Hậu quả từ sự buông lỏng quản lý

Thứ Ba, 21/06/2005, 14:46
Những "động lắc" ở Tp.HCM lần lượt bị xóa sổ đã làm rúng động giới ăn chơi và những kẻ kinh doanh đen tối. Đó là nỗ lực của nhà chức trách trong cuộc chiến chống tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, theo những nhà chuyên môn, nỗ lực ấy là để giải quyết hậu quả của một quá trình buông lỏng quản lý.

Liệu rằng, với những biện pháp mạnh như vừa qua có đủ để chúng ta ngăn chặn mầm mống tệ nạn vẫn còn âm ỉ và có thể bùng phát bất kỳ lúc nào?Từ thực tế cho thấy là chưa thể. Bởi lẽ, sau khi karaoke Song Ngọc được xác định là điểm ăn chơi thác loạn lớn nhất vào thời điểm bị triệt hạ, nhiều người những tưởng rằng các điểm ăn chơi khác sẽ biết sợ mà đóng cửa hay chuyển hướng kinh doanh. Nhưng không, với số tiền kiếm được mỗi đêm hàng chục triệu đồng đã làm mờ mắt các “trùm” tệ nạn, thậm chí những kẻ “còn trong bóng tối” đã lấy đó làm cơ hội để mở rộng kinh doanh.

Thế là “lắc” tấn công ngoại thành, một biệt thự ở địa chỉ 52/29B, Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng (quận 7) lập tức được đôi vợ chồng trẻ Lê Nguyễn Minh Hải (SN 1985) và Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1986) trưng dụng làm sàn nhảy để “hứng” dân lắc dạt ra từ nội thành. Qua kiểm tra, CA quận 7 phát hiện 21 đối tượng vào đây lắc thì có đến 19 đối tượng sử dụng ma túy... Khi ngoại thành cũng bất ổn thì dân lắc “trôi” về các tỉnh lân cận mà Bình Dương là điểm đến thuận tiện về mặt giao thông. Rạng sáng ngày 5/6, CA huyện Thuận An kiểm tra quán bar Egypt (số 18, quốc lộ 13)  phát hiện 130 nam nữ thanh niên đang điên cuồng trong cơn say thuốc lắc... 

Nhiều điểm Karaoke, quán bar, cafe chỉ toàn dân lắc.

Trước thực tế đó, cuối tháng 5/2005 Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17 về việc tạm ngưng cấp phép một số ngành nghề nhạy cảm dễ phát sinh TNXH là nhà hàng karaoke, quán bar, vũ trường để chấn chỉnh lại. Tuy nhiên, riêng ở Tp. HCM thì việc tạm ngưng cấp phép một số ngành nghề nhạy cảm này đã có từ Chỉ thị 17/2001/CT-UB ngày 2/7/2001. Chỉ thị này đã nêu rõ: “Một số hoạt động văn hóa bị lợi dụng biến thành các hoạt động phản văn hóa, mại dâm trá hình, cờ bạc... diễn ra dưới nhiều hình thức trong các vũ trường, quán bar, karaoke, nhà hàng, khách sạn... Nguyên nhân là do các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền buông lỏng quản lý, thiếu sự chỉ đạo, kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật”. Từ cơ sở này mà chỉ thị tạm ngưng việc cấp mới giấy phép hành nghề và đăng ký kinh doanh hoạt động karaoke, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, massage, quán bar, hớt tóc thanh nữ trên toàn địa bàn cho đến khi có sự chỉ đạo của UBND Tp.HCM.

Chỉ thị còn nhấn mạnh: “Chủ tịch UBND và trưởng CA các quận, huyện; phường, xã, thị trấn... phải chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên về những hoạt động tiêu cực, TNXH xảy ra trên địa bàn mình phụ trách”. Quy định là như vậy nhưng trên thực tế gần như địa phương nào cũng để xảy ra TNXH mà chẳng thấy ai phải chịu trách nhiệm.

Tệ hại hơn, nhiều địa phương vì bệnh thành tích (hay sợ chịu trách nhiệm?) đã xây dựng nhiều ấp - khu phố văn hóa nhưng thực tế thì địa bàn vẫn còn đầy TNXH mà cũng chẳng thấy cấp trên phàn nàn hay kiểm tra, chấn chỉnh. Đây chính là một trong những cái cần nhưng chưa được thực hiện dẫn đến TNXH không thuyên giảm.

