Hậu vận của các ngôi sao thể thao Việt Nam một thời

Thứ Bảy, 05/11/2005, 06:42

Hết SEA Games 22, Xuân giã nghiệp và trở thành cộng tác viên của CLB. Hàng ngày, bụng mang, dạ chửa, đội nắng, đội mưa đi phát tờ rơi khắp các trường học, thuyết phục các em cùng phụ huynh để họ cho con đi lại con đường mà cô vừa bước qua.

Làm sao để nỗi lo về "đầu ra" không trở thành gánh nặng đối với VĐV sau khi hết "date"? Câu hỏi này đã đặt ra với ngành thể thao mấy chục năm qua nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Từ một gia đình có tới 3 tuyển thủ quốc gia thất nghiệp…

Cho tới giờ gia đình nhà ông Chiến, bà Tần ở phố nhỏ Trần Quý Cáp, Hà Nội, một gia đình đã cho 3 cô con gái yêu theo nghiệp thể thao đầy vất vả. Ông bà  vốn công tác trong ngành quân đội, có 4 người con (3 gái, 1 trai). Đáng lẽ cả 4 người con đều theo nghiệp thể thao nhưng sau khi chứng kiến những tháng ngày vất vả nhọc nhằn với con đường mưu sinh đầy gập ghềnh của các chị gái, Hoàng Thái Sơn, cậu con trai út, đã tìm cho mình một con đường khác, trở thành sinh viên Trường cao đẳng Nghệ thuật Quân đội.

Chị gái cả, Hoàng Thái Hà, từng là tuyển thủ quốc gia (QG) môn bóng rổ, dự tới 2 kỳ SEA Games. Thế nhưng sau khi giã nghiệp, nếu như không có hiệu thuốc của mẹ, cô cũng không biết sẽ phải làm gì để kiếm sống. Hà trở thành người may mắn nhất trong số 3 chị em vì sau khi hết “date”, cô cũng đã kịp trang bị cho mình tấm bằng trung cấp dược và sống nhờ vào hiệu thuốc mà mẹ cô phải tích cóp lắm mới mua được.

Cô em kế là Hoàng Thái Xuân, người nổi tiếng nhất trong ba chị em và cũng là người chịu lắm long đong, vất vả nhất. Cô thuộc thế hệ VĐV cầu mây đầu tiên của Việt Nam (VN) và là một chủ công không thể thiếu được của đội tuyển. Nhắc tới những chiến công của cầu mây VN, người ta không khỏi không nhắc đến tên cô. Xuân là nhân vật chủ chốt của đội tuyển đến mức mà trước đây, nếu chẳng may cô bị chấn thương thì cả đội tuyển lại phải lao đao. Nói thế để thấy rằng, vai trò của Xuân ở đội tuyển cầu mây nữ suốt từ năm 1997 đến 2003 là quan trọng.

Thế nhưng Xuân cũng đã phải chịu nhiều dang dở trong cuộc đời vì tình yêu đối với cầu mây. Lần thứ nhất là khi cô thi đỗ vào Trường trung cấp Y Hà Nội năm 1997, cả gia đình tán đồng ý kiến là nên đi học vì “đầu vào, đầu ra” đã có cả. Nhưng rồi Xuân nhận được giấy triệu tập vào Đội tuyển Cầu mây nữ QG. Đắn đo suy nghĩ rồi cuối cùng Xuân đi theo tiếng gọi của niềm đam mê thể thao. Lần thứ hai là năm 2002, chấn thương tái phát, Xuân quyết giải nghệ để theo học Trường đại học Sư phạm nhưng rồi người ta lại đến tận nhà thuyết phục cha mẹ cho cô ở lại. Thế là Xuân lại tiếp tục rong ruổi cùng Đội Cầu mây VN khắp các kỳ SEA Games, ASIAD, giải thế giới... Giai đoạn tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 22 cũng là lúc cô phải dằn lòng quên đi nỗi nhớ người chồng vừa mới cưới và phải gồng mình đối phó với chấn thương. Xuân đã không thể hưởng tuần trăng mật trọn vẹn theo đúng nghĩa của nó vì chỉ vài ngày sau khi cưới, cô đã phải biền biệt xa gia đình sang Trung Quốc tập huấn.

Hết SEA Games 22, Xuân giã nghiệp và trở thành cộng tác viên của CLB. Hàng ngày, bụng mang, dạ chửa, đội nắng, đội mưa đi phát tờ rơi khắp các trường học, thuyết phục các em cùng phụ huynh để họ cho con đi lại con đường mà cô vừa bước qua. Đến ngày đến tháng em bé ra đời và mức lương khiêm tốn mà cô nhận được từ CLB cũng hết bởi trên thực tế, cô chưa được ký bất kỳ một bản hợp đồng lao động nào. Tất cả chỉ là hợp đồng bằng miệng. Không kiếm được tiền, thu nhập của chồng cũng không thể đủ trang trải, cuộc sống của cô phải trông nhờ vào đồng lương hưu ít ỏi của hai bên bố mẹ.

