Hành trình tìm lại chính mình

Chủ Nhật, 11/10/2009, 11:01
Cuối cùng họ đã bước qua được ranh giới của chính mình, trở thành người mình muốn và có được hình hài ao ước. Nhưng dù thế nào chăng nữa, cả đời này, những con người ấy vẫn không thể đi hết chặng đường số phận mà tạo hóa đã vạch sẵn...

Tôi gặp chị chớp nhoáng sau đêm diễn thời trang ở quán Đêm Vọng, bar dành riêng cho những người thuộc giới tính thứ ba ở Hà Nội. Nếu không phải chị đi cùng và lẫn vào nhóm người chuyển đổi giới tính vừa rời khỏi sân khấu kia, chắc sẽ chẳng ai chú ý tới chị. Cho vội số điện thoại, chị nói với theo: "Tới chỗ chị, em sẽ được nghe câu chuyện đầy nước mắt của một thằng đàn ông suốt 20 năm đi tìm chính mình. Và giờ, đứng trước mặt em, người đàn ông ấy đã là một phụ nữ thực sự".

Cu Minh trở thành... cô Diễm

Diễm là cái tên con gái mỹ miều và đẹp chị chọn để gắn vào thể xác đàn bà đã qua chuyển đổi của mình. Chị không muốn nhắc nhiều đến cái tên Minh bố mẹ đặt cho từ khi chào đời bởi nó gợi nhớ đến tuổi thơ của một cậu con trai, gợi nhớ đến bất kỳ những hình ảnh gắn với "thằng mầm giềng, mầm tỏi". Diễm muốn được người khác gọi mình bằng chị, bằng cô, muốn tạo cho người khác thói quen khen mặc bộ váy này đẹp hay trang điểm thật xinh.

Diễm từng là con trai, làng xóm ở Long An cũng quen với sự xuất hiện của một thằng bé Minh trong gia đình nhà nọ có ba anh em đó. Ai cũng gọi là cu Minh, chỉ có mình Diễm biết Diễm là ai...

Khi Diễm chưa chào đời, mẹ Diễm thầm ao ước con đầu lòng là một nàng công chúa, “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Âu cũng là định mệnh, "mong ước của mẹ" sinh ra dưới vỏ bọc của một người con trai. Tâm hồn của người con gái cứ thế lớn dần lên và được nuôi dưỡng bằng những năm tháng tuổi thơ nghèo khổ. Diễm thích mặc quần áo con gái, muốn chơi cùng các bạn nữ và đặc biệt luôn có những cử chỉ, điệu bộ giống phái yếu. Trong tâm niệm của mình, Diễm luôn nghĩ mình là phụ nữ và không có thiên hướng đàn ông.

Khi Diễm mới 10 tuổi, Diễm muốn trút khỏi cái lốt con trai để được tự do mặc đồ mình thích, tự do sống với bản năng đang trỗi dậy trong một thứ giới tính kỳ quặc, nam chẳng phải, nữ cũng không. Cô bỏ nhà đi làm thuê làm mướn...

Ngày đó, chưa có khái niệm về chuyển đổi giới tính nên Diễm chỉ đơn giản muốn thỏa mãn được làm cô gái trong mình. Sau này, quăng quật ngoài đời nhiều, cô mới biết, mình có thể biến ước mơ thành sự thực, mình không còn phải xấu hổ, tự ti khi rõ ràng là con trai lại mang đồ con gái.

18 tuổi, Diễm mới chỉ là con gái một nửa với khuôn ngực đầy đặn phẫu thuật ở Việt Nam. Chừng ấy thôi cũng đã là cả một thành quả cố gắng tích cóp, dành dụm sau những ngày tháng cơ cực. Những cuộc tình trai thâu đêm để thỏa mãn dục vọng mãnh liệt khiến Diễm nhận ra rằng, đó chỉ là sự lợi dụng. Sau những giày vò đau đớn thể xác, cái cô nhận được là ánh mắt khinh bỉ hay cái cười ác ý của bạn tình vì hình dạng kỳ quái, trên đàn bà, dưới đàn ông của cô. Khi ấy, cô chưa là một người đàn bà hoàn chỉnh.

Triệu Phi Diễm sau khi chuyển giới tính.

