Hậu quả Dioxin ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế): Trăn trở tìm lối thoát

Thứ Năm, 15/10/2009, 09:52

Đông Sơn là một trong những xã miền núi, biên giới nghèo nhất của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây cũng là xã chịu nhiều đau thương, mất mát nhất do hậu quả chất độc da cam/dioxin.

"Rốn" da cam và những con số kinh hoàng

Trong chiến dịch Ranch Hand năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải 72 triệu lít thuốc diệt cỏ (chứa 170kg dioxin) xuống miền Nam, trong đó riêng A Lưới (Thừa Thiên - Huế) là 432.812 lít (chứa 11kg dioxin). Lượng chất diệt cỏ, chất hóa học rải xuống A Lưới bằng một nửa các chất hóa học mà quân Mỹ đã rải xuống Thừa Thiên - Huế. Khu vực A-sho (xã Đông Sơn) chịu nặng nề nhất do đây là nơi đậu máy bay và rửa chất dioxin. Đến nay, sân bay A-sho được chia làm ba khu vực A, B, C tùy theo mức độ nhiễm dioxin. Trong đó, khu A là khu vực nguy hiểm nhất, rộng 1,65 ha. Con người tiếp xúc có thể bị ngã quay ngay tức khắc nếu không có biện pháp bảo hộ.

Xã Đông Sơn có 279 hộ/1369 nhân khẩu là đồng bào các dân tộc thiểu số: Pa-kôr (80%), Tà-ôi, Cơ-tu và 9 hộ người Kinh. Trong đó có 124 hộ nghèo (chiếm 45,25%, tăng 9 hộ so với cùng kỳ năm ngoái). 

Thống kê của Trạm Y tế xã Đông Sơn đến ngày 30-2-2009, toàn xã có 61 người bị tàn tật: điếc, bại não, thần kinh, liệt tay chân… liên quan đến dioxin. Trong đó có 26 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống. 12% là số trẻ em suy dinh dưỡng ở xã. Mỗi ngày, Trạm Y tế khám bệnh và cấp thuốc miễn phí từ 20 - 30 lượt người. Hàng năm, Trung tâm huyết học - Truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức hiến máu tại huyện A Lưới và số máu thu được của xã Đông Sơn thấp nhất huyện. Sau mỗi đợt xét nghiệm máu, nhiều người phát hiện mình bị bệnh". Toàn xã có 27/157 trẻ em độ tuổi từ 0 - 6 tuổi bị tàn  tật. Trong đó, chỉ mới có 3 em được hưởng chế độ.

Nhiều diện tích đất ở Đông Sơn bị nhiễm chất độc, cây cối không phát triển được.

Quằn quại vì dioxin

Từ năm 1994-2000, GS.BS Hoàng Đình Cầu, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả các chất hóa học dùng trong chiến tranh ở Việt Nam phối hợp với Công ty Tư vấn môi trường Hatfield (HCL) của Canada đã tiến hành nghiên cứu hậu quả của chất dioxin lên môi trường, con người tại A Lưới. Khu vực miền núi hoang sơ này không bị ảnh hưởng chất thải công nghiệp hay một nguồn ô nhiễm nào khác. Bởi vậy, bất kỳ trường hợp nhiễm độc nào cũng đều do chất độc da cam gây ra.

Theo HCL thì không thấy dioxin trong cây trồng, trong hai loại lương thực chính ở A Lưới là gạo và sắn. Đây là điều vô cùng may mắn đối với người dân A Lưới nói chung và khu vực A-sho nói riêng. Mức độ tồn lưu của dioxin tại sân bay A-sho là cao nhất, hơn mức cho phép ở các nước công nghiệp phát triển, đáng báo động, người dân không thể sinh sống, canh tác được. Dioxin nhiễm vào các loại thực phẩm: cao nhất là mỡ và gan của cá, của vịt, gà, lợn…; trong dòng máu, trong bầu sữa mẹ… của người dân. Nó đã tàn phá rừng núi, môi trường, động thực vật ở đây; tác động xấu đến sức khỏe con người.

