Họa đến cùng… rượu dân tộc

Thứ Năm, 27/10/2005, 08:15

Ông chủ quán giới thiệu hàng loạt những loại rượu dân tộc mới lạ: Từ những bình rượu, nậm rượu mang tên hoàng đế Trung Quốc như Càn Long cho đến những bình rượu mang tên các loại sản vật quý hiếm như bìm bịp, ngọc dương, ong chúa, ngũ xà, cửu xà, bọ cạp, bạch cúc tửu, trường xuân tửu...

Bước chân vào quán rượu dân tộc lớn trên đất Hà Thành nằm trên đường Giải Phóng, chúng tôi được ông chủ quán ăn vận bộ đồ đen kiểu Trung Quốc đon đả ra mời chào. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh của những hũ rượu, chum rượu dán giấy hồng, giấy đỏ với các hàng chữ Trung Quốc viết bằng mực Tàu ghi tên các chủng loại rượu. Không gian bên trong quán cũng được trang trí bằng những dãy bàn ghế gỗ, ghế mây được mô phỏng theo các không gian quán xá của Trung Quốc ngày xưa.

Ông chủ quán bày tỏ sự “thông thái” của mình bằng việc giới thiệu hàng loạt những loại rượu dân tộc mới lạ cho chúng tôi. Từ những bình rượu, nậm rượu mang tên của các vị hoàng đế Trung Quốc như Càn Long cho đến những bình rượu mang tên các loại sản vật quý hiếm như bìm bịp, ngọc dương, ong chúa, ngũ xà, cửu xà, bọ cạp, bạch cúc tửu, trường xuân tửu...

Loại nào cũng đủ các thành phần quý, hiếm và đặc biệt là rất “bổ”, đầy gọi mời như: Thập toàn đại bổ, cường dương bổ thận, tráng thận, tráng dương, trường sinh bất lão... Một số loại còn được chủ quán tự chế ra thêm theo kinh nghiệm và quảng bá là thứ rượu “chồng uống vợ khen”...

Theo nguồn tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội), chỉ tính từ 16/1 đến 12/3/2005 đã có 38 bệnh nhân ngộ độc rượu, rất đáng giật mình khi nhiều loại rượu dân tộc được bày bán tràn lan ở Hà Nội hiện nay chưa được kiểm định về độ an toàn...

Khi bán cho khách hàng, chủ quán dùng một chiếc vòi bằng nứa để hút rượu ra từng nậm nhỏ một. Có cả những nậm đã được rót sẵn chỉ chờ khách gọi là đem ra. Mỗi một nậm khoảng 300ml đến 500ml tùy theo lượng khách. Giá bán dao động từ 30-70 nghìn đồng/nậm tùy theo từng loại rượu. Có những nậm rượu ngâm với đầy đủ các loại con vật quý hiếm giá còn lên đến vài trăm nghìn đồng.

Ph., một chủ quán rượu đã giải nghệ cho biết: Thậm chí có tới cả chục quán cùng nhập chung rượu từ một “đầu nậu”. Nguồn sản xuất thì lấy từ đủ các nơi như Sơn Tây, Hòa Bình, Lai Châu, Thanh Hóa.... Có thể khẳng định chất lượng rượu làm đảm bảo ngon và an toàn bởi nếu không đạt được các yếu tố như vậy, người giao hàng sẽ mất mối làm ăn ngay. Chỉ có điều sau khi nhập về hầm rồi, khâu pha chế tỉ lệ cồn, nước lã và các hương liệu làm tăng mùi thơm là bao nhiêu để bán cho khách mới nảy sinh ra những nguy hiểm.

Khách hàng tinh ý chỉ cần nếm rượu trong các bình thủy tinh lớn quảng cáo trên quầy với rượu để trong các nậm, chai bán cho khách là phân biệt được ngay. Rất ít khi khách có thể yêu cầu chủ quán cho uống loại rượu chắt trực tiếp từ bình lớn vì giá thường chênh lệch gấp đôi so với trong nậm, chai đóng sẵn.

Điều đáng nói là hầu hết rượu sau khi pha chế đều không được kiểm định chặt chẽ có thể trở thành nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến ngộ độc rượu. Cũng ông chủ quán rượu trên bật mí: “Năm thì mười họa cán bộ y tế dạo qua kiểm tra lấy lệ, nháy nhau một cái là xong liền!”.  Được biết, tại một số vùng nông thôn, để cho rượu thêm độ trong vắt, người ta còn cho thêm cả một ít... thuốc trừ sâu. Cho nên chuyện ngộ độc rượu cấp đến mức tử vong cũng không có gì là lạ.

Một điều nguy hiểm nữa đáng chú ý là việc pha chế ngâm các con vật vào trong những bình rượu. Mỗi một nơi, một động rượu, một ông chủ lại có một cách pha chế, ngâm, tẩm khác nhau. Nhưng chủ yếu họ đều làm theo kinh nghiệm của mình mà không hề tuân thủ theo một quy tắc nào hết, từ đó có thể khẳng định những mầm mống nguy hiểm từ những nọc độc của những con vật như: rắn, bọ cạp,... là rất nguy hại cho người sử dụng.

Trong danh sách các bệnh nhân bị ngộ độc do uống rượu của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tháng 3 vừa qua có những cái tên như anh Nguyễn Minh T. (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Trần Văn H. (huyện Chương Mỹ, Hà Tây), Phạm Văn Th. (Nam Sách - Hải Dương)... Sau khi đã qua cơn nguy kịch, anh T. kể với chúng tôi: “Khi tôi vừa uống được vài chén, thấy đầu choáng váng. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là do trong người không được khỏe. Sau khi được anh bạn đưa về đến nhà rồi thì tôi bắt đầu nôn oẹ liên tục, mấy tiếng sau chân tay run lên, không tự điều khiển được nữa. May mà gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời không thì tôi đã tiêu rồi".

Người bị ngộ độc rượu có triệu chứng như vã mồ hôi, huyết áp cao, không tự điều khiển được cơ thể, chân tay co giật, mê sảng... Khi phát hiện người bị ngộ độc rượu nếu còn tỉnh thì móc họng bệnh nhân cho nôn ra. Còn khi đã hôn mê thì cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay, cần được giữ ấm và tránh để bệnh nhân bị nôn. Tốt nhất là để bệnh nhân nằm nghiêng về bên trái để tránh bị nôn sặc vào phổi.

Hồng Quang - Bùi Khương
.
.
.