm trên khu vực Ba Khe, có thị tứ Ngã Ba sầm uất và là trung tâm kinh tế, văn hoá, giao thương của 8 xã vùng ngoài. Vì nằm giữa dốc Cây Si và đèo Ách lại là điểm chụm của 3 con suối nên Ba Khe như một cái lòng phễu của 3 con suối đổ vào, vì vậy đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ quét kinh hoàng ngày 27/9/2005 xảy ra ở Yên Bái.

Trong không khí mát dịu của tiết trời cuối tháng 3, chúng tôi đã có mặt ở đây để chứng kiến sự đổi thay của người dân trong vùng…

Khi cơn lũ đi qua….

Dẫn chúng tôi đi thăm hiện trường của cơn lũ quét băng qua trước đây, Bí thư Đảng uỷ xã Cát Thịnh, Dương Trung Lợi, chỉ vào dòng suối Nhì nói: "Không ai có thể ngờ được, dòng suối bao năm vẫn hiền hoà chảy, là nơi cung cấp nước để cho những cánh đồng lúa bội thu mà chỉ trong chốc lát nó đã cuốn đi hàng chục mạng người, phá huỷ nhiều tài sản của bà con.

Hôm ấy, ngày 27/9, chúng tôi chỉ nghe thấy ào ào từ xa, rồi nước lên nhanh lắm. Thấy nước dâng lên, lãnh đạo UBND xã huy động các lực lượng để hỗ trợ nhân dân chống lũ. Nhưng cũng không thể làm gì được vì nước chảy dữ quá, mọi đường dây liên lạc với bên ngoài đều bị cắt đứt.

Chỉ có 7km tính từ UBND xã đến Đèo Á có tới 2 đoạn bị lũ cắt. Đỉnh lũ kéo dài khoảng 20 phút nhưng hậu quả để lại thật nặng nề. Đó như là một cơn ác mộng và là nỗi kinh hoàng cho bất cứ người dân nào ở Cát Thịnh".

Chỉ sau một đêm, đã có 23 người bị chết, trong đó có 22 người bị lũ cuốn trôi và thị tứ Ngã Ba có số lượng người bị lũ cuốn trôi nhiều nhất (19 người). Ngoài thiệt hại về người, cơn lũ đã cuốn trôi 56 ngôi nhà, có 79 ngôi nhà bị hỏng; 13 hộ với 62 nhân khẩu bị mất trắng. Ruộng lúa chỗ nào cũng có cát sỏi… ước tính tổng trị giá thiệt hại lên tới 14,091 tỷ đồng. Tổng số khẩu cần cứu đói là 2.861 nhân khẩu.

Được sự giúp sức, hỗ trợ của bà con trên khắp cả nước cũng như sự quyết tâm của chính quyền địa phương và sự cố gắng của nhân dân trong toàn xã, Cát Thịnh đã thực sự hồi sinh.

Vực dậy sau lũ…

Trên con đường quanh co uốn lượn đã được trải nhựa, chỉ mất khoảng nửa giờ từ Trụ sở Công an huyện Văn Chấn tới xã Cát Thịnh. Về Cát Thịnh hôm nay, sẽ không ai nhận ra nơi đây đã từng có cơn lũ dữ đi qua.

Không khí trong lành của buổi sớm mai, tiếng róc rách của nước chảy, tiếng chim hót véo von xen lẫn với mùi thơm của hương quế, của cánh đồng lúa xanh mơn mởn đang thì con gái. Phóng xa tầm mắt, là những quả đồi được phủ một màu xanh bởi những cây chè. Tất cả quện vào nhau như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Tới thị tứ Ngã Ba, lại một khung cảnh khác hẳn. Những ngôi nhà cao tầng, phố xá tấp nập cảnh người mua, người bán. Những tiếng cười nói, nô đùa vui vẻ của những em học sinh trong giờ ra chơi tại Trường THCS Cát Thịnh và những bác xe ôm đứng thành hàng dài tại thị tứ Ngã Ba, kẻ cười, người nói huyên náo cả một góc đường. Khung cảnh ấy cho thấy thị tứ Ngã Ba đã hồi sinh trở lại với vẻ náo nhiệt và sầm uất như nó vốn có. 

