Hàng chục ngàn tư liệu, hiện vật lịch sử mòn mỏi chờ... bảo tàng

Chủ Nhật, 17/12/2017, 08:59
Suốt hơn 40 năm qua, những hiện vật quý giá được gửi gắm, trưng bày trong khuôn viên di tích Quốc Tử Giám, thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế khiến công tác bảo quản, bảo vệ đối với những hiện vật này gặp nhiều khó khăn.


Vùng đất cố đô Huế hiện có hàng chục ngàn hiện vật lịch sử đang được lưu giữ, bảo quản tại các bảo tàng và di tích được công nhận. Trong đó, chỉ tính riêng Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế đang quản lý, bảo vệ hơn 30.000 tài liệu, hiện vật lịch sử quý giá. Tuy nhiên, suốt hơn 40 năm qua, những hiện vật này lại được gửi gắm, trưng bày trong khuôn viên di tích Quốc Tử Giám, thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế khiến công tác bảo quản, bảo vệ đối với những hiện vật này gặp nhiều khó khăn.

Một ngày trung tuần tháng 12-2017, chúng tôi tìm đến di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn, đóng trên đường 23 Tháng 8, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và chứng kiến nhiều du khách đến đây tham quan, chụp ảnh các hiện vật lịch sử xe tăng, máy bay... đang được trưng bày tại khuôn viên di tích. Điều đáng nói, suốt hơn 40 năm qua, những hiện vật lịch sử này được trưng bày giữa mưa, nắng và nhiều du khách đã bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng xuống cấp, hư hại của những hiện vật lịch sử quý giá ở đây.

Một số hiện vật lịch sử được trưng bày tại di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn xuống cấp, hư hỏng.

Tìm hiểu được biết, năm 1803, vua Gia Long cho xây dựng Đốc học đường tại địa phận An ninh Thượng, huyện Hương Trà (nay thuộc thị xã Hương Trà), đây được xem là trường quốc học đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn. Đến năm 1908, dưới thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được di dời vào bên trong Kinh thành Huế tại vị trí kể trên. Ngày 11-12-1993, cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn, Quốc Tử Giám được ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. 

Tuy nhiên, suốt hơn 40 năm qua, khuôn viên di tích Quốc Tử Giám lại được Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế (tiền thân là Bảo tàng Tổng hợp Bình Trị Thiên thành lập sau năm 1975) “mượn tạm” để trưng bày, bảo quản hơn 30.000 tài liệu, hiện vật lịch sử. Trong đó có các hiện vật, tư liệu quý giá có từ giai đoạn sơ sử, các hiện vật khảo cổ học của di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn, văn hóa Chăm Pa, hiện vật lịch sử văn hóa của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân...

Và trong số hàng chục ngàn hiện vật, tài liệu của Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế quản lý, hiện có nhiều hiện vật quý giá trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc gồm 7 chiếc xe tăng, 4 máy bay, 4 khẩu pháo và một số súng thần công có từ thời Nguyễn được trưng bày ngoài trời thuộc khuôn viên di tích Quốc Tử Giám nhưng không có mái che khiến nhiều hiện vật bị hỏng hóc. 

Trong khi đó, tại khu nhà Di Luân đường thuộc di tích này đang bị xuống cấp cũng được trưng bày nhiều hiện vật. Riêng phần lớn các hiện vật còn lại đều được cất giữ, bảo quản trong kho tại di tích Quốc Tử Giám vì... không có nơi để trưng bày. 

“Hiện vật trưng bày ở đây vô cùng phong phú, là bằng chứng về cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Đồng thời thông qua những hiện vật này có thể giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng cho thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay. Chính vì lý do này mà trước đây tôi đã dẫn một đoàn học sinh đến đây tham quan và hy vọng sau khi trở lại, các hiện vật lịch sử này sẽ được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, sau 5 năm, chúng tôi trở lại nơi này tham quan thì các hiện vật vẫn được trưng bày giữa trời như cũ. Mặt khác, do tác động của thời tiết khắc nghiệt nên hiện các khẩu súng thần công, máy bay, xe tăng đều bị gỉ sét, hư hỏng nhiều bộ phận rất đáng tiếc...”, một nữ giáo viên ở TP Hồ Chí Minh dẫn đoàn học sinh tham quan các hiện vật trong khuôn viên di tích Quốc Tử Giám chia sẻ.

Trước thực trạng này, nhiều năm qua, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều cuộc họp để bàn phương án chọn địa điểm thích hợp để xây dựng Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm di dời hơn 30.000 tư liệu, hiện vật lịch sử đến khu vực trưng bày, bảo quản mới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn phải lưu giữ các hiện vật lịch sử trong di tích Quốc Tử Giám khiến việc quản lý, bảo vệ, bảo quản gặp không ít khó khăn.

Về vấn đề này, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cuối năm 2016, UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị bàn giao cho tỉnh phần khu đất tại số 268 Điện Biên Phủ, TP Huế hiện do Tiểu đoàn 19 thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế quản lý để làm Bảo tàng Lịch sử. 

Đến cuối tháng 3-2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đồng ý đề xuất của Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc chuyển giao khu đất trên cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quản lý, sử dụng. Theo đó, vào tháng 5-2017, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định giao đất với tổng diện tích 7.500m² tại khu đất số 268 Điện Biên Phủ, TP Huế cho Sở Văn hóa - Thể thao lập Bảo tàng.

“Hiện UBND tỉnh đã giao cho Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát cơ sở vật chất hiện có, khẩn trương triển khai lập dự án đầu tư Bảo tàng Lịch sử để di dời các hiện vật, tư liệu từ di tích Quốc Tử Giám về nơi mới, đồng thời xây dựng phương án trưng bày phù hợp với không gian tại vị trí mới được phê duyệt như trên. Và kế hoạch trong năm 2019 sẽ đưa Bảo tàng Lịch sử vào hoạt động, qua đó sẽ trả lại không gian mở rộng phạm vi trưng bày cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ở di tích Quốc Tử Giám”, ông Dũng khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.