Hành trình 35 năm tìm cha của con trai một cựu binh Hàn Quốc (Phần I)

Thứ Bảy, 04/06/2005, 07:33
Vào thập niên 1960, Hàn Quốc, một con rồng của châu Á ngày nay vẫn chỉ là quốc gia nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu. Vừa thoát ra khỏi hai cuộc chiến tranh lớn là Chiến tranh thế giới thứ 2 và Chiến tranh Triều Tiên, nền kinh tế Hàn Quốc gần như kiệt quệ.
Trở thành đồng minh và dựa hẳn vào chính sách của Mỹ được xem như một cứu cánh phát triển của Hàn Quốc, vừa để dựa dẫm về sức mạnh quân sự lại vừa tìm nguồn viện trợ, tạo cơ hội khôi phục và phát triển kinh tế. Theo đuổi chính sách lệ thuộc này, chính quyền quân sự độc tài Hàn Quốc do tướng Park Chung Hee đứng đầu đã bôi một vết nhơ lên lịch sử của một dân tộc từng tự hào là “dân tộc áo trắng” bởi chưa bao giờ gây chiến tranh với quốc gia khác với tư cách là kẻ xâm lược. Lần đầu tiên trong lịch sử 5.000 năm, Hàn Quốc đã đưa quân ra nước ngoài. Hơn 32 vạn lính Hàn Quốc (con số chính xác là 325.517 lượt quân nhân) đã được chính quyền Park Chung Hee gửi sang chiến trường Nam Việt Nam để can dự vào cuộc chiến tranh của Mỹ.

Tham chiến tại Nam Việt Nam 9 năm (từ 1964 đến 1973), nhưng những vết thương – cả thể xác lẫn tinh thần - thì ba bốn chục năm sau vẫn sưng tấy lên trong tâm hồn Hàn Quốc, đồng thời nó cũng để lại không ít những bi kịch đau xót  cho người dân vô tội Việt Nam – nơi gót giày của những người lính Hàn Quốc xa xôi từng giẫm đạp. Đối với gia đình bà Trần Thị Ngái ở xã Hòa Hiệp Trung, Tuy Hòa, Phú Yên, bi kịch ấy được cụ thể hóa thành sự chia ly. Nó trở thành nguyên nhân đẩy anh Trần Văn Ty, con trai bà Ngái vào cuộc kiếm tìm cha vô vọng hơn 30 năm để cuối cùng ngày đoàn tụ lại trở thành ngày mà nỗi tuyệt vọng vỡ oà.

Cuộc hôn nhân của những toan tính

Theo thỏa thuận với Lầu Năm Góc, bắt đầu từ năm 1964, các đơn vị quân đội Hàn Quốc gồm Lữ đoàn Thanh Long cùng hai sư đoàn Bạch Mã và Mãnh Hổ đã lần lượt chia đôi quân số, một nửa tiếp tục tuyển quân cho đủ phiên chế ở lại làm nhiệm vụ trong nước, nửa kia cũng tuyển thêm quân và được gửi sang tham chiến tại Nam Việt Nam trên địa bàn 5 tỉnh miền Trung là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Âm mưu là chuyện của giới chính khách chóp bu, còn người lính vốn chỉ biết nhận lệnh và thi hành.

Hơn 90% binh sĩ Hàn Quốc đều xuất thân từ nông dân, đa phần thất học và nghèo khó. Với khẩu hiệu “Thà chết trên chiến trường Việt Nam còn hơn chết đói ở Hàn Quốc”, họ coi việc có mặt ở Nam Việt Nam như một giải pháp kinh tế, vừa tự nuôi thân vừa tìm nguồn thu nhập giúp đỡ gia đình. Lính Hàn Quốc rất tích cực trong việc ăn cắp hàng quân nhu trong kho quân tiếp vụ do Mỹ cung cấp để tuồn ra thị trường chợ đen kiếm thêm thu nhập bổ sung vào nguồn lương lính vốn chẳng nhiều nhặn gì cho lắm.

Dĩ nhiên, tướng Chae Myeong Shin, Tư lệnh quân đội Hàn Quốc trên chiến trường Nam Việt Nam không hề biết đến thực trạng này. Đại tá Choe Ki Teak, Sư trưởng Sư đoàn Bạch Mã cũng không biết Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, Sư đoàn Bạch Mã đóng tại thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam, Tuy Hòa chắc cũng chẳng khá gì hơn. Thế nhưng hạ sĩ Kim Young Ki thì chẳng lạ gì. Vốn là một nhân viên quân pháp của Trung đoàn 28 phụ trách giám sát, kiểm tra việc cấp phát quân nhu, xuất thân cũng là một anh nông dân chính hiệu, những trò láu cá ma mãnh của đám lính gốc ruộng không dễ gì qua mắt của hạ sĩ Kim.

