Hàn gắn những mảnh đời người khuyết tật

Thứ Ba, 05/01/2010, 08:52
PA (Personal Assistant - hỗ trợ cá nhân) thuộc Trung tâm sống độc lập tại 42 Kim Mã Thượng, Hà Nội là tên gọi của một công việc làm thêm. Tuy nhiên, số tiền lương mà các bạn trẻ làm công việc này nhận được không nhiều so với các công việc khác mà còn cần thời gian cùng sự kiên nhẫn, tấm lòng vị tha. Điều quan trọng hơn cả khi làm PA chính là các bạn trẻ hiểu, chia sẻ, cảm thông với những mất mát của những người khuyết tật, giúp họ sống hoà nhập với cộng đồng.

Cát Văn Song, sinh viên Khoa Tổ chức và quản lý nhân sự, Học viện Hành chính quốc gia tham gia công việc của một PA từ tháng 7 năm 2009 qua sự giới thiệu của bạn bè. Sau khi bày tỏ sự nhiệt tình, tấm lòng đồng cảm, đáp ứng được điều kiện thời gian…,

Song được Trung tâm sống độc lập tuyển chọn và tập huấn trong khoảng thời gian 2 tháng. Từ đó, Song thành thạo cách đẩy xe lăn, kỹ năng giao tiếp và nắm bắt tâm lý, kỹ thuật xoa bóp vật lý trị liệu, tiếp cận phương tiện giao thông... đến những kiến thức bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật trong xã hội, giúp họ bỏ qua mặc cảm để sống chủ động hòa nhập tự nhiên với cộng đồng.

Và, người bạn của Song chính là anh Minh, sinh viên một trường trung cấp về tin học bị liệt hai chân và tay trái. Từ suy nghĩ chỉ tìm một công việc làm thêm, Song đã tìm thấy một công việc phù hợp với mình, giúp Song hoàn thành nhân cách sống, đó là biết chia sẻ mất mát với những người không may mắn.

Hàng ngày, sau khi thức dậy, Song đến nhà anh Minh tại đường Nguyễn Khang để đẩy xe giúp anh đi học. Trưa đến, Song lại đưa anh Minh về. Hai anh em đi chợ, nấu cơm như người một gia đình. Song giúp anh Minh làm những việc thông thường nhất trong sinh hoạt cá nhân như đi vệ sinh, mặc quần áo…

Hai người đã gắn với nhau như hai anh em ruột trong gia đình. Đã có lần, anh Minh muốn đi thăm Lăng Bác mà hai anh em không có tiền. Thế là, không ngại khó khăn, Song đã cố gắng đẩy xe lăn đưa anh Minh đi đoạn đường gần chục km từ nhà đến Lăng Bác. Hai anh em về nhà lăn ra ốm hơn một tuần.

Anh Minh tâm sự: "Nếu như không có Song, mình không thể đi chợ, đi chơi hay tham gia các công việc ngoại khoá cùng các bạn ở lớp, không thể biết được cuộc sống hàng ngày bên ngoài khu nhà trọ đang diễn ra sôi động như thế nào!".

Cũng giống như Cát Văn Song, Nguyễn Thị Giang, sinh viên lớp KT 7A3, Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp cũng đã làm PA được 6 tháng cho biết: Giang cũng lựa chọn công việc này qua sự giới thiệu của bạn bè.

Hàng ngày, Giang bắt xe buýt đến nhà chị Oanh ở số 47 Triệu Việt Vương. Vì một tai nạn, chị Oanh bị liệt cột sống và hai chân. Thời gian đầu làm công việc này, Giang và chị Oanh không tránh khỏi những bức xúc do Giang chưa quen công việc cũng như chưa hiểu hết suy nghĩ của chị Oanh. Không lâu sau đó, Giang đã trở thành người bạn thân thiết của chị Oanh.

Đưa chị Oanh đi chợ, đọc sách cho chị nghe, hai chị em cùng nhau nấu nướng và ngay cả những lúc chị Oanh không thể tự đi vệ sinh được, Giang cũng giống như cánh tay phải của chị Oanh. "Công việc này khiến em cảm thấy rất thoải mái chứ không còn cảm giác xa lạ như những ngày bắt đầu", Giang tâm sự.

Theo chị Nguyễn Bích Thuỷ, Giám đốc điều hành Trung tâm sống độc lập, năm 2008, Tổ chức Người khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương (DPI A/P) phổ biến khái niệm và nguyên lý sống độc lập tới Nhóm Vì tương lai tươi sáng của người khuyết tật (BF).

Trong ba năm từ năm 2009 đến năm 2011, với sự tài trợ của Quỹ Nhật Bản (Nippon Foundation) và Hội Người khuyết tật Hà Nội, DPI A/P đã hỗ trợ nhóm BF thành lập Trung tâm sống độc lập tại số 42 Kim Mã Thượng, Hà Nội. Trung tâm sống độc lập là nơi người khuyết tật tuyên truyền và tư vấn cho người khuyết tật khác về sống độc lập, khuyến khích họ tự do lựa chọn cách sống độc lập và hoà nhập cộng đồng, đồng thời cung cấp sự trợ giúp tích cực cho người khuyết tật thuộc tất cả dạng tật.

Mục đích của Trung tâm là hỗ trợ từng cá nhân khuyết tật để họ phát huy được tiềm năng của mình ở mức cao nhất ngay tại gia đình và cộng đồng. Số tiền lương mà trung tâm trả cho các PA không hẳn nhiều để có một ưu tiên lựa chọn, nhưng điều thú vị hơn, theo các bạn làm PA là các bạn tìm thấy ở công việc này một tình cảm sẻ chia gần gũi, cảm thấy cuộc sống nhiều niềm vui hơn khi chung tay chia sẻ những khó khăn với người khuyết tật.

Hiện nay, Trung tâm sống độc lập có đến 52 PA. Tất cả các PA đều được tập huấn một cách thành thạo cách đẩy xe lăn, kỹ năng giao tiếp, nấu nướng, trò chuyện cũng như xử lý các tình huống khi hỗ trợ người khuyết tật. Việc xây dựng và duy trì tốt mối quan hệ giữa người khuyết tật sử dụng dịch vụ và PA cũng là một cách thức tốt nhằm lập lại mối quan hệ con người mà người khuyết tật nặng đã quên đi, hoặc chưa bao giờ biết tới

N.Hương
.
.
.