Bí thư xã Dương Trung Lợi dẫn chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Tiến Hanh ở thị tứ Ngã Ba. Anh vẫn còn nhớ như in cái đêm lũ cuốn trôi nhà cửa và toàn bộ tài sản mà bao năm vợ chồng anh chắt chiu gây dựng được. Vợ chồng, cùng hai cháu nhỏ của anh chị đã phải dựng tạm nhà bằng bạt để ở trong một thời gian dài.

Anh đã vay vốn từ Ngân hàng tín dụng của xã để làm ăn. Anh mua những giống chè có năng suất cao cộng thêm việc tích cực tìm hiểu khoa học kỹ thuật để áp dụng vào việc chăm sóc chè nên sản lượng chè của gia đình anh lúc nào cũng cao nhất trong toàn xã. Ngoài việc trồng chè, gia đình anh còn tăng thêm việc trồng rau, chăn nuôi gia súc. Và cứ như vậy, kinh tế của gia đình anh bắt đầu khá dần lên.

Năm 2006, anh đã xây được một ngôi nhà hai tầng khang trang tại thị tứ Ngã Ba, mọi đồ dùng sinh hoạt trong gia đình từ xe máy, tivi… đều đã có đầy đủ. Giờ đây, gia đình anh cũng là một trong những hộ có nền kinh tế khá ở trong xã và vợ chồng anh đang tập trung chăm sóc hai con để chúng được học hành.

Anh Hanh là một trong số rất nhiều người dân trong xã đã biết cách biến sỏi đá do cơn lũ để lại thành những hạt vàng lóng lánh. Theo báo cáo thống kê của UBND xã Cát Thịnh: Trước lũ trong toàn xã chỉ có 25% thuộc diện hộ nghèo, sau lũ con số ấy đã lên tới 65%.

Tuy nhiên, tính cho đến ngày 30/12/2006, số hộ nghèo trong toàn xã là 57% và chỉ còn 21% vào cùng kỳ năm 2007. Thu nhập bình quân trên đầu người cũng đã tăng lên rõ rệt từ 2,5 triệu đồng/một người vào năm 2006 tới 4 triệu đồng/người vào năm 2007.

Để có những bước phát triển kinh tế nhanh như vậy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật để người dân nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhiều mô hình người dân trong xã đã áp dụng và đem lại thu nhập kinh tế cao như: mô hình nuôi ba ba; mô hình nuôi ếch; mô hình nuôi lợn thịt...

Sự thay đổi và hồi sinh của Cát Thịnh hôm nay được thể hiện rõ nét nhất đó là sự quan tâm của người dân trong toàn xã đến giáo dục. Năm 2006, nhân dân đóng góp tiền, công để làm đường giao thông nông thôn, san tạo mặt bằng trường mầm non… trị giá trên 500 triệu đồng.

Số trường học được xây dựng tại các thôn vùng sâu của xã Cát Thịnh đã tăng lên: có 2 lớp mới mở tại Làng Ca và 1 trường mầm non tại thôn Đồng Hẻo. Đời sống kinh tế khá hơn, có nhiều điều kiện tiếp xúc với thông tin hơn nên nhận thức của người dân vì thế cũng tăng lên.

Số lượng trẻ em đến lớp tăng lên rõ rệt, từ chỗ có nhiều học sinh bỏ học, không đến lớp thường xuyên sau lũ thì đến nay tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 99%, tốt nghiệp đạt 100%, riêng Trường THCS Cát Thịnh có 6 học sinh đạt giỏi cấp tỉnh trong năm học 2006-2007.

Hai năm sau lũ, thời gian chưa quá dài kể từ khi cơn lũ đi qua, nhưng nó cũng là khoảng thời gian ghi nhận sự thay đổi từng ngày trong đời sống của người dân xã Cát Thịnh. Không khí ảm đạm, thê lương của một vùng đất tang tóc đã đi qua, người dân xã Cát Thịnh đang khẩn trương tiết kiệm thời gian để xây dựng một cuộc sống mới

Bích Huệ
.
.
.