Hệ lụy đau lòng từ thói quen uống rượu ở vùng cao

Thứ Hai, 19/08/2019, 08:19
Đến nay, ở nhiều vùng núi cao, hẻo lánh, đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn giữ thói quen uống rượu. Vui uống, buồn uống, không có việc gì làm cũng uống. Việc uống rượu không kiểm soát dẫn đến say xỉn, kéo theo không ít bi kịch, hệ lụy đau lòng…

Nhắc đến bi kịch do rượu gây ra, người dân thôn Ra Pân, xã Sơn Long (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ án mạng xảy ra tại gia đình chị Đinh Thị Tâm. Khi chúng tôi cùng một cán bộ xã đến thăm, chị Tâm ngồi một mình thu mình ở góc căn nhà sàn xập xệ, ánh mắt đầy bi thương. Cha chồng mất, chồng đi tù, chị bị suy sụp tinh thần khi trong căn nhà trống hoác chỉ còn lại chị cùng hai đứa con dại. 

Công an huyện Sơn Tây cử cán bộ, chiến sĩ đến từng nhà dân vận động, tuyên truyền bà con thay đổi thói quen uống rượu.

Chị Tâm run rẩy kể rằng, cuộc sống sau khi kết hôn của chị là một chuỗi ngày bi kịch, vì người chồng trụ cột trong gia đình ngày này qua ngày nọ cứ chìm đắm trong men rượu. Một mình chị phải làm việc quần quật từ sáng đến tối để kiếm tiền nuôi con. 

Trong 6 năm trời, Đinh Văn Yết – chồng chị chỉ biết mỗi việc uống rượu. Siêng thì Yết vào rừng lấy củi bán đổi lấy rượu uống. Nhác thì Yết ở nhà, đánh đập chị buộc phải đưa số tiền mà chị làm lụng kiếm được trong ngày để đi mua rượu. Cuộc sống gia đình luôn trong cảnh túng quẫn, thiếu trước hụt sau. 

“Nhiều lúc khổ quá chỉ muốn bỏ đi, nhưng vì thương con nên tôi không đành lòng. Đã thế trong cơn say rượu, chồng tôi đã giết chết cha mình. Bây giờ chồng tôi đi tù. Nhà chỉ còn ba mẹ con nương tựa nhau mà sống...”, chị Tâm nói trong nước mắt. 

Ông Đinh Văn Só, Trưởng Công an xã Sơn Long, nói rằng, bà con vùng cao có tập tục uống rượu, nhất là các dịp lễ ăn trâu, mừng lúa mới, bà con uống rượu cả ngày, có khi cả tháng. 

“Nhưng nếu chỉ uống vào những ngày vui truyền thống thì không đáng lo. Đáng nói ở đây là bình thường ngày nào họ cũng uống, từ sáng tinh mơ đến tối mịt rồi bị say xỉn, mất kiểm soát hành vi, gây ra những vụ án mạng. Biết rõ hệ quả của nạn nghiện rượu nên xã nhiều lần họp tuyên truyền vận động bà con thay đổi thói quen uống rượu, song cũng chưa được nhiều”, ông Só nói.

Oái ăm hơn, có những trường hợp tự tìm đến cái chết vì bị ngăn cấm uống rượu; hoặc tự tử vì bức xúc  do không khuyên can được người thân ngừng uống rượu. 

Điển hình như trường hợp của ông Đinh Văn Đậu (xã Sơn Long) vì không ngăn được việc con nghiện rượu, quá buồn bã nên đã treo cổ tự sát. Hay như trường hợp bà Đinh Thị Ắc (thôn Tà Vinh, xã Sơn Màu), do quá ức chế vì bị người thân ngăn cấm uống rượu nên đã tìm đến cái chết bằng lá ngón. 

Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp khác đã chọn cách tìm đến cái chết mỗi khi tâm lý buồn chán, hay gặp chuyện bực bội trong lòng. Điều đáng nói là, hầu hết những mâu thuẫn, xung đột dẫn đến cái chết thường bắt nguồn từ rượu. Những gia đình có người thân nát rượu, nhất là chồng, con thì những người mẹ, người vợ trong gia đình ấy đều phải làm thuê, làm mướn để kiếm cái ăn, cái mặc cho gia đình và con cái. 

Chính vì vậy, những đứa con của họ lớn lên cũng không được quan tâm nuôi dạy tử tế, hầu hết đều phải bỏ học giữa chừng. Có không ít người vợ vì không thể chịu đựng nỗi khổ sở cùng cực ấy nên đã bỏ đi làm ăn xa biệt xứ, để lại những đứa con bơ vơ cùng với người cha nát rượu. Chính vì thế mà đói nghèo, lạc hậu cứ mãi đeo bám, khiến nhiều gia đình khó thể thoát nghèo…

Theo ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, hiện ở xã có hàng chục gia đình có người nát rượu, một số hộ cả vợ cả chồng đều nghiện uống rượu. Việc này gây ra những hệ lụy đau lòng như đói nghèo, mâu thuẫn gia đình, sức khỏe và tương lai của con trẻ. 

Nhiều năm qua, chính quyền và các cơ quan chức năng đã dốc sức tuyên truyền, vận động, khuyên can bà con bỏ rượu. Thời gian tới, để góp phần xóa đói, giảm nghèo, chính quyền địa phương sẽ thay đổi biện pháp tuyên truyền để bà con hiểu những tác hại của uống rượu mà thay đổi thói quen uống rượu triên miên, lo tập trung sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình…

Linh Nguyễn
.
.
.