Hành trình không đơn độc của đồng bào Arem, Ma Coong

Thứ Bảy, 13/01/2007, 08:27

Năm 2004, Đảng bộ và nhân dân thành phố mang tên Bác tặng đồng bào A Rem ở xã Tân Trạch 42 căn nhà mới. Đến nay 358/358 hộ đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch cũng đã được ở trong những căn nhà mới, khang trang từ nguồn vốn 134 của Chính phủ.

Không những thế, trong những năm qua, bằng nguồn vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ và các chương trình dự án khác, huyện Bố Trạch đã đầu tư xây dựng ở hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch nhiều công trình phúc lợi như giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế… Nhờ vậy, cuộc sống của đồng bào dân tộc A Rem, Ma Coong ngày một ổn định… Họ đã không đơn độc trong cuộc hành trình về với cộng đồng.

Một cuộc hành trình dài...

Tôi lên Tân Trạch, Thượng Trạch  (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) và biết đến đồng bào A Rem, Ma Coong lần đầu tiên từ năm 2002. Lúc đó tôi mới chập chững bước vào nghề báo. Thế rồi công việc làm báo đã giúp tôi nhiều lần sau đó nữa được lên với đồng bào, được chứng kiến những sự kiện trọng đại của đồng bào và tôi thực sự vui mừng nhận ra rằng đời sống đồng bào A Rem, Ma Coong ở 2 xã biên giới rẻo cao Tân Trạch, Thượng Trạch đang từng ngày từng giờ thay đổi, nhất là 4 năm trở lại đây, sự đổi thay trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đã hiện ra khá rõ nét.

Người A Rem trước đây sống hoang dã, trong hang núi. Năm 1992, UBND huyện Bố Trạch tổ chức đưa người A Rem về sống định cư ở km 14 đường 20 nhưng đến cuối năm 1986 họ lại bỏ bản tìm về hang núi sinh sống.

Năm 1992, các chiến sĩ Đồn Biên phòng 593 Cà Roòng lại một lần nữa lặn lội đi tìm và thuyết phục đưa họ về định cư ở bản 39. Được vận động sống định cư nhưng tập quán săn bắt hái lượm và lang thang kiếm sống đã ăn sâu vào tiềm thức của người A Rem. Hễ đói, hễ thiếu cái ăn là người A Rem lại sẵn sàng bỏ bản, bỏ nhà lang thang kiếm sống...

Lên Thượng Trạch tôi theo chân những người chiến sĩ biên phòng vào những bản làng của người Ma Coong và tôi dễ dàng nhận ra rằng: Cũng giống như đồng bào A Rem, đồng bào Ma Coong ở Thượng Trạch cũng chưa thể thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, lạc hậu. Đồng bào Ma Coong ở Thượng Trạch sống phân tán trên 18 bản, có bản cách xa nhau và cách cả ngày đường đi bộ. Đồng bào chủ yếu sống bằng nghề đốt rừng, làm rẫy. Năng suất lúa rẫy thì rất thấp lại nhờ cả vào trời, vì vậy mỗi mùa rẫy trồng lúa, ngô, năm được mùa còn đỡ, năm mất mùa chỉ đủ cho đồng bào ăn ba đến bốn tháng. Những tháng còn lại đồng bào lại kéo nhau vào rừng đào củ mài, lấy mật ong, bắt cá, bắt cua... sống đắp đổi qua ngày. Sự ăn đã thế, sự học lại càng gian nan. Trường lớp tạm bợ, giáo viên lại thiếu, hơn 60% dân số Thượng Trạch lúc đó được xác định là mù chữ...

Từ những ngôi nhà sàn bằng tranh nứa mục nát, đến hôm nay 100% hộ đồng bào dân tộc A Rem, Ma Coong ở đây đã được ở trong những ngôi nhà sàn bằng gỗ, lợp tôn khang trang tại bản định cư mới... Từ chỗ chỉ biết trồng cây lúa rẫy bấp bênh, đến nay đồng bào Ma Coong ở bản Chăm Pu xã Thượng Trạch cũng đã bước đầu biết trồng cây lúa nước cho năng suất gần 30 tạ/ha... Đó là kết quả của một cuộc hành trình dài mà những người đồng bào A Rem, Ma Coong đã trải qua bao khó khăn, chiến đấu với bệnh tật, lạc hậu mới có thể có được.