Biết nhưng làm ngơ, không bắt, hạ sĩ Kim chỉ im lặng thở dài. Chiến tranh đã chứa quá thừa sự trừng phạt, anh không muốn dồn thêm tai vạ cho những người bạn đồng ngũ. 

Thái độ tha thứ có phần nhu nhược vô kỷ luật của hạ sĩ Kim đã được đền bù bằng  sự hàm ơn và mối thiện cảm của Trần Thị Ngái, một cô gái địa phương hơn anh 3 tuổi. Không ai khác, Ngái chính là người buôn đồ hộp thường xuyên vào doanh trại Hàn Quốc “hứng” những chuyến hàng lính tráng trộm cắp, mua giá rẻ và bán lại kiếm lời. Trần Thị Ngái là con gái đầu của ông Trần Phương, một cựu lý trưởng giàu có và lắm tật ở xã Hòa Hiệp Trung với người vợ thứ hai.

Nhà có trên trăm mẫu ruộng, khi lớn lên, Trần Phương được gia đình gửi ra Quy Nhơn ăn học đàng hoàng ở trường Tây, mong sẽ đỗ đạt thành tài. Nhưng giữa học hành và chơi bời, năng khiếu thứ hai Trần Phương có vẻ vượt trội hơn nhiều. Bỏ mộng làm thầy thông thầy ký, Trần Phương về làng làm một ông lý trưởng, hưởng thú điền viên với hai người vợ và... 23 người con, trong đó có một con nuôi và một con riêng của người vợ cả. Bà thứ hai, mẹ của Trần Thị Ngái sinh nở tới 14 lần. Con cái nhiều đến nỗi thiếu cả tên để đặt, sau “con Mười”, ông Phương đành gọi những đứa con kế tiếp bằng những cái tên hết sức nôm na là Út Dư,  Út Thừa, Út Thãi và... Út Cặn.

Là chị lớn của một bầy em lóc nhóc, Trần Thị Ngái tỏ ra khá tháo vát và chịu khó. Khá nhanh, cô trở thành một người buôn đồ hộp thành công và giàu có. Thường xuyên vào ra doanh trại của Trung đoàn 28, cả vốn tiền bạc lẫn vốn tiếng Hàn của Ngái đều dày lên rất nhanh. Những món quà và lời cảm ơn bằng tiếng Hàn của cô chẳng bao lâu đã khiến hạ sĩ Kim chao đảo.

Anh ngỏ lời cầu hôn và được cô gái gật đầu, dù trước đó Ngái đã từng từ chối một lời tương tự của viên trung tá tỉnh trưởng tỉnh Phú Yên. Thật ra, ông tỉnh trưởng muốn lấy Ngái là vì cô giàu có. Hạ sĩ Kim không đến mức thực dụng như thế nhưng suy nghĩ cũng có phần đồng cảm. Trong chiến tranh, thân phận con người là vô định, viên hạ sĩ không muốn tốn công suy nghĩ. Với Ngái, cuộc hôn nhân vừa là sự đền ơn, vừa là cơ hội cho việc kinh doanh.

Dù phản đối quyết liệt, ông Trần Phương cũng không thay đổi được quyết định của cô con gái. Tiền bạc đã tích cóp được thừa đủ để cô theo đuổi và bảo vệ lý lẽ của mình, trong khi cha cô thì không đủ sức  tranh luận quá nhiều. Khi có tới 23 mặt con thì tránh không sa vào những cuộc tranh luận giải quyết bất đồng thế hệ chắc sẽ là một quyết định khôn ngoan, dù rằng ông Trần Phương có đủ lý do xác đáng. Vào thời điểm đó, trên đất Tuy Hòa và nhiều nơi khác dọc dải miền Trung, tội ác, sự tàn bạo dã man của những tên lính Hàn Quốc đánh thuê đã trở thành một nỗi ám ảnh ghê rợn.

Ngay ở thôn Vũng Tàu, xã Hòa Hiệp Nam bên cạnh, lính Hàn Quốc cũng đã từng gây ra một cuộc thảm sát giết chết một lúc 167 dân làng, phần lớn trong số đó là người già, phụ nữ và con trẻ... Không muốn nhận một “đồ tể" làm con rể, nhưng ngăn cản cũng không xong, ông cựu lý trưởng chỉ còn biết lắc đầu tự trấn an: dù sao hạ sĩ Kim cũng chỉ là một tên lính quân pháp, chỉ lo chuyện nội bộ, không phải là kẻ trực tiếp nhúng tay vào máu.