Ông Chiến bà Tần cùng ông bà thông gia thương con đứt ruột nhưng chẳng biết làm gì hơn ngoài chuyện bao bọc cuộc sống cho hai mẹ con Xuân. Nhiều lúc Xuân thấy mình choáng váng: bước ra từ ánh hào quang quá khứ chỉ là một tương lai bất định.--PageBreak--

Người thứ ba chúng tôi gặp là Hoàng Thái Bình, em gái kế tiếp của Xuân. Cách đây 5 năm từng gặp em để viết bài về những nhà vô địch thế giới môn đá cầu nhưng giờ thấy em cũng đang chịu cảnh thất nghiệp và sống nhờ vào chồng, tôi không tránh khỏi cảm giác bùi ngùi.

Đến một công ty của những tuyển thủ quốc gia… thất nghiệp

Giờ đây khi nhắc tới Công ty Cộng lực Bắc Nam, nhiều gia đình ở Hà Nội không khỏi cảm mến và khâm phục. Giám đốc Công ty là cựu tuyển thủ QG Trần Văn Thông, võ sĩ nổi tiếng một thời. Anh Thông từng là một trong hai võ sĩ đầu tiên mang về chiếc HCB quý giá cho karatedo VN tại ASIAD tháng 12/1994, hạng 60kg. Anh cũng từng là võ sĩ bất khả chiến bại ở các giải trong nước, hạng 60kg, từng được Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước.

Thông đã cho tôi hình dung đôi chút về những công việc của các anh sau khi giã nghiệp. May mắn hơn nhiều người, sau khi rời đỉnh cao vinh quang, Thông được giữ lại làm HLV cho Đội tuyển QG. Nhưng rồi công việc của anh cũng chỉ mang tính thời vụ. Vì thế Thông đã quyết tìm cho mình một con đường khác. Và rồi anh cùng hai tuyển thủ QG khác nảy ra sáng kiến thành lập Công ty Cộng lực Bắc Nam với chức năng: bảo vệ con người, tài sản, mục tiêu. Sau vài tháng thành lập, công ty đã có nhiều đơn đặt hàng và vì thế mà các cựu tuyển thủ QG đã có công việc tương đối ổn định.

Phó giám đốc công ty Nguyễn Trường Giang từng là tuyển thủ QG môn karatedo suốt từ năm 1997, đoạt HCB tại SEA Games 21, hạng 70kg. Năm 2002, Giang giã từ đội tuyển và cũng rơi vào những tháng ngày khó khăn vì chưa tìm được công việc. Các võ sĩ ở Đội tuyển karatedo QG thường có may mắn hơn các VĐV ở các môn khác vì họ được các HLV tạo điều kiện giúp đỡ cho học đại học ngay từ khi còn trong đội tuyển. Giang là một người có cái may mắn ấy, khi giã nghiệp anh đã có trong tay bằng cử nhân của Trường đại học Sư phạm, Khoa Giáo dục thể chất. Nhưng rồi tự thân chạy vạy khắp nơi cũng không xin được việc, Giang phải nhờ mối quan hệ của những người thân xin một chân giáo viên trong trường tiểu học.

Thu nhập không đủ sống, cùng chung ý tưởng với “sư huynh” Trần Văn Thông và “sư  tỉ” Dương Thị Điệp, thêm một số anh em khác, họ thành lập công ty. Trước đây Điệp cũng từng là tuyển thủ QG môn karatedo, hạng dưới 60kg. Khi giã nghiệp, Điệp cũng không tìm được cho mình một công việc cho dù cô cũng đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Cô từng đi bán điện thoại di động nhưng rồi công việc này cũng không ổn định và thế là cô trở thành một trong những người sáng lập Công ty Cộng lực Bắc Nam.

Chúng tôi cũng đã gặp cựu tuyển thủ QG Nguyễn Ngọc Long, HCĐ SEA Games 21, HCV SEA Games 22, hạng 60kg. Long từng vất vả sau khi giã nghiệp: ban ngày vừa đi học, vừa đi dạy võ; ban đêm đi bưng bê cho một nhà hàng karaoke. Nhưng rồi mọi chuyện đã sáng sủa hơn khi anh đến với Công ty Cộng lực. Ở đó anh được làm việc với những đồng đội cũ từng là thầy, là anh mình trong đội tuyển, được theo đuổi công việc của một thám tử tư, một nhân viên đào tạo võ thuật... Cuộc sống vì thế mà bớt đi nhiều cực nhọc.

Giám đốc Thông tiết lộ rằng, trong công ty của anh không chỉ có các cựu tuyển thủ QG môn karatedo mà còn có nhiều VĐV ở các môn khác như pencalt silat. Công ty Cộng lực cũng sẵn sàng đón nhận những tuyển thủ QG chưa tìm được công việc sau khi giã nghiệp... Chia tay họ trong một buổi chiều muộn, khi tất cả các cựu tuyển thủ QG ở Đội tuyển karatedo năm nào lại đang hối hả bắt tay vào một công việc mới, tôi thầm mong cho công ty của họ làm ăn phát đạt để những ngôi sao thể thao ấy không phải quá cực nhọc với nỗi lo cơm áo sau khi giã nghiệp.    

Nên chăng, giải quyết “chuyện hậu kỳ” cho VĐV  khi hết “date”, sau khi đã cống hiến cho thể thao là điều mà ngành thể thao cần lưu tâm để các em, các bậc phụ huynh không còn phải băn khoăn trước khi gửi gắm con em mình vào cái nghề vất vả cũng không kém vinh quang này

Ngọc Hân
.
.
.