Hói Dừa, Hói Mít: Nghèo tiền nhưng giàu lòng nhân ái

Thứ Bảy, 19/03/2005, 07:12
Khi vụ tai nạn tàu E1 xảy ra tại Lăng Cô, chính những người dân Hói Mít, Hói Dừa là những người có mặt đầu tiên để cứu nạn. Nhưng có một điều mà ít người biết là, 30 năm nay, người dân địa phương vẫn chịu cảnh “đèn dầu thay điện”.

Dựa lưng vào sườn núi Hải Vân Bắc, ngoảnh mặt ra hướng đầm Lăng Cô mênh mông sóng nước và chỉ cách thị trấn Lăng Cô chỉ chừng 4 - 5km đường tàu, vậy mà hai thôn Hói Dừa, Hói Mít bị tách biệt như ốc đảo. Vùng này không có một con đường cho thật sự ra đường để người dân địa phương có thể đi lại giao lưu, buôn bán với bên ngoài, chứ chưa nói gì đến đường cho ôtô chạy.

Nhiều năm qua, muốn về thị trấn Lăng Cô mua sắm những vật dụng cần thiết, dân Hói Mít, Hói Dừa phải "đi nhờ" đoạn đường sắt chạy vắt vẻo qua những sườn núi mọc đầy cây ngũ sắc. Hoặc nhảy lên chiếc vỏ gỗ (thuyền máy) đi đường thủy cắt ngang mặt nước đầm Lăng Cô. Đi đường thủy, tuy rút ngắn khoảng cách với thị trấn Lăng Cô còn hơn 3 cây số, nhưng vào những ngày mưa to, gió lớn thì... chịu.

Ngoài dăm ba mảnh ruộng đất cằn dưới chân núi, phần lớn dân ở đây đều sống nhờ vào đầm nước Lăng Cô. Ngay trẻ em học tiểu học cũng đã biết chèo thuyền, quăng lưới trên đầm nước bắt con cá, con tôm mang về thị trấn Lăng Cô bán cho các nhà hàng để kiếm tiền đong gạo, mua giấy bút, sách vở...

Trên chiếc vỏ gỗ (thuyền máy) băng băng rẽ sóng, Thiếu úy Phan Hoàng Hải - trinh sát Đồn Biên phòng 236, kể lại chuyện anh tận mắt chứng kiến cảnh kinh hoàng lúc đoàn tàu bị trật bánh hất tung các toa xe lên sườn núi đá và đứt rời làm hai đoạn văng ra đến gần mép nước đầm Lăng Cô. Anh Hải đã vận động người dân các thôn Hói Dừa vội vã chạy tới hiện trường. Và tất cả đều lăn xả vào tìm kiếm người bị nạn đưa xuống vỏ gỗ chở về thị trấn Lăng Cô.

Hôm ấy, hơn nửa tiếng đồng hồ sau khi vụ tai nạn xảy ra, chúng tôi cũng có mặt tại hiện trường và cũng đã ghi nhận vào ống kính của mình hình ảnh người dân các thôn Hói Dừa, Hói Mít tham gia cùng các lực lượng Công an, Quân đội và Y tế để cứu hộ hành khách đi tàu E1 bị tai nạn. Nhiều phụ nữ đã tình nguyện gánh hành lý của hành khách đi tàu may mắn thoát nạn về thị trấn Lăng Cô, giúp họ đón xe đi tiếp cuộc hành trình về quê nhà...

Lần này, chúng tôi về lại Hói Dừa trao số tiền 1 triệu đồng của Báo CAND và Chuyên đề An ninh thế giới giúp đỡ cho gia đình anh Nguyễn Văn Thành (31 tuổi), là một trong những người tích cực cứu hành khách tàu E1 gặp nạn, hoàn cảnh  gia đình anh hiện đang gặp khó khăn.

Vợ chồng anh Thành có 5 đứa con nhỏ (đứa lớn 12 tuổi, nhỏ nhất 2 tuổi), trú ngụ trong căn nhà cấp 4 cũ nát bên đường tàu. Thế nhưng, khi nhận số tiền anh vẫn ngỏ lời xin trích một nửa gửi cho cháu bé 3 tuổi bị tai nạn trên tàu E1 mà chính anh đã tìm thấy cháu bị kẹt trong một toa tàu, đưa cháu xuống thuyền và bế lên xe cấp cứu vào tận Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng...

Đại diện Báo CAND và Đồn Biên phòng 236 Lăng Cô trò chuyện với Trưởng thôn Ngô Búa.

Qua chiếc cầu khỉ dài trên 30m, bắc ngang khe Áo, chúng tôi tìm đến nhà ông Ngô Búa, Trưởng thôn Hói Dừa. Ông Búa cho biết, cả thôn có 95 hộ dân, đa số là nghèo khó, có những hộ người già, neo đơn bị thiếu đói triền miên, như hộ bà Bùi Thị Trang, bà Nguyễn Thị Cháy, vợ chồng ông Bùi Hai... Ngay cả việc dân trong thôn đi lại với nhau cũng không phải dễ dàng, vì khe Áo chạy từ Hải Vân ra đầm Lăng Cô đã chia cắt thôn ra làm hai nửa.

Để đi lại với nhau, đặc biệt giúp các cháu nhỏ đi học, nhân dân bắc chiếc cầu khỉ; song hằng năm đến mùa mưa lũ thì cầu lại bị cuốn trôi ra biển.

Hỏi về việc học hành của các cháu, ông Búa thở dài: Thôn Hói Dừa có một trường tiểu học, với khoảng 250 học sinh thay nhau học 2 ca. Lên cấp 2, cấp 3 thì các em đi bộ theo đường tàu xuống học ở thị trấn Lăng Cô. ở thôn Hói Mít cũng có mỗi một trường tiểu học. Điểm xảy ra tai nạn là nơi học sinh Hói Mít đi học về thường ngồi nghỉ chân. May mà hôm xảy ra tai nạn các em không có ở đó...

Ba mươi năm qua, kể từ ngày đất nước được giải phóng đến nay, điện lưới quốc gia đã kéo về thắp sáng nhiều bản làng ở những miền núi cao heo hút, song hàng trăm hộ dân Hói Mít, Hói Dừa vẫn còn chịu cảnh "đèn dầu ngọn tỏ, ngọn mờ" mỗi khi màn đêm buông xuống.

Cả thôn Hói Dừa chỉ có mỗi nhà ông Trưởng thôn sắm cái ti-vi trắng đen dùng bằng ắc-qui. Hết điện lại khiêng bình ắc-qui xuống thị trấn Lăng Cô để xạc... Ông Búa tâm sự: "Có một số vị lãnh đạo tỉnh đến đây thực tế rồi hứa sẽ làm đường, đưa điện về thắp sáng, xây nhà hội họp cho thôn... Nhưng đã nhiều năm nay dân Hói Dừa, Hói Mít vẫn phải chờ. Đường sá đi lại khó khăn, điện đóm tù mù thì kinh tế các gia đình cũng khó cải thiện..."

Long Vân – Hà Cương
.
.
.