Họ đã yêu và chiến đấu như thế

Thứ Hai, 24/10/2011, 09:46
Tham gia 10 chuyến tàu vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam, ôn lại những lần vào sinh ra tử gắn liền với Đoàn tàu huyền thoại, và đặc biệt là tình yêu dành cho người bạn đời cũng là đồng chí của mình, ông vẫn tự hào về bản lĩnh vượt khó, đức tính quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, thủy chung son sắc của người lính Cụ Hồ.

Nhà của Anh hùng, Đại tá Nguyễn Đắc Thắng nằm trong một con hẻm gần cuối đường Trần Quang Diệu, quận Bình Thủy (Cần Thơ). Tư Thắng kể, sau 7 năm làm du kích tại địa phương (quê ông nay là xã Long Trị, huyện Long Mỹ, Hậu Giang), năm 19 tuổi, ông có tên trong danh sách cán bộ được tập kết ra Bắc. Năm 1960, khi ông chuẩn bị hành quân về Nam thì được chọn đi học sĩ quan hải quân. Khóa học kết thúc, ông được bố trí về Đoàn 759 - tiền thân của Lữ đoàn Hải quân 125, gia nhập vào đội quân của Đoàn tàu không số, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng

 Nguyên nhân Trung ương quyết định mở đường trên biển theo ông là do ở trên bộ, mỗi chiến sĩ chỉ có thể mang khoảng 20kg đạn dược, vũ khí kể cả đồ dùng cá nhân; và chỉ có thể vào được tới Quảng Nam. Trong khi đó, cả Nam bộ, lực lượng Cách mạng không ngừng tăng về số lượng nhưng lại rất thiếu vũ khí...

Nghe lệnh điều động, Tư Thắng xốn xang mừng đến rớt nước mắt, bởi đó không chỉ vì nhiệm vụ mà ông khát khao được đầu quân, mà quyết định còn làm dịu đi nỗi nhớ quê nhà, người thân da diết bấy lâu nay. Chuyến vượt biển vào Nam đầu tiên mà Tư Thắng có mặt trên Đoàn tàu không số vào tháng 9/1963. "Tôi bấy giờ là thuyền phó tàu 56. Sau 7 ngày liền, chuyến tàu chở 50 tấn vũ khí đã cặp bến Kiến Vàng, Cà Mau an toàn" - ông kể.

Anh hùng LLVTND, Đại tá Nguyễn Đắc Thắng (bìa phải) gặp lại đồng đội năm xưa.

Năm sau đó, Tư Thắng làm Thuyền trưởng tàu số 43. Chuyến này, ông đổ "hàng" ở bến Kiến Vàng. Và đó cũng là những ngày ông không thể nào quên. "Tôi bỗng để ý đến cô y sĩ địa phương cứ hay nhìn mình với ánh mắt trìu mến đến khó tả nhất là mỗi khi cùng một số chị em khác mang bánh xuống cho các chiến sĩ trên tàu. Sau nhiều ngày đêm đắn đo, tôi tự xác định đúng là tôi đã bắt đầu yêu cô gái đó. Tuy nhiên, nghĩ đến nhiệm vụ của mình, bao nhiêu hiểm nguy còn rình rập phía trước và hy sinh - điều mà người chiến sĩ Cách mạng nào cũng đã sẵn sàng vì Tổ quốc nên tôi cố ghìm tiếng lòng mình lại. Rồi ngày đoàn tàu nhổ neo cũng đã đến".

Trời bỗng nổi giông. Gió giật liên hồi. Lệnh dừng tàu được phát ra. Bão và diễn biến của thời tiết phức tạp cũng chẳng khác trái tim của người con trai chưa một lần được nắm tay người con gái cùng lứa. Một tuần, hai tuần, rồi ngót cả tháng, chiếc tàu số 43 ấy vẫn không thể rời bến. Rồi Tư Thắng và cô y sĩ Sáu Thùy ấy cũng không thể dối lòng mình mãi được. Từ ý đề xuất của một người, thế là một tiệc tạm gọi là "đính hôn" đã được tổ chức hết sức lãng mạng ngay dưới tán rừng đước. "Nhưng nếu mình hy sinh, cuộc đời của cô gái nhỏ hơn mình 5 tuổi ấy dở dang!".

Đọc được dòng suy nghĩ của ông, Thùy trấn an: "Chiến tranh mà anh". Không nói thêm nhiều lời nhưng hơi ấm từ lòng bàn tay của cả hai đã truyền nhau những thông điệp vững niềm tin về thắng lợi của Cách mạng; họ miên man nghĩ tới ngày đất nước được hòa bình, cả hai làm đám cưới trong sự mừng vui của đồng chí, đồng đội và bà con hai họ.

Nghe Tư Thắng nói: "Hòa bình là tất yếu nhưng chẳng may anh không quay về". Sáu Thùy không khóc nấc nghẹn như Tư Thắng nghĩ mà tỏ ra "lì lợm": "Em vẫn chờ anh, dẫu 10 hay 20 năm và suốt cả cuộc đời…". Tiếng sóng biển từ nghìn trùng gần như cũng đã ghi nhận có lời thề thốt từ trái tim của hai người chiến sĩ đêm chia tay…

Về đơn vị trước chuyến ra Bắc lần ấy, Tư Thắng báo cáo tổ chức "chuyện yêu" của mình. Ánh mắt của cấp trên cũng gửi niềm tin vào những chuyến vượt biển đầy gian truân, hiểm nguy tiếp theo của Tư Thắng nên chúc mừng ông bằng cái siết tay.

Tư Thắng kể, sau Tết Nguyên đán năm 1965, tàu 143 khi vào tới bến Vũng Rô - địa điểm tiếp nhận vũ khí cho chiến trường các tỉnh Duyên hải miền Trung thì bị địch phát hiện và tấn công. Thực hiện lời thề với Đảng, với Tổ quốc, nhiều anh em, đồng chí đã sống mái với nghìn trùng. Nhắc lại chuyện mỗi anh em khi đặt chân lên Đoàn tàu không số đã là một chiến sĩ cảm tử, mắt Tư Thắng đỏ hoe.

Vợ chồng Anh hùng LLVTND, Đại tá Nguyễn Đắc Thắng.

Trở lại với câu chuyện tình với cô gái Biên Thùy, Tư Thắng đúc kết  từ trái tim mình: "Tình yêu đã tạo nên sức mạnh giúp mình vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy, hy sinh và mất mát để rồi trở thành nguời chiến thắng".

Tính tới cuối năm 1970, Tư Thắng đã xa Biên Thùy 6 năm, trong đó có gần 5 năm bặt tin tức. Biết đơn vị ông là đơn vị đặc biệt, và gần như chỉ lênh đênh trên biển, không có điều kiện liên lạc vậy mà năm 1967, Thùy một thân, một mình, vất vả vượt qua bao cánh rừng đước, rừng tràm, rồi xuyên qua làn mưa bom, bão đạn tìm ông. Thùy tin người thương của mình vẫn đang cùng đồng đội ở phía trước.

Hiểu được tình yêu của người con gái Cà Mau, nhiều đơn vị cũng đã tạo điều kiện. Đầu xuân 1968, khi đang cùng đồng đội tham gia chiến đấu ở Lộ Vòng Cung (Cần Thơ) thì Thùy nhận được tin sét đánh: Có một chiếc tàu trong Đoàn tàu không số nổ tung, thuyền trưởng tàu này là Tư Thắng. Đau đớn đến tột cùng. Vậy là bao hy vọng về ngày hạnh phúc không còn. Thùy nuốt nước mắt vào trong, xin tổ chức được để tang chồng. Dẫu vậy, trong thâm tâm của Thùy vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ trở về. Và bà định ra Bắc để tìm Tư Thắng.

Tư Thắng kể thêm chi tiết này: "Bốn tàu được huy động vào Nam, xuất phát vào cùng ngày nhưng chỉ có tàu mang số 56 may mắn thoát khỏi sự bủa vây của kẻ thù khi chuẩn bị cặp biển Bình Định. Ba chiếc còn lại gắn với tàu 235, 165 và 43 là ba câu chuyện đầy cảm động". Tàu 43 do ông làm Thuyền trưởng được lệnh cặp bờ Đức Phổ (Quảng Ngãi). Đêm đó, khi tàu cách bờ chừng 10km thì bị địch phát hiện, cho tàu bao vây; trên trời, chúng cho trực thăng nã pháo xuống. "Tôi và 15 anh em trấn an nhau, quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hơn nửa giờ chiến đấu, địch bị thiệt nhiều, còn phía tàu 43, có 3 đồng chí hy sinh. Biết địch đang tăng cường thêm lực lượng, Tư Thắng cho tất cả anh em còn lại lập tức rời khỏi tàu và điểm hỏa. Sống sót sau trận này, ông được đưa đến Trạm xá huyện Đức Phổ, được bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng đồng đội của chị chăm sóc ân cần. Tư Thắng lại vượt đường Trường Sơn, trở ra Bắc, tiếp tục những chuyến tàu huyền thoại.

Một ngày cuối tháng 9/1972, tàu của Tư Thắng về tới Cà Mau. Vừa lên bờ, ông được tin: Sáu Thùy sau thời gian đi tìm trong vô vọng, hiện đang ở Cà Mau nhưng ở bến khác. Hôm ấy, Sáu Thùy cũng được lệnh đi công tác và chẳng nghĩ rằng tổ chức đang bố trí cho hai người gặp nhau. Chiều ấy, từ cách nhau một quãng đồng, Tư Thắng dù đen đủi, già đi… nhưng Thùy vẫn nhận ra. Hai người chạy đến, ôm nhau rồi đều khóc.

Ngày hôm sau, anh em - người bắt cua, người bắt cá mang về làm tiệc cưới cho hai người. Hai vợ chồng được anh em cơ yếu, điện đài nhường lại cái chòi cất bằng cây, lá nằm khép mình dưới bờ chuối... Tư Thắng kể không thể diễn tả hết niềm hạnh phúc của ông với người bạn đời của mình bây giờ cũng như sự "vui lây" của anh em hai đơn vị lúc đó. Họ càng yêu quý cả hai khi trong ác liệt của chiến tranh, cả hai vẫn đội trên đầu hai tiếng Tổ quốc

Thái Bình
.
.
.