Hoạ sĩ khắc nhiều con dấu nhất Việt Nam

Chủ Nhật, 18/09/2005, 07:48

Người đang nắm giữ kỷ lục đó là ông Vương Văn Nhiệm (giới mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long vẫn thường gọi là "họa sĩ Văn Nhiệm"). Ông sinh năm 1933 và hiện đang sống tại nguyên quán - ấp Cây Trâm, xã Định Bình, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Theo trí nhớ của ông, lúc đó, vào khoảng giữa năm 1957, đang hoạt động trong tổ in ấn tài liệu bí mật tại chùa Ngọc Sắc thì bất ngờ được tổ chức điều về Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau để... làm giấy tờ giả cung cấp cho cán bộ cách mạng hoạt động hợp pháp trong lòng địch. Lúc nhận nhiệm vụ này, Vương Văn Nhiệm chỉ vừa... 20 tuổi. Công việc nghe đơn giản, nhưng kỳ thực rất phức tạp và gay go. Vì lẽ, nếu những loại giấy tờ giả đó làm không khéo, cán bộ cách mạng sử dụng các loại giấy tờ đó ra hoạt động “hợp pháp” bị bắt thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Ý thức được trách nhiệm nặng nề đó, thật nhanh chóng mà cũng thật kỹ lưỡng, Vương Văn Nhiệm đã bắt tay vào nghiên cứu cách thức làm những con dấu. Nhưng điều cần nói là trong điều kiện chiến tranh, không có đủ phương tiện để làm giấy tờ giả, mọi công việc đều được ông tiến hành chỉ bằng đôi bàn tay, cùng với những dụng cụ thô sơ.

Việc “nhái, giả con dấu của địch” không phải là một việc làm dễ dàng. Nào có ít ỏi gì đâu. Cả một bộ máy quan chức của ngụy quyền từ nhỏ đến lớn, từ cao xuống thấp. Nghĩa là có đến hàng trăm con dấu và chữ ký giả của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ mà ta cần phải có để các cán bộ có đủ điều kiện đi lại, hoạt động. Tuy khó, nhưng cuối cùng, tất cả các loại giấy tờ cần thiết cho cán bộ ra hoạt động, ông  đều đáp ứng được, từ giấy đi đường, thẻ quân dịch,... cho đến các loại giấy bầu cử Quốc hội, giấy tham gia “phong trào cách mạng quốc gia”...

Vật liệu để “sản xuất” những con dấu giả phần lớn được ông làm từ gỗ cây ổi, dựa theo bản chính con dấu của địch mà khắc. Dù vốn có đôi bàn tay điêu luyện, nhưng với công việc này, ông vẫn phải làm đi làm lại hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, mới xong. Không chỉ khắc con dấu, ông còn phải nhái chữ ký của hàng trăm quan chức chế độ ngụy để cho phù hợp với các loại giấy tờ.

Theo lời ông kể, công việc gay go nhất vẫn là chuyện làm giấy căn cước giả. Do điều kiện máy móc và giấy in của địch tốt, nên chữ rất mới. Còn máy in của ta, trong điều kiện chiến tranh nên phần lớn thời gian phải chôn cất bí mật, khi “hữu sự” cần dùng đến thì mới đào lên. Vì thế, chúng vừa hết sức cũ kỹ, vừa hư hỏng, vừa thiếu chữ. Giấy má thì có thể lo được, nhưng còn chữ chì, loại chữ có trong cách làm giấy căn cước của địch, ta không có thì biết làm sao? Sau nhiều đêm vắt óc suy nghĩ, cuối cùng, ông nghĩ ra giải pháp bằng cách mài cục chì (thứ này thì ta không thiếu!) cho bằng rồi khắc chữ lên. Tuy vậy, những chữ “đơn giản” như a, b, c, d... thì còn dễ khắc. Gặp những chữ "phức tạp" có dấu như ệ, â, ộ, à... thì mới gay. Nó buộc ông thật kiên trì mới được. Khắc những chữ này phải thật tỉ mẩn, vì chỉ cần một chữ bị mất dấu là phải làm tất cả lại từ đầu.