Một thực tế khác không thể phủ nhận là sau khi tạm ngưng cấp phép kinh doanh đã phát sinh tình trạng chuyển nhượng giấy phép, nhất là đối với loại hình karaoke. Người mua giấy phép, sau khi xây dựng điểm karaoke mới rồi làm thủ tục dời địa điểm thế là hoàn tất. Giá mua một giấy phép tùy theo khu vực, số phòng đăng ký trong giấy phép nhưng là số tiền không phải nhỏ. Đầu năm 2005, trong vai một người cần mua giấy phép ở địa bàn quận Bình Thạnh, tôi liên hệ với một tay “cò” ở quận 1 thì được "hét" với giá 150 "chai" (150 triệu đồng). Tôi lắc đầu chê quá đắt và trả giá 50 “chai” thì gã này nổi nóng, mỉa mai: “Lạc hậu quá đi cha nội. 50 "chai" thì ông ra đảo khỉ ở Cần Giờ mà mua”. Vì vào thời điểm năm 2002 mà La Thanh Sơn, chủ động lắc Song Ngọc đã bỏ ra tới 230 triệu đồng để có một giấy phép karaoke hoạt động ở số 161, Điện Biên Phủ, Bình Thạnh.

Bỏ tiền đầu tư nhiều thì phải làm liều để thu hồi vốn, động lắc hình thành từ đó. Bao nhiêu kẻ như La Thanh Sơn? Chưa có cơ quan chức năng nào thống kê điều này nhưng chắc chắn rằng trong khoảng 700 giấy phép karaoke hiện nay trên địa bàn Tp. HCM thì số giấy phép đã được chuyển nhượng chiếm phần đáng kể.  Ngoài ra, một thực trạng nhức nhối khác là khi không được cấp phép thì “trùm” tệ nạn... hoạt động chui. Vì nếu có lỡ bị phát hiện thì cùng lắm là đóng cửa vì phạt hành chính nhẹ như không, chẳng đáng là bao so với lợi nhuận đã thu về.

Cuộc chiến chống lại thực trạng trên, theo đánh giá của nhiều người nó còn cam go hơn việc quản lý các điểm hoạt động có giấy phép mà trước đây các địa phương còn chưa kham nổi. Cần phải làm gì để ngăn chặn? Câu trả lời xin nhường lại cho nhà chức trách! 

Việc tuân thủ các quy định trong cấp giấy kinh doanh các ngành nghề có điều kiện cũng chưa được thực hiện một cách triệt để. Có nghĩa là đơn vị kinh doanh phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về diện tích phòng, âm thanh, ánh sáng... Nếu địa phương áp dụng theo quy định mà xử lý nghiêm tất cả mọi trường hợp thì có lẽ tệ nạn khó lòng mà tồn tại.

Riêng ở hoạt động massage, UBND Tp.HCM đã có Quyết định số 05, ngày 6/01/2003, ban hành các quy chế về quản lý tổ chức và hoạt động xoa bóp trên địa bàn. Quy định này nêu rõ, điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp là: phải có bác sĩ đúng chuyên ngành phụ trách; phải có nhân viên kỹ thuật xoa bóp có chứng chỉ đào tạo chuyên môn kỹ thuật; các phòng xoa bóp phải đảm bảo: phòng tập thể dành cho nam riêng, nữ riêng; phòng riêng thì diện tích tối thiểu 4m2, cửa ra vào phải có kính trong suốt... Nếu đơn vị, cá nhân nào vi phạm quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu căn cứ vào quyết định này thì có lẽ massage kích dục sẽ không còn đất sống, nhưng trên thực tế thì nó vẫn “sống khỏe” do sự nương tay của cấp có thẩm quyền.

Từ những viện dẫn và phân tích trên có thể kết luận rằng, việc chống TNXH trên địa bàn Tp. HCM mang tính quyết liệt từ những văn bản, chỉ thị của UBND thành phố. Nhưng rất tiếc là khi triển khai thực hiện một số địa phương đã không áp dụng một cách triệt để, nghiêm túc nên TNXH vẫn luôn là vấn đề nan giải. Hay nói cách khác, hiện nay lực lượng CA đang chống TNXH quyết liệt (thể hiện bằng những “trận đánh lớn” vào các ổ tệ nạn) nhưng công tác phòng ngừa thì vẫn bỏ ngỏ. Để khắc phục thực trạng này, theo chúng tôi, phải bắt đầu từ  những cái cần nhưng chưa được làm như đã đề cập 

Mã Thanh Phong
.
.
.