Đất đai xã Đông Sơn thuộc vùng trũng, bị chua phèn nhiều, ít màu mỡ. Diện tích đất gieo trồng toàn xã là 190 ha, đất trồng lúa nước rất ít nên bà con trồng lúa khô, sắn, bắp… trên nương rẫy. Số lượng trâu bò, gia cầm cứ chết dần chết mòn khoảng 30 con/năm do thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh và chủ yếu do dioxin. Nguồn nước ở Đông Sơn thiếu trầm trọng. Bà con trông chờ vào nước khe, suối và nước của Giàng (ông Trời). Năm 2003, xã được đầu tư dự án nước gần 3 tỷ đồng nhưng hiện nay, các đường ống, bể nước đã xuống cấp trầm trọng, không sử dụng được.

Số hộ nghèo chủ yếu là những hộ có người nhiễm dioxin. Vì mỗi gia đình đều bị mất thêm lao động trong nhà do có người nhiễm, nghi nhiễm. Chiến tranh đã lùi xa 35 năm, nhưng thật chua xót khi biết rằng, phần lớn số hộ thoát nghèo ở A Lưới nói chung và Đông Sơn chủ yếu dựa vào số lương, phụ cấp dành cho những người tham gia kháng chiến chứ không phải do họ làm ăn khấm khá. Rất nhiều hộ tái nghèo do phải lao đao chữa trị người bệnh da cam.

Tìm lối thoát

Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Chí Thời cho biết cách phòng chống dioxin trên địa bàn: "Chúng tôi đã có văn bản cụ thể hướng dẫn bà con không dùng nước giếng, sử dụng nước suối; không ăn nội tạng cá, vịt".

Đã có rất nhiều hội thảo, hội nghị của các nhà khoa học Trung ương, chuyên gia nước ngoài, tổ chức quốc tế… về vấn đề dioxin tại A Lưới. Trong đó, làm sao để có phương án giảm thiểu thiệt hại, ngăn chặn tác hại của dioxin. Năm 2005, Tiến sĩ Phùng Tửu Bôi (Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn tự nhiên và phát triển cộng đồng) đưa ra phương án khoanh vùng nhiễm độc dioxin tại sân bay A - Sho bằng hàng rào bồ kết và được các nhà khoa học đánh giá cao ở tính khả thi, hiệu quả. Loại cây bà con vẫn hay trồng, không tốn nhiều công chăm sóc. Nó vừa có tác dụng ngăn người và vật nuôi tiếp xúc với khu vực nguy hiểm. Cây bồ kết còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương, đồng thời khả năng tái sản xuất rất cao.

Ngân hàng Thế giới đã tài trợ hai vạn cây bồ kết gai và cây keo gai trồng làm hàng rào phụ bao quanh 1ha đất nhiễm dioxin. Nhưng, trận lũ năm 2005 cuốn trôi tất cả. Năm 2007, tổ chức War Legacies Project (Hoa Kỳ) và một số tổ chức khác đã hỗ trợ trên 20.000 cây bồ kết gai và keo gai. Số cây này, do chính Tiến sĩ Phùng Tửu Bôi tổ chức triển khai nhân giống ngay tại A Lưới để không tốn tiền vận chuyển.

Trồng cây bồ kết đã phần nào làm giảm tác hại của dioxin, làm xanh lại vùng đất chết. Đây là niềm vui chung của chính quyền và người dân trên đỉnh Trường Sơn khốn khó này. Nhưng vẫn còn rất nhiều nạn nhân bị chất độc da cam đang đau đớn hàng ngày. Và dù đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ rất nhiều, nhưng vẫn còn bao khó khăn mà các bệnh nhân chất độc da cam ở đây đang phải gánh chịu.             

Chỉ cần một phần triệu gam dioxin/kg cơ thể là con người và động vật sẽ bị đột tử, một phần tỷ gam dioxin/kg cơ thể đủ gây ung thư, dị tật, quái thai... Huyện A Lưới đang triển khai dự án xây dựng công trình chứng tích tội ác chiến tranh của giặc tại khu vực gần sân bay A-sho.

Hoàng Quân
.
.
.