Những day dứt, mong ước mãnh liệt làm đàn bà trong Diễm như được thôi thúc và thêm sức mạnh. Cô quyết sang Thái Lan tìm lại chính mình, tìm lại cái lẽ ra tạo hóa phải ban cho cô ngay từ khi mới lọt lòng. Cuộc đại phẫu của cuộc đời mang đến cho Diễm nỗi đau thể xác đến tột cùng nhưng đổi lại bù đắp cho người đàn bà ấy bằng niềm hạnh phúc khôn tả. Bốn giờ trong phòng phẫu thuật với ba lần gây mê, Diễm tưởng như mình chết đi sống lại ngần ấy lần. Hóa ra làm đàn bà thật đau đớn...

Nhớ lại những chuỗi ngày đau đớn đã qua quả không đơn giản. Diễm bảo với tôi, cô không muốn nhớ đến hay nhắc lại ca phẫu thuật ấy nữa bởi nó gợi lại trong cô những hình ảnh đáng sợ. Gợi mãi, hỏi mãi, cuối cùng cô cũng chia sẻ nỗi đau đớn trong phòng phẫu thuật.

Ánh đèn phòng phẫu thuật lờ mờ chiếu xuống. Diễm nhận ra 4 bác sĩ qua màu áo trắng. Trước khi lên bàn mổ, cô đã phải tiêm hoócmôn hàng năm trời, sau khi đủ điều kiện mới tiến hành chuyển đổi "cắt chỗ này, đắp chỗ nọ" theo cách của người đời nói ứng đúng vào những người chuyển đổi như Diễm. Bỏ đi phần làm đàn ông để tái tạo thay vào đó là "cái của người phụ nữ" là quan trọng và đau đớn nhất. Mặc dù đã được tiêm thuốc mê nhưng cô vẫn cảm thấy từng nhát dao rạch, đường kim mũi chỉ và cả lúc các bác sĩ tạo ra bộ phận phụ nữ cho cô.

Nỗi đau bắt đầu gặm nhấm và hành hạ Diễm sau ca phẫu thuật. Diễm như vừa chết đi để được đầu thai vào kiếp mới. Ở kiếp này, cô sẽ là đàn bà, một người đàn bà hoàn chỉnh. Bốn tháng không hề có cảm giác, Diễm liên tục phải tiêm thuốc cân bằng cảm giác. Không thể đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều được tiến hành qua ống tiểu tiện. Để đảm bảo vết thương, hằng ngày cô phải rửa bằng dung dịch chống nhiễm trùng. Đồ ăn phải là những thức ăn dễ tiêu hóa, chủ yếu là sữa và tào phớ. Nỗi cô đơn xâm lấn khi không một người thân bên cạnh, chỉ có hai người chăm sóc Diễm thuê khi sang Thái.

Cô đã khóc, khóc vì hối hận, thà để vậy sẽ không phải chịu nỗi đau đớn này. Diễm đã hồi hộp chờ đợi cái ngày được lên bàn mổ bao nhiêu thì giờ lại chán nản bấy nhiêu. Từng ụ máu trong bụng trào ra nhiều khiến cô tưởng chừng như chết ngay đi được. Nghẹn ngào trong tiếng khóc, cô bảo, có lẽ do ông trời thương vì đã phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả nên cứu vớt, nếu không, ra máu nhiều như vậy, cô đã về với ông bà ông vải.

Sau 1 tháng 10 ngày ở Bệnh viện Pratunam, Thái Lan, cô trở về Việt Nam với đầy ắp hy vọng về một cuộc sống mới. Chuyến đi chống lại tạo hóa lần này của Diễm phần là để thỏa mãn khát khao làm đàn bà, phần vì muốn giữ chân người tình. Mối tình trai kéo dài 5 năm khiến cô dám đánh đổi cả mạng sống để được trở thành người phụ nữ của gia đình theo đúng nghĩa. Cô hiểu, hạnh phúc gia đình với những người thuộc giới tính thứ ba mong manh và mờ ảo, thậm chí không có thực. Dù có làm giống đàn bà đến mấy chăng nữa thì cũng không thể đi hết con đường số phận đã định sẵn. Những người như cô không thể sinh con. Bạn trai Diễm bỏ đi cũng vì lý do ấy. Lòng cô chợt rách toang làm thức dậy nỗi đau thể xác còn chưa lành hẳn.