Đám cưới của họ được Ban chỉ huy Trung đoàn 28 đứng ra tổ chức vào đầu năm 1967. Khi đám lính Hàn Quốc đang tập trung tại nhà ông Trần Phương để chuẩn bị rước dâu thì một chiếc xe jeep cày bụi đường phóng tới. Không hề có “chiến dịch” nào như lệnh truyền miệng báo ra nhưng cả chú rể lẫn những “đại diện họ nhà trai” vẫn bị triệu ngay về doanh trại. Tuy Hòa là mảnh đất du kích hoạt động mạnh, chỉ huy trung đoàn sợ lính Hàn bị tập kích bất ngờ!

Ngay sau Tết Mậu Thân 1968, khi Trần Thị Kim Oanh, cô con gái đầu lòng vừa chào đời thì hạ sĩ Kim được gọi về nước. Gần một năm sau,  Kim lại được gửi sang Việt Nam lần thứ hai trong vai trò một lính lái xe của Trung đoàn 30, Sư đoàn Bạch Mã, đóng quân tại đèo Bánh Ít, Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Vừa rút kinh nghiệm, vừa để... phòng xa, ngay trong năm 1970, vợ chồng viên hạ sĩ sinh liền một lúc hai người con: Trần Thị Kim Hương vào đầu tháng 1-1970 và Trần Quốc Tiến vào cuối tháng 10 cùng năm đó! Lại một lần nữa, “chiến tranh”, “đời lính” là những từ ngữ được đưa ra để giải thích cho tốc độ sinh nở. Lính tráng ai chả vội vàng!

Sự lo xa của họ hoàn toàn không thừa. Ngay trong năm đó, Kim Young Ki lại được đưa về nước và giải ngũ luôn. Kể từ đó, ông không một lần quay lại, không hề biết đến sự dập vùi mà số phận đã trút lên đầu vợ và ba đứa con dại ở phương trời cũ.

Bi kịch thời hậu chiến

Cậu bé Trần Quốc Tiến sinh ra khi cha đã hồi hương và chưa một lần được nhận mặt con. Vì thế, ký ức về người cha, đối với Tiến chỉ là một con số zero tròn trịa. Nhưng, “di sản” tinh thần mà dòng máu Hàn Quốc chảy trong người là nguyên nhân thì cậu bé sẽ chẳng bao giờ quên, bởi đó là những khổ cực và nỗi ám ảnh triền miên chạy dọc tuổi thơ còm cõi của nó.

Ngay sau ngày giải phóng, nghề đầu nậu đồ hộp quân nhu của bà Ngái đã không còn có cơ hội tồn tại. Lý lịch vào ra doanh trại Hàn Quốc như đi chợ (mà “đi chợ” thật chứ còn “như” gì nữa) khiến bà bị nghi ngờ làm gián điệp cho giặc. Năm 1976, bà bị du kích địa phương bắt, ngôi nhà ở quê bị tịch thu. Mắt một mí, khuôn mặt Hàn Quốc rặt của chị em Tiến khiến chúng trở thành một nỗi ác cảm với hàng xóm láng giềng. Lúc đó, Tiến còn quá nhỏ để có thể thấu hiểu hết ngọn nguồn của tấn bi kịch. Sau chiến tranh, xóm làng xơ xác.

Toàn bộ những làng vùng Nam Tuy Hòa, nơi có quân Hàn Quốc từng đồn trú, nhà nào cũng có người chết vì chiến tranh, làng nào cũng có ngày giỗ tập thể cho những nạn nhân vô tội bị lính Hàn tàn sát trong những chiến dịch “tìm và diệt” hay những trận càn quét trả thù sau những lần bị du kích tập kích. Thời gian chưa đủ dài để làm lành những vết thương, trong khi khuôn mặt giống cha của ba chị em Tiến lại quá dễ gợi lại những nỗi đau vẫn còn âm ỉ. Sống với ông ngoại, thiếu vắng cả cha lẫn mẹ, những đứa trẻ vô tội cũng không mong gì nhận được sự xót thương của hàng xóm láng giềng.

Ngược lại, mỗi lúc ra đường, hai tiếng “con lai” lại như những con dao chọc vào nỗi thiệt thòi trống vắng của chúng. Một vài người hàng xóm tốt bụng muốn mang sang cho ba đứa trẻ đang đói ít khoai sắn vừa mới dỡ cũng đành tặc lưỡi rồi quay đi, bỏ quên dự định  vì sợ có người bắt gặp... Chúng sống bữa đói bữa no lay lắt trong sự ghẻ lạnh của xóm giềng. Vừa mới vào lớp 1 chưa bao lâu, Tiến đã phải bỏ học. Hai chị gái của nó cũng vậy. Không ai đoái hoài hay quan tâm để cho chúng một lời khuyên.