Giống như các loại giấy tờ khác, để làm giấy căn cước giả, ông cũng dùng gỗ cây ổi để khắc, đục khoét tỉ mỉ từng chữ, từng hình lên đó. Trong loại giấy căn cước của địch lúc đó có hình bụi tre in nổi, cả dấu tròn cũng thế. Ban đầu, ông Nhiệm dùng gỗ ổi khắc, đục, móc chữ chìm nên khi in ra không đạt yêu cầu. Cứ hình dung như thế này: Sau khi khắc hình, chữ lên gỗ xong, khi in, ông cho thấm ướt giấy và ảnh cho hơi mềm, rồi mới ấn dấu lên. Sau đó, lấy chiếc cối đá đè lên và dùng... chính ông leo lên đó, nhún cho những họa tiết trên con dấu “ăn” vào dấu nổi lên. Nhưng cách làm này chỉ được một mặt dấu. Sau một thời gian thì chữ và ảnh đều bị mờ dần. Nghĩa là cũng không đạt yêu cầu. Rút kinh nghiệm đợt một, lần thứ hai, ông đục cả hai con dấu trên và dưới, tất nhiên cũng bằng chất liệu gỗ ổi, nhưng có khác là lần này thì nấu chì đổ lên. Nhưng khi ông nấu chì nóng chảy đổ lên, thì nó cũng làm cho cây nứt ra và chữ cũng nóng chảy luôn.

Cuối cùng, ông chuyển qua cách khác: khắc chữ trên nhôm. Nhôm nấu chảy ra, đổ từng miếng tròn tròn, nhỏ như chiếc bánh cam, và mài cho bề mặt thật bằng, rồi mới tiến hành khắc thớt trên, thớt dưới. Để làm chữ trên chất liệu này, ông đã tự tạo ra một con dao khắc bằng thép mài thật sắc và sáng. Tuy thế, miếng nhôm lại cũng sáng lóa nên khi viết chữ bằng bút chì vào nhôm thì không ăn mực mà chỉ thấy mờ mờ.

Không nản chí, ông vẫn quyết tâm tập luyện. Đến nỗi, có những hôm, vừa buông con dao ra là tất cả các đầu ngón tay ông đều móp méo, tê buốt. Làm việc cật lực suốt nửa tháng, ông hoàn thành được con dấu mặt trên. Ông lấy mực in lại, rồi tiếp tục bắt tay vào thực hiện con dấu mặt dưới. Và ít lâu sau thì ông hoàn thành nửa con dấu còn lại. Ông đem hai “con dấu” đặt cho ăn khớp với nhau, rồi đóng vào hai tấm ván có gắn bản lề để in ép hai mặt lại.

Thỉnh thoảng nhắc chuyện làm con dấu giả, ông không nhớ đích xác bao nhiêu. Chỉ biết rằng, những con dấu ông làm ngày ấy đã có thể đáp ứng đủ các loại giấy tờ cần thiết cho cán bộ đi lại, hoạt động hợp pháp mà không bị địch phát hiện. Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Việt Nam ra đời, Đảng ta ra hoạt động công khai, xét thấy việc làm con dấu giả không còn cần thiết nên tổ chức đã điều ông về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, phụ trách việc trình bày minh họa cho báo Cà Mau và tạp chí Lúa Vàng.

Nay đã 72 tuổi, sức khỏe bắt đầu yếu dần, lại mắc chứng gai cột sống, nhưng lão họa sĩ Văn Nhiệm vẫn miệt mài bên giá vẽ. Là một tác giả sở trường về ký họa bằng bút sắt, nhiều tác phẩm của ông đã được triển lãm trong khu vực và trên phạm vi toàn quốc

Bá Sơn
.
.
.