Đã nửa năm trôi qua, cuộc sống của Diễm dường như đã dần đi vào quỹ đạo. Cô sống khép kín, ăn chay như để tâm hồn thanh tịnh và bớt bụi trần. Trước kia mạnh mẽ dũng cảm là thế, giờ cô mang nét dịu dàng, nữ tính của người phụ nữ đang vào độ chín. Diễm cũng muốn lấy chồng, muốn có một người đàn ông đủ tin cậy làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời cô sau này. Trong Diễm bây giờ là niềm tự hào. Ca phẫu thuật thành công giúp cô có được các bộ phận phụ nữ thật hoàn hảo. Diễm được xem như một trong số những người Việt Nam may mắn chuyển đổi thành công.

Giới tính thứ ba vật vã tìm hạnh phúc

Không giống như Diễm, H.P. chẳng được cái may mắn ấy. Người trong giới đồn nhau, "cái của cô" làm bị hỏng do nhiễm trùng. Tôi gặp H.P. ở căn phòng thuê chật chội, nóng bức của Diễm đúng hôm vợ chồng cô đang lục đục và phải đi ngủ nhờ.

Trước mặt tôi lúc ấy là một người phụ nữ có dáng vẻ mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng, quần áo xộc xệch, mái tóc không gọn gàng. Có vẻ, P. vừa qua một đêm mất ngủ và khóc nhiều. Điếu thuốc trên môi cô cháy nhanh theo những đợt rít mạnh và gấp. Từng làn khói phả ra như ôm lấy cuộc đời quẩn quanh của P. rồi lẫn vào trong khoảng không nhỏ hẹp, ngột ngạt của căn phòng trọ...

Ngay từ khi còn nhỏ, cậu trai người Vĩnh Phúc ấy đã ao ước một hôm nào đó thức dậy bỗng dưng trên ngực mọc hai chiếc vú còn bên dưới là bộ phận của phụ nữ. Bố mẹ P. giận lắm và chỉ đợi lúc con ngủ trưa để cắt phéng đi mái tóc dài. Họ không muốn thằng con mình trông kỳ dị so với những đứa con trai cùng lứa xung quanh mà muốn lôi nó ra khỏi "lối học đòi" ấy. Người đời thì bảo ông bà "không dạy được con".

Đau đớn, tủi nhục và câu hỏi lớn về giới tính mà bản thân P. không tài nào giải thích nổi tồn tại cùng với niềm khát khao làm phụ nữ trong cô. Đã có lúc, nỗi khổ ấy lấn át mong ước mãnh liệt. Nhưng có lẽ, phần đàn bà trong P. lớn hơn nên đã giúp cô chiến thắng nỗi tuyệt vọng và nuôi lớn dự định chuyển giới.

Bươn chải và dành dụm, cuối cùng, cô cũng đủ tiền sang Thái Lan làm phẫu thuật. Chuyến đi định mệnh ấy mang về một H.P. xinh đẹp, một H.P. hoàn toàn mới, không có gì còn sót lại của một thằng Kiên ngày xưa nữa. P. bảo cô ghét cái tên Kiên do bố mẹ đặt mà chỉ thích người khác gọi là H.P.

Khi đã toại nguyện với vẻ ngoài phụ nữ của mình rồi, P. muốn lấy chồng để được thực hiện thiên chức của một người vợ hiền, dâu thảo. Nếu như trước khi chuyển đổi, bất cứ người đàn ông nào có thể cưu mang và bao vài tuần hoặc vài tháng thì đều được coi là chồng của cô hết thì giờ lại khác. P. đã thuộc về phái yếu, thậm chí còn đàn bà hơn cả đàn bà, vì vậy cô có quyền lựa chọn một người chồng theo đúng nghĩa và được công nhận...

Châm điếu thuốc mới để nén tiếng thở dài, P. tỏ ra chiêm nghiệm đúng cách của một người từng trải trong hôn nhân. Ở cái tuổi 27, P. đã ba lần đò nhưng lần nào cũng trục trặc khiến cô chưa thể chạm tới cái đích của hạnh phúc.

Tự rút khỏi mối tình đầu trong đau đớn, P. nhận ra cần phải thành thật với người mình yêu để tránh làm người ta đau khổ. Lần đò tiếp theo là với một trai tân người Hà Nội gốc. Ngỡ rằng đây sẽ là bến đỗ bình an, là nơi che chở vững chãi cho cuộc đời cô mãi về sau này. P. đã hạnh phúc biết bao. Trải qua bao sóng gió, bao vất vả và cả dị nghị, cô xác định làm đám cưới với người đàn ông này. Yêu P. tha thiết, người ấy đã lên tận Vĩnh Phúc thưa chuyện cùng bố mẹ cô để xin phép qua lại tìm hiểu. Khi ấy, họ chưa biết P. là người chuyển đổi.

Bố mẹ đau lòng nhìn hạnh phúc đến với con mà đành phải can ngăn bởi "đó là điều ác". P. đã cầu xin bố mẹ chiều theo ý cô một lần bởi dù sao cô cũng đã là phụ nữ. Một đám cưới đầm ấm có lẽ cũng đã diễn ra nếu như không có sự can thiệp của nhóm bạn bè xã hội của P.

Kể trong nước mắt, cô bảo, anh em cùng giới cho rằng như vậy là làm hỏng cuộc đời người khác, huống hồ người đàn ông đó lại là trai tân, họ còn có tương lai. Là đồng cô, đồng cậu nhưng vẫn là người và cần phải có cái tâm. Cuối cùng cô tìm cách rút lui nhẹ nhàng, không liên lạc, tự rời xa người yêu dù rất đau khổ.

Nỗi đau dần nguôi ngoai khi cô có tình yêu mới. Người chồng thứ ba này từng lập gia đình và đã có một con gái nhỏ 3 tuổi. Thất bại từ hai "cuộc hôn nhân" trước giúp H.P. nhận ra một điều, những người thuộc giới tính thứ ba như cô không nên yêu và lấy trai tân. P. sẽ chỉ yêu những người đàn ông từng có vợ bởi ít nhất như vậy, cũng làm họ bớt hụt hẫng, đau khổ khi biết cô không thể mang thai. Đó cũng là lý do tại sao những “bóng lộ” thường ít khi yêu và lấy trai tân.

H.P. chia sẻ, tình yêu của những người đồng tính thường mãnh liệt và theo một cung bậc khác thường. Cũng là nhớ nhung, cũng là ghen tuông, giận hờn đấy, nhưng mọi thứ đều có vẻ dữ dội hơn tình yêu của những người bình thường. Hơi một chút là giận, là ghen, 5 phút anh không nhắn tin cho em là y rằng có "chiến tranh lạnh", 5 phút em không biết anh đang ở đâu, làm gì cũng sẽ có "xung đột". Tuy vậy, họ chỉ xa nhau được không quá vài tiếng, một tin nhắn làm lành bày tỏ tình yêu là lại đâu vào đấy. P. bảo: "Âu cũng chỉ vì quá yêu và sợ mất nhau".

Triệu Phi Diễm.

Tình yêu giúp cô chịu đựng những trận hành hạ, ghen bóng gió của chồng bởi cô cho rằng là vợ rồi thì phải cư xử như một "bà xã" thực sự. Không thể chồng nói một cãi một, phụ nữ như vậy là không thể chấp nhận được. Vì thế cô cam chịu và chấp nhận như một lẽ thường tình.

Vén áo "khoe" những vết sẹo dài hằn lên như những con rết, dấu vết của những lần chồng hành hạ, P. chẳng hề tỏ vẻ đau đớn, trái lại, cô có vẻ tự hào. Ít ra đó cũng là vì chồng yêu, chồng ghen nên mới vậy. Cô kết thúc câu chuyện trong sự vội vàng vì những cái hẹn dồn dập đang đợi.

Cuộc gặp gỡ kết thúc trong sự tiếc nuối. Tôi muốn nói chuyện với cô lâu hơn, để được lắng nghe nhiều hơn nữa nỗi lòng của những người đàn bà đã qua chuyển đổi như cô. Hầu hết những người như H.P. đều cảm thấy hài lòng với  hình hài mình đã tìm lại được, duy có một điều còn chưa toại nguyện.

Dư luận xã hội vô tình tạo nên sức ép vô hình lên giới tính thứ ba. Có người đồng cảm, có người vẫn xem giới tính thứ ba là khó chấp nhận, thậm chí vẫn còn cho rằng đồng tính là bệnh. Dù muốn hay không, những người như H.P. hay Diễm vẫn còn tồn tại trong cuộc sống này với tất cả những vật vã, khổ đau trên con đường tìm lại giới tính cho chính mình

Minh Phương - ANTG số 899
.
.
.