Trằn lưng gánh chịu những thiệt thòi vì nguồn gốc con lai Hàn Quốc nhưng ký ức nguồn cội, kỷ niệm về người cha thì cả ba chị em đều không nhớ được tí gì. Ông Kim hồi hương khi đứa nhỏ nhất còn trong bụng mẹ, đứa lớn nhất cũng mới hơn hai tuổi. Ngày du kích vào khám nhà, nhìn thấy ảnh ông Kim, họ bảo bà Ngái: “Giữ làm gì nữa, còn lưu luyến với “giặc” à?”. Sự ấu trĩ và cực đoan trong buổi đầu của nền chuyên chính khiến ít ai để ý đến sự thô bạo trong cách chối bỏ cái cũ để dựng xây chế độ mới là điều nên tránh.

Hoảng sợ, toàn bộ những giấy tờ, hình ảnh, tư liệu, kỷ vật liên quan đến viên hạ sĩ Hàn Quốc, bà Ngái đều đem tiêu huỷ sạch. Cả giấy khai sinh cho ba đứa trẻ, bà cũng làm lại hết để thay cái tên Kim Young Ki trong mục người cha thành hai chữ “vô danh”. Để triệt để tránh cho các con những liên lụy từ dấu vết của người cha, bà quyết định “cho” chúng sinh vào thời điểm ông Kim không có mặt ở Việt Nam nữa.  Vậy là cả ba chị em, lớn nhỏ gì cũng đều sinh cùng một năm 1972! Trần Quốc Tiến được đổi tên thành Trần Văn Ty. Người thư ký ở xã giấm giẳn: “Năm 72 là Tý chứ Ty cái nỗi gì(!?)”. Cam phận tới mức không dám cãi lại, bà Ngái chẳng thanh minh. Vậy là con trai bà nghiễm nhiên có thêm tên, lúc Ty, lúc Tý!

Sau gần một năm, bà Ngái được thả. Không sống nổi trong sự ghẻ lạnh của làng xóm, bà dắt ba đứa con dại lên sống trong căn nhà mua từ trước giải phóng ở thị xã Tuy Hòa. Một lần nữa, khi giai đoạn cải tạo tư sản bắt đầu, nhà cửa, xe hơi lại bị tịch thu, bà Ngái lại bị bắt, việc học hành của ba đứa trẻ mới bắt đầu trở lại lại bị gián đoạn. Nhưng cũng may, lần này bà chỉ bị tạm giữ chừng hơn một tháng là được thả. Vốn liếng tàn nhưng chưa kiệt, bà gom góp lại bắt đầu một nghề mới cho giai đoạn bĩ cực: nghề thu mua phế liệu, bắt đầu từ một gánh ve chai đồng nát. Không giàu có gì, nhưng ba chị em Ty cũng được ăn học đến nơi đến chốn. Cả ba đều được học hết THPT.

Một thời gian sau, bà Ngái tái hôn và có thêm ba đứa con, một gái hai trai nữa. Năm 1989, bận bịu việc gả chồng cho con gái đầu, bà Ngái bị bạn hàng lừa mất sạch cả vốn liếng. Ty lại bỏ học. Cậu bé bỏ vào Phan Rang đốt than cùng một người cậu, đến năm sau mới trở về học lại lớp 10.

Nỗi thống khổ về nguồn gốc con lai đã khiến cậu bé gần như bụi đời tìm cách vượt biên hơn chục lần trong suốt 10 năm (1982-1992). Một cách mơ hồ nhưng cháy bỏng, Ty muốn tìm cơ hội bỏ ra nước ngoài để nuôi hy vọng tìm lại người cha chưa một lần giáp mặt. May cho Ty, không có vàng góp vốn lại còn quá nhỏ nên lần nào nó cũng bị những kẻ đồng hội đồng thuyền bỏ rơi. Khi học xong trung học, khao khát tìm cha trong Ty vẫn còn nguyên vẹn nhưng vận hội đã đổi, nhận thức đã thay, ý định vượt biên trong đầu nó cũng rơi đâu mất. Một mình một thân, Ty bỏ vào Tp. HCM sống lang thang tìm kiếm một con đường, một cơ hội khác để tìm lại cha mình. (Còn tiếp)
Nguyễn Hồng Lam
.
.
.