Một cuộc hành trình không đơn độc

Gần 60 tuổi đời, hơn 10 năm trên cương vị Chủ tịch UBND và nay là Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Thượng Trạch, hiếm có khi nào Quách Tẩm vui như hôm ông dự lễ bàn giao những ngôi nhà mới cho đồng bào Ma Coong. Ông nói: "Cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn đồng bào anh em miền xuôi. Sau 42 căn nhà mà thành phố mang tên Bác Hồ tặng cho đồng bào A Rem, đến lượt đồng bào Ma Coong miềng, ai cũng được huyện và đồng bào miền xuôi đóng góp làm nhà cho mà ở".

Còn Đinh Liễn, trưởng bản 61, bản nằm sát biên giới Việt - Lào, cũng không cầm được xúc động: "Gần cả đời người, hôm nay tôi mới có được ngôi nhà chắc chắn và đẹp như thế này". Những căn nhà mới tinh tươm nói trên, nằm trong chương trình xóa mái tranh cho đồng bào dân tộc của huyện Bố Trạch.

Được triển khai từ năm 2004, đến nay, Bố Trạch đã tổng kết phong trào làm nhà ở mới cho đồng bào dân tộc với 448 căn nhà, là huyện đầu tiên ở tỉnh Quảng Bình hoàn thành chương trình làm nhà ở cho đồng  bào dân tộc, trong đó có 358 căn cho đồng bào dân tộc Ma Coong ở Thượng Trạch, mỗi căn nhà trị giá 25 - 30 triệu đồng (theo mẫu ở Tân Trạch) bằng nguồn vốn từ Chương trình 134 của Chính phủ, tỉnh hỗ trợ, trích từ ngân sách của huyện, từ quỹ Vì người nghèo, từ sự đóng góp của các tổ chức đoàn thể xã hội.

Có thể nói, trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, huyện Bố Trạch đã có rất nhiều hình thức ưu tiên giúp đỡ đồng bào Tân Trạch, Thượng Trạch. Bằng nguồn vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ và các chương trình dự án khác, Bố Trạch đã đầu tư xây dựng ở Tân Trạch, Thượng Trạch nhiều công trình phúc lợi, đến nay các công trình cơ bản như trường học, trạm y tế, trụ sở xã, đường giao thông, công trình nước sạch... cơ bản đã hoàn thành, làm cho bộ mặt làng thật sự khởi sắc. Công trình Trường THCS Thượng Trạch với mô hình Trường nội trú vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc học hành của con em đồng bào dân tộc Arem, Ma Coong.

Không chỉ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, theo ông Nguyễn Văn Hoạt, Phó ban Dân tộc - Miền núi huyện Bố Trạch thì cái đồng bào cần nhất là việc làm sao giúp đỡ họ tự chủ động được cuộc sống của mình. Thực tế thì trong những năm qua Bố Trạch cũng đã dành ra một số vốn khá lớn từ Chương trình 135 và nhiều chương trình dự án khác để giúp đồng bào trong vấn đề phát triển sản xuất. Cuộc sống của đồng bào A Rem, Ma Coong ở Tân Trạch, Thượng Trạch giờ đây đang ngày càng ổn định, đó là điều không thể phủ nhận.

Nhờ sự đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả, các chương trình dự án đặc biệt là Chương trình 135 của Chính phủ đã đến gần nhất với đồng bào dân tộc A Rem, Ma Coong và chính đó là động lực giúp đồng bào tiến nhanh trong cuộc hành trình dài về với cộng đồng. Đồng bào A Rem, Ma Coong giờ đây càng tin tưởng hơn vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước vì Đảng và Nhà nước đã không để cho đồng bào đơn độc trong cuộc hành trình này

Linh Giang
.
.
.