Hè về, khó khăn tìm nơi giữ trẻ

Thứ Ba, 12/06/2018, 08:42
“Nhốt” trẻ ở đâu để đi làm là nỗi lo muôn thuở của nhiều phụ huynh mỗi khi hè về. Trước khi nhà trường thông báo kì nghỉ hè thì cũng là lúc nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ cuống cuồng tìm nơi trông trẻ. 

Trường mầm non công lập không nhận giữ trẻ ngày hè, nhiều phụ huynh đành gửi tạm vào nhóm trẻ gia đình, lớp mầm non tư thục… dù có khi biết nhà trẻ tư không phép.

Nhiều kiểu "bắt chẹt" phụ huynh

Chị Thiên Thanh, ngụ tại quận Gò Vấp, có con 3 tuổi đang học một trường mầm non công lập nhưng trường không nhận giữ hè nên chị đành phải tìm tới các trường tư thục đặt vấn đề gửi con. Thế nhưng, tìm cả tháng đến kì nghỉ hè rồi chị Thanh vẫn chưa tìm được chỗ cho con.

Theo chị Thanh, để chủ nhà trẻ tư gật đầu giữ con cũng không đơn giản. Do không phải là "mối" ruột của mình, chủ cơ sở rất ngại trông. Nếu chỉ gửi tạm 2 tháng thì họ không giữ. 

Chị Thanh liên hệ một nơi khác, thì lại được yêu cầu phải đóng phí luôn 1 năm (khoảng 2 triệu đồng), đồng thời, phụ huynh cũng phải chịu mức học phí cao hơn các bé là "mối ruột" đã gửi vài năm nay.

Chị Thanh than thở: "Biết  mình cần có người giữ con để đi làm nên thực sự khi thấy họ đưa ra nhiều yêu cầu rất vô lý, nhưng biết sao được, chẳng lẽ nghỉ không lương để ở nhà trông con hay sao? Tôi đành gửi con vào một cơ sở không khá khang trang, dù họ yêu cầu đóng học phí cao hơn. Cố gắng 2 tháng thôi!".

Nhà trẻ công lập tạm ngưng giữ trẻ dịp hè, phụ huynh đành "bấm bụng" gửi con vào những cơ sở giữ trẻ tại gia.

Một phụ huynh khác là anh Thanh Sang đang là công nhân của khu chế xuất Linh Trung-Thủ Đức cũng chia sẻ: “Tôi có 2 cháu, đứa 5 tuổi và 3 tuổi. Hai vợ chồng cùng làm công nhân. Sau khi trường thông báo nghỉ hè, vợ tôi lo quá tìm nơi gửi con. Thế mà suốt mấy ngày chạy đi hỏi kể cả trường tư thục, dân lập nhưng đều bị từ chối với lý do đã hết chỗ. Cũng có nơi chịu nhận nhưng học phí phải chịu mức 2 triệu, cao gấp đôi trường công. Lương công nhân của hai vợ chồng không đủ để chi phí”.

Anh Sang cho hay, bí quá, hai vợ chồng anh vừa phải năn nỉ bà ngoại từ Bắc vào trông con hộ.

Đó là chuyện với trẻ ở độ tuổi nhũ nhi. Một số phụ huynh học sinh có con lớn hơn đang học lớp lá hoặc Tiểu học thì cho biết, trường con mình có tổ chức dạy hè nhưng phải đợi tới tận cuối tháng 6 mới có. 

Ngoài ra, khi gửi con được nhiều nơi lại giao kèo, chỉ có một số cô giáo đi làm còn đa số các cô nghỉ hè, phải đi các khoá tập huấn chuyên môn nên lớp học hè cũng rất ít. Đúng 16h là phải tới đón để các cô còn về sớm chứ không trông thêm giờ như những ngày thường.

Dịch vụ giữ trẻ không phép bắt đầu "vào mùa"

Từ những thông tin của phụ huynh học sinh, chúng tôi đã trực tiếp tới "tham quan" một điểm giữ trẻ trong một con hẻm tại phường 17,  quận Gò Vấp. Ông bà chủ chỉ nhận giữ 5 bé, trong độ tuổi trên 9 tháng tuổi đến 5 tuổi.

Khi nghe chúng tôi gợi hỏi, ông chủ trả lời có vẻ cảnh giác, rằng: "Tôi đâu có nhận nhiếc gì! Đây toàn là con cháu trong nhà". Tuy nhiên, khi thấy người hỏi thăm có ý định "gửi con" thật, chủ nhà mới vui vẻ: “Ở đây cũng có vài trẻ do người ta gửi tôi đó. Do thấy tôi chăm kỹ, sạch sẽ, nên họ đề nghị giúp”.

Chúng tôi xin được vào bên trong. Căn phòng có lót sàn gạch nhưng không thấy một món đồ chơi nào cho trẻ. 3-4 đứa trẻ đeo bỉm bò khắp phòng, cái gì nhặt được đều cho vào miệng. Có bé đòi đi vệ sinh, bà vợ ông chủ liền lấy bô cho ngồi giữa nhà, cũng chẳng đưa mấy đứa trẻ khác đang ngồi cạnh đi nơi khác. Ông chủ rao giá: 2 triệu/tháng, thấy được thì cứ đem con tới.

Tại một địa bàn lâu nay luôn "nóng" về chuyện giữ trẻ mầm non là quận Bình Tân. Chúng tôi đi một vòng và phát hiện thấy khá nhiều những điểm tư thục trưng bảng giữ trẻ. Bước vào một căn phòng chưa đến 20m² của một nữ chủ nhân, chị chủ cho hay hiện đang giữ 9 đứa trẻ.

Chị này thuê 2 cô bảo mẫu để lo cho trẻ ăn, ngủ. Khi hỏi thăm hàng xóm xung quanh, một cụ bà cho hay, “phụ huynh gửi con đều là dân lao động, thu nhập thấp vì học phí ở đây rẻ. Nhưng các chị thấy đó, đồ chơi cho trẻ không có, chưa kể là nhìn qua cửa của họ hằng ngày tôi thấy lũ trẻ bò lê la, thò tay cả ra ngoài, cầm cả dép đưa lên miệng chơi”.

Khi chúng tôi cũng gợi hỏi chị chủ cơ sở trên về giấy phép, chị nói vô tư: "Phép tắc gì! Thấy nhiều chị em không ai trông con đi làm, họ gợi ý nhờ là tôi giúp".

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho hay, hằng năm, địa phương có 1-2 đơn vị không tổ chức giữ trẻ trong hè do sửa chữa trường lớp.

Ở những đơn vị có tổ chức học hè, số lớp cũng thường ít hơn trong năm học, vì không phải gia đình nào cũng có nhu cầu gửi con. Tuy nhiên, trong thời gian tháng 6 hầu như các trường công lập đều nghỉ nên phụ huynh chỉ có thể gửi trẻ về quê hoặc nhờ người nhà trông giúp trong thời gian này. 

Ngoài ra, việc gửi trẻ trong dịp hè là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh nhất là tại cơ sở tư thục, dân lập.

Một thầy giáo thuộc Phòng GD-ĐT quận Tân Phú cũng cho biết, những cơ sở không tổ chức giữ trẻ trong dịp hè thường do đang được cải tạo, xây mới. Nhưng phụ huynh học sinh có nhu cầu gửi con hè phải đăng ký trước với nhà trường để ban giám hiệu lên kế hoạch liên kết mở lớp giữ trẻ trong hè.

Vì ngoài chuyện phải chuẩn bị nhân sự do giáo viên được nghỉ dịp hè, việc giữ trẻ còn phải đảm bảo tiêu chí an toàn về mọi mặt trong ăn uống, sinh hoạt vui chơi đúng theo quy định của sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh.

Nhà trường sẽ giữ trẻ từ giữa tháng 6 nhưng cũng chỉ giữ tới 18/8 bắt đầu ngưng cho công tác chuẩn bị năm học mới. Do vậy thời gian này gia đình cần có người trông trẻ đảm bảo an toàn và trẻ được nuôi đúng cách.

Riêng các cơ sở giữ trẻ không phép, vừa qua, Phòng GD-ĐT đã phổ biến văn bản của Sở GD-ĐT yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, rà soát cơ sở mầm non ngoài công lập, để hỗ trợ cấp phép hoặc chấm dứt hoạt động nếu không đủ điều kiện.

H.Nga-H.Uyên
.
.
.