Hãy thắp sáng ước mơ cho cô sinh viên nghèo bị di chứng chất độc da cam

Thứ Sáu, 02/05/2008, 16:30
So với các anh chị em trong nhà, Luyến là người bị ảnh hưởng chất độc da cam ít nhất. Nhiều hôm đang ngồi học ở lớp, Luyến thấy đầu đau như búa bổ, rồi ngất xỉu. Nằm trên giường bệnh, thấy bố mẹ tất tả ngược xuôi kiếm tiền nuôi đàn con nhỏ bệnh tật, Luyến chỉ biết khóc... Luyến ước học xong, có việc làm luôn để đỡ đần gia đình.

Nhỏ nhắn, xinh xắn và dễ thương, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với nữ sinh viên Trần Thị Luyến, lớp Công nghệ thông tin, Trường Trung học bán công Kỹ thuật tin học Hà Nội.

Thế nhưng khi tiếp xúc với Luyến, chúng tôi mới biết rằng, ẩn sâu bên trong cái cảm nhận đầu tiên ấy, Luyến đã phải chịu đựng rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, bởi sự nghèo khó và bệnh tật do ảnh hưởng di chứng của chiến tranh từ người cha. Song, bằng nghị lực của bản thân, Luyến đã vượt lên trên tất cả để từng bước khẳng định mình.

Và điều đáng khâm phục là trong những năm học qua, Luyến nhiều lần vinh dự được nhận học bổng của nhà trường cũng như các tổ chức xã hội. Giờ đây, Luyến đang sống cùng gia đình ở tổ 14, cụm Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.

Tôi tình cờ gặp Luyến tại buổi lễ trao học bổng cho sinh viên khuyết tật nghèo vượt khó, có thành tích xuất sắc trong học tập do Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phối hợp với Báo Hà Nội mới vừa tổ chức cách đây ít ngày.

Luyến sinh ra trong một gia đình nghèo có đông anh chị em. Bố em là ông Trần Gia Luật, 62 tuổi, từng là người lính tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Ông Luật nhập ngũ từ năm 1969 và vinh dự được tham gia vào chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Trong những năm tháng chiến đấu, ông Luật bị thương ở vùng đầu và vùng vai. Không còn đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ trong quân ngũ, năm 1976, ông Luật trở ra Bắc và xây dựng gia đình với người con gái cùng làng tên là Trần Thị Huyền.

Không có nghề nghiệp, vợ chồng ông Luật chỉ biết chịu thương chịu khó làm ruộng để sinh sống và nuôi dạy các con nên người. Cái ước muốn giản đơn ấy đối với các gia đình khác thì dễ, nhưng sao đối với vợ chồng ông lại trở nên khó vậy!

Các con của ông khi sinh ra đều bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng càng lớn, chúng càng có biểu hiện không bình thường. Biến cố thực sự đến với gia đình ông vào năm 2003.

Thời điểm đó, các con của ông Luật đau ốm liên miên. Nhìn cảnh các con thi nhau ngã bệnh mà nhiều chứng bệnh lại khác người, ông Luật đi khám bệnh thì mới hay rằng, mình đã bị nhiễm chất độc da cam, di chứng của chiến tranh trong những ngày ông tham gia chiến đấu ở chiến trường. Đó chính là nguyên nhân khiến một số người con của ông không thể phát triển như người bình thường khác.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ khi phát hiện ra bị nhiễm chất độc da cam, ông Luật được hưởng phụ cấp nhiễm chất độc da cam. Sau đó, gia đình ông đã được các tổ chức từ thiện giúp tiền xây dựng một căn nhà tình nghĩa.

Tâm sự với chúng tôi, Luyến bảo: "So với các anh chị em trong gia đình, em là người bị ảnh hưởng chất độc da cam ít nhất. Biết vậy nên bố mẹ hy vọng em sẽ học giỏi và làm được một cái gì đó cho gia đình bớt khổ. Hiểu được nỗi niềm của bố mẹ, em luôn tập trung vào việc học. Nhưng ngặt nỗi, bệnh tật cứ đeo bám em. Nhiều hôm đang ngồi học, em thấy đầu đau như búa bổ, rồi bị ngất xỉu tại lớp đối với em không còn là chuyện lạ. Cấp cứu xong, em nghỉ học cả tuần mà vẫn chưa hồi sức được, trí nhớ nhiều khi cũng bị xáo trộn. Nằm trên giường bệnh, thấy bố mẹ tất tả ngược xuôi kiếm tiền nuôi một đàn con nhỏ bệnh tật, em chỉ biết khóc thương cho gia cảnh của mình".

Nói đến đây, Luyến cười buồn: "Khổ nhất là ở cấp học nào, em cũng được mọi người biết đến là một học sinh nợ học phí lâu nhất. Bị nhà trường đòi nợ liên tục, nhiều lúc thấy cực và tủi thân vô cùng. em đã nghĩ chuyện bỏ học để làm kinh tế giúp mẹ. Nhưng thấy mẹ khóc hoài nên em phải cố giấu những giọt nước mắt để đến trường".

Nhưng dù cố gắng đến đâu thì học xong lớp 12, Luyến cũng phải nghỉ học một thời gian dài để phụ giúp cha mẹ làm ruộng đồng và chạy chợ để có tiền sinh sống.

Chạy chợ và làm ruộng được vài năm, Luyến hiểu được những khó khăn, vất vả của người không có nghề nghiệp. Vậy là em lại quyết tâm nộp đơn xin đi học. Được sự giúp đỡ của thầy chủ nhiệm cũ, em theo học lớp tin học tại Trường Trung học bán công kỹ thuật tin học Hà Nội.

Hai năm học ở đây, Luyến đã rất nỗ lực phấn đấu và nhiều lần em được nhận học bổng của trường cũng như của các tổ chức, đoàn thể khác. Tốt nghiệp khóa học, chưa kịp nhận bằng thì Luyến lại được thầy Hiệu trưởng tạo điều kiện cho học tiếp khóa học tin học nâng cao. Lớp học này do một tổ chức phi chính phủ của Mỹ có tên viết tắt là C.R.S tài trợ toàn bộ học phí ăn học.

Khi chúng tôi hỏi về tương lai, Luyến nói: "Hiện tại, sức khỏe của bố mẹ em đều rất yếu. Bố thì bị vết thương chiến tranh tái phát kèm theo ảnh hưởng của chất độc da cam. Mẹ lại bị bệnh tiểu đường, song hàng ngày vẫn phải nai lưng ra chạy chợ để nuôi sống cả gia đình. Các em em đều nhỏ dại và bệnh tật nên chẳng thể giúp được cha mẹ nhiều. Em chỉ mong tìm được một công việc phù hợp với khả năng của mình để có cuộc sống ổn định, giúp đỡ được gia đình bớt đi phần nào khó khăn vất vả".

Ước muốn của em Trần Thị Luyến thật giản đơn nhưng rất đáng trân trọng. Chúng tôi mong muốn các tổ chức từ thiện cũng như các nhà hảo tâm hãy dành sự quan tâm tới Luyến và tạo cho em một cơ hội được làm việc, được cống hiến để cuộc sống của em ngày một tươi sáng hơn

Nguyễn Phương
.
.
.