Hổ mang chúa và "đường đi" đến bàn nhậu

Thứ Sáu, 27/07/2007, 12:23
Rắn hổ mang chúa rừng là loại quý đầu bảng trong các nhà hàng đặc sản rắn, được chuyển ra từ vùng Tây Nguyên là chính, đôi khi cũng có rắn từ các tỉnh biên giới của nước bạn Lào.

Làng Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội) có nhiều nhà hàng đặc sản rắn. Nhiều món ăn ở đây được làm từ đủ mọi loại rắn trên mọi miền đất nước Việt Nam và cả những thú rừng quý hiếm mà tên chúng đã được ghi trong sách đỏ.

Điều đó cho thấy nạn săn bắt thú rừng quý hiếm làm món ăn đặc sản có nguy cơ tuyệt chủng loài động vật quý hiếm.

Tôi có mặt ở nhà hàng Phương Thảo, làng Lệ Mật và được chứng kiến cảnh tượng một tốp gần chục người từ phía Nam ra đang ngồi bắt chân chữ ngũ chăm chú xem chủ nhà làm thịt một con rắn hổ mang chúa cho họ nhậu.

Con hổ mang chúa này được bắt từ rừng tự nhiên về nên giá rất đắt, gần 1 triệu đồng 1kg. Khác với hổ mang chúa nuôi trong lồng, con hổ mang chúa này rất dữ dằn, tuy được chuyển từ Tây Nguyên ra, qua hàng trăm cây số không ăn uống gì nhưng nó vẫn ngóc cao đầu phun phì phì như thể ở lãnh địa của mình nơi chốn rừng xanh sâu thẳm vậy.

Thế rồi con rắn bị treo ngược lên xà nhà, đầu trúc xuống đất. Với trọng lượng tới 6kg, dài gần 3m nên trông giống như một con Mãng xà trong truyện cổ tích "Thạch Sanh".

Người đầu bếp lực lưỡng dùng kẹp sắt cắp vào đầu con rắn rồi đưa một đương dao sắc lẹm ngang cổ nó, một dòng máu tươi hồng phun vào bình rượu miệng rộng bằng thủy tinh.

Rượu trong bình chuyển sang màu hồng huyết, người đầu bếp lắc đều rồi thận trọng rót ra những ly đặt sẵn trên sập gụ. "Nào, dô dô... trăm phần trăm!" - tiếng khách ăn nhậu phè phỡn bắt đầu vang lên nghe đến choáng tai.

Qua "điều tra" tôi biết, người mở quán đặc sản rắn đầu tiên ở làng Lệ Mật là anh Trần Bân. Quán nhà anh treo biển hiệu "Quán tri kỷ đồng quê".

Mới đầu nhà hàng chỉ bán các món ăn về rắn ráo, sau đó theo nhu cầu của khách anh mở rộng bán hầu như tất cả các loại rắn như hổ mang bành cạp nong, cạp nia... Và bây giờ nhà hàng Trần Bân đã nổi tiếng không chỉ là các món ăn về rắn nữa mà còn phục vụ đủ các món ăn đặc sản thịt thú rừng như ba ba, rùa, tắc kè... Đồ uống cũng toàn là rượu ngâm đủ các loại rắn.

Ngoài những món ăn thịt thú rừng ra, "thượng đế" còn thoải mái lựa chọn đủ loại rượu ngâm, tắc kè, bàn tay gấu, bìm bịp... Có những bình thủy tinh to như cái vại, bên trong ngâm nguyên con gấu đen sì to vật vã...

Hỏi ra mới biết con gấu này chủ mua lại của tay thợ săn chuyên nghiệp từ rừng già Tây Nguyên chở ra để lại với giá "ưu ái" lấy cửa đi lại với nhà hàng đặc sản. Thật xót xa cho số phận chú gấu đang lang thang trong rừng sâu thì nay chui vào bình làm rượu cho người "sành điệu" lắm tiền uống.

Một nhà hàng có các món ăn đặc sản và thú rừng nổi tiếng khác là "Quốc Triệu" nằm giữa làng Lệ Mật. Nhà hàng này được xây 2 tầng trên khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với sức chứa 100 khách mỗi tầng.

Ông Triệu, chủ nhà này là người sống chết với nghề rắn từ khi mới 9 tuổi đến bây giờ. Bàn tay phải của ông bị rắn cắn thành tật, hai bắp tay chi chít vết rắn cắn. Ông từng đi khắp nơi bắt rắn bán lấy tiền, bây giờ ông mở nhà hàng thịt rắn.

Thực khách đến đây có thể đặt ăn theo xuất với giá 80-100 nghìn đồng/người. Giá 1kg rắn hổ mang thường là 300 nghìn đồng, hổ mang chúa nuôi 500 nghìn đồng, hổ mang chúa rừng 800 nghìn đồng. Ngoài ra khách cũng có thể gọi các món ăn đặc sản thú rừng khác như kỳ đà, cầy hương, lợn rừng, tê tê... Trong đó món tê tê là đắt nhất với giá 800 nghìn đồng/kg.

Với hàng chục nhà hàng ăn đặc sản rắn, thú rừng và ngâm rượu rắn bán ra thị trường cả nước như nhà hàng "Quán tri kỷ đồng quê" và "Quốc Triệu", mỗi ngày làng Lệ Mật cần đến hàng trăm con rắn các loại. Đội quân buôn bán thú rừng đem về Lệ Mật không phải ít.

Gặp một người chuyên cung cấp rắn hổ mang chúa hoang dã tôi được biết, có một đường dây bí mật vận chuyển loại rắn quý hiếm này. Rắn hổ mang chúa rừng là loại quý đầu bảng trong các nhà hàng đặc sản rắn, được chuyển ra từ vùng Tây Nguyên là chính, đôi khi cũng có rắn từ các tỉnh biên giới của nước bạn Lào.

Đây là loại rắn quý hiếm có tên trong danh sách động vật hoang dã cấm săn bắt, buôn bán nên chuyển đến Lệ Mật là cả một vấn đề. Không những đưa đến đây bán mà còn chuyển sang Hồng Kông, Ma Cao bán kiếm lời nữa.

Chiều buông, những nhà hàng đặc sản rắn và thịt thú rừng ở làng Lệ Mật lại rộn rã tiếng hô: "Dô, dô... một trăm phần trăm..." Đã có bao nhiêu con rắn bị ngâm rượu, bị cắt tiết, bị băm viên nướng chả phục vụ tính ẩm thực hiếu kỳ của những thực khách này.

Những con rắn hổ mang bị ngâm trong rượu cứ ám ảnh tôi. Với đà săn bắn trái phép như thế này nguy cơ những loại động vật hoang dã quý hiếm này bị diệt chủng nhanh chóng, và rồi đến một ngày nào đó trong rừng sâu không có nó sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái.

Không phải chỉ ở đây tôi mới nhìn thấy cảnh tiêu diệt loài động vật hoang dã làm món ăn uống nhậu nhẹt ở những người lắm của thừa tiền, mà ngay trong trung tâm thành phố các nhà hàng đặc sản còn nhốt những con chồn, kỳ đà... đang sống trong lồng sắt "nằm chờ".

Khi thượng đế đến kêu món ẩm thực thú rừng là chúng ra đi ngay lập tức. Qua tay người đầu bếp, chúng biến thành những món đặc sản thịt thú rừng tươi mới vô cùng hấp dẫn

Hải Châu